Cách lập ý của bài văn biểu cảm Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách lập ý của bài văn biểu cảm. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em tạo ý cho bài văn biểu cảm, khơi nguồn cho mạch cảm xúc nảy sinh. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Cách lập ý của bài văn biểu cảm Ngữ văn 7

1. Những cách lập ý thường gặp của bài văn biểu cảm

- Để tạo ý cho bài văn biểu cảm, khơi nguồn cho mạch cảm xúc nảy sinh, người viết có thể hồi tưởng kỉ niệm quá khứ, suy nghĩ về hiện tại, mơ ước tới tương lai, tưởng tượng những tình huống gợi cảm, hoặc vừa quan sát vừa suy ngẫm, vừa thể hiện cảm xúc.

- Nhưng dù cách gì thì tình cảm trong bài cũng phải chân thật và sự việc được nêu ra phải có trong kinh nghiệm. Được như thế bài văn mới làm cho người đọc tin và đồng cảm.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy nêu những dạng đề thường gặp về văn biểu cảm.

Gợi ý trả lời:

- Các dạng đề viết văn biểu cảm thường gặp như:

+ Biểu cảm về một người nào đó (người thân, bạn bè, thầy cô…).

+ Biểu cảm về một hiện tượng, sự vật, cảnh đẹp thiên nhiên (đêm trăng, dòng sông, dãy núi, cánh đồng, vườn cây…).

+ Biểu cảm về một tác phẩm hoặc nhân vật trong tác phẩm văn học… Riêng với dạng đề biểu cảm về một tác phẩm, học sinh cần phải hiểu và cảm được những ý nghĩa, vẻ đẹp toát lên từ nội dung, nghệ thuật mà tác giả sử dụng để có cách đánh giá và bộc lộ cảm xúc vừa phù hợp, vừa ấn tượng.

=> Nhìn chung, đề văn biểu cảm có thể cho dưới nhiều dạng nhưng dù là được cho dưới những vấn đề biểu cảm nào thì hầu như những đề văn nói trên đều muốn hướng con người đến những tình cảm tích cực trong cuộc sống.

Câu 2: Em hãy lập ý cho đề bài "Cảm xúc về chuyến đi du lịch đầu tiên".

Gợi ý trả lời:

- Xác định địa điểm em sẽ đi đến là ở đâu? Em đi cùng với ai trong chuyến đi du lịch đó.

- Hồi tưởng lại những kỉ niệm vui và những kỉ niệm buồn của chuyến du lịch đó.

- Có sự kiện gì đặc biệt xảy ra không?

- Tình cảm những người đi cùng em trong chuyến du lịch đó (quan tâm, chăm sóc em như thế nào?...).

- Nêu lên ấn tượng của bản thân em về chuyến du lịch đó.

- Em có điều gì luyến tiếc về chuyến du lịch đó không? Em có muốn đi lại lần nữa không?

- Nghĩ đến hiện tại và tương lai và bày tỏ cảm xúc về chuyến du lịch đó.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được các cách lập ý đa dạng của bài văn biểu cảm.

- Củng cố kỹ năng tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý cho bài văn biểu cảm.

- Ý thức ham học hỏi, có ý thức rèn kĩ năng làm văn biểu cảm.

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM