Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em có kĩ năng làm một bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học cụ thể có đầy đủ bố cục ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu cách làm bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học

- Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học (bài văn, bài thơ) là trình bày những cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm đó.

- Bài cảm nghĩ về tác phẩm văn học cũng phải có ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu tác phẩm và hoàn cảnh tiếp xúc với tác phẩm.

+ Thân bài: Những cảm xúc, suy nghĩ do tác phẩm gợi lên.

+ Kết bài: Ấn tượng chung về tác phẩm.

2. Luyện tập

Câu 1: Đọc bài ca dao dưới đây và phát biểu cảm nghĩ của bản thân:

"Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

khăn thương nhớ ai

Khăn vắt trên vai

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt.

Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt.

Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên.

Đêm qua em những lo phiền,

Lo vì một nỗi không yên một bề...”.

(Ca dao)

Gợi ý trả lời:

Bài ca dao trên thuộc chủ đề tình yêu đôi lứa, khi nói đến hình ảnh cái khăn thì đây là một thi liệu khá quen thuộc trong ca dao. Bài ca dao trên nằm trong hệ thống ca dao về đề tài thương nhớ, một cung bậc trong ca dao tình yêu của người bình dân Việt Nam. Bài ca diễn tả nỗi nhớ niềm thương của một cô gái. Nhớ thương da diết, nhớ đến thao thức, cồn cào gan ruột mà không dễ bộc lộ. Cô phải hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi cả mắt mình. Những câu hỏi không có câu trả lời càng nén chặt nỗi thương nhớ, để cuối cùng trào ra trong nỗi lo âu cho hanh phúc:

"Đêm qua em những lo phiền,

Lo vì một nỗi không yên một bề"

Bài ca dao thể hiện nỗi nhớ người yêu của một cô gái. Không chỉ nhớ mà còn có lo phiền, phấp phỏng. Chính sự lo phiền, phấp phỏng ấy đã làm cho nỗi nhớ còn thêm chiều sâu, khiến nỗi nhớ có thể làm lay tỉnh toàn bộ nhân cách con người.

Có thể hình dung: nhật vật trữ tình đang đắm mình trong nỗi nhớ nhung sầu muộn. Mọi cử chỉ bỗng hóa thẫn thờ. Chiếc khăn vắt hờ hững trên vai vô ý rơi xuống đất. Nhân vật trữ tình cúi nhặt và bỗng nhiên nhìn thấy khăn như nhìn thấy chính cõi lòng mình. Khăn ơi, tại sao mày lại rơi xuống đất? Mày đang nhớ thương ai vậy? Những câu hỏi rưng rưng nỗi niềm đã được đặt ra trong trạng thái mộng du của nhân vật trữ tình.

Từ nhịp thơ 4 chữ dồn dập, liên tiếp, lời ca chuyển sang nhịp thơ lục bát, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng xao xuyến hơn, giãi bày niềm lo âu của cô gái trước hạnh phúc lứa đôi. Không phải ngẫu nhiên mà chữ “lo” được nhắc đến hai lần. Nhớ thương người yêu và lo lắng cho duyên phận của mình “không yên một bề”, tâm trạng của cô gái mang ý nghĩa phổ biến cho người phụ nữ trong cuộc đời xưa: yêu tha thiết nhưng luôn lo sợ cho hạnh phúc bấp bênh.

Bài ca dao này như một tiếng nói chung của người phụ nữ về tình yêu. Để đi tới được hạnh phúc cuối cùng, họ thường phải trông chờ tin mong vào những điều rất mong manh, vô định. Tuy thế, bằng tình yêu vô bờ, họ vẫn tin vẫn nhớ và khao khát tình yêu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Câu 2: Đọc bài văn biểu cảm về tác phẩm "Thương vợ" của Tế Xương và trả lời câu hỏi bên dưới:

Hai câu thơ đầu đã giới thiệu cho người đọc biết về hoàn cảnh làm ăn buôn bán của bà Tú:

"Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng"

Trong hai câu thơ này, ta có thể cảm nhận được hoàn cảnh lam lũ, nhọc nhằn và hình ảnh tất tả, xuôi ngược của bà Tú qua thời gian và địa điểm được nhắc đến trong thơ. Những điều đó được gợi nên bằng các từ: “quanh năm” và “mom sông”. Ở đây, gánh lo của một người phụ nữ như bà lại thêm gấp nhiều lần người bình thường vì bà là trụ cột của gia đình.

Đọc hai câu thơ tiếp theo, ta lại thấm thía hơn những gian khó, nhọc nhằn của người vợ. Những cảm nhận ấy được Tú Xương khéo léo gợi lên một lần nữa trong lòng người đọc qua những từ ngữ, hình ảnh mà ông sử dụng: “lặn lội”, “thân cò”, “khi quãng vắng”, “eo sèo”, “buổi đò đông”.

Hai từ đầu tiên “lặn lội”, “thân cò” dễ giúp người đọc liên tưởng đến chất liệu nghệ thuật của văn học dân gian nên nỗi gian truân, lam lũ của người phụ nữ như bà Tú lại thêm phần được cảm nhận rõ rệt hơn. Những từ còn lại có vai trò khắc họa không gian và thời gian rợn ngợp, nguy hiểm, bấp bênh và chen chúc mà bà Tú phải đối mặt và phải cứng rắn để vượt qua.

"Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công".

Cặp câu này đã tô đậm đức hi sinh của bà Tú. Dù có thể cuộc đời đặt bà vào hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, bà không than phiền hay trách cứ mà chỉ nhẹ nhàng xem đó là “duyên”, “nợ” của cuộc đời mình. Thế nên bà nhận về mình trách nhiệm với gia đình, với chồng con, giữ thái độ chấp nhận “âu đành phận” và cũng chẳng “dám quản công” mà phàn nàn.

Hai câu thơ cuối bộc lộ rất rõ tình cảm và thái độ của tác giả trong bài thơ, đó dường như là tiếng lòng, là nỗi niềm mà nhà thơ muốn gửi gắm sau tất cả:

"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, 

Có chồng hờ hững cũng như không"

Cụm từ “cha mẹ thói đời” thể hiện thái độ có phần gay gắt của Tú Xương đối với nếp sống chung của xã hội và người đời, dù hữu ý hay vô tình cũng đã ít nhiều tác động đến những nhọc nhằn, lam lũ mà bà Tú gánh chịu. 

(Sưu tầm)

Bài văn biểu cảm trên tác giả có sử dụng yếu tố liên tưởng, tưởng tượng, hồi tưởng, suy ngẫm không? Nếu có, hãy chỉ ra.

Gợi ý trả lời:

- Bài văn biểu cảm trên tác giả có sử dụng yếu tố liên tưởng, tưởng tượng, hồi tưởng, suy ngẫm:

+ Sự nhọc nhằn của bà Tú được hồi tưởng lại.

+ Tác giả có sự suy ngẫm về thói đời cha mẹ ăn ở bạc.

+ Tác giả đã liên tưởng đến sự khổ cực của bà Tú qua hình ảnh "thân cò lặn lội".

+ Tưởng tượng về sự nhọc nhằn của bà Tú như thân cò kiếm ăn.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung cảm xúc về tác phẩm văn học và những yêu cầu khi viết văn biểu cảm về tác phẩm văn học.

- Phân tích một tác phẩm văn học biểu cảm.

- Lập dàn ý cho một đề bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học.

- Ý thức ham học, có ý thức trau dồi kĩ năng nhận biết và sử dụng thành ngữ trong nói và viết.

Ngày:22/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM