Bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận. Từ đó, các em có thể tiến hành viết bài văn nghị luận hay và sáng tạo nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận Ngữ văn 7

1. Mối quan hệ giữa bố cục và lập luận

- Bố cục bài văn nghị luận có ba phần:

+ Mở bài: Nêu vấn đề có ý nghĩa đối với đời sống, xã hội (luận điểm xuất phát, tổng quát).

+ Thân bài: Trình bày nội dung chủ yếu của bài (có thể có nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn có một luận điểm phụ).

+ Kết bài: Nêu kết luận nhằm khẳng định tư tưởng, thái độ, quan điểm của bài.

- Để xác lập trong từng phần và mối quan hệ giữa các phần, người ta có thể sử dụng các phương pháp lập luận khác nhau như suy luận nhân quả, suy luận tương đồng,...

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lập dàn ý cho đề văn nghị luận sau: Nghị luận về câu nói Rừng vàng biển bạc.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Rừng và biển là hai tài nguyên vô cùng quan trọng đối với một quốc gia. Với những quốc gia có được: “Rừng vàng biển bạc” như Việt Nam ta là điều đáng tự hào.

b. Thân bài:

- Giải thích:

+ “Rừng vàng biển bạc” thành ngữ chỉ sự giàu có mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đất nước về rừng rậm xanh mát, cây cối tốt tươi, diện tích rừng lớn và biển xanh sóng vỗ với sự phát triển phong phú về thuỷ sản.

+ Hiện trạng của “Rừng vàng biển bạc ở Việt Nam”:

  • Trước những năm đất nước chưa bước vào con đường hiện đại hoá công nghiệp hoá, Việt Nam có diện tích rừng rất lớn và tài nguyên biển phong phú.
  • Khi đất nước càng phát triển kéo theo đó là hệ luỵ về cạn kiệt tài nguyên rừng và biển.
  • Khai thác gỗ quá đà, đốt rừng làm nương rẫy, chặt cây lấy gỗ,…
  • Đánh bắt bừa bãi, dùng mìn, bom đánh bắt cá tôm, gây ô nhiễm môi trường biển,…

- Nguyên nhân:

+ Con người ỷ lại vào tự nhiên và thản nhiên khai thác không cần suy nghĩ hậu quả.

+ Nhu cầu đời sống ngày một tăng khiến những người kinh doanh tìm đủ mọi cách tận dụng tài nguyên rừng và biển.

+ Trình độ dân trí nhận thức còn kém.

c. Kết bài:

- Để Việt Nam là một đất nước có “Rừng vàng biển bạc” thì mọi người dân phải có nhận thức đúng đắn và những hành động thiết thực bảo vệ chúng.

Câu 2: Em hãy viết một bài văn nghị luận về đời sống, xã hội có bố cục đầy đủ ba phần (chủ đề tự chọn).

Gợi ý trả lời:

Đề bài: Chứng minh rằng Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Rừng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và mang lại rất nhiều lợi ích mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Chính vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ rừng vì "Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta".

Điều đầu tiên, chúng ta cần hiểu "rừng" là khoảng đất rộng lớn thường ở cao hơn so với đồng bằng, là nơi sinh sống, tập trung của rất nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Nói đến rừng, ta nghĩ ngay đến các loại cây cối được trồng dày đặc, mọc um tùm và xanh tươi tốt với đủ loại muông thú khác nhau tạo nên một quần thể đa dạng, mang nhiều lợi ích. Bảo vệ rừng chính là giữ gìn, ngăn chặn bằng mọi cách để rừng phát triển tự nhiên.

Rừng được tạo nên từ cây, hàng nghìn, hàng vạn cây mọc san sát nhau. Lượng khí mà rừng cung cấp hằng năm nhiều khi chưa đủ cho loài người. Tuy nhiên khi rừng vẫn được bảo vệ thì cuộc sống con người vẫn được bảo vệ.

Thực trạng thiên tai hằng năm diễn ra ở nước ta rất nhiều như bão lũ, sạt lở đất, cát lấn. Nếu không có hệ thống rừng phòng hộ, rừng ngập mặn được chăm sóc hằng năm thì liệu rằng con số thiệt hại do thiên tai mang đến không dừng lại ở mức đã thống kê. Nhờ có rừng mà ngăn chặn được dòng nước lũ, ngăn chặn cát xâm chiếm đồng bằng. Có thể nói rừng chính là bùa hộ mệnh, giúp cho đời sống con người luôn được bình an.

Vào mùa khô, tình trạng cháy rừng diễn ra tràn lan khiến cho tài nguyên gỗ bị mất đi rất nhiều, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất, phủ xanh đồi trọc đang dần bị mất đi. Bởi vậy ý thức của mỗi người về bảo vệ rừng cần thiết phải được nâng cao. Đó cũng chính là trách nhiệm của chúng ta, để bảo vệ chính chúng ta.

Vai trò to lớn hơn cả của rừng là ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ cuộc sống của con người. Có biết bao nhiêu trận lũ đã giảm bớt được sức tàn phá khi vào tới khu vực dân sinh là nhờ có rừng. Những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn luôn ngày đêm đứng vững trên mảnh đất để bảo vệ cuộc sống của người dân trong phố. Có cây, có rừng nên đất mới không bị sói mòn. Nếu không có sự xuất hiện của rừng thì bao nhiêu người dân đã bị chết vì đất lở. Những khu rừng ngập mặn đóng vai trò chắn sóng từ ngoài biển khơi, ngăn chặn dòng nước mặn từ biển đổ vào thành phố.

Rừng không những đóng vai trò to lớn trong hiện tại mà trước kia, rừng cũng là mồ chôn quân giặc. Những anh lính bộ đội cụ Hồ cần đến rừng để làm nơi ẩn náu, phục vụ kháng chiến. Có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ lấy rừng làm đề tài cho tác phẩm của mình. Ca khúc "Nhạc rừng" mang đậm nét thoáng đạt của rừng, bài thơ "Rừng Việt Bắc" đã nâng cao ý nghĩa của rừng trong kháng chiến,... và bao nhiêu tác phẩm thơ văn khác nữa.

Như vậy, bảo vệ rừng, xây dựng và phát rừng hiện nay đang là một bài toán cấp bách cho các cơ quan chức năng cũng như của người dân đang rất nan giải. Mỗi người cần thiết phải xây dựng cho mình ý thức bảo vệ rừng, cũng như là đang bảo vệ chính cuộc sống của mình.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được mối quan hệ giữa bố cục và phương pháp lập luận của bài văn nghị luận.

- Biết cách lập bố cục và lập luận trong bài văn nghị luận.

- Ý thức học tập bộ môn nghiêm túc.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM