Mùa xuân của tôi Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được nét riêng của cảnh sắc thiên nhiên, không khí mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc, tình yêu quê hương thắm thiết, sâu đậm và ngòi bút tài hoa của tác giả. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Mùa xuân của tôi Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

- Tác giả:

+ Vũ Bằng: ( 1913 - 1984)  Tên thật là Vũ Đăng Bằng.

+ Ông có sở trường viết truyện ngắn, bút kí, tuỳ bút.

+ Là một nhà báo, cây bút viết văn có sở trường ở truyện ngắn tuỳ bút.

- Tác phẩm:

+ "Mùa xuân của tôi" trích đoạn đầu của tuỳ bút “Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt”: Mở đầu cho nỗi thương nhớ suốt 12 thành của tác giả.

+ Bố cục văn bản có thể chia thành 3 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “mê luyến mùa xuân” -> tình cảm của con người đối với mùa xuân.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “mở hội liên hoan” -> cảnh sắc và không khí mùa xuân ở đất trời và trong lòng người.
  • Phần 3: Còn lại -> cảnh sắc riêng của đất trời mùa xuân trong dịp tháng giêng.

2. Đọc hiểu văn bản

2.1. Tình cảm của con người đối với mùa xuân

- Tự nhiên như thế … Mê luyến mùa xuân.

- Điệp từ, điệp ngữ, điệp kiểu câu -> Khẳng định tình cảm với mùa xuân là qui luật, không thể khác, không thể cấm đoán.

- Tác giả Vũ Bằng đã thể hiện mùa xuân bằng những hình ảnh vô cùng đặc sắc, giàu tính gợi hình và gợi tả, không khí và cảnh sắc mùa xuân đất Bắc trong những ngày đầu tháng giêng hiện lên thật đẹp - một vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo khó quên. Đó là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có cầu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...

- Mùa xuân luôn sống mãi trong lòng bạn đọc qua ngòi bút của nhà văn, nhà văn đã tái hiện một mùa xuân đặc sắc về hình ảnh lẫn âm thanh. về đem đến bao sự đổi thay kỳ diệu, làm bừng lên bao sắc xuân, và nhất là trỗi dậy bao sức sống trong lòng người. Nó làm cho người ta muốn phát điên lên, muốn mở cửa đi ra ngoài, muốn có cái thú giang hồ đó đây mà thưởng ngoạn mùa xuân, cảm thấy không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa. Mùa xuân làm cho nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải chồi ra thành những cái lá nhỏ li ti. Đặc biệt, mùa xuân về làm cho người ta "sống" lại và "thèm khát yêu thương.

2.2. Cảnh sắc và không khí mùa xuân ở đất trời và trong lòng người

- Mưa riu riu, gió lành lạnh, tiếng nhạn kêu, tiếng trống chào, câu hát huê tình.

- Sử dụng điệp từ, liệt kê, dấu chấm lửng -> nhấn mạnh các dấu hiệu điển hình của mùa xuân đất Bắc, gợi ra các vẻ đẹp khác của mùa xuân.

- Mùa xuân khơi gợi sinh lực cho muôn loài, trong đó có con người.

- Mùa xuân có sức mạnh khơi dậy và lưu  giữ các năng lực tinh thần cao quí của con người như đạo lí, gia đình, tổ tiên.

-> Giọng điệu sôi nổi, êm ái thiết tha diễn tả sinh động và hấp dẫn sức sống của mùa xuân.

- Dường như mùa xuân bao giờ cũng đẹp, mùa của sự khởi đầu trong năm, sự vật sinh sôi nảy nở. Một mùa xuân thật đẹp (mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến) được cảm nhận bằng một tâm hồn rất tinh tế và nhạy cảm của Vũ Bằng. Dường như tác giả đã hoà nhập lòng mình vào cảnh, để thấy được cái mưa riêu riêu, gió lành lạnh, cả tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, tiếng chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa và cả âm điệu trữ tình sâu lắng, ngọt ngào của câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng.

2.3. Cảnh sắc riêng của đất trời mùa xuân trong dịp tháng giêng

- Những vệt xanh tươi … mới lột.

- Bữa cơm giản dị ….. quạt vào lòng.

- Không khí đời thường giản dị, ấm cúng, chân thật, cảnh sắc thay đổi.

- Nhà văn đã nhắc đến mùa xuân - một mùa đẹp nhất trong năm, mùa của sự khởi đầu, sự đoàn viên, nhà văn phát hiện một vẻ đẹp khác nữa của mùa xuân đất Bắc. Đó là vẻ đẹp của sự hồi sinh, của đất trời, cây cỏ trổ lộc, đơm hoa, kết trái. Đào hơi phai, nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh, nhưng... lại nức một mùi hương man mác... mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn... Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa... người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị... các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật...

- Tác giả đã tinh tế khắc họa từng nét của thiên nhiên trong những ngày xuân một cách chân thực. Những hình ảnh thiên nhiên từ sau ngày rằm tháng giêng không sôi động, rực rỡ bằng những ngày Tết mà như đang bình tĩnh trở lại, đang tích tụ, chưng cất sức sống của mùa xuân để nối tiếp cuộc tuần hoàn kì diệu trong đời sống con người và đất trời, cây cỏ.

-> Ở đoạn này, cái tôi nhà văn không trực tiếp hiện ra như ở đoạn trên mà đang nằm dài nhìn ra cửa sổ... để chiêm ngưỡng, để nhớ thương, và khao khát ngày mai trở lại quê hương, về gặp lại mùa xuân đất Bắc.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Văn bản đem đến cho người đọc cảm nhận vẻ vẻ đẹp của mùa xuân trên quê hương miền Bắc hiện lên trong nỗi nhớ của con người xa quê.

+ Văn bản thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa con người với quê hương, xứ sở - một biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương đất nước.

- Về nghệ thuật:

+ Trình bày nội dung văn bản theo mạch cảm xúc lối cuốn, say mê.

+ Lựa chọn từ ngữ, câu văn linh hoạt, biểu cảm, giàu hình ảnh.

+ Có nhiều liên tưởng phong phú, độc đáo, hình ảnh giàu chất thơ.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Mùa xuân của tôi".

Gợi ý trả lời:

Có thể nhận thấy tác giả Vũ Bằng rất yêu quê hương của mình nên đã chuyển tải hết tâm tư, tình cảm trong văn bản "Mùa xuân của tôi". Cảnh sắc mùa xuân vốn đã đẹp vì mưa riêu riêu, gió lành lạnh, tiếng trống chèo, câu hát huê tình, đến đây càng đẹp hơn. Đến mức chính tác giả cũng phải thốt lên: Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - Mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Mùa xuân ấy lắng đọng mãi, ngân nga mãi trong lòng người, để hôm nay, xa quê hương, một nỗi niềm như thương quê hương đến cồn cào, da diết cứ dâng lên hoá thành dòng cảm xúc ngọt ngào tươi mát, đằm thắm, dệt nên thiên tuỳ bút kiệt tác này. Có lẽ mùa xuân là đề tài gợi nhắc nhiều xúc cảm đối với văn nghệ sĩ. Vũ Bằng là một trong số cây bút viết hay, viết sâu sắc về mùa xuân bằng giọng thơ tinh tế và đầy chất thơ. Với sở trường tùy bút và bút ký ông đã vẽ nên bức tranh mùa xuân đất bắc tuyệt vời qua "Mùa xuân của tôi".

Câu 2: Nhà văn đã cảm nhận mùa xuân ở Hà Nội như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Tác giả Vũ Bằng đã cảm nhận mùa xuân ở Hà Nội trong niềm yêu quê hương, đất nước da diết.

- Không chỉ cảm nhận mùa xuân bằng những giác quan quen thuộc, nhà văn còn cảm nhận mùa xuân bằng tất cả những giác quan, những cảm xúc đặc biệt nhất của tâm hồn.

- Sự cảm nhận ấy được diễn tả bằng những câu văn rất giàu hình ảnh và gợi cảm với một loạt các hình ảnh so sánh liên tưởng đầy ấn tượng: "Thú giang hồ" được cảm nhận êm ái nhớ nhung; nhựa sống trong lòng người căng lên được ví như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.

-> Có thể nhận thấy tình cảm gia đình đầm ấm khiến lòng người vui sướng được nhà văn liên tưởng với cảnh không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được nét đặc sắc riêng của cảnh mùa xuân ở Hà Nội và mùa xuân ở nước ta được tái hiện trong bài tuỳ bút.

- Thấy được tình yêu quê hương, đất nước tha thiết của tác giả thể hiện qua ngòi bút tài hoa, tinh tế, giàu cảm xúc và hình ảnh.

- Rèn kỹ năng đọc diễn cảm, phân tích thể tuỳ bút.

- Giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, biết cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên.

Ngày:22/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM