Qua đèo ngang Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em có thể hình dung được cảnh tượng đèo ngang và cảm nhận được tâm trạng cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Qua đèo ngang Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, chưa rõ năm sinh năm mất, quê ở làng Nghi Tàm, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

- Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan. Do đó, bà có tên gọi là Bà Huyện Thanh Quan.

- Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa.

- Bà để lại 6 bài thơ Đường luật, trong đó có bài "Qua đèo ngang".

1.2. Tác phẩm

 - "Qua đèo ngang" là một trong số bài thơ còn sót lại của Bà Huyện Thanh Quan.

- Bài thơ "Qua đèo ngang": Có thể được viết khi bà trên đường vào kinh thành Huế nhận chức.

- Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

+ Số câu: 8 câu/ bài.

+ Số chữ trong trong 1câu: 7 chữ.

+ Gieo vần chữ cuối các câu: 1, 2, 4, 6, 8 (tà, hoa, nhà, gia, ta).

+ Có nghệ thuật đối giữa câu 3 - 4, 5 - 6.

+ Có niêm luật chặt chẽ: bằng - trắc.

- Bố cục: Có thể chia như sau:

+ Hai câu đề.

+ Hai câu thực.

+ Hai câu luận.

+ Hai câu kết.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tìm hiểu hai câu đề

"Bước tới đèo ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, đá chen hoa".

- Không gian: cảnh đèo ngang.

- Thời gian nghệ thuật: lúc xế tà (đã về chiều) -> gợi buồn, nhớ làm tăng thêm nỗi cô đơn trong lòng tác giả trên đường lữ thứ tha hương.

- Cảnh vật: cỏ cây, lá, đá, hoa.

-> Động từ “chen’’ điệp hai lần gợi sức sống cỏ cây ở một nơi hoang dã, vô trật tự, hoang vu.

=> Vừa đặt chân đến chốn đây cũng là lúc mặt trời đổ bóng. Thời gian lúc này là "bóng xế tà", là khoảnh thời gian kết thúc của một ngày. Xưa kia văn thơ trung đại người ta thường chỉ lấy buổi chiều làm hình ảnh trong thi phẩm chỉ khi lòng người mang đậm nỗi buồn. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", phải chăng là nỗi lòng bà huyện Thanh quan tài năng kia cũng mang một nỗi niềm về thế thời. Từ "chen" được điệp đến hai lần trong một câu thơ như tăng thêm chất hiu quạnh hơn. Nghệ thuật tiểu đối trong cùng một câu tạo nên nhịp thơ đăng đối hài hòa. Thêm đó lại càng làm bức tranh chiều tăng thâm phần hiu quạnh.

2.2. Tìm hiểu hai câu thực

"Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà".

- Nghệ thuật đối, đảo ngữ, lặp cú pháp.

-> Nhấn mạnh tính chất đặc điểm của con người và cảnh vật.

- Sử dụng các từ láy: Lom khom, lác đác, tạo ấn tượng người trong cảnh, cảnh trong cảnh thêm nổi bật: Sự mờ xa, hun hút, thưa thớt, tăng sự mênh mông, lặng lẽ, hoang vắng của cảnh vật.

-> cảm giác buồn như thấm sâu vào lòng người xa xứ.

- Cảm xúc buồn, thiếu sức sống trước cảnh hoang vắng, heo hút, buồn hoang sơ nơi con đèo xa xôi lúc chiều tà.

=> Bức tranh chỉ thêm đẹp khi có sự xuất hiện của con người. Biện pháp đảo ngữ các từ láy gợi tả như "lom khom", "lác đác" và các chỉ từ "vài", "mấy" làm không gian chở nên hiu hắt, con người thì quá đỗi nhỏ bé so với thiên nhiên hùng vĩ chiều hôm. Dưới chân núi, vài chú tiều phu đốn củi, vài mái nhà thưa thớt quanh quanh. Không gian bao chùm lên toàn bộ cảnh vật là sự hiu quạnh và vắng vẻ.

2.3. Tìm hiểu hai câu luận

"Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia".

- Nghệ thuật đối, đảo ngữ, lấy động tả tĩnh, đồng âm, ẩn dụ tượng trrưng.

-> Nhấn mạnh tâm trạng của tác giả.

- Tiếng chim quốc –> nhớ nước (Quốc = nước/ Nhớ nước).

- Tiếng chim đa –> nhớ nhà (Gia = nhà/ Thương nhà).

=> Đó là tiếng lòng tha thiết, da diết của nhà thơ: Nhớ nhà, quê, nhớ quá khứ của đất nước, nhớ kinh thành Thăng Long, tâm trạng hoài cổ.

- Tiếng chim kêu buồn, khắc khoải, triền miên không dứt làm tăng thêm sự vắng lặng và càng xoáy sâu thêm vào nỗi buồn nhớ của nhà thơ.

=> Nghe tiếng chim rừng mà tác giả thấy nhớ nước, nghe tiếng chim gia gia tác giả thấy nhớ nhà. Dường như nỗi lòng ấy đã thấm sâu vào nỗi lòng nhà thơ da diết không thôi. Lữ khách là một nữ nhi nên nhớ nước nhớ nhà nhớ chồng nhớ con là một điều hiển nhiên không hề khó hiểu. Từ nhớ nước, thương nhà là nỗi niềm của con chim quốc, chim gia gia do tác giả cảm nhận được hay chính là nghệ thuật ẩn dụ để nói lên tâm sự từ trong sâu thẳm tâm hồn của nữ sĩ.

2.4. Tìm hiểu hai câu kết

"Dừng chân ngắm lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta"

- Biện pháp đối ý: Trời, non, nước (thiên nhiên rợn ngợp, mênh mông, lớn lao) >< một mảnh tình riêng (thế giới nội tâm của cá nhân nhân vật trữ tình: buồn, cô đơn).

-> Cực tả nỗi buồn, cô đơn, xa vắng của người lữ khách đứng trên đỉnh đèo.

+ Cụm từ “ta với ta”: tuy 2 mà 1, chỉ để nói một người, một nỗi buồn, một nỗi cô đơn không ai sẻ chia.

-> Hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, cô đơn giữa đất trời bao la.

- Hai câu cuối cực tả tâm trạng cô đơn, buồn đau, nhớ tiếc quá khứ, nỗi thương nước nhớ nhà của cá nhân tác giả.

=> Cảnh vật đèo Ngang thật hùng vĩ khiến tác giả dừng chân không muốn rời. Cái bao la của đất trời, núi non, sông nước như níu chân người thi sĩ. Nhưng đứng trước không gian bao la hùng vĩ ấy, tác giả chợt nhận ra nỗi cô đơn trong lòng mình dần dâng lên "một mảnh tình riêng ta với ta". Khung cảnh thiên nhiên càng rộng lớn thì nỗi cô đơn của người lữ khác cũng càng đầy. Một mảnh tình riêng, một nỗi lòng sâu kín, những tâm sự đau đáu trong lòng mà không biết chia sẻ nhắn nhủ với ai. Âm hưởng nhịp điệu câu thơ như một tiếng thở dài nuối tiếc.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Với phong cách trang nhã, bài thơ "Qua đèo ngang" cho thấy cảnh tượng đèo ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống con người nhưng còn hoang sơ, đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà, nỗi buồn thầm lặng, cô đơn của tác giả.

- Về nghệ thuật:

+ Tả cảnh ngụ tình.

+ Phép đối, đảo ngữ, lặp cú pháp.

+ Sử dụng các từ tượng hình, tượng thanh.

+ Bài thơ được coi là mẫu mực về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

4. Luyện tập

Câu 1: Cảm nhận của em về hai câu thơ đầu trong bài thơ "Qua đèo ngang".

Gợi ý trả lời:

Chỉ với câu thơ đầu tiên tác giả đã khái quát lên toàn bộ về hoàn cảnh, không gian, thời gian khi viết bài thơ. Cách mở đầu rất tự nhiên, không hề gượng ép, tưởng như tác giả chỉ thuận chân "bước đến" rồi tức cảnh sinh tình trước khung cảnh đèo Ngang trong buổi chiều hoàng hôn "bóng xế tà". Hình ảnh "bóng xế tà" lấy ý từ thành ngữ "chiều ta bóng xế" gợi cho ta một nét gì đó buồn man mác, mênh mang, có chút nuối tiếc về một ngày đang sắp qua. Trong khung cảnh hoàng hôn đẹp mà buồn ấy, tác giả chú ý đến một vài hình ảnh độc đáo của đèo Ngang "Cỏ cây chen đá, lá chen hoa". Với việc nhân quá các loại cảnh vật qua động từ "chen" cùng với phép liệt kê hàng loạt cho ta thấy nét sống động trong bức tranh khung cảnh này. Cỏ cây cùng với đá núi, lá và hoa đua nhau vươn lên đầy sức sống. Những hình ảnh nhỏ bé nhưng sức sống thật mãnh liệt. Trong ánh chiều tà lụi tàn mà còn bắt gặp được những hình ảnh này để lại cho ta thật nhiều suy nghĩ.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về câu thơ "Một mảnh tình riêng, ta với ta".

Gợi ý trả lời:

- Một mình nhân vật trữ tình cô đơn giữa đất trời chốn đèo ngang này "Một mảnh tình riêng, ta với ta".

- “Một mảnh tình riêng” ấy là nỗi buồn người xa xứ, là tâm sự về nỗi đau chia cắt đất nước những ngày xưa, là nỗi buồn thương cho cảnh đất nước hiện tại hay chính là cảnh đìu hiu, vắng vẻ, nghèo khổ chốn đèo ngang này vậy. 

- Cụm từ “ta với ta” ngân lên như đập vào vách núi rồi vọng lại trong niềm xót xa, buồn tủi “ta với ta” là chỉ một mình mình với một mình mình. Một tấm tình cô đơn không ai chia sẻ.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hình dung được cảnh tượng đèo ngang và tâm trạng cô đơn của Bà Huyện Thanh Quan.

- Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.

- Đặc điểm tiêu biểu của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- Yêu cảnh thiên nhiên đẹp.

- Yêu quý và trân trọng những tấm lòng yêu nước.

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM