Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận dưới đây nhằm giúp các em biết cách lập dàn ý cho bài văn nghị luận. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu đề văn nghị luận

- Đề bài văn nghị luận bao giờ cũng nêu ra một vấn đề để bàn bạc và đòi hỏi người viết bày tỏ ý kiến của mình đối với vấn đề đó. Tính chất của đề như ca ngợi, phân tích, khuyên nhủ, phản bác,... đòi hỏi bài làm phải vận dụng các phương pháp phù hợp.

- Yêu cầu của việc tìm hiểu đề là phải xác định đúng vấn đề, phạm vi, tính chất của bài nghị luận để làm bài khỏi sai lệch.

2. Lập dàn ý cho bài văn nghị luận

Lập ý cho bài văn nghị luận là xác lập luận điểm, cụ thể hóa luận điểm chính thành các luận điểm phụ, tìm luận cứ và cách lập luận cho bài văn.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lập dàn ý cho đề văn nghị luận: Thời gian là vàng bạc.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Dẫn dắt vào vấn đề: Có người từng nói: "Người nào dám lãng phí một giờ đồng hồ nghĩa là chưa phát hiện giá trị của cuộc sống”. Thời gian là thứ có giá trị không thể nào đong đếm được.

b. Thân bài:

- Bàn luận, phân tích câu tục ngữ Thời gian là vàng bạc:

+ Thời gian là một thứ trừu tượng, trôi qua từng ngày, ta không cảm nhận thời gian một cách trực quan như nhìn hay chạm vào, ta cảm sự trôi chảy của thời gian qua sự thay đổi của sự vật tồn tại xung quanh mình.

+ Thời gian là thứ tiền bạc không thể mua được, một đi không trở lại, một khi đã qua đi không thể nào lấy lại được. Nếu để lỡ mất thời gian dù có hối tiếc cũng thể lấy lại được (“Nếu một người cho bạn thời gian của của mình, anh ta không thể cho bạn món quà nào quý giá hơn nữa”).

+ Thời gian giúp vạn vật vận động theo đúng quy luật, trình tự của nó (Con người, cây cối trưởng thành rồi chết đi, xã hội cũng thay đổi theo thời gian).

+ Thời gian giúp con người tích lũy được giá trị, không chỉ vật chất mà quan trọng hơn là tinh thần, nếu biết tận dụng tốt sẽ tích sẽ khiến giá trị bản thân tăng lên (trưởng thành hơn, hiểu biết hơn...).

+ Thời gian là vàng bạc vì nó giúp thay đổi suy nghĩ, tình cảm của con người: giúp xóa nhòa nỗi đau, hận thù, thậm chí làm phai nhạt tình cảm yêu thương, thay đổi tính tình của con người.

- Mở rộng vấn đề:

+ Quý trọng thời gian không có nghĩa là phải sống gấp gáp, chạy theo thời gian mà là biết trân trọng từng giây, sống hết mình, cống hiến hết mình cho cuộc đời.

+ Không chỉ dành thời gian ra để làm việc như một cỗ máy mà cũng cần cả thời gian nghỉ ngơi hợp lý, quan tâm yêu thương mọi người xung quanh có như vậy mới là tận dụng hết giá trị đích thực của thời gian.

+ Ngày nay vẫn còn một bộ phận giới trẻ chưa biết quý trọng giá trị của thời gian, để thời gian trôi đi vô nghĩa, không tích lũy được giá trị cho bản thân, Ví dụ: chỉ biết vui chơi, thay vì tận dụng thời gian để học lại sa vào trang mạng xã hội than thở học vất vả...

- Liên hệ bản thân:

+ Cần có thái độ phê phán những người không biết quý trọng thời gian.

+ Là một học sinh cần ý thức được giá trị quý báu của thời gian để tránh làm lãng phí thời gian của mình cũng như của những người xung quanh.

+ Biết cách lên kế hoạch, sắp xếp mọi việc sao cho sử dụng quỹ thời gian hiệu quả nhất: biết phân chia hợp lý giữa thời gian học tập và vui chơi giải trí...

+ Nhưng tránh hấp tấp nóng vội bởi mỗi việc cần được đầu tư một quỹ thời gian nhất định của nó thì có thể thành công, chỉ cần biết làm chủ thời gian, nỗ lực và kiên trì ắt sẽ thành công.

+ Sống hết mình từng giây từng phút để không hối hận khi thời gian qua đi, để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

c. Kết bài:

- Khẳng định ý nghĩa câu tục ngữ Thời gian là vàng bạc.

- Mỗi người hãy trân trọng từng phút giây mình đang sống, bạn có thể trì hoãn nhưng thời gian thì không.

Câu 2: Em hãy viết một bài văn nghị luận với đề tài tự chọn.

Gợi ý trả lời:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng...”. Cũng đồng quan điểm với lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cha ta có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Có lẽ đây là câu tục ngữ mà khi bước chân vào bất kỳ ngôi trường nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp. Trước hết, cần hiểu được “tiên học lễ, hậu học văn” có nghĩa là việc đầu tiên cần phải học các lễ nghĩa, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách của bản thân; sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết.

Ở vế câu thứ nhất, “tiên” có nghĩa là trước tiên, còn “lễ” là những lễ nghi hay hiểu đơn giản là cách cư xử của mỗi người trong cuộc sống. Con người sinh ra việc đầu tiên cần phải học chính là cách cư xử với những người xung quanh. Đến về câu thứ hai, “hậu” có nghĩa là sau, còn “văn” ý chỉ vốn kiến thức có được trong các môn học hay bên ngoài xã hội. Như vậy, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ mỗi người việc cần học đầu tiên phải là học cách làm người có đạo đức, nhân cách tốt. Sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa để có thể phát triển bản thân.

Quả thật, khi muốn đánh giá một con người, đôi khi chúng ta không nhìn vào những tấm giấy khen hay những tấm bằng tốt nghiệp. Mà chúng ta đánh giá họ thông qua những hành vi rất nhỏ trong cách giao tiếp, hành xử với những người xung quanh. Nếu “học văn” cung cấp kiến thức cho con người, thì học “lễ nghĩa” sẽ giúp rèn luyện đạo đức, phẩm chất tốt đẹp. Một người vừa có kiến thức sâu rộng, lại biết cách cư xử sẽ gây được thiện cảm tốt đẹp cho mọi người. Từ đó, con đường đến với thành công của họ sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Họ cũng nhận được nhiều tình yêu thương và cảm thấy hạnh phúc hơn.

Bởi nếu một người có kiến thức vô cùng uyên bác, được đất nước trọng dụng những sáng tạo cống hiến của mình. Nhưng người đó lại không biết cách đối nhân xử thế sao cho đúng giá trị đạo đức, không coi trọng những người lớn tuổi, những người sinh thành dưỡng dục ra mình thì những kiến thức tài giỏi mà anh ta học được cũng không có ý nghĩa gì hết. Một người có nhân cách tốt, thì mới là người được người ta kính trọng, yêu mến. Một con người dù tài giỏi nhưng không có đạo đức, không có nhân phẩm tốt thì dù có tài tới mấy cũng bị xã hội tẩy chay, bởi thói vô đạo đức của mình không được ai chấp nhận trong cộng đồng.

Không có gì cao đẹp hơn đạo đức và phẩm hạnh ở con người. Hãy không ngừng tu dưỡng đạo đức và văn hoá ứng xử cho bản thân. Đồng thời cũng không ngừng nỗ lực học tập tốt. Chính tri thức sẽ là nguồn sức mạnh giúp ta hoàn thiện bản thân. Có vậy ta mới trưởng thành và có ích cho xã hội.

(Sưu tầm)

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nhận biết được các đề văn nghị luận.

- Có kĩ năng tìm hiểu đề, lập ý cho bài văn nghị luận.

Ngày:12/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM