Luyện tập về phương pháp lập luận trong văn nghị luận Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách lập luận trong văn nghị luận và trong đời sống. Đồng thời, bài học này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện tập về phương pháp lập luận trong văn nghị luận Ngữ văn 7

1. Lập luận trong đời sống và trong văn nghị luận

- Lập luận trong đời sống thường đi đến những kết luận thu hẹp trong phạm vi giao tiếp của cá nhân hay tập thể nhỏ.

- Lập luận trong văn nghị luận đòi hỏi phải khoa học và chặt chẽ.

2. Luyện tập

Câu 1: Em có nhận xét gì về đặc điểm của luận điểm trong văn nghị luận?

Gợi ý trả lời:

Đặc điểm cơ bản của luận điểm trong văn nghị luận là:

- Ngắn gọn, có tính khái quát cao.

- Có ý nghĩa phổ biến đối với xã hội.

- Phương pháp luận mang tính khoa học, chặt chẽ.

Câu 2: Em hãy viết bài văn nghị luận có sử dụng luận điểm, luận cứ và lập luận cho đề bài sau: Nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.

Gợi ý trả lời:

Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc coi trọng đạo lí biết ơn từ xưa đến nay. Đó là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của ta từ ngàn đời nay, và trong thời kì đất nước phát triển hiện đại như hôm nay, đạo lí Uống nước nhớ nguồn vẫn được giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ.

Vậy Uống nước nhớ nguồn là gì? Chúng ta hiểu như thế nào về Uống nước nhớ nguồn? Có thể hiểu nôm na, ngắn gọn, “uống nước nhớ nguồn” tức là khi chúng ta được hưởng thành quả của những người khác đã làm, để cho mình có đc một cuộc sống, hoặc một điều gì đó tốt đẹp hơn, thì chúng ta cần phải nhớ đến công lao của những người đã hy sinh, để ta được hưởng những thành quả đó.

Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" thật mộc mạc, súc tích mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa. "Uống nước" - một hành động mà chúng ta thường xuyên làm, đó là chỉ sự hưởng thụ, là hành động hưởng thành quả, kết quả mà người khác đã tạo dựng sẵn, chúng ta không cần phải lao động cũng có được. Còn "nguồn" tức là chỉ mạch nguồn, ngọn nguồn nơi xuất phát của dòng nước. Hay "nguồn" cũng là để chỉ những con người, tập thể đã tạo dựng lên thành quả cho chúng ta hưởng thụ "uống nước". Nguồn nước mà chúng ta hưởng thụ mỗi ngày đều là do thiên nhiên ban tặng, vậy nên chúng ta cần biết ơn thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho chúng ta nguồn nước quý giá ấy. Hay cũng là lời ông cha ta muốn khuyên dạy chúng ta rằng: Phải luôn ghi nhớ những hành động của người khác, của thế hệ trước đã giúp đỡ, hi sinh cho mình để mình có được niềm vui, hạnh phúc, được hưởng trái quả ngọt ngào. Đây là một đạo lý thật hàm súc, là nền tảng của một xã hội tốt đẹp.

Mỗi chúng ta sống ở cuộc đời này không ai là có thể tự tạo dựng cho mình một cuộc sống riêng mà không hưởng thành quả mà người khác đã gây dựng ra được. Như khi chúng ta sinh ra, chúng ta đã chịu ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ cha từ chín tháng mười ngày trong bụng mẹ. Vậy nên, chúng ta không thể không biết ơn cha mẹ của mình. Các thành quả trong xã hội, trong cuộc sống không phải tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, có được là do bàn tay khối óc của con người tạo dựng lên. Thế nên, chúng ta càng phải biết ơn những người đã tạo lên thành quả đó để mình được hưởng thụ ngày hôm nay.

Tuy thế, nhưng ngày nay vẫn có một số người sẵn sàng đánh mất đi cái đạo lý nền tảng con người ấy. Họ sẵn sàng đạp đổ nền tảng cơ bản của một con người. Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh của Nguyễn Văn Mạnh (Thái Nguyên) đã dùng chày giết chết người bố ruột của mình chỉ vì tranh cãi về gia sản đất đai. Liệu những kẻ như vậy có hiểu có xứng với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc? Rồi những kẻ phản quốc tham gia hội Việt Tân, chúng có hiểu rõ đất nước ta đã phải khó khăn như thế nào mới giành lại được độc lập mà chúng dám đưa kẻ thù xâm nhập đất nước, hòng gây ra chiến tranh, loạn lạc? Những hành động đó của chúng sẽ phải trả những cái giá thật đắt cho lòng vô ơn của mình.

Nhớ nguồn không chỉ là biết ơn, giữ gìn, bảo vệ thành quả đã có mà bản thân mỗi người cần cố gắng cống hiến, bổ sung thêm những thành quả mới cho “nguồn nước” dân tộc luôn tràn đầy và bất diệt. Có như vậy mới phát huy được tinh hoa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, làm cho xã hội ngày một phát triển. Đó mới là nhớ nguồn một cách thiết thực. Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta chưa làm ra của cải vất chất, tinh thần cho xã hội, do đó hãy bày tỏ lòng biết ơn chân thành với cha mẹ, thầy cô bằng lời nói, việc làm cụ thể của mình: phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng thành con ngoan, trò giỏi để trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.

Qua câu tục ngữ trên, ta càng thầy được đạo lí tốt đẹp của con người Việt Nam. Suy nghĩ đến bốn chữ ngắn ngủi trong câu tục ngữ, "Uống nước nhớ nguồn, " tôi thấy những chữ này dạy ta những bài học vô cùng quý giá trong tinh thần biết ơn. Ta cần biết trân trọng, kính trên nhường dưới, sống có tình có nghĩa. Tôi và bạn hãy cố gắng học tốt để góp phần cồng hiến làm nên những thành quả cho lớp người đi sau.

Sưu tầm

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Khắc sâu kiến thức về khái niệm lập luận trong văn nghị luận.

- Lập luận điểm, luận cứ và lập luận.

- Ý thức học tập bộ môn nghiêm túc, có ý thức rèn kĩ năng làm văn nghị luận.

Ngày:14/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM