Bạn đến chơi nhà Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây, nhằm giúp các em có thể cảm nhận được tình bạn đậm đà, hồn nhiên của Nguyễn Khuyến thể hiện trong bài thơ cùng với tấm lòng yêu thiên nhiên thầm kín của nhà thơ. Đồng thời, tài liệu dưới đây sẽ giúp các em nắm vững hơn về thể thơ thất ngôn bát cú. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bạn đến chơi nhà Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Khuyến (1835- 1909), quê: Thôn Vị Hạ - xã Yên Đổ (nay thuộc Trung Lương - Bình Lục - Hà Nam).

- Ông đỗ cả ba kỳ thi: Thi Hương, thi Hội, thi Đình => Tam nguyên Yên Đổ.

- Ông là nhà thơ lớn của dân tộc.

- Phong cách thơ: nhẹ nhàng, thâm thuý và sâu sắc.

- Thơ Nguyễn Khuyến chủ yếu sáng được sáng tác vào giai đoạn sau ngày cáo quan về sống ở Yên Đổ.

1.2. Tác phẩm

-  Bài thơ là một trong những bài thơ tiểu biểu cho đề tài viết về tình bạn của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

- Tác phẩm ra đời khi ông cáo quan về quê ở ẩn.

- Bài thơ "Bạn đến chơi nhà" được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật.

- Bố cục:

+ Câu đầu: Giới thiệu sự việc ”Bạn đến chơi nhà”.

+ 6 câu tiếp: Hoàn cảnh tiếp bạn.

+ Câu cuối: Tình bạn vượt lên những giá trị vật chất bình thường.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Giới thiệu sự việc "Bạn đến chơi nhà"

"Đã bấy lâu nay, bác tới nhà"

- Lời chào bạn về cuộc đến chơi của bạn.

- Giọng thơ: hồ hởi, phấn chấn, giọng như một tiếng reo vui của tác giả.

- Cách gọi: “bác” thể hiện sự kính trọng và tình cảm thân thiết giữa hai người.

=> Đó là tình bạn thân thiết, quý mến nhưng lại ít được gặp nhau. Câu thơ như một lời chào hồ hởi thân mật vừa bộc lộ nỗi vui bất ngờ vừa tỏ ý trân trọng, quý mến bạn. Đã bấy lâu nay có nghĩa là một thời gian dài, một thời gian nhà thơ không gặp bạn, giờ đây có dịp gặp nhau làm sao mà không xúc động, không vui mừng cho được. Từ lúc cáo quan về vui sống với cảnh điền viên, ông chỉ biết lấy thiên nhiên làm bạn. Trái tim ông gửi trọn cho đất nước quê hương, nên tâm hồn luôn khắc khoải u hoài. Trong những giây phút ấy mà không ai không muốn có một người bạn để tâm sự, để an ủi. Người bạn đó đã đến với ông - còn nỗi vui mừng nào hơn.

2.2. Hoàn cảnh tiếp bạn

"Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách, trầu không có".

- Trẻ đi vắng -> không có người để sai hầu hạ, tiếp khách.

- Chợ thì xa. Cá thì ao sâu, nhiều nước, gà thì vườn rộng, rào thưa khó bắt, cải, bầu, mướp, nụ: chưa đến độ ăn được, thậm chí miếng trầu cũng không có.

-> Không có bất cứ thứ gì ăn được để có thể đãi khách (nói cách khác: các thứ đều có nhưng không dùng được chưa dùng được).

- Tác giả sử dụng cách nói có phần phóng đại cho thấy sự “không may” nói cho vui thể hiện sự quý mến bạn, tạo nụ cười hóm hỉnh, thân mật.

-> Nguyễn Khuyến muốn tiếp đãi bạn chu đáo nhưng lại không có gì để tiếp. 

- Qua đó cũng thể hiện:

+ Sự thanh bần, đạm bạc của Nguyễn Khuyến.

+ Sự hóm hỉnh hài hước, yêu đời của tác giả.

+ Nguyễn Khuyến yêu bạn bằng tình bạn dân dã, chất phác; ông coi trọng tình nghĩa hơn vật chất, tin vào sự cao cả của tình bạn.

=> Năm câu thơ trên là những lời tâm sự của các giả khi bạn đến chơi nhà nhưng lại không có gì để tiếp đãi bạn. Người trẻ thì đi vắng, chợ thì xa, ao sâu nước lớn chẳng thể giăng lưới bắt cá, vườn rộng thênh thang nên rất khó để đuổi gà. Cải thì còn chưa ra cây, cà thì vừa mới nở nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp còn đang ra hoa. Tác giả đang phân trần với người bạn về những thiếu xót của mình.

2.3. Tình bạn vượt lên những giá trị vật chất bình thường

"Bác đến chơi đây, ta với ta"

- Ta với ta” chỉ chủ nhân (tác giả) - và khách.

- Đại từ “ta” vừa là số ít, vừa chỉ số nhiều: hai ta tuy hai mà như một -> chỉ sự gắn bó tình cảm tri âm, tri kỷ giữa hai người.

-> Khẳng định: Tình bạn cao cả hơn vật chất, vật chất không đầy đủ, thậm chí không có gì thì bạn bè vẫn yêu mến, vẫn vui vẻ khi gặp gỡ. Điều quan trọng của tình bạn là tình cảm trong sáng, hồn nhiên chứ không phải là vật chất.

=> Ở câu thơ cuối, ta bắt gặp một cụm từ rất quen thuộc “ta với ta”. Cụm từ này đã xuất hiện trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, nhưng ý trong câu thơ lại là chỉ sự đơn độc, lẻ bóng. Còn “ta với ta” trong câu thơ của Nguyễn Khuyến dùng để chỉ nhà thơ và người bạn của mình, tuy hai mà một, tình cảm gắn bó hòa quyện không gì có thể chia cắt được.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bài thơ thể hiện một tình bạn thắm thiết, keo sơn của Nguyễn Khuyến. Qua đó, bộc lộ lòng yêu thiên nhiên thầm kín của nhà thơ.

- Về nghệ thuật:

+ Dựng lên tình huống khó xử nhằm thể hiện một tình bạn chân thật.

+ Giọng thơ hóm hỉnh, chứa đựng một tình bạn đậm đà, thắm thiết.

+ Sử dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có suy nghĩ gì về câu thơ đầu: "Đã bấy lâu nay, bác tới nhà".

Gợi ý trả lời: 

Ngay khi đọc câu thơ đầu tiên, chúng ta dễ dàng nhận ra mối quan hệ vô cùng gần gũi, gắn bó giữa hai người: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà”. Tiếng gọi “bác” thật gần gũi, dân dã mà vẫn thể hiện được sự kính trọng. “Đã bấy lâu nay” cách tính thời gian của tác giả cũng phần nào cho thấy Nguyễn Khuyến thường xuyên nghĩ đến bạn, mong gặp bạn nên mới nhớ được khoảng thời gian gặp gỡ từ lần trước đến lần này là bao lâu.

Câu 2: Nêu cảm nhận của em về bài thơ "Bạn đến chơi nhà" bằng một đoạn văn ngắn.

Gợi ý trả lời:

Nói chung bài thơ này được tạo nên trên một hình ảnh không có gì về vật chất, tất nhiên không phải là thiếu thốn mà là chưa đủ độ, để rồi đúc kết một câu rằng:"Bác đến chơi đây, ta với ta" thật đậm đà, sâu sắc. Bài thơ này không chỉ là một lời bày tỏ chân tình của tác giả mà còn là một triết lý, một bài học, một định hướng về sự chuẩn mực rằng: tình bạn cao hơn mọi của cải, vật chất. Vượt lên mọi rào cản, vật chất chỉ là những thứ phù du bọt biển, tình cảm họ dành cho nhau thật đáng quý như viên ngọc luôn sáng long lanh. Ý chất chứa bao nhiêu cảm xúc dạt dào trìu mến lời thơ giản dị đã vẽ lên chân dung một tình bạn đẹp mẫu mực của mọi thời đại.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được tình cảm bạn bè đậm đàm, thắm thiết, hồn nhiên của Nguyễn Khuyến. và bức tranh quê đậm đà hương sắc Việt Nam.

- Nét đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ.

- Đọc diễn cảm và phân tích bài thơ “Thất ngôn bát cú”.

- Có thái độ quý mến bạn bè, động viên, giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi với bạn bè thân thiết.

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM