Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em thấy được tác dụng của nghệ thuật đối trong thơ Đường và tầm quan trọng của câu cuối trong bài thơ tuyệt cú. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em cảm nhận được tình yêu quê hương thắm thiết của tác giả. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Hạ Tri Chương (659 - 744) tự Quý Chân, hiệu Tứ Minh cuồng khách, người Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang).

- Ông đỗ tiến sĩ năm 659, sinh sống, học tập và làm quan trên 50 năm ở kinh đô Trường An, rất được Đường Huyền Tông vị nể.

- Ngoài tài thơ văn, tiểu thuyết, ông còn có tài viết chữ thảo, chữ lệ rất đẹp. Tính phóng khoáng, thích uống rượu, là bạn thân của Lý Bạch.

- Đỗ tiến sĩ, làm Thái tử tân khách Bí thư giám, rồi từ quan về làng làm đạo sĩ. Lúc ra về vua có tặng thơ, thái tử và bá quan đều đưa tiễn. Ông còn để lại 20 bài thơ.

1.2. Tác phẩm

- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật.

- Hoàn cảnh sáng tác: Sau hơn 50 năm sống và cống hiến cho đất nước ở kinh đô Trường An, Hạ Tri Chương quyết định từ quan trở về quê nhà. Năm 744, ông về đến quê nhà khi đã 86 tuổi. Vô cùng xúc động, nhà thơ đã sáng tác nên bài thơ nổi tiếng.

- Bố cục có thể chia thành hai phần:

+ Hai câu thơ đầu.

+ Hai câu thơ cuối.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu thơ đầu

- Nghệ thuật:

+ Tiểu đối: Thiếu - lão; tiểu - đại; li gia - hồi.

-> Đối chỉnh cả ý và lời.

- Mở đầu bài thơ bằng thủ pháp tiểu đối đã nêu lên một cảnh ngộ: tác giả phải từ biệt gia đình từ lúc ấu thơ, từ nhỏ không được sống ở quê. Nơi đất khách quê người gợi bao buồn khổ. Rồi đến khi tóc đã pha sương mới có dịp được trở về.

- Khi trở về tác giả có sự thay đổi: Tóc bạc, tuổi cao -> tuổi già .

- Giọng quê không thay đổi (hương âm vô cải). Giọng quê chính là hơi thở, tiếng nói của quê hương. Trong giọng nói ấy mang hơi thở của đất mẹ, của quê cha đất tổ mà dẫu ở phương trời nào cũng không thay đổi. Chi tiết này cho thấy tình cảm của tác giả luôn gắn bó với quê hương.

- Nghệ thuật đối rất chỉnh về ý: Vô cải (không đổi) - tồi (cái thay đổi).

=> Tác giả sử dụng cái thay đổi (mái tóc) để làm nổi bật cái không thay đổi (tiếng nói của quê hương). Đó vừa là chi tiết chân thực, vừa có ý nghĩa tượng trưng làm nổi bật tình cảm gắn bó với quê hương. Tác giả là một người yêu quê, gắn bó sâu nặng với quê hương, kể cả lúc ở xa quê.

2.2. Hai câu thơ cuối

- Khi trở về quê tác giả gặp lớp nhi đồng hỏi: “Khách ở đâu đến?”

-> Một tình huống độc đáo mang tính bi kịch (trở về quê mình lại bị coi là khách).

- Khi đi xa nay trở lại nhà đã trở thành khách lạ, khi đi cũng như lũ trẻ bây giờ, lúc này trở lại đã là bác, là ông. Thời gian xa quê đằng đẵng theo năm tháng. Bạn bè tuổi thơ ngày xưa ai còn ai mất? Có lẽ họ cũng đã “sương pha mái đầu” cả rồi. Ngoảnh lại thời gian ôi đã ngót gần hết một đời người. Thời gian trôi đến không ngờ.

- Một câu hỏi hồn nhiên ngây thơ của nhi đồng để lại trong lòng tác giả nỗi buồn man mác bâng khuâng. Tuổi già sức yếu mới trở lại cố hương. Tình yêu quê hương của Hạ Tri Trương đẹp đẽ biết bao.

- Câu hỏi và thái độ của những đứa trẻ rất lễ phép, thân thiện và vui vẻ - đối lập hoàn toàn với tâm trạng của nhà thơ, bởi trong tình huống éo le như thế, nhà thơ khó mà vui vẻ được.

=> Tác giả đã sử dụng âm thanh vui tươi, thơ ngây của những đứa trẻ để tạo sự tương phản, từ đó thể hiện sự đau buồn, chua xót của chính mình.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bài thơ biểu hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương thắm thiết của một người sống xa quê lâu ngày trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ.

- Về nghệ thuật:

+ Sử dụng thành công nghệ thuật đối.

+ Ngôn ngữ giàu tính gợi hình, gợi cảm.

+ Câu kết mang đầy ý nghĩa đặc sắc.

+ Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và biểu cảm.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có suy nghĩ gì về câu thơ cuối trong bài thơ "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê"?

Gợi ý trả lời:

- Nhà thơ trở về quê hương sau bao năm xa cách thì con người, cảnh vật quê hương vẫn không hề thay đổi nhưng không ai nhận ra ông là người của quê hương nữa.

- Câu hỏi và thái độ của những đứa trẻ rất lễ phép, thân thiện và vui vẻ - đối lập hoàn toàn với tâm trạng của nhà thơ, bởi trong tình huống éo le như thế, nhà thơ khó mà vui vẻ được.

- Lũ trẻ càng vui sướng, cười tươi bao nhiêu thì tâm hồn nhà thơ lại càng hụt hẫng, ngậm ngùi, xót xa bấy nhiêu.

- Tác giả đã sử dụng âm thanh vui tươi, thơ ngây của những đứa trẻ để tạo sự tương phản, từ đó thể hiện sự đau buồn, chua xót của chính mình.

-> Từ đó, khẳng định tình yêu quê hương sâu đậm, thiết tha của ông - tuy thời gian đã rất lâu, người dân đã không mấy ai còn nhớ đến ông nữa, và chính ông đã trở thành một người khách - những ông vẫn yêu thương, trân trọng quê hương mình như thuở ban đầu.

Câu 2: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê".

Gợi ý trả lời:

Tác giả Hạ Tri Chương đã thể hiện nỗi nhớ quê hương cùng lòng yêu quê hương tha thiết nhưng đầy nghẹn ngào qua bài thơ "Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê". Đây là một bài thơ hay gợi cho ta nhiều xúc động. Tác giả sử dụng tiểu đối thành công, tạo nên những vần thơ hàm súc, gợi cho người đọc bao liên tưởng về nỗi lòng của khách li hương. Bài thơ là tiếng lòng của Hạ Tri Chương, yêu quê hương tha thiết, thuỷ chung, thấm đẫm trên từng vần thơ. Với lớp ngôn từ vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. Qua tác phẩm này ta cũng thấy được tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liên và đáng trân trọng.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Thấy được tính độc đáo trong việc thể hiện tình cảm quê hương sâu nặng trong bài thơ.

- Bước đầu nhận biết phép đối trong câu cùng tác động của nó.

- Đọc và phân tích thơ tứ tuyệt Đường luật.

- Bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, tình cảm gắm bó với quê hương ở học sinh.

Ngày:21/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM