Rằm tháng giêng Ngữ văn 7

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được thể thơ, những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ "Rằm tháng Giêng". Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Rằm tháng giêng Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Hồ Chí Minh (1890 - 1969) tại Kim Liên Nam Đàn Nghệ An trong một gia đình nhà nho. Song thân của người là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Thời niên thiếu người có tên là Nguyễn Sinh Cung lúc dạy học ở trường Dục Thanh lấy tên là Nguyễn Tất Thành.

- Từ năm 1911, người rời tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Những năm ở nước ngoài Người đã làm đủ mọi nghề để kiếm sống và đi tìm chân lí.

- Là lãnh tụ vĩ đại, một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc, để lại một di sản văn học quý giá.

1.2. Tác phẩm

- Hoàn cảnh sáng tác: Viết ở chiến khu Việt Bắc, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt.

- Bài thơ có thể chia bố cục thành hai phần:

+ Phần 1: Hai câu thơ đầu.

+ Phần 2: Hai câu thơ cuối.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu thơ đầu

- Thời gian: đêm rằm tháng giêng.

- Cảnh vật: trăng tròn nhất.

- Không gian: bầu trời cao rộng, trong trẻo, sáng sủa. bầu trời, dòng sông, mây nước hoà quyện vào nhau.

- Điệp từ “xuân” (3 lần) -> vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân đang tràn ngập cả đất trời: Sông xuân, nước xuân, trời xuân.

- Câu thơ mở đầu gợi ra cho người đọc hình dung về một đêm rằm tháng giêng, ánh trăng đúng lúc tròn và sáng nhất. Ánh trăng dường như sáng đến độ có thể thắp sáng vạn vật. Để rồi cả “sông xuân”, “nước xuân”, “trời xuân” cũng lẫn màu ánh trăng. Từ “xuân” được điệp lại đến ba lần gợi ra một không gian thật rộng lớn. Từ “tiếp” gợi cho người đọc hình dung ra hình ảnh bầu trời và mặt đất dường như không còn khoảng cách để rồi như hòa hợp lại thành một. 

- Trong thơ ca cổ, những hình ảnh “giang, thủy, nguyệt, thiên” vốn đã rất quen thuộc nhưng khi đi vào thơ Bác lại làm nổi bật nên một bức tranh đầy hiện đại mang vẻ tươi sáng, rực rỡ và tràn đầy sức sống của vạn vật.

=> Hai câu đầu mở ra một không gian cao rộng, mênh mông, tràn đầy ánh sáng và sức sống trong đêm “Nguyên tiêu”. Bầu trời và vầng trăng như không có giới hạn, dòng sông, mặt nước tiếp lẫn, liền với trời. Đây là sông mùa xuân, nước mùa xuân, trời mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, nhưng cũng là dòng sông tuổi trẻ, sức trẻ của tháng giêng, tháng đầu của mùa đầu tiên trong năm - mùa xuân đang tràn ngập cả đất trời.

2.2. Hai câu thơ cuối

- Nơi sâu thẳm của dòng sông mịt mù khói sóng, Bác đang cùng các bộ bàn việc quân việc nước (cuộc kháng chiến đang ở vào giai đoạn gian khổ nhất).

- Vẽ nên không gian huyền ảo trong đêm trăng "Yên ba thâm xứ".

-> Câu thơ mở ra một không khí thời đại, không khí hội họp luận bàn việc quân, việc nước rất bí mật khẩn trương của Đảng, chính phủ và Bác Hồ trong những năm tháng gay go ấy.

- Con người xuất hiện thì bức tranh ấy lại càng tuyệt đẹp. Giữa màn sương khói mờ ảo, con người hiện ra trong công việc “đàm quân sự” - một công việc quan trọng, có liên quan đến sự sống còn của dân tộc. Trên con thuyền bồng bềnh nơi sông nước sương khói mờ ảo kia không phải là những người ẩn sĩ trong thơ ca xưa khi tìm về với chốn thiên nhiên để tránh khỏi những thị phi của cuộc đời.

- Công việc quan trọng của quốc gia lại được bàn bạc trên con thuyền giữa dòng sông khói tỏa mịt mù cũng gợi lên một hình ảnh độc đáo lại nên thơ. Chỉ đến khi công việc bàn bạc đã xong xuôi, người chiến sĩ mới giật mình nhận ra đêm đã quá khuya. Ánh trăng lúc này giống như đang lùa vào thuyền, vào hồn nhà thơ.

=> Hai câu cuối với giọng thơ vừa cổ điển, vừa hiện đại, khoẻ khoắn, trẻ trung đã thể hiện tinh thần lạc quan và phong thái ung dung, niềm tin vào ý Đảng, lòng dân, vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Thể hiện tình yêu thiên nhiên. Lòng yêu nước, niềm lạc quan cách mạng của nhà thơ. Đồng thời, qua đó Bác cũng gửi gắm một niềm tin chiến thắng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

- Về nghệ thuật:

+ Sử dụng hình ảnh đẹp, tự nhiên, mang màu sắc cổ điển (trăng, yên, ba).

+ Sử dụng nghệ thuật: So sánh, điệp ngữ đặc sắc.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ “Rằm tháng giêng”.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ đã mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tình yêu thiên nhiên, đất nước của nhà thơ. Như vậy, bài thơ “Rằm tháng giêng” đã khắc họa được bức tranh thiên nhiên trong đêm rằm tháng giêng đầy thơ mộng cùng tình yêu nước sâu sắc của Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, người đọc cũng thấy được một tâm hồn thi sĩ đầy tinh tế nhạy cảm của Bác Hồ. Qua bài thơ trên, ta không chỉ thấy được một tâm hồn thi sĩ đa sầu đa cảm mà còn là con người kiên cường và trung thành với cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu 2: Em có nhận xét gì về mối quan hệ giữa thiên nhiên và công việc của những người chiến sĩ trong bài thơ “Rằm tháng giêng”.

Gợi ý trả lời:

- Đó là mối quan hệ giao hòa, thiên nhiên thúc đẩy, tăng thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ cách mạng.

- Trong bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng đó, người chiến sĩ cách mạng vẫn không quên đi một nhiệm vụ quan trọng. Những năm tháng chiến tranh, mọi công việc hoạt động cách mạng đều phải diễn ra một cách âm thầm và kín đáo. Chính vì vậy, những người chiến sĩ cách mạng đã lựa chọn thời điểm trong đêm khuya để bàn bạc việc quân việc nước.

- Vì quá say sưa bàn luận mà họ dường như quên mất đi thời gian, để đến khi công việc đã xong xuôi mới nhận ra đêm đã khuya. Và ánh trăng lúc này cũng là sáng nhất.

- Hình ảnh “con thuyền” ẩn dụ cho sự thắng lợi của cách mạng. Con thuyền chứa đầy ánh trăng giống như thắng lợi của cách mạng không còn xa nữa. Đó chính là niềm tin của Bác Hồ vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc.

5. Kết luận

- Yêu quý kính trọng vị lãnh tụ của dân tộc Hồ Chí Minh.

- Yêu quý và có ý thức bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp.

- Cảm nhận và phân tích được tình yêu thiên nhiên gắn với lòng yêu nước, phong thái ung dung, của Hồ Chí Minh biểu hiện trong hai bài thơ.

- Biết được thể thơ và chỉ ra được những nét đặc sắc nghệ thuật của hai bài thơ.

Ngày:22/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM