Tìm hiểu chung về văn biểu cảm Ngữ văn 7

Nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em hiểu cụ thể hơn về văn biểu cảm như nhu cầu biểu cảm, đặc điểm chung của văn biểu cảm. Từ đó, các em có thể viết một bài văn biểu cảm đạt hiệu quả cao. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tìm hiểu chung về văn biểu cảm Ngữ văn 7

1. Nhu cầu biểu cảm và văn biểu cảm

1.1. Nhu cầu biểu cảm của con người

a. Ví dụ: 

- "Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân".

- "Thân em như tấm lụa đào

Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai".

=> Những câu dao trên sử dụng yếu tố biểu cảm nhằm thể hiện lời than thân của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đó là những người phụ nữ không biết rồi sẽ đi về đâu, thân phận nhỏ bé, thấp kém. Lời than thân ấy để mọi người thấu hiểu và đồng cảm hơn với người phụ nữ xưa.

b. Kết luận:

- Nhu cầu của văn biểu cảm được thể hiện khi: Có những tình cảm tốt đẹp, nỗi niềm chất chứa muốn biểu hiện cho người khác cảm nhận được.

- Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và kêu gọi lòng đồng cảm nơi người đọc.

1.2. Đặc điểm chung của văn biểu cảm

a. Ví dụ: 

Ai sinh ra trên đời cũng đều có quê hương của mình, quê hương gắn bó với tôi suốt một thời thơ ấu. Lớn lên phải học nhiều, tôi không còn được rong chơi khắp làng, được chạy nhảy tung tăng trên những ngả đường đất nâu như trước nữa. Tôi chỉ tìm thấy những ký ức xưa hiện về trong từng giấc mơ ngắn ngủi. Tôi bỗng nhớ tha thiết cái cảm giác được hoà mình vào gió, được đứng giữa cánh đồng lúa xanh rì mà đuổi bắt chuồn chuồn. Đến mùa lúa chín, tôi đã từng được thưởng thức hương cốm thơm ngây ngất, được nếm vị ngon ngọt của thức quà quê. Những xúc cảm ấy vẫn luôn trong tôi không gì xoá mờ được. Giờ đây, tuy thân thể tôi xa cách quê hương nhưng tâm hồn của tôi vẫn hướng về nó, vẫn luôn bên nó như chưa từng có sự chia ly. Tôi yêu quê hương của tôi nhiều lắm!

=> Đoạn văn trên biểu đạt về tình cảm yêu mến quê hương mình, đó là đoạn văn biểu cảm. Đồng thời, đoạn văn có sử dụng biện pháp miêu tả, tự sự. Đặc biệt, từ miêu tả mang tính biểu tượng gợi ra những cảm xúc sâu sắc.

b. Kết luận:

Văn biểu cảm có những đặc điểm chung như sau:

- Văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình; bao gồm các thể loại văn học như thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tùy bút,...

- Tình cảm trong văn biểu cảm thường là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn (như yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc,...).

- Ngoài cách biểu cảm trực tiếp như tiếng kêu, lời than, văn biểu cảm còn sử dụng các biện pháp tự sự, miêu tả để gợi lên tình cảm.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy sưu tầm những đoạn văn có tính biểu cảm.

Gợi ý trả lời:

- Đoạn văn 1: Là con người ai cũng phải có một quê hương để thương, để nhớ, để không bao giờ quên. Quê của tôi ở một vùng đất rất xinh đẹp, đó là Long An thân yêu. Vào mỗi dịp hè đến, tôi đều được về quê để vui chơi, giải trí và tạm quên đi những ngày học hành căng thẳng trên thành phố. Đối với tôi, quê hương là một nơi mà ở nơi đó bao muộn phiền đều tan biến, thế chỗ vào là những niềm vui, sự lạc quan và háo hức bởi nơi đây tôi được hòa mình vào những trò chơi dân dã như thả diều, bắt cá, bắt còng Ngắm nhìn những con diều giấy bay cao, bay xa vào khoảng không của bầu trời xanh thăm, tôi hòa ước mơ của mình vào từng cánh diều ấy với biết bao hi vọng. Rồi những món ngon của đồng quê mà ở thành phố ít khi được liếm. Ôi! Sao mà tuyệt vời và thân thương quá. Tôi nhớ hoài tô canh chua cá lóc sóng sánh ánh vàng, những niêu cá kho tộ đầy hấp dẫn... Bấy nhiêu đó thôi nhưng tất cả đã để lại trong lòng tôi bao cảm xúc yêu thương mà “Quê hương” là hai tiếng dường như đã khắc sâu trong tim mình tự bao giờ.

- Đoạn văn 2: Len, mẹ nhớ năm ngoái con có hỏi mẹ về bài thơ "Cảnh khuya" của Cụ Hồ mà con sưu tầm. Thú thực là mẹ đã hiểu không thật đúng lắm. Mẹ đã nói với con về những âm thanh sống động như tiếng nhạc trong bài thơ. Mẹ đã chỉ cho con "xem" hoa trong nhà ông Cụ và chúng ta đã cùng nhất trí rằng ông Cụ đúng là một thi nhân rất yêu cái đẹp, sống có thẩm mỹ... Thế nhưng, giờ đây khi đang ngồi yên tĩnh bên hiên nhà nhỏ dành cho người du lịch này, mẹ chợt thấy mọi điều mẹ tưởng hóa ra nhầm con ạ! Con ạ, không rõ có phải vì nhớ nhà mà mẹ không ngủ được hay sao ấy. Dưới kia, phía sau các lùm cây mọc trên sườn đồi là một dòng suối nhỏ. Trong đêm trăng thanh vắng này nghe rõ tiếng nước chạy rì rào trong veo. Không hiểu sao nghe tiếng suối mẹ lại tưởng nhớ đến tiếng đàn đá mà khi chiều người ta biểu diễn cho cả đoàn mẹ nghe. Tiếng đàn trong mà thánh thót nghe cứ như tiếng hát.

Câu 2: Đọc đoạn văn sau và chỉ ra yếu tố biểu cảm trong đoạn văn.

"En-ri-cô yêu dấu của bố! Việc học quả là khó nhọc với con. Như mẹ đã nói, con vẫn chưa đến trường với thái độ hăm hở và vẻ mặt tươi cười. Nhưng con hãy nghĩ xem một ngày sẽ trống trải biết bao nếu con không đến trường. Và chắc chắn chỉ một tuần lễ thôi, thế nào con cũng xin trở lại lớp học. Hiện nay, tất cả thiếu niên đều đi học, En-ri-cô yêu dấu ạ".

(Theo Ét-môn-đô-đơ-A-mi-xi, Những tấm lòng cao cả, Hoàng Thiếu Sơn dịch)

Gợi ý trả lời:

- Nội dung biểu cảm: Lời văn của người cha nói với con bằng tình cảm yêu thương, khuyên người con đi học ("En-ri-cô yêu dấu của bố",...).

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Khái niệm văn biểu cảm.

- Nhu cầu biểu cảm.

- Đặc điểm chung của văn biểu cảm.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM