Sống chết mặc bay Ngữ văn 7

Bài học "Sống chết mặc bay" dưới đây nhằm giúp các em hiểu được nội dung phê phán hiện thực, tấm lòng nhân đạo của tác giả và những thành công nghệ thuật trong truyện. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Sống chết mặc bay Ngữ văn 7

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Phạm Duy Tốn (1883 - 1924), quê: Phượng Vũ - Thường Tín - Hà Tây (Nay thuộc Hà Nội).

- Là một trong số ít người có thành tựu đầu tiên về thể loại truyện ngắn hiện đại.

b. Tác phẩm:

- Tác phẩm “Sống chết mặc bay” là tác phẩm thành công nhất của ông.

- Bố cục văn bản có thể chia thành ba phần như sau:

+ Phần 1: Từ đầu đến "khúc đê này hỏng mất" -> Nguy cơ vỡ đê.

+ Phần 2: Tiếp theo cho đến "lũ con dân đang chân lấm tay bùn" -> Cảnh hộ đê.

+ Phần 3: Phần còn lại -> Cảnh đê vỡ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nguy cơ vỡ đê

- Thời gian: Gần 1h đêm -> khuya khoắt, càng làm tăng thêm khó khăn.

- Không gian: Mưa tầm tã, nước sông nhị Hà lên to.

- Địa điểm: Khúc sông làng X, phủ X, hai ba đoạn đã thẩm lậu.

-> Mở đầu gợi lên một cảnh tượng rất đáng sợ: đêm tối mưa to, nước sông dâng cao, nguy cơ vỡ đê sắp xảy ra. Tên sông nói cụ thể, tên làng, tên phủ ghi X -> dụng ý nói câu chuyện này không chỉ xảy ra ở một nơi mà có thể là phổ biến ở nhiều nơi. Tác giả tạo ra một tình huống truyện gay cấn, mang tính chất thắt nút truyện.

=> Tác giả muốn tô đậm sự bất lực, thảm hại của sức người trước sức trời, sự yếu kém của sức đê trước sức nước. Người dân vất vả, cố gắng hết sức mình để bảo vệ đê, họ đang trong hoàn cảnh hết sức thảm hại, cuộc sống đang bị đe doạ nghiêm trọng.

2.2. Cảnh hộ đê

- Địa điểm: Đình cao vững chãi, đê vỡ cũng không sao.

- Thời gian: Cùng lúc dân hộ đê.

- Thành phần: Quan phủ, chánh tổng, nha lại, kẻ hầu, trong đó quan phụ mẫu là nhân vật trung tâm.

- Không khí: Tĩnh lặng, trang nghiêm

- Đồ dùng: Bát yến hấp đường phèn, khay khảm, tráp đồi mồi, ống thuốc bạc, đồng hồ vàng => đầy đủ, sang trọng.

- Quan phủ mê tổ tôm quên hết mọi việc. Khi có người báo tin đê sắp vỡ thì mọi người xung quanh giật nảy mình còn quan phủ điềm nhiên, chờ ù bài rồi cáu, mặc kệ.

- Khi nghe tin đê vỡ thì bọn quan lại run cầm cập lên, không nói nên lời. Bên cạnh đó, những tên quan phủ thì không chịu đứng ra nhận trách nhiệm mà lại đổ cho người khác, cho dân, đe doạ “cắt cổ, bỏ tù” đuổi người báo tin ra ngoài và vẫn say sưa với ván bài được ù to.

-> Đó là niềm vui tàn bạo, vô nhân tính, thể hiện thái độ vô trách nhiệm của một vị quan vô lương tâm trước đời sống của nhân dân.

=> Chính sự tương phản trong đình - ngoài đê; sự tàn bạo của quan - sự khốn khổ của dân đen đã tạo nên giá trị tố cáo sâu sắc cho tác phẩm.

2.3. Cảnh đê vỡ

- Tác giả đã xây dựng tình huống truyện đến cao trào bằng sự việc đê vỡ, qua đó cho thấy sự ăn chơi sa đọa của quan lại, không quan tâm đến đời sống nhân dân. Cao trào của tác phẩm dâng lên khi có người nhà quê chạy vào run rẩy báo: “Đê vỡ mất rồi”, quan phụ mẫu không những không lo lắng mà còn lớn tiếng quát: “Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày” rồi tiếp tục thản nhiên đánh bài!

=> Qua văn bản "Sống chết mặc bay" tác giả muốn lên án, phê phán bọn quan lại cậy quyền, cậy thế, ăn chơi, không nghĩ đến việc phát triển đất nước. Thái độ vô trách nhiệm ấy đã trở thành một tội ác đối với dân. Trong xã hội lúc bấy giờ, không phải chỉ có một mình tên quan phụ mẫu sống vô trách nhiệm với dân mà còn rất nhiều tên quan cũng thờ ơ với số phận của nhân dân giống tên quan phụ mẫu này.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Lên án gay gắt tên quan phủ “lòng lang dạ thú” và bày tỏ niềm thương cảm trước cảnh “nghìn sầu muôn thảm” của nhân dân do thiên tai và cũng do thái độ vô trách nhiệm của kẻ cầm quyền gây nên.

- Về nghệ thuật:

+ Nghệ thuật tăng cấp kết hợp với tương phản.

+ Lời văn cụ thể, sinh động.

4. Luyện tập

Câu 1: Vì sao tác giả lấy cảnh hộ đê xuyên suốt trong văn bản "Sống chết mặc bay"?

Gợi ý trả lời:

- Việc tác giả lấy cảnh hộ đê xuyên suốt trong văn bản "Sống chết mặc bay" nhằm giúp người đọc thấy hết được những bản chất của quan lại ăn chơi sa đọa, làm nhân dân khốn khổ. Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã lấy bối cảnh là một cuộc hộ đê của dân làng XX giữa mùa nước dâng cao. Không gian tác phẩm chỉ gồm hai địa điểm: Đê và đình. Ngoài đê, dân tình hối hả, cực nhọc hộ đê. Trong đình, quan phụ mẫu và nha lại chơi đánh bài tổ tôm.

- Không gian truyện quả thực rất hẹp nhưng hai đối tượng xã hội mà tác phẩm dựng lên lại là hai giai cấp tiêu biểu, vốn có những mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội đương thời: Nông dân và quan lại phong kiến.

-> Việc vỡ đê mà tác giả nhắc xuyên suốt trong tác phẩm tuy chỉ trong phạm vi nhỏ của làng, xã nhưng qua đó cho thấy được bối cảnh chung của xã hội. Đó là sự khốn khổ của người dân quê trong cơn lụt lội; thói vô trách nhiệm của bọn quan lại.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Sống chết mặc bay".

Gợi ý trả lời:

Bằng những ngôn từ đặc sắc và những thủ pháp nghệ thuật độc đáo trong văn bản "Sống chết mặc bay" tác giả Phạm Duy Tốn đã mang đến cho người đọc cảm nhận sâu sắc những nỗi khổ của nhân dân ta, được dựng lên hai bức tranh, hai nghịch cảnh: quan thì nhàn hạ, sung sướng, dân thì khổ cực trong bão lũ. Ngôn ngữ tác phẩm đã thoát khỏi tính ước lệ, khuôn sáo và điển tích của văn học trung đại, ngôn từ tiến gần đến lời ăn tiếng nói hàng ngày - ngôn ngữ văn học hiện đại. Đây là truyện ngắn có giá trị hiện thực sâu sắc. Tác phẩm là bản cáo trạng tố cáo mạnh mẽ, đanh thép những kẻ cầm quyền vô trách nhiệm, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc. Và sự đồng cảm, cảm thương sâu sắc với nhân dân, phải chịu muôn ngàn khó khăn không chỉ bởi thiên tai, lũ lụt mà còn bởi những tên quan phụ mẫu thờ ơ, vô trách nhiệm.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được giá trị hiện thực, nhân đạo và những thành công nghệ thuật của truyện ngắn “Sống chết mặc bay”.

- Đọc, kể, hiểu, tóm tắt, phân tích truyện.

- Có ý thức bảo vệ và phát huy tinh thần đoàn kết.

- Cảm thông với số phận những người dân bất hạnh.

Ngày:24/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM