Bài học Ngữ văn 9

Nhằm giúp các em có thêm nguồn tư liệu học tập phong phú, eLib xin giới thiệu bộ chủ đề các bài giảng môn Ngữ văn 9. Bộ chủ đề gồm 180 bài giảng được biên soạn cụ thể, chi tiết là cơ sở để các em nắm chắc những kiến thức trọng tâm và vận dụng làm bài tập hiểu quả. Cùng eLib học tốt nhé!

1. Giới thiệu bài học Ngữ văn 9

So với chương trình học ở các lớp dưới thì chương trình Ngữ văn lớp 9 phong phú và đa dạng hơn nhiều. Điều đó đòi hỏi các em phải có sự quan tâm thích đáng dành cho môn học này, đặc biệt là thời điểm chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp sắp tới. Nhằm giúp các em học tập hiệu quả, eLib chia sẻ đến các em bộ tài liệu hệ thống bài giảng Ngữ văn 9 được biên soạn đầy đủ, chi tiết. Nội dung tài liệu được phân bố theo trình tự các bài học thuộc chương trình SGK Ngữ văn 9 với ba phân môn: Tiếng Việt, Tập làm văn và Văn bản tương ứng với 34 tuần cùng 180 bài học. Mỗi bài học không chỉ cung cấp nguồn tri thức hữu ích mà còn giúp các em khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị. Mời các em tham khảo nội dung từng bài giảng chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.

2. Hướng dẫn học hiệu quả môn Ngữ văn 9

2.1. Chuẩn bị bài tốt trước khi đến lớp

Nhiều học sinh thắc mắc tại sao thầy cô giáo dạy Văn cứ bắt soạn bài trước. Đây là một phương pháp hữu hiệu để bạn “theo kịp” môn Văn đấy nhé. Việc chuẩn bị bài trước sẽ giúp các em đỡ bỡ ngỡ khi tiếp cận bài học. Sẽ có rất nhiều thông tin phải nắm được trong một tiết học. Những thứ mình chưa biết, chưa hiểu sẽ được giáo viên tiết lộ trong bài giảng. Từ đó các em sẽ thấy tiết học thú vị hơn rất nhiều đấy.

2.2. Nắm chắc kiến thức trọng tâm của tác phẩm

Các em thường nghĩ rằng Văn là một môn năng khiếu, không có năng khiếu thì khó có thể học tốt môn học này. Thực chất đây là một quan điểm sai lầm. Việc có năng khiếu ở đây sẽ giúp các em cảm thụ tác phẩm cũng như có lối hành văn mượt mà, bay bổng hơn. Nhưng để đạt được điểm cao, chúng mình cần viết đúng, viết đủ.

Để làm được việc đó, các em cần liệt kê ra các tác phẩm nằm trong chương trình Ngữ văn 9 sau đó hệ thống lại thức trọng tâm của từng tác phẩm như: tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, nội dung chính của tác phẩm (có sự liên hệ với đời sống), những nghệ thuật chính,… Từ đó, bạn mới có “vốn” để mở rộng triển khai viết.

Điều này sẽ giúp các em tập trung vào những ý thầy cô ghi chú khi giảng bài, tiếp thu kiến thức có chọn lọc hơn. Nếu hứng thú, các em cũng nên dành chút thời gian đọc một vài bài văn mẫu liên quan để lọc thêm những ý kiến hay về tác phẩm. Tự tạo cho mình một vốn tài liệu ôn thi Văn thật tỉ mỉ và chu đáo.

2.3. Học và làm văn theo ý

Thầy Nguyễn Phi Hùng từng đưa ra lời khuyên “Các bạn học sinh luôn luôn phải lập dàn ý trước khi làm bài”. Lập dàn ý chính là cách để các em có tư duy mạch lạc, có định hướng rõ ràng và tối ưu điểm số cho dù văn phong có phần không mượt mà, bay bổng. Hãy nhớ rằng, viết đúng – viết trúng mới là điều quan trọng.

Khi chấm bài, các thầy cô thường khó có thể đọc thật chi tiết từng chữ. Thay vào đó, các thầy cô sẽ dành thời gian đọc ý chính cũng như cách triển khai ý của học sinh. Bởi vậy, các em cần đảm bảo bài viết đủ ý. Các em có thể viết ngắn gọn, chỉ cần các ý rõ ràng, cách triển khai ý hợp logic là có thể đạt điểm khá cao môn Văn rồi.

Để làm được việc đó, các em có thể lập sơ đồ tư duy nhằm triển khai ý của tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Khi ôn tập, các em sẽ chỉ cần nhìn theo sơ đồ tư duy này là có thể nắm vững các ý chính. Đặc biệt,  cần nhớ một số nội dung quan trọng về tác phẩm cùng những bình luận đắt giá để giúp bài văn của mình thêm nổi bật và có điểm nhấn. Khi viết bài cần đặc biệt tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, không đủ thời gian làm bài… Dù thế nào đi chăng nữa, các em cũng cần cố gắng hoàn thiện một bài đầy đủ mở – thân – kết!

2.4. Đọc nhiều sách và nói chuyện với bạn bè

Việc đọc cực kỳ quan trọng để có thể viết văn mạch lạc. Càng đọc nhiều các em sẽ càng làm quen được với cách hành văn, cách dùng từ đặt câucủa người viết. Không nhà văn nhà thơ nào thành tài mà lười đọc cả. Việc  đọc cũng mang lại cho các em một khối lượng tri thức lớn, lại giúp các em quen thuộc với từ ngữ hơn.

Việc giao tiếp với bạn bè thường ngày cũng là một cách hữu hiệu giúp các em học giỏi môn Văn 9 hơn. Khi biết chú trọng và trau chuốt đến phát ngôn của mình, các em sẽ có cho mình vốn từ ngữ hay và sáng tạo để áp dụng vào bài làm văn của mình đấy. Hãy thử cố gắng trò chuyện với một người nào đó giỏi Văn hơn bạn, từ đó các em sẽ học Văn dễ dàng hơn.

2.5. Làm bài tập về nhà

Làm bài tập về nhà sau mỗi bài học sẽ giúp các em củng cố hơn về kiến thức, làm bài văn tốt hơn. Nếu lười biếng, không làm bài về nhà, các em sẽ dần quên kiến thức ở trên lớp, dẫn tới kiến thức bị hổng. Do đó, nếu muốn học tốt môn ngữ Văn lớp 9 thì bên cạnh lắng nghe giáo viên giảng bài thì bạn cần làm bài tập, luyện viết văn.

2.6. Tham khảo văn mẫu

Sử dụng văn mẫu để tham khảo sẽ giúp các em biết được cách diễn đạt, cách trình bày một bài văn và sử dụng từ ngữ đúng hơn, có tính chọn lọc hơn. Tham khảo ở đây là chỉ đọc qua và tóm tắt các ý chính trong bài viết rồi các em tự sáng tạo, viết theo lối hành văn của mình.

3. Những lưu ý để học tốt môn Ngữ văn 9

3.1. Tránh nhầm lẫn giữa các vấn đề trong văn nghị luận xã hội, nghị luận văn học

Nghị luận xã hội và nghị luận văn học là hai phần quan trọng trong kiến thức làm văn của ngữ văn 9, tuy nhiên có một số vấn đề trong bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học các em chưa phân biệt được cụ thể và chưa biết cách làm từng dạng đề như thế nào?

- Chưa phân biệt được đâu là dạng đề nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống, đâu là nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

Ví dụ: Đề bài: Ô nhiễm môi trường là hiện tượng đáng báo động của nước ta hiện nay? Em có suy nghĩ gì về vấn đề này? Đề này là nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống, nhưng nhiều học sinh lại không biết đây là nghị luận về một hiện tượng trong đời sống. Đồng thời khi biết dạng đề nào rồi lại không biết cách làm như thế nào?

- Không biết cách làm một đoạn văn hay một bài văn về kiểu bài nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống, tư tưởng đạo lí, một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.

- Chưa phân biệt được đâu là dạng đề phân tích, cảm nhận, suy nghĩ.

Đây là 3 dạng đề thường gặp nhất trong nghị luận văn học, cả 3 dạng đề này thực ra đó là đều phải sử dụng các thao tác nghị luận như phân tích, chứng minh, bình luận để làm rõ nội dung tác phẩm, đi sâu vào từng chi tiết, từng hình ảnh, để  nêu bật nên giá trị nghệ thuật và thông điệp mà tác giả gửi đến người đọc. Nhưng ba dạng đề chỉ khác nhau ở việc là phân tích thì người viết phải đi sâu và phân tích cụ thể từng vấn đề trong tác phẩm, còn cảm nhận, suy nghĩ thì người viết có thể thiên về nhìn nhận, đánh giá của mình nhiều hơn.

+ Ví dụ: Trong tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long thì có 3 dạng đề hay nhầm lẫn.

1. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long?

2. Suy nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “ Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long?

3. Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của người dân Sapa thông qua nhân vật anh thanh niên qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sapa”.

- Khi đề yêu cầu viết đoạn văn với các phương thức lập luận: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp kèm theo đó là có một số yêu cầu nhỏ về tiếng việt như có sử dụng phép thế, phép lặp, câu đơn mở rộng thành phần, câu có khởi ngữ… thì các em còn lúng túng.

3.2. Lập kế hoạch và có phương pháp học tập hợp lí

Ngữ văn 9 có rất nhiều kiến thức được tích hợp với nhau, vì thế nhiều học sinh chưa vạch ra cho mình lộ trình học tập hợp lí, đồng thời phương pháp học tập còn quá cứng nhắc, chưa khoa học, hay bị quên và nhầm lẫn kiến thức. Mặt khác việc không yêu thích môn văn của một số bạn học sinh nhất là học sinh nam còn làm cho các em cảm thấy vô cùng khó khăn khi học văn và học tập có kế hoạch. Chưa có em nào có thể đặt ra được mục tiêu cho bản thân mình và kiên trì thực hiện theo mục tiêu đó vượt qua 2 tuần.

Theo khảo sát kế hoạch học tập của một số bạn học sinh ở nhà thì đa số các em cho rằng em chỉ cần không bị phạt, em chỉ cần có thời gian là em làm được…còn việc lập hoạch thì có rất ít, nếu có thì đều thực hiện được trong một thời gian ngắn và bỏ cuộc. Chính vì thế đây cũng là khó khăn của các em học sinh trong khi học văn.

3.3. Nắm chắc các kiến thức về Tiếng Việt

- Các em thường khó phân biệt và hay nhầm lẫn giữa các biện pháp tu từ nhất là ẩn dụ và hoán dụ.

Ví dụ: 

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

Các em thường nhầm lẫn “áo chàm” là ẩn dụ nhưng thực chất “áo chàm” là hoán dụ chỉ hình ảnh những người dân miền núi ở Việt Bắc, chia tay cán bộ về xuôi.

- Chưa biết đâu là khởi ngữ, các thành phần biệt lập

Trong tiếng việt khởi ngữ là thành phần nêu lên chủ đề trong câu, thường có từ về, đối với. Còn các thành phần biệt lập có 4 thành phần: tình thái, cảm thán, gọi đáp, biệt lập.

Ví dụ: Đối với công việc, anh ấy rất chăm chỉ ⇒ Đối với công việc chính là khởi ngữ nêu lên chủ đề công việc .

Hoặc: Giàu, tôi đã giàu rồi! ⇒ Giàu chính là chủ đề câu nói tới.

⇒ Cần phải lưu ý một số phần liên quan đến thi: các phép liên kết trong câu (phép lặp, phép nối, phép thế, phép liên tưởng); khởi ngữ; các biện pháp tu từ, các câu cấu tạo theo ngữ pháp, các thành phần biệt lập, phương châm hội thoại, các hình thức chuyển nghĩa, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn…

3.4. Lưu ý khi ôn tập môn Ngữ văn 9 thi vào 10

Kiến thức thi vào lớp 10 trung học phổ thông thì trọng tâm vẫn là chương trình Ngữ văn lớp 9, nội dung thi ở cả 3 phân môn là Văn, tiếng Việt và Tập làm văn. Cũng có một chút của Ngữ văn lớp 8 nhưng không nhiều.

Về phần văn thì trọng tâm ôn tập là các tác phẩm thơ và truyện trong Ngữ văn lớp 9, nhưng tập trung chủ yếu vào các tác phẩm thơ và Văn hiện tại Việt Nam, phần Văn học trung đại giờ đã xa nhiều nên có thi thì cũng không nhiều.

Về phần thơ và truyện thì định hướng cụ thể hơn. Phần thơ các em bắt buộc phải học thuộc lòng các tác phẩm thơ, về truyện phải nắm thật chắc cốt truyện, đặc biệt phải nắm được các nhân vật chính trong truyện, hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm, đặc điểm, thể loại…

Phần Tiếng Việt thì rộng hơn, ngoài phần Tiếng Việt lớp 9 thì trong các cấu trúc đề thi vào lớp 10 có kiến thức Tiếng Việt xâu chuỗi từ lớp 6 đến lớp 9. Ví dụ rất hay thi vào các biện pháp tu từ Tiếng Việt, rồi các kiểu câu.

Phần tập làm văn các em tập trung ôn phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đối với nghị luận xã hội cần phải nắm chắc được cách làm của 2 dạng nghị luận xã hội trong chương trình lớp 9, đó là nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống, và nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý.

Riêng phần nghị luận xã hội thì các em nên nhớ trong đề thi thường có kiểu viết một đoạn văn hoặc viết một bài văn ngắn về nghị luận xã hội. Vậy nên phải nắm được viết một đoạn văn sẽ khác với một bài văn ngắn như thế nào về cấu trúc.

Phần nghị luận văn học các em cũng phải nắm được 2 dạng đề và hầu như chỉ thi vào 2 dạng này, thứ nhất là cách phân tích một bài thơ hoặc một đoạn thơ.

Về kỹ năng khi phân tích bài thơ hoặc đoạn thơ nó cũng khác nhau, vậy nên khi mở bài phân tích một đoạn thơ sẽ phải khác với mở bài phân tích một bài thơ, cách triển khai ý cũng khác nhau.

Phân tích một bài thơ là phân tích chỉnh thể hoàn chỉnh một tác phẩm, còn phân tích một đoạn là chỉ phân tích một phần và trình tự nó cũng sẽ khác. Cách phân tích một tác phẩm truyện hoặc một đoạn truyện, hầu như chủ yếu trọng tâm là cách phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện.

Các em cần hệ thống ra tất cả các tác phẩm truyện trong chương trình lớp 9, ghi tên từng nhân vật chính trong tác phẩm, đồng thời xây dựng một hệ thống luận điểm phân tích các nhân vật để khi làm bài thi cứ nhớ các luận điểm đó thì sẽ không bị bỏ quên, bỏ sót.

Ví dụ phân tích nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân, đã nói đến ông Hai thì có bao nhiêu luận điểm, đặc điểm nhân vật các em phải viết hết ra tờ giấy nhớ, có như vậy khi ôn tập thì mới không bị thiếu ý.

Trong những tác phẩm văn học nó chứa đựng những vấn đề về nghị luận xã hội, những vấn đề về đạo lý, nhân sinh rất quan trọng. Vậy nên muốn có kiến thức phông nền để làm tốt phần nghị luận xã hội thì các em phải đọc thật nhiều”.

4. Lưu ý khi làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10

4.1. Nắm vững cấu trúc đề

- Cấu trúc hiện nay gồm 2 phần.

+ Thứ nhất là đọc hiểu và phần này chiếm từ 2 đến 3 điểm. Phần đọc hiểu này đề bài sẽ cho ngữ liệu một đoạn văn hoặc là một văn bản, kèm theo là từ 3 đến 4 câu hỏi kiểm tra kỹ năng đọc hiểu văn bản.

Vận dụng các kiến thức đã học về Tiếng Việt, văn học và làm văn, các câu hỏi này được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết thông hiểu đến vận dụng.

Với câu này thì gần như để học sinh không bị điểm liệt, vậy nên các em cứ làm tuần tự từ các ý nhỏ, cố gắng không để bị mất điểm ở câu đọc hiểu này, không cần phải viết quá dài dòng mà cần rõ ràng, rành mạch đủ ý.

+ Phần thứ 2 trong cấu trúc là làm văn, phần này thường chiếm từ 7 đến 8 điểm và gồm 2 câu. Câu thứ nhất của phần làm văn là câu nghị luận xã hội và câu thứ 2 là nghị luận văn học.

⇒ Việc nắm vững cấu trúc đề giúp các em có cơ sở để ôn tập hợp lí những kiến thức trọng tâm.

4.2. Đọc kĩ đề

Nếu không đọc kĩ đề, các em thường rất dễ bị lạc đề, vậy kinh nghiệm là các em cần gạch dưới các từ khóa trong đề bài ở từng câu, việc này giúp xác định được giới hạn của vấn đề khi triển khai làm bài, nhiều khi đề hỏi ý này nhưng các em lại làm sang ý khác, hỏi đoạn văn lại viết sang bài văn.

Nếu đề hỏi giai đoạn văn học này, thời kỳ này thì chỉ được làm bài ở trong phạm vi đó thôi, còn làm lạc đề là mất điểm.

Đề yêu cầu viết đoạn văn 10 câu, nhưng nếu viết quá thì từ câu thứ 11 đã bị trừ điểm, bởi các em không xác định được giới hạn. Nếu đề nói viết 10 câu thì hãy viết đúng 10 câu. Nói viết theo cấu trúc diễn dịch là viết diễn dịch, chứ không phải nhầm sang cấu trúc khác.

Bài văn giới hạn bao nhiêu từ thì hãy viết đúng trong tầm đó, vì khi ra đề họ đã nghiên cứu và ấn định chỉ viết như vậy thì mới đủ thời gian làm bài, vậy nên viết quá nhiều hoặc quá ít thì cũng bị trừ điểm.

Môn Ngữ văn cần đọc và hiểu kỹ đề, tìm hiểu đề tránh làm thừa hoặc thiếu giới hạn của vấn đề. Việc này nếu luyện đề thi mẫu nhiều thì học sinh sẽ khắc phục được thiếu sót.

4.3. Phân bố thời gian làm bài hợp lý

Khi thi phải phân chia thời gian làm bài hợp lý đối với từng câu, đề thi văn vào lớp 10 có thang điểm 10, nếu chia 120 phút đồng hồ cho 10 điểm rồi nhân với số điểm của từng câu thì sẽ tính ra thời gian làm từng câu, hết thời gian là phải cân đối để chuyển ngay sang câu khác.

Ví dụ câu 1 là 2 điểm, lấy 120 phút chia cho 10 điểm, tức là mỗi điểm sẽ là 12 phút, vậy câu 2 điểm chỉ được làm trong 24 phút, xê dịch một chút. 

4.4. Trình bày bài thi rõ ràng,rành mạch

Trình bày gọn gàng, sạch sẽ, chữ viết đọc được, không được viết tắt, viết thiếu nét, mất nét; Khi gạch bỏ, chỉ gạch một gạch, gạch dài dùng thước kẻ thẳng một đường từ đầu đến cuối câu; Trừ lề hợp lí (với mẫu giấy không kẻ sẵn lề, giấy có lề rồi thì không trừ);

Sau mỗi câu trả lời, nên cách ra một ô tạo độ rộng, thoáng cho bài làm; Với bài văn, phải được cấu tạo bằng nhiều đoạn văn; Trích thơ, tên tác phẩm phải dùng dấu ngoặc kép, viết hoa đúng quy định (đầu tên tác phẩm, tên cơ quan tổ chức, phong trào...)

Các em cũng cần diễn đạt gãy gọn, câu đủ chủ vị; Có thể dùng câu đặc biệt, câu rút gọn và các biện pháp tu từ (liệt kê, nhân hóa, so sánh, điệp...) để tăng hiệu quả biểu đạt; Viết câu hạn chế các câu dài lan man; Và cố gắng tránh những từ không yên tâm về chính tả, thay thế bằng các từ đồng nghĩa phù hợp. Trước khi kết thúc bài thi, các em nên dành ra 5 phút để đọc lại toàn bộ bài và soát lỗi chính tả.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM