Ôn tập về thơ Ngữ văn 9

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em có thể hệ thống hóa các kiến thức đã học về những bài thơ hiện đại Việt Nam trong chương trình Ngữ văn 9. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ôn tập về thơ Ngữ văn 9

1. Nội dung ôn tập

- Nghị luận về một bài thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu… bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng.

- Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá, cụ thể, xác đáng.

- Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng; có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết.

- Cách làm bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ:

+ Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và đưa ra nhận xét của cá nhân mình.

+ Thân bài: Trình bày các suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

+ Kết bài: Khái quát giá trị ý nghĩa của bài thơ, đoạn thơ.

2. Luyện tập

Câu 1: Theo em, đặc điểm chung của thơ hiện đại Việt Nam là gì?

Gợi ý trả lời:

- Nhìn chung, đặc điểm chung của thơ hiện đại Việt Nam đã học có rất nhiều những điểm nổi bật chung về nội dung của nó. Nội dung của những bài thơ hiện đại đều được ghi nhận những điều mới mẻ, đột phá so với lối làm thơ cũ, các bài thơ thuộc thời kỳ trung đại, cụ thể như sau:

+ Cảm xúc chung của những bài thơ này đều thể hiện những tình cảm, tâm tư của nhà thơ. Từ đó chuyển tải những bài học ý nghĩa đến với bạn đọc.

+ Đồng hành cùng những cảm xúc về quá khứ là những cảm xúc ở hiện tại, đó là nỗi ngao ngán, bất bình của các nhà thơ về thực tại mà họ đang sống.

+ Không chỉ là nỗi nhớ, niềm thương trong quá khứ hay sự bất bình trước thời cuộc mà cả ba bài thơ đều là những tiếng nói yêu nước được thể hiện một cách thầm kín.

- Những điểm nổi bật về nội dung của thơ hiện đại Việt Nam chủ yếu nằm ở nội dung mới và đầy sáng tạo, bên cạnh đó còn có những điểm mới và đặc sắc về hình thức, nghệ thuật của các bài thơ bao gồm: ngôn ngữ thơ, thể thơ, các biện pháp nghệ thuật được nhà thơ sử dụng…

Câu 2: Em hãy trình bày những lưu ý khi tiến hành phân tích một bài thơ?

Gợi ý trả lời:

- Khi tiến hành phân tích các bài thơ hiện đại Việt Nam chúng ta cần phải chú ý ở những nguyên tắc chung của nó, chẳng hạn như nguyên tắc cụ thể đối với các tác phẩm thơ tự sự, trữ tình nhưng cần chú ý đến những đặc điểm của thơ hiện đại trong sự phân biệt với đặc điểm của thơ trung đại. Sự khác biệt bộc lộ trên nhiều phương diện, từ hệ thống đề tài, cảm hứng đến cách tổ chức kết cấu; từ cách xây dựng hình ảnh, cái tôi trữ tình đến thể thơ, ngôn ngữ, giọng điệu. Cố nhiên, như trên đã nói, thơ hiện đại vẫn có sự kế thừa nhất định những yếu tố nghệ thuật và cả nội dung của di sản thơ ca trung đại, nhưng bao giờ cũng là sự kế thừa có chọn lọc và biến đổi.

- Đặc biệt, khi tiến hành phân tích một bài thơ chúng ta cần phải quan tâm và lưu ý đến những yếu tố cơ bản làm nên đặc trưng của thơ hiện đại Việt Nam, chẳng hạn như đó là cái tôi và nhân vật trữ tình, cấu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu. Các yếu tố đó không tách rời mà gắn bó, xuyên thấm vào nhau, tạo nên sự thống nhất của một tác phẩm nghệ thuật.

- Khi phân tích tác phẩm thơ chúng ta cần phải xác định được chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình là ai, từ đó mới có thể phân tích bài thơ một cách đúng đắn. Nhiều trường hợp, trong bài thơ, cùng với cái tôi trữ tình chủ thể còn có một hoặc một vài nhân vật khác là đối tượng giao tiếp và đối tượng cảm xúc của chủ thể trữ tình.

- Muốn phân tích một bài thơ đặc sắc và sáng tạo thì chúng ta cần có những cảm nhận sâu sắc khi đọc bài thơ, cảm nhận từ cảm xúc của nhà thơ đến cái tôi trữ tình và nhân vật trữ tình của bài thơ ấy qua hệ thống ngôn từ, giọng điệu, qua những từ xưng hô trong bài thơ. Một điểm cần lưu ý nữa trong khi tìm hiểu củi tôi trữ tình trong thơ là không nên đổng nhất cái tôi trữ tình với chủ thể nhà thơ trong mọi trường hợp. Nghệ sĩ là người có khả năng hình dung, tưởng tượng và hoá thân trong cảnh ngộ, tâm trạng của nhiều người bằng những kinh nghiệm, trải nghiệm của mình và năng lực riêng của người nghệ sĩ.

Câu 3: Em hãy viết bài văn phân tích bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận mang hồn thơ của một sức sống mới, sự hồi sinh của một tâm hồn và một đất nước. Bài thơ là bài ca về lao động thời kì mới của nhân dân sau bao năm chịu đau thương lửa đạn. Hiện lên trong bài thơ không chỉ có hình ảnh người ngư dân lao động mà còn là cả bức tranh thiên hùng vĩ, tráng lệ, kì diệu của biển cả bao la.

Thiên nhiên được miêu tả theo trình tự vận động từ hoàng hôn đến minh bình với khung cảnh có sự biến đổi linh hoạt. Cảnh tưởng như ngưng vận động sau một ngày dài, nhưng thực tế lại liên tục vận động, khung cảnh thiên nhiên vì thế mà ngập tràn sức sống.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh mặt trời dần dần lặn vào đại dương, hình ảnh đó được Huy Cận tái hiện hết sức huy hoàng :

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa"

Thật khéo léo, tài tình tác giả đã kết hợp những hình ảnh cụ thể như mặt trời, sóng, biển với biện pháp so sánh, nhân hóa để tạo nên một bức tranh hoàng hôn tuyệt mĩ. Mặt trời được ví như hòn lửa khổng lồ đang từ từ xuống biển, chìm vào màn đêm yên tĩnh. Sóng và biển được nhân hóa như những sinh thể, để đánh dấu sự nghỉ ngơi thực sự của mặt trời. Nhưng ở đây chỉ có mặt trời đi ngủ, còn tất cả các sự vật khác lại như bừng thức :

"Hát rằng : cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi"

Bút pháp tả thực kết hợp với trí tưởng tượng vô cùng phong phú, những con cá thu được ví như những đoàn thoi, với tốc độ bơi vun vút, dệt lên tấm vải khổng lồ giữa biển cả, khiến cả không gian bừng lên muôn luồng sáng, đó là luồng sáng của sự phong phú, giàu có. Sự giàu có ấy tiếp tục được tác giả liệt kê ở khổ thơ tiếp theo, đến đây không chỉ có các bạc, cá thu mà còn có muôn ngàn loài cá khác : cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song,… Với hình thức liệt kê, ông đã khẳng định và ngợi ca tài nguyên phong phú, dồi dào của đất nước ta. Đặc biệt trong khổ thơ thứ tứ, Huy Cận đã sử dụng những nét bút hết sức tài hoa, vẽ lên bức tranh sơn mài tuyệt mĩ. Bức tranh ấy được sáng tạo trên cơ sở của trí tưởng tượng, sự liên tưởng bay bổng, mơ mộng nhưng đồng thời vẫn có cơ sở hiện thực. Trên nền cảnh của không gian đêm tối, với ánh trăng trên cao rọi chiếu khiến cho cảnh vật trở nên huyền bí, mờ ảo. Trong không gian ấy, mọi sự vận động của thiên nhiên đều trở nên lấp lánh, phát ra thứ ánh sáng diệu kì: chiếc đuôi của cá song lấp lánh đuốc đen hồng, với hành động cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe đã khiến bức tranh trở nên đa dạng về màu sắc, sinh động, có hồn hơn. Vẻ đẹp thiên nhiên thật đẹp đẽ, tràn đầy hơi thở sự sống: Đêm thở sao lùa nước Hạ Long. Thiên nhiên trù phú, giàu có chính là nguồn sống nuôi dưỡng con người khôn lớn, trưởng thành, bởi vậy, ngay sau đó, tiếng thơ tha thiết như một lời cảm ơn chân thành của đứa con với bà mẹ biển cả: Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Thời gian có sự vận động không ngừng, mặt trời sau một đêm dài nghỉ ngơi, đã dần dần lóe rạng đông. Câu thơ: Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi, cho thấy nếu vẻ đẹp hoàng hôn rực rỡ bao nhiêu thì vẻ đẹp của nó khi bình minh lại huy hoàng bấy nhiêu. Màu mới ở đây là màu gì? Có thể hiểu màu mới là màu nắng lúc bình minh, màu nắng lúc ấy bao giờ cũng rực rỡ, đẹp đẽ hơn, nó mang vẻ đẹp của sự khởi đầu, khơi nguồn sự sống. Hình ảnh đẹp đẽ nhất, thể hiện rõ nhất bút pháp lãng mạn của Huy Cận là câu thơ cuối cùng: Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi. Hình ảnh hoán dụ mắt cá cho người đọc liên tưởng dường như con muôn vàn mắt cá được phản chiếu dưới ánh nắng mặt trời, khiến nó trở nên lung linh, huy hoàng hơn. Câu thơ vừa tả được cái rực rỡ của ngày mới sang, vừa tả được sự trù phú, giàu có của biển cả. Đây quả là một câu thơ hay, xuất sắc thể hiện được tài năng nghệ thuật và trường liên tưởng độc đáo của Huy Cận.

Bức tranh thiên nhiên biển cả được tạo nên từ trường liên tưởng độc đáo, cùng bút pháp khoa trương, phóng đại. Với việc ông vận dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ (mặt trời như hòn lửa, cá như đoàn thoi, mắt cá,…) đã tái hiện trước mắt chúng ta bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, tràn đầy sự sống, một thiên nhiên giàu có và trù phú.

Có thể nói rằng, toàn bộ khổ thơ là một bức tranh sơn mài lộng lẫy. Tất cả các hình ảnh: mây, nước, sao, trời được vẽ nên bằng ngôn ngữ lung linh, huyền ảo. Đặc biệt là hình ảnh con thuyền vừa có tính hiện thực lại vừa mang vẻ đẹp lãng mạn. Lái gió, buồm trăng - đọc câu thơ, ta có cảm nhận thiên nhiên cũng góp phần vào công cuộc đánh bắt. Trăng sao như soi rõ hơn cho con người phát hiện ra luồng cá. Giữa biển trời mênh mông, trời và biển như hòa vào một. Còn đối với người dân chài, tác giả miêu tả họ với tinh thần làm chủ biển khơi. Họ chủ động, sáng tạo trong lao động, bố trí đánh bắt cá như một trận đánh. Với tinh thần lao động hăng hái, lạc quan như thế, thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. Ở khổ thơ thứ tư, tác giả dành riêng để miêu tả sự giàu có của biển cả.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Biết cách ôn tập, hệ thống hóa kiến thức cơ bản về tác phẩm thơ hiện đại Việt Nam đã học trong chương trình Ngữ văn 9.

- Rèn luyện kĩ năng hệ thống hóa kiến thức.

- Có ý thức học tập.

Ngày:27/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM