Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ Ngữ văn 9

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ Ngữ văn 9

1. Đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Một số đề bài tham khảo:

- Đề 1: Cảm nhận và suy nghĩ của em trong khổ thơ cuối của bài thơ "Đồng chí".

- Đề 2: Cảm nhận của em về tâm trạng của Tản Đà qua bài thơ "Muốn làm thằng cuội".

- Đề 3: Hình tượng người chiến sĩ trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính".

- Đề 4: Bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy gợi cho em những suy nghĩ gì?

- Đề 5: Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh.

2. Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

- Cách làm bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ:

+ Mở bài: Giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và đưa ra nhận xét của cá nhân mình.

+ Thân bài: Trình bày các suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.

+ Kết bài: Khái quát giá trị ý nghĩa của bài thơ, đoạn thơ.

- Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần nêu được các nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết. Những nhận xét, đánh giá ấy phải gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, cảm xúc của tác phẩm.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lập dàn ý cho đề bài: Phân tích bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Trước tiên cần giới thiệu về tác giả Nguyễn Duy, chẳng hạn như quê quán, quan điểm sáng tác, phong cách nghệ thuật,...

- Giới thiệu khái quát về bài thơ "Ánh trăng" (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, những đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,...).

- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy.

b. Thân bài:

- Tác giả đã sử dụng đa dạng về kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, thủ pháp nghệ thuật đầu tiên phải kể đến đó chính là biện pháp liệt kê "đồng", "sông", "bể' cùng điệp ngữ "với" lặp lại nhiều lần đã nhấn mạnh sự gắn bó, thắm thiết bền chặt giữa con người với thiên nhiên.

- Hình ảnh "hồi chiến tranh ở rừng": gợi lên những năm tháng chiến tranh vất vả, gian khổ, ác liệt.

- Trong chính hoàn cảnh ấy, vầng trăng trở thành người bạn thân thiết, gắn bó cùng con người, luôn đồng cam cộng khổ và chia sẻ cùng họ mọi nỗi niềm trên chặng đường hành quân cũng như trong cuộc sống.

- Hình ảnh so sánh, ẩn dụ "trần trụi với thiên nhiên', "hồn nhiên như cây cỏ".

- Hình ảnh ẩn dụ "vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường".

- Tác giả đã dựng nên cuộc hội ngộ đầy kịch tính và bất ngờ của con người với ánh trăng một cách tự nhiên nhưng vô cùng đặc sắc, khi đèn điện tắt khiến con người nhận ra vầng trăng tròn đầy, thủy chung, tình nghĩa với bao kỉ niệm tươi đẹp vẫn luôn còn đó chỉ có điều đôi lúc vì vô tình mà ta đã lãng quên chúng.

- Hình ảnh thơ độc đáo "trăng cứ tròn vành vạnh":

+ Hình ảnh trăng vô cùng thơ mộng và lãng mạn, như ánh sáng chiếu sáng cả một vùng trời rộng lớn.

+ Tượng trưng cho vẻ đẹp của quá khứ nghĩa tình, trọn vẹn dù lòng người có đổi thay.

- Nghệ thuật nhân hóa "ánh trăng im phăng phắc".

c. Kết bài:

- Khái quát về hình ảnh vầng trăng trong bài thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Câu 2: Em hãy viết bài văn nghị luận cảm nhận về bài thơ "Nói với con" của Y Phương.

Gợi ý trả lời:

Ca dao từng có câu: "Công cha như núi Thái Sơn". Có phải vì vậy mà người cha luôn khao khát những đứa con có được sự vững vàng, rắn rỏi mạnh mẽ trên đường đời. Qua bài thơ Nói với con của Y Phương, người đọc nhận thấy tình cảm và mong ước của một người cha như vậy dành cho con, một thứ tình cảm nồng ấm và thiêng liêng, giản dị. Bài thơ đồng thời cũng gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu sắc về trách nhiệm của người làm con.

Mượn lời một người cha nói với con, bài thơ gợi về cội nguồn của mỗi con người, đồng thời bộc lộ niềm tự hào trước sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Nhà thơ đã mở rộng từ tình cảm gia đình đến tình cảm quê hượng, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống.

Có lẽ, ai cũng thế, những gì người ta thường gợi để nhớ về quê hương là những gì chân chất, mộc mạc, giản dị nhất. Nếu Đỗ Trung Quân gắn quê hương với hình ảnh "chùm khế ngọt", "đường đi học", là "con diều biếc"... thì Y Phương đã chỉ cho con:

"Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng"

Đó là một vùng quê núi rừng còn chưa phát triển, nhưng con người thì vô cùng đáng quý, miền đất giàu truyền thống văn hoá và nhất là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hôn, tấm lòng chất phác thiện lương. Những người đồng mình thương lắm nhưng cũng lớn lao đầy khí phách trong cả nỗi buồn và chí hướng (Cao đo nỗi buồn; Xa nuôi chí lớn). Quê hương trong Nói với con có gì riêng nhưng cũng có cái gì đó rất chung.

Không chỉ có tình yêu thương của cha mẹ, thời gian trôi qua, con trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. Đó là cuộc sống của những "người đồng mình", rất cần cù và tươi vui:

"Người đồng mình thương lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ nhớ mãi về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trong đời"

Những từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện: cài nan hoa, ken câu hát,... đã miêu tả cụ thể cuộc sống ấy đồng thời thể hiện tình cảm gắn bó, quấn quýt của con người quê hương. Rừng núi quê hương thơ mộng và trữ tình cũng là một trong những yếu tố nuôi con khôn lớn, nâng đỡ tâm hồn con. Thiên nhiên với những sông, suối, ghềnh, thác... đã nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống: "Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng". Cách gọi "người đồng mình" đặc biệt gần gũi, thân thiết và gắn bó như gợi niềm ruột thịt yêu thương.

Đi xa, sống ở đâu, hãy luôn là người đồng mình, xứng đáng là người đồng mình không bao giờ nhỏ bé. Với lời thơ trong sáng, giản dị, hình ảnh thơ gần gũi quen thuộc và đặc biệt giọng thơ chắc nịch nhưng thiết tha khiến Nói với con vừa ân tình vừa nghĩa lí giúp cho ta bài học làm người không quên xứ sở, nguồn gốc. Bởi đó là nguồn sức mạnh của ta.

(Sưu tầm)

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm vững các yêu cầu nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

- Rèn kĩ năng làm bài nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.

- Có ý thức rèn kĩ năng làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ. Ham học và đọc thơ.

Ngày:27/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM