Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí Ngữ văn 9

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em bước đầu biết cách viết một bài văn nghị luận về tư tưởng, đạo lí hay và sáng tạo nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí Ngữ văn 9

1. Đề bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.

- Yêu cầu về nội dung của bài văn nghị luận này là phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích… để chỉ ra chỗ sai, đúng của tư tưởng nào đó.

2. Cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí

a. Bước 1: Giải thích tư tư tưởng, đạo lí: Đầu tiên, cần giải thích những từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói: giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý; quan điểm của tác giả qua câu nói.

b. Bước 2: Bàn luận:

- Phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội).

- Bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề: bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.

c. Bước 3: Mở rộng:

- Mở rộng bằng cách giải thích và chứng minh.

- Mở rộng bằng cách đào sâu thêm vấn đề.

- Mở rộng bằng cách lật ngược vấn đề.

d. Bước 4: Nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động: Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.

3. Luyện tập

Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Tình mẫu tử là tình thân ruột thịt giữa mẹ và con, đó là sự hi sinh vô điều kiện của người mẹ dành cho con, và cũng là tình yêu thương, sự tôn kính của đứa con dành cho người mẹ.

Tình mẫu tử là tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Đối với mỗi con người, sự đủ đầy về vật chất không thể thay thế sự phong phú trong đời sống tinh thần của ta. Tình mẫu tử mang lại đời sống tinh thần của mỗi người trở nên ý nghĩa hơn, giúp ta tránh khỏi những cám dỗ trong cuộc sống. Tình mẫu tử như điểm tựa tinh thần nâng đỡ con người trước khó khăn, sóng gió, thể hiện niềm tin, động lực, khát vọng sống của cá nhân mỗi người. Chẳng bởi thế mà mỗi khi gặp khó khăn, người đầu tiên chúng ta nghĩ tới là mẹ, mong được mẹ động viên, an ủi. Rồi những lúc vui vẻ, đạt thành tựu trong cuộc sống, người đầu tiên muốn chia sẻ nhất cũng chính là mẹ.

Vì thế, mỗi đứa con cần biết tôn trọng, yêu thương và ghi nhớ công ơn của mẹ- người mang nặng đẻ đau mỗi chúng ta. Biết thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc đối với mẹ. Bằng những hành động nhỏ bé nhưng thiết thực như trò chuyện cùng với mẹ, lắng nghe tâm tư của mẹ, hay đơn giản như khỏe mạnh, học tập thật tốt và sống có giá trị hơn mỗi ngày. Tình mẫu tử luôn là tình cảm đẹp, nâng đỡ mỗi con người sống tốt hơn, nhân ái hơn.

- Văn bản trên thuộc loại nghị luận nào?

- Văn bản nghị luận về vấn đề gì? Chỉ ra luận điểm chính của nó.

- Phép lập luận chủ yếu trong bài này là gì? Cách lập luận trong bài có sức thuyết phục như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Văn bản trên thuộc loại văn bản nghị luận về tư tưởng, đạo lý: tình mẫu tử.

- Luận điểm chính:

+ Tình mẫu tử là tình cảm cao đẹp, thiêng liêng và đẹp đẽ nhất trong cuộc đời.

+ Tình mẫu tử như điểm tựa tinh thần nâng đỡ con người trước khó khăn, sóng gió, thể hiện niềm tin, động lực, khát vọng sống của cá nhân mỗi người.

+ Mỗi đứa con cần biết tôn trọng, yêu thương và ghi nhớ công ơn của mẹ.

- Phép lập luận chủ yếu trong bài này là: giải thích, chứng minh nhằm làm rõ vấn đề tư tưởng, đạo lý, lối sống xuất phát từ hiện tượng thực tế của đời sống.

Câu 2: Em hãy viết bài văn nghị luận tư tưởng, đạo lí về vấn đề: Sức mạnh của lời nói.

Gợi ý trả lời:

Trong cuộc sống vốn vội vã, đôi khi người ta không có thời gian để nghĩ về những câu nói của bản thân với người khác. “Lời nói chân thành, đúng lúc chẳng khác gì phép màu, làm tái sinh sự sống trong một tâm hồn vốn đã héo khô". Câu nói ấy là sự giải thích rõ ràng nhất về ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống, như vậy, vì sao lời nói lại có sức ảnh hưởng to lớn đến con người như thế?

Chúng ta có thể hiểu rằng lời nói đơn giản chỉ là sự diễn đạt bằng ngôn ngữ ra ngoài để tạo thành một ý hoặc một văn bản hoàn chỉnh nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nào đó. Trong lời nói, ngoài giá trị về mặt ngữ nghĩa, lời nói còn thể hiện thái độ, hàm ý của chủ thể tạo ra nó. Bởi thế, xét đoán một lời nói trọn vẹn không phải là điều dễ dàng và để hiểu rõ mục đích giao tiếp mà người đối diện đang nhắc đến có lẽ cũng không phải điều gì quá ư dễ dàng, nhất là những câu nói mang đầy hàm ý.

Để tránh những câu nói làm tổn thương người khác thì bản thân chúng ta phải biết lựa lời nói cho đúng mực và phù hợp. Có những lời nói đã lựa lời uốn lưỡi nhưng cũng có lúc buột miệng nói ra trong lúc đang có một cảm xúc tiêu cực nào đó khiến người ta buồn, người ta thất vọng và sợ nhất là người ta mãi mãi hiểu lầm về nó. Thế mới biết giá trị của con người có khi chỉ được quyết định và đóng đinh trong vòng hai giây. Có những lời đùa cợt tưởng như vô hại, nhưng người nói nào ngờ một hai từ trong câu nói vui ấy rất vô tình đã chạm vào một nỗi đau thầm kín của người nghe. Lại có những lời châm chọc mỉa mai cố ý làm đau lòng người khác cho bỏ tức hay bỏ ghét, quả thực có tác dụng như vũ khí sát thương tâm hồn.

Có thể nhận thấy rằng lời nói và nụ cười là hai thứ dễ cho đi và hiệu quả nhanh nhất. Một câu nói nhẹ nhàng và ngọt ngào sẽ như một làn gió mát thổi vào lòng ai đó trong một ngày oi ả. Có người nói mà ta nghe từ cách xa qua điện thoại hay tiếp nhận lời bằng email vẫn có thể tưởng như nghe thấy tiếng cười hay nhìn thấy nụ cười trên môi mắt họ. Trong khi đó một câu nói nặng nề chua cay có thể khiến người nghe đau lòng và buồn bã không chỉ một ngày mà có khi “đau nặng từng lời nói” nhiều ngày bởi không phải ai cũng dễ buông bỏ và hỷ xả. Cuộc sống con người rất mong manh trong cõi trần gian vô thường. Còn nhìn thấy nhau, gặp nhau sao không nói với nhau những lời tử tế, chân thật. Để rồi khi xa nhau hay phải chia lìa ta sẽ không thấy ân hận, dằn vặt và ray rứt nghĩ lại khi còn gần nhau, khi người ta còn sống mình không nói được lời yêu thương.

Sức mạnh của lời nói là rất lớn, nếu chúng ta đủ nhận thức về vai trò của nó, chẳng hạn như khi người khác buồn phiền, một lời động viên đúng lúc có thể khiến họ vui lên, vơi bớt nỗi buồn đau. Họ cảm thấy được đồng cảm sẻ chia. Từ đó, tăng cường ở họ sức mạnh vươn lên và niềm tin vào cuộc sống. Khi người khác buồn phiền, đừng quay lưng lại với họ. Cũng không cần bạn phải làm gì lớn lao. Hãy kiên nhẫn nghe họ tỏ bày và có lời khuyên đúng đắn. Lời nói chân thành, đúng lúc chẳng khác gì phép màu, làm tái sinh sự sống trong một tinh thần vốn đã héo khô.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đặc biệt, đôi khi bản thân chúng ta cũng buộc phải nói dối. Dẫu biết rằng nói dối là xấu, đi ngược lại với đạo đức và chuẩn mực làm người. Nhưng, trong một hoàn cảnh nào đó, ta phải buộc lòng nói dối để bảo vệ chân lí, bảo vệ con người. Bởi vậy, không nên cố chấp rằng người tốt nhất quyết không nói lời sai trái. Nếu lời nói dối có thể đem đến lợi ích lớn hơn lời nói thật thì đó lại là lời nói chân thành từ trái tim, lời nói của lương tri, thật đáng trân trọng.

Chúng ta trước khi muốn nói gì đó thì cần phải suy nghĩ thận trọng trước khi nói ra, để tránh làm tổn thương người khác. Mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa một sức mạnh vô hình. Hãy biết nói lời dễ nghe, đúng đắn và chân thành để bản thân được vui vẻ và nhận lại sự tôn trọng ở người khác. Cuộc sống ngắn ngủi, cớ gì phải gây cho nhau những tổn thương không nên có?

(Sưu tầm)

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được cách làm bài về một vấn đề tư tưởng, đạo lí (tìm hiểu đề tìm ý và lập dàn bài).

- Rèn kĩ năng làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí.

- Thái độ học tập nghiêm túc, có ý thức rèn kĩ năng làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM