Nói với con Ngữ văn 9

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Nói với con" của nhà thơ Y Phương. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Nói với con Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Y Phương sinh năm 1948. Quê hương ông ở vùng đất thuộc tỉnh Cao Bằng.

- Năm 1993 ông được làm Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Cao Bằng.

- Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi.

- Năm 1968: Ông nhập ngũ, 1981 chuyển về công tác tại sở Văn hóa thông tin Cao Bằng.

- Năm 2007, Y Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về thành tựu văn học nghệ thuật.

b. Tác phẩm:

- Bài thơ được in trong tập: Thơ Việt Nam 1945 - 1985.

- Bố cục bài thơ được chia thành hai phần như sau:

+ Phần 1: Từ đầu đến “nhất trên đời” -> Tình yêu thương của cha mẹ đối với con.

+ Phần 2: Còn lại -> Mong ước của người cha qua lời tâm tình với con.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tình yêu thương của cha mẹ đối với con

Những câu thơ đầu tiên cất lên như một lời kể chuyện thủ thỉ với con:

"Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười"

- Những câu thơ đầu tiên cho thấy tình yêu thương của cha mẹ dành cho đứa con của mình ngay từ những bước đi đầu tiên trong đời. Từng ngày, từng giờ con lớn lên là từng ngày từng giờ cha mẹ mong chờ. Từ lúc con chập chững bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời thì cha mẹ luôn là người ở bên cạnh chứng kiến và cổ vũ.

- Tác giả đã sử dụng những ngôn từ giản dị cùng với những hình ảnh thực giàu tính biểu cảm cao, chúng ta thấy một loạt những hình ảnh như “chân phải”, “chân trái”, “tiếng nói”, “tiếng cười” bình dị, gần gũi biết bao nhiêu. Một không gian ấm áp và hạnh phúc bao trùm lấy từng nhịp thơ. Cuộc sống xoay vần, tình yêu thương mà Y Phương dành cho con luôn chân thành và thiết tha như vậy. Ông đã vẽ lên hình ảnh đứa con từ lúc còn bé, gieo vào con nhận thức về những tháng năm đó.

=> Những câu thơ trên đã mở ra một không gian gia đình đầm ấm, hạnh phúc vô cùng, đứa con luôn được bao bọc trong tình yêu thương của cha mẹ. Từng bước đi, tiếng nói cười của con đều được cha mẹ vui mừng chăm chút đón nhận.

2.2. Mong ước của người cha qua lời tâm tình với con

- Đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và mong ước của người cha qua lời tâm tình với con:

"Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn"

-> Nhà thơ đã nói cho con hiểu rằng người dân ở quê hương mình tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nghèo khó nhưng họ vẫn có khao khát đổi đời, có chí lớn trong tim.

"Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

…Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc"

-> Người cha nói với con mình phải nhớ đến cội nguồn của quê hương, không được phủ nhận quê hương, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn cũng cố gắng vượt qua.

"Người đồng mình thô sơ da thịt

Nhưng chẳng mấy ai nhỏ bé

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương"

-> Những câu thơ trên là lời người cha muốn con hiểu rằng mặc dù người dân ở quê hương mình còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng họ lại sống rất tình nghĩa, chân thật, họ luôn tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, có ý chí xây dựng quê hương giàu mạnh. Bằng sự lao động cần cù, nhẫn nại hàng ngày, đã làm nên quê hương với truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp.

"Lên đường

Không bao giờ được nhỏ bé"

- Giọng điệu trìu mến, các hình ảnh cụ thể, cách diễn đạt mộc mạc theo cách nói của người dân miền núi, nhưng vẫn rất gợi cảm.

=> Bằng những câu văn giàu sức biểu cảm người cha muốn con hiểu rằng cần phải nhớ đến quê hương, không được chê quê mình nghèo khó. Điều lớn lao mà cha muốn truyền cho con chính là lòng tự hào về sức sống mạnh mẽ về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm tin khi bước vào đời.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Tình cảm thắm thiết của cha mẹ với con cái, ca ngợi sức sống bền bỉ và truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con kế tục xứng đáng truyền thống ấy.

- Về nghệ thuật:

+ Bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên.

+ Giọng điệu thiết tha, trìu mến.

+ Xây dựng hình ảnh cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc và giàu chất thơ.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Nói với con".

Gợi ý trả lời:

Qua bài thơ "Nói với con" nhà thơ đã mang đến cho người đọc những ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó là tình cảm đối với quê hương, ý chí xây dựng và phát triển quê hương. Những lời nói đó như một hành trang vững chắc để con vững bước vào đời. Không chỉ vậy, lời thơ còn mang ý nghĩa thầm kín không chỉ lời cha nói với con mà là lời trao gửi đến biết bao thế hệ. Lời cha dặn dò vừa đầm ấm, vừa cương quyết, cặn dặn con dù có vẻ ngoài thô sơ nhưng không được nhỏ bé về ý chí, nghị lực; không bao giờ được sống tầm thường. Lời động viên, căn dặn đó đã tiếp thêm sức mạnh để con tự tin để vững bước vào đời.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về hai câu thơ sau:

"Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn"

Gợi ý trả lời:

- Trong bài thơ "Nói với con" của Y Phương thì hai câu thơ này được xem như một triết lí sâu sắc cho người đọc. Hai câu thơ gửi đến người đọc hiểu rằng trong cuộc sống luôn tồn tại nhiều khó khăn, trắc trở nhưng đầy lòng quyết tâm và sự tin tưởng vào bản thân. Không phải tự dưng tác giả nhắn nhủ với con điều này, ông muốn đứa con mình sau này cần phải kế thừa và phát huy đức tính tốt đẹp này.

- Bản thân chúng ta phải cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt và phải có niềm tin vào tương lai tươi sáng, rực rỡ của ngày sau.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận tình cảm thắm thiết của cha mẹ đối với con. Tình yêu sâu nặng cùng niềm tự hào về sức sống của dân tộc.

- Rèn luyện kĩ năng đọc và cảm thụ phong cách thơ miền núi.

- Giáo dục tình yêu gia đình, quê hương, trân trọng tình mẫu tử, phụ tử; kính yêu cha mẹ.

Ngày:26/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM