Mã Giám Sinh mua Kiều (trích truyện Kiều) Ngữ văn 9

Bài học Mã Giám Sinh mua Kiều (trích truyện Kiều) giúp các em hiểu được tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du: khinh bỉ và căm phẫn sâu sắc bọn buôn người, đau đớn, xót xa trước thực trạng con người bị hạ thấp, bị chà đạp. Đồng thời thấy được nghệ thuật miêu tả nhân vật của tác giả: khắc họa tính cách qua diện mạo, cử chỉ. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ. Mời các em tham khảo, chúc các em học tốt!

Mã Giám Sinh mua Kiều (trích truyện Kiều) Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Du (1765 - 1820). Tên chữ: Tố Như, tên hiệu: Thanh Hiên.

- Quê: Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

- Gia đình:

+ Cha là Nguyễn Nghiễm đỗ tiến sĩ từng làm chức tể tướng có tiếng là giỏi văn chương.

+ Mẹ: Trần Thị Tần một người nổi tiếng đẹp ở trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh). Các anh đều học giỏi, đỗ đạt làm quan to.

- Sinh ra trong một gia đình quý tộc, có truyền thống văn chương.

- Thời đại: Sống trong thời đại có nhiều biến động.

- Chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực.

- Phong trào khởi nghĩa nông dân nổi dậy ở khắp nơi, đỉnh cao là khởi nghĩaTây Sơn.

→ Tác động mạnh tới tình cảm, nhận thức của tác giả, ông hướng ngòi bút vào hiện thực.

1.2. Tác phẩm

- Vị trí đoạn trích: Nằm ở phần gia biến và lưu lạc – Mở đầu kiếp đoạn trường của người con gái họ Vương.

-> Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu vạ, Vương Ông và Vương Quan bị bắt giữ, bị đánh đập dã man, nhà cửa bị sai nha lục soát hết mọi của cải. Thúy Kiều quyết định bán mình để chuộc cha. Được mụ mối mách bảo, Mã Giám Sinh tìm đến mua Kiều.

- Cảnh mua bán người.

- Mã Giám Sinh và Thúy Kiều.

- Miêu tả và biểu cảm.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nhân vật Mã Giám Sinh

a. Về diện mạo, cử chỉ

- Tuổi: trạc ngoài tứ tuần.

- Mày râu: nhẵn nhụi.

- Áo quần: bảnh bao.

→ Trau chuốt một cách thái quá, không phù hợp với tuổi tác.

- Cách nói năng: cộc lốc "Hỏi tên rằng ... Hỏi quê: rằng...” giả dối hỏi tên trả lời họ.

- Hành động: "Ngồi tót” sổ sàng.

⇒ Giả dối từ lai lịch đến tướng mạo, tính danh, tuổi tác đã nhiều nhưng lại cố tô vẽ cho trẻ, ra vẻ thư sinh phong lưu, lịch sự.

b. Về bản chất

- Đắn đo, cân sức, cân tài.

- Cò kè, thêm bớt.

- Ngã giá.

-> Gợi không khí kẻ bán người mua, đa đẩy món hàng, túi tiền cởi ra thắt vào, nâng lên đặt xuống.

-> Là kẻ buôn thịt bán người đê tiện, bỉ ổi, trước nỗi đau của đồng loại mà nó chẳng có một chút tình người. Là kẻ bất nhân, vô học, trơ tráo, vô liêm sỉ.

- Ngôn ngữ miêu tả thực, miêu tả nhân vật bằng nét bút hiện thực hoàn chỉnh cả diện mạo và tính cách làm hiện lên một cách rõ nét nhân vật.

2.2. Hình ảnh Thúy Kiều

“Ngại ngùng, dợn gió, e sương

Ngừng hoa bóng thẹn..... mặt dày”

→ Rụt rè, sượng sùng, xấu hổ, uất ức, tủi nhục mà không biết làm gì.

- Đau uất trước cảnh đời ngang trái:

+ “Nỗi mình, nỗi nhà”. Hai nỗi đau giằng xé tâm can.

+ Đau đớn trong câm lặng “Mặc cho con tạo xoay vần”.

+ Lệ hoa mấy hàng.

+ Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai...

- Kiều trong hoàn cảnh phức tạp, tâm trạng éo le.

- Nàng xót xa vì gia đình bị tai bay vạ gió mà mình phải bán mình, phải dứt bỏ mối tình vơi Kim Trọng để lúc này nàng tự thấy hổ thẹn, tự coi mình là người bội ước.

- Giờ đây đứng trước một kẻ như Mã Giám Sinh làm sao nàng không đau đớn, tái tê khi rơi vào tay hắn. Nàng đau khổ đến câm lặng, hành động như một cái máy, những bước chân tỷ lệ thuận với những hàng nước mắt. Đau đớn, tủi nhục, ê chề, Kiều là hiện thân của những con người đau khổ, là nạn nhân của thế lực đồng tiền.

-> Kiều vô cùng đau đớn, xót xa, âm thầm chịu đựng. Vì chữ “Hiếu” nàng sẵn sàng chịu đựng tất cả.

2.3. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du

- Khinh bỉ và căm phẫn sâu sắc bọn buôn người:

+ Cái nhìn mỉa mai, châm biếm.

+ Đả kích ngầm.

- Tố cáo thế lự đồng tiền chà đạp lên con người. “Tiễn sẵn có việc gì cũng xong”

+ Biến nhan sắc trở thành món hàng.

+ Kẻ táng tận lương tâm -> mãn nguyện tự đắc.

+ Tiền và quyền trở thành sức mạnh hủy diệt.

- Thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước thực trạng con người, bị hạ thấp nhân phẩm, bị chà đạp.

-> Nhưng bất lực, cũng đành nuốt nước mắt như Kiều.

“Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

3. Tổng kết

3.1. Nội dung

Bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du. Tác gủa đã phơi bày, lên án thực trạng xã hội xấu xa, con người bị biến thành món hàng, đồng tiền và quyền lực có thể chà đạp lên tất cả.

3.2. Nghệ thuật               

- Tả thực, khắc họa nhân vật qua dáng điệu cử chỉ.

- Miêu tả thành công nhân vật: phản diện bằng nét bút hiện thực, khắc họa tính cách qua diện mạo, cử chỉ (khác với miêu tả nhân vật chính diện bằng bút pháp nghệ thuật ước lệ có phần lí tưởng hóa nhân vật.)

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình.

4. Luyện tập

Câu 1. Tấm lòng tác giả được thể hiện như thế nào qua đoạn trích?

Gợi ý làm bài:

Nguyễn Du đã dựng nên chân dung buôn người tiêu biểu trong xã hội cũ là Mã Giám Sinh với bộ mặt đạo đức giả và bất lương. Y đã lợi dụng hoàn cảnh gia đình Kiều gặp gia biến để mua Kiều trong sự cân đo, đong đếm, ép về giá cả. Trong xã hội cũ còn có những mụ mối tiếp tay cho bọn buôn người gây thêm tội ác. Qua đó, Nguyễn Du đã lên án mặt trái của đồng tiền. Đồng tiền đã đẩy con người vào cảnh tan cửa nát nhà, người thân xa lìa nhau. Thế lực đồng tiền và bọn người bất lương đã chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ tài sắc, hiếu nghĩa thể hiện tấm lòng nhân đạo của tác giả. 

Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều nói riêng và Truyện Kiều nói chung, Nguyễn Du luôn đứng về phía người phụ nữ, người lương thiện để cảm thông, chia sẻ với cảnh ngộ của họ.

Xã hội phong kiến tồn tại bao điều bất công: bọn quan lại bất nhân vì đồng tiền, bọn buôn người bất lương cũng vì đồng tiền, cả xã hội chạy theo tiền. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã tố cáo xã hội bất công, tố cáo những thê lực tàn bạo chà đạp lên nhân phẩm con người. Qua đó, ta thấy được trái tim nhân đạo, cao cả của tác giả.

Câu 2. Lập dàn ý về thân phận Thúy Kiều trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du.

Gợi ý làm bài:

a. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

b. Thân bài:

- Hình ảnh của Thúy Kiều trước khi gia đình gặp biến cố:

+ Sinh ra trong gia đình thượng lưu, lương thiện, vừa xinh đẹp tuyệt trần vừa trong trắng ngây thơ.

+ Một buổi chiều xuân đi tảo mộ, nàng có hai cuộc gặp gỡ đầy định mệnh...

+ Trước biến cố của gia đình, nàng biết chịu đựng và hi sinh khi quyết định bán mình chuộc cha...

- Hình ảnh tội nghiệp của Thúy Kiều trong cuộc trao đổi, mua bán:

+ Tình cảnh tội nghiệp của Thúy Kiều:

  • Nàng là một món hàng để người ta trao đổi, mua bán

  • Ý thức được nhân phẩm

  • Nỗi đau đớn, tái tê: Buồn rầu, tủi hổ, ngại ngùng. Ê chề trong cảm giác thẹn với lòng. Đau đớn khi tình duyên tan vỡ...

- Tấm lòng của tác giả:

+ Tố cáo thế lực vì đồng tiền mà chà đạp lên nhân phẩm của con người.

+ Cảm thông, thương cảm với số kiếp "hồng nhan bạc mệnh" của Thúy Kiều.

c. Kết bài: 

- Nội dung: Nguyễn Du đã cho người đọc thấy phần nào sô phận ai oán, bi thương của Kiều.

- Nghệ thuật: Sử dụng hình ảnh tượng trưng, ước lệ, dùng bút pháp tả thực để khắc họa, miêu tả.

5. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du: khinh bỉ và căm phẫn sâu sắc bọn buôn người, đau đớn, xót xa trước thực trạng con người bị hạ thấp, bị chà đạp.

- Thấy được nghệ thuật miêu tả nhân vật của tác giả : khắc họa tính cách qua diện mạo, cử chỉ.

Ngày:22/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM