Luyện tập xây dựng bài tự sự - Kể chuyện đời thường Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách lập dàn bài cho bài văn tự sự - kể chuyện đời thường. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em nhận diện được đề văn kể chuyện đời thường. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện tập xây dựng bài tự sự - Kể chuyện đời thường Ngữ văn 6

1. Khái niệm kể chuyện đời thường

- Là những câu chuyện kể về sự việc xảy ra hằng ngày trong đời sống.

- Yêu cầu: Nhân vật sự việc cần phải chân thực, không bịa đặt, thêm thắt tuỳ tiện. Tuy nhiên cũng cho phép tưởng tượng hư cấu. Song không làm thay đổi chất liệu và diện mạo đời thường để biến thành truyện thần kì.

2. Tìm hiểu đề bài tự sự

- Đề bài yêu cầu kể chuyện đời thường.

- Kể những chuyện xảy ra trong đời sống hằng ngày.

- Những yếu tố để tạo nên bài văn tự sự.

- Sử dụng ngôi kể phù hợp đối với bài văn tự sự.

3. Quá trình thực hiện đề văn tự sự

- Bước 1: Chúng ta cần tìm hiểu đề thật kĩ, tránh nhầm lẫn và lạc đề.

- Bước 2: Chúng ta cần phải xây dựng những phương hướng làm bài cụ thể: kể theo trình tự nào, sử dụng ngôi kể thứ mấy,...

- Bước 3: Tiến hành lập dàn ý cho đề văn tự sự:

+ Mở bài: Giới thiệu về đối tượng, sự việc,... liên quan đến đề văn tự sự/ kể chuyện đời thường.

+ Thân bài: Phân tích, miêu tả đối tượng hoặc sự việc được đề bài nêu ra.

+ Kết bài: Khẳng định lại đối tượng, sự việc được kể và bày tỏ tình cảm đối với đối tượng, sự việc ấy,...

4. Lập dàn bài cho đề văn tự sự

Dàn bài tham khảo về: Kể về người bạn mới quen.

- Mở bài: Giới thiệu chung: Tên, tuổi, trường, lớp…

- Thân bài:

+ Quen trong hoàn cảnh nào? Trong buổi lao động vệ sinh của trường hay cùng sinh hoạt văn nghệ…

+ Đặc điểm về ngoại hình:

  • Khuôn mặt.
  • Hình dáng.
  • Trang phục.
  • Tính tình.
  • Năng nổ, hoạt bát.
  • Hay giúp đỡ bạn bè.
  • Dễ hoà đồng.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về người bạn mới quen.

5. Luyện tập

Câu 1: Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời những câu hỏi bên dưới:

- Đề văn: Cảm nghĩ về người mẹ.

Sống trong một cuộc sống yên bình và hạnh phúc, tôi thật tự hào để kể cho mọi người nghe một câu chuyện “Cổ tích đương thời”. Câu chuyện kể về một con người vĩ đại. Người ấy như bà tiên cho tôi ấm no, như vầng trăng soi sáng con đường tôi đi và như người thầy dạy tôi tri thức. Bạn có biết đó là ai không? Mẹ tôi đấy! Người sống mãi trong lòng tôi.

Mẹ tôi năm nay đã ngoài bốn mươi rồi. Tóc mẹ cũng ngả sang hai màu trắng và đen. Mẹ nói “Mẹ đã già rồi”. Nhưng trong lòng tôi, mẹ còn trẻ, trẻ lắm cơ. Qua năm tháng, vai mẹ cũng gầy đi. Cũng chính đôi vai ấy đã gánh vác hàng ngàn việc lo cho gia đình. Sâu thẳm trong đôi mắt hiền từ, phúc hậu kia là chứa những tình yêu thương vô bờ bến, là trìu mến mẹ dành cho chúng tôi và cả ba tôi nữa. Trên đôi môi của mẹ dường như luôn nở một nụ cười âu yếm, thúc giục tôi phải cố gắng học tập. Sáng nào đi học mẹ cũng nở một nụ cười dịu dàng với tôi rồi chiều về là một cái hôn lên trán. Vậy là cũng đủ làm tôi hạnh phúc rồi. Giờ đây, đôi bàn tay gầy gầy xương xương của mẹ đã xuất hiện những vết chai sạn. Vết chai sạn ẩn chứa hai chữ “thương con”. Ôi! Tôi thầm cảm ơn mẹ nhiều lắm. Tình thương mẹ dành cho ấm áp như một dòng sông bồi đắp những bến bờ xa vắng, như nước mắt chảy trong nguồn, như suối xanh cuốn bao bụi mờ.

Trong gia đình, mẹ tôi lúc nào cũng là một người vợ đảm đang, là một người mẹ hiền và là một “Kho tàng sống” quí báu. Đối với tôi, những món ăn mẹ nấu không chỉ ngon đơn thuần mà nó còn chan chứa tình cảm sâu nặng mà mẹ dành cho tôi, cho những người thân yêu. Vậy đó, nhờ có mẹ mà gia đình tôi hạnh phúc lại càng nhân đôi. Bố con tôi sống không thể nào không có mẹ bên cạnh. Xa mẹ một ngày như là xa một thế giới vậy. Nhớ làm sao những lời mẹ dạy về lòng yêu thương người “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”. Và mẹ cũng có một tấm lòng thật cao cả. Nhờ vào lời dạy dỗ mà đôi khi tôi đã làm được những việc có ích. Mẹ tôi không chỉ là có như thế thôi đâu. Mẹ là một giáo viên dạy trường mần non. Một cái nghề mà mẹ đã kiên trì suốt gần hai chục năm qua. Vậy đó, nên không phải là người thầy trong mắt tôi mà còn trong mắt mọi người.

Ngồi một mình bên khung cửa sổ, nhìn những khóm xương rồng mẹ trồng. Tôi lại nhớ, nhớ lắm lời mẹ bảo: “Mẹ mong cho con mạnh khoẻ, cứng cáp giống như loài xương rồng không một loài sâu bọ nào có thể đụng đến”. Nhưng tôi lại thấy mẹ giống cây xương rồng hơn. Vì dù trải qua những chuyện gì mẹ vẫn kiên trì vượt qua. Mẹ mạnh mẽ chống lại cơn sóng dữ thời gian. Mẹ tôi sao mà vĩ đại đến thế.

(1) Bài làm có sát với đề bài đã cho không?

(2) Bài văn trên được kể theo ngôi thứ mấy? Dấu hiệu nào cho em biết điều đó.

Gợi ý trả lời:

(1) Bài làm sát với đề bài đã cho: Cảm nghĩ về người mẹ.

(2) Bài văn trên được kể theo ngôi thứ nhất. Vì nhân vật kể xưng "tôi".

Câu 2: Em hãy lập dàn ý cho đề văn tự sự sau: Hãy kể về người mẹ yêu quý của em.

Gợi ý trả lời:

- Mở bài: Giới thiệu về người mẹ của em.

- Thân bài: Kể về mẹ của em:

+ Kể bao quát về mẹ của em: Mẹ em năm nay 30 tuổi; Mẹ em là một người nội trợ của gia đình; Mẹ em rất yêu thương và chăm sóc gia đình.

+ Kể chi tiết về mẹ của em: Kể về ngoại hình của mẹ em. Đối với em, mẹ rất xinh đẹp. Mẹ em có mái tóc dài đen óng ả. Miêu tả khuôn mặt, ngoại hình của mẹ.

+ Kể về tính tình của mẹ em: Mẹ rất hiền và dịu dàng nhưng đôi lúc lại nghiêm khắc với chúng em. Mẹ luôn thương yêu và giúp đỡ mọi người. Mẹ được mọi người yêu mến và thương yêu.

+ Kể về hoạt động của mẹ em: Mẹ em làm công việc nội trợ. Mỗi ngày mẹ đi chợ, mẹ nấu ăn, giặt đồ,… Mẹ có nuôi một đàn gà. Mẹ chăm sóc thửa rau bên nhà. Mẹ tất bật với mọi công việc.

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về mẹ kính yêu.

6. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu các yêu cầu của bài văn tự sự kể chuyện đời thường.

- Nhận diện được đề văn kể chuyện đời thường.

- Biết tìm ý, lập dàn ý cho đề văn kể chuyện đời thường.

- Làm bài văn kể một câu chuyện đời thường.

- Tự xác định và có thái độ nghiêm túc, tích cực khi tìm hiểu yêu cầu của bài văn tự sự kể chuyện đời thường.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM