Thầy bói xem voi Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được những ý nghĩa rút ra từ câu chuyện "Thầy bói xem voi": muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện, không bảo vệ ý kiến của mình một cách mù quáng như những ông thầy bói xem voi. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Thầy bói xem voi Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

- Khái quát về thể loại truyện ngụ ngôn:

+ Là truyện kể bằng văn vần hoặc văn xuôi.

+ Mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo truyện con người.

+ Khuyên nhủ, răn dạy người ta một bài học nào đó trong cuộc sống.

- Truyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi" có thể chia thành ba phần như sau:

+ Đoạn 1: Từ đầu -> sờ đuôi: Các thầy bói xem voi.

+ Đoạn 2: -> chổi sể cùn: Các thầy bói phán về voi.

+ Đoạn 3: Còn lại: Hậu quả của việc xem và phán về voi.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Các thầy bói xem voi

- Hoàn cảnh xem voi: Bị mù, ế hàng, chưa biết hình thù con voi.

-> Vui chuyện tán gẫu chứ không có ý định tán gẫu.

- Cách xem: Dùng tay để xem voi, mỗi thầy sờ một bộ phận.

-> Giễu cợt, phê phán cách xem voi của các thầy bói.

=> Cách mở truyện ngắn gọn, hấp dẫn, hình ảnh con voi đi qua hết sức đặc biệt.

2.2. Các thầy bói phán về voi

- Truyện kể về năm ông thầy bói rảnh rỗi, nhân một buổi ế hàng đã góp tiền với nhau để xem hình thù con voi thế nào. Cách xem voi và nhận xét về chúng của các ông thầy bói hết sức đặc biệt. Vì bị mù nên các ông chỉ có thể dựa vào xúc giác để biết con voi hình thù ra sao. Năm người sờ năm bộ phận và mỗi người lại đưa ra những kết luận khác về con voi.

- Thầy bói sờ vòi voi thì bảo "sun sun như con đỉa". Thầy bói sờ ngà lại phán con voi "chần chẫn như cái đòn càn". Lão thầy bói sờ tai voi lại khẳng định nó "bè bè như cái quạt thóc". Lão thầy bói thứ tư sờ chân voi, lại cãi là voi "sừng sững như cái cột nhà". Thầy bói thứ năm sờ đuôi lại nói con voi "tun tủn như cái chổi sể cùn".

- Có thể thấy, mỗi ông đều có một ý kiến khác nhau và nhất định bảo vệ ý kiến của mình, cho rằng hình thù của con voi mà mình sờ thấy là đúng. Không ai chịu nhường ai vì họ đều tận tay sờ con voi, chính vì thế mà một cuộc hỗn chiến đã xảy ra, khiến cho các ông toác đầu chảy máu. Những người chứng kiến tại đó đã có một trận cười ra nước mắt. 

=> Phủ định ý kiến của người khác, quả quyết ý kiến của mình đúng. Không nên chủ quan trong nhận thức sự vật. Muốn nhận thức đúng sự vật phải xem xét toàn diện.

2.3. Hậu quả của việc xem và phán về voi

- Chưa biết hình thù con voi.

- Đánh nhau toác đầu chảy máu.

- Tác giả đã sử dụng nghệ thuật phóng đại nhằm tô đậm sự sai lầm và thái độ bảo thủ, phiến diện của các thầy.

=> Châm biếm sự hồ đồ của nghề thầy bói. Đồng thời đây cũng là lời khuyên không nên tin vào những điều mê tín, bói toán. Truyện còn nêu lên bài học sâu sắc trong cách chúng ta nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống. Khi xem xét bất cứ điều gì cũng cần phải có cái nhìn bao quát, toàn diện để đánh giá được đúng đối tượng, sự việc. Tránh cái nhìn phiến diện, một chiều dẫn đến nhận thức sai lầm, lạc hướng giống như các “Thầy bói xem voi”.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Phê phán nghề thầy bói, khuyên người ta muốn hiểu đúng sự vật phải nghiên cứu toàn diện sự vật đó.

+ Bài học: Đánh giá, xem xét phải toàn diện, khách quan, có tính tổng hợp.

+ Bảo vệ ý kiến cá nhân đúng song lắng nghe ý kiến người khác.

+ Sai lầm về phương pháp dẫn đến kết quả sai.

- Về nghệ thuật:

+ Cách giáo huấn bóng gió, tự nhiên mà sâu sắc.

+ Nghệ thuật phóng đại, lặp lại các sự việc.

+ Xây dựng đoạn thoại với lời thoại sinh động, nhốn nháo, tạo ra tiếng cười cho người đọc.

4. Luyện tập

Câu 1: Suy nghĩ của em về truyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi".

Gợi ý trả lời:

Chúng ta có thể rút ra được những bài học quý giá thông qua truyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi", chính truyện ngụ ngôn này mà nhân dân ta có câu tục ngữ: Thầy bói nói mò. Truyện ngụ ngôn này nhằm chế giễu bọn thầy bói mắt đã mùa mà còn giở trò bịp bợm, kiếm ăn bằng trò mê tín dị đoan. Truyện "Thầy bói xem voi" còn mang tính ngụ ngôn sâu sắc. Nhân dân nêu lên bài học về cách nhìn và cách đánh giá sự vật, hiện tượng, không được chủ quan, phiến diện, phải có quan điểm toàn diện. Trong học tập và cuộc sống hàng ngày, bài học ấy rất cần thiết đối với mỗi người.

Câu 2: Truyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi" đã mang đến những bài học sâu sắc về cách nhìn nhận, ứng xử của con người như thế nào?

Gợi ý trả lời:

- Sau khi đã tìm hiểu truyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi" chúng ta có thể rút ra những bài học như sau:

+ Để đánh giá đúng bản chất của sự vật, hiện tượng cần có những quan sát toàn diện, đánh giá trên cơ sở cái tổng thể, không lấy cái bộ phận, đơn lẻ hay những nhận thức mang tính chủ quan, hạn chế để đánh giá cái toàn thể.

+ Cần thận trọng trước những lời đánh giá, nhận xét để tránh những sai lầm. Để đánh giá sự vật, hiện tượng cần kết hợp giữa nhiều yếu tố: Nghe, nhìn, cảm nhận tránh những kết luận vội vàng, phiến diện, chủ quan.

+ Cần học cách lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác, vừa lắng nghe, vừa học hỏi kết hợp với những hiểu biết của bản thân thì những lợi nhận định, đánh giá cũng sẽ chi tiết, đầy đủ và chính xác nhất. Khi biết lắng nghe ý kiến của người khác chúng ta không chỉ tiếp thu được những điều bổ ích mà chúng ta còn duy trì được những mối quan hệ hoà hảo, tốt đẹp.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Có hiểu biết bước đầu về truyện ngụ ngôn.

- Hiểu và cảm nhận được nội dung, ý nghĩa của truyện “Thầy bói xem voi”.

- Nắm được những nét chính về nghệ thuật của truyện.

- Đọc - hiểu được văn bản truyện ngụ ngôn.

- Liên hệ các sự việc trong truyện với những tình huống, hoàn cảnh thực tế.

- Kể lại được truyện.

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM