Sự việc và nhân vật trong văn tự sự

Bài học dưới đây giúp các em hiểu được sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả. Để hiểu rõ hơn nội dung mời các em cùng tham khảo bài học.

Sự việc và nhân vật trong văn tự sự

1. Tìm hiểu đặc điểm của sự việc và nhân vật trong văn tự sự

1.1. Sự việc trong văn tự sự

- Sự việc trong văn tự sự phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lý

- Sự việc trong văn tự sự phải được trình bày một cách cụ thể, thể hiện rõ ở các yếu tố:

  • Yếu tố 1: Ai làm ? (Nhân vật là ai)

  • Yếu tố 2: Việc xảy ra ở đâu ? (Địa điểm)

  • Yếu tố 3: Việc xảy ra lúc nào ? (Thời gian)

  • Yếu tố 4: Việc diễn biến như thế nào ? (Qúa trình)

  • Yếu tố 5: Việc xảy ra do đâu ? (Nguyên nhân)

  • Yếu tố 6: Việc kết thúc như thế nào ? (Kết quả)

- Sự việc trong văn tự sự phải được lựa chọn sao cho phù hợp với tư tưởng chủ đề.

Ví dụ

Sự việc trong truyện "Sơn Tinh, Thuỷ Tinh"

  • Do ai làm?: Thần núi, thần nước.

  • Địa điểm: Đất Phong Châu .

  • Thời gian: Vua Hùng Vương thứ 18.

  • Nguyên nhân: Thuỷ Tinh không lấy được vợ.

  • Diễn biến: Trận đánh nhau dai dẳng của hai thần hàng năm.

  • Kết quả: Thuỷ Tinh thua trận nhưng không cam chịu.

→ Ca ngợi sự chiến thắng lũ lụt của Sơn Tinh (của nhân dân).

1.2. Nhân vật trong tự sự

- Nhân vật trong Nhân vật trong tự sự là người được thể hiện trong văn bản và là người thực hiện (làm ra) các sự việc.

- Nhân vật chính: Được kể, nói tới nhiều nhất, đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện chủ đề văn bản.

- Nhân vật phụ: Giúp nhân vật chính hoạt động trong các sự việc, có mối quan hệ với nhân vật chính

- Cách kể về nhân vật

  • Gọi tên, đặt tên

  • Giới thiệu đặc điểm (lai lịch, tài năng)

  • Kể việc làm

  • Được miêu tả (chân dung, hình dáng)

2. Luyện tập

Bài 1: Trong truyện “Con hổ có nghĩa” có những sự việc nào?

Gợi ý trả lời:

- Trong truyện con hổ có nghĩa, có 2 câu chuyện nhỏ:

  • Câu chuyện Bà đỡ Trần ở Đông Triều đỡ đẻ cho hổ, được hổ đền ơn 10 lạng bạc.

  • Câu chuyện Bác tiều phu ở Lạng Giang cứu hổ bị nạn (bị hóc xương), được hổ báo đền nhiều lễ vật; khi bác qua đời, hổ tiếc thương, ngày giỗ bác, hổ vẫn đem lễ vật đến cúng.

- Trong mỗi câu chuyện nhỏ này là các sự việc được sắp xếp lần lượt thứ tự với nhau một cách hợp lý:

  • Truyện thứ nhất: Một bà đỡ họ Trần người huyện Đông Triều một đêm nọ được hổ cõng vào rừng. Đến nơi bà thấy một con hổ cái đang sinh nở rất khó khăn bèn giúp hổ cái sinh con trót lọt. Hổ đực mừng rỡ đào lên một cục bạc biếu bà. Nhờ có cục bạc của hổ mà bà sống qua được năm mất mùa đói kém.

  • Truyện thứ hai: Bác tiều ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi thấy một con hổ bị hóc xương bèn giúp hổ lấy xương ra. Để tạ ơn, hổ biếu bác một con nai. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Từ đó, mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về biếu gia đình bác.

Bài 2: Truyện “Mẹ hiền dạy con” có 5 sự việc nối tiếp, đó là các sự việc nào?

Gợi ý trả lời:

- Trong truyện “Mẹ hiền dạy con”, ta cảm thấy Mạnh mẫu đúng là người thầy đầu tiên của Mạnh Tử. Chuyện kể lại 5 việc làm vô cùng tốt đẹp của bà mẹ vĩ đại này.

  • Một là, nhà ở gần nghĩa địa. Suốt ngày con thơ chỉ bắt chước đào, chôn, lăn, khóc, bèn vội vàng dời nhà đến gần chợ.

  • Hai là, đến ở gần chợ, bà chỉ thấy đứa con trai nhỏ của mình suốt ngày bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo, bà lại chuyển chỗ đến gần trường học

  • Ba là, Mạnh mẫu quyết định dời nhà đến gần trường học. Bà sung sướng, thấy đứa con thơ bắt chước trẻ nhỏ cắp sách vở, học tập lễ phép.

  • Bốn là Khi con hỏi: “Người ta giết lợn làm gì thế?”; bà lỡ miệng nói đùa: “Để cho con ăn đấy”. Sau Mạnh mẫu đã đi mua thịt cho con ăn thật để chứng tỏ mẹ không nói dối con.

  • Năm là Bà đã giận dữ cắt đứt tấm vải đang dệt dở dang khi thấy con trai đi học bỏ trốn về nhà.

Bài 3: Em hãy tìm những sự việc chính trong truyền thuyết Thánh Gióng?

Gợi ý:

Những sự việc chính trong truyền thuyết Thánh Gióng:

  • Bà mẹ giẫm lên một vết chân to, về nhà thụ thai và sinh ra Thánh Gióng.

  • Từ lúc sinh ra đến khi lên ba, Thánh Gióng vẫn không biết nói biết cười, đặt đâu nằm đấy.

  • Khi nghe sứ giả gọi tìm người đánh giặc Ân xâm lược, Gióng cất tiếng nói đòi đi đánh giặc cứu nước.

  • Cha mẹ và dân làng nuôi Gióng lớn nhanh như thổi.

  • Gióng biến thành tráng sĩ, đánh đuổi hết giặc Ân xâm lược.

  • Đánh thắng giặc, Gióng bay về trời. .

  • Vua nhớ ơn, phong Gióng là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ở quê nhà.

3. Kết luận

- Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,...

- Nhân vật trong văn tự sự là kẻ thực hiện các sự việc và là kẻ được thể hiện trong văn bản. Nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản. Nhân vật phụ chỉ giúp nhân vật chính hoạt động. Nhân vật được thể hiện qua các mặt: tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm,...

Ngày:28/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM