Buổi học cuối cùng Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình yêu của người dân Pháp dành cho tiếng mẹ đẻ, tiếng nói dân tộc của mình. Từ đó, các em có thái độ yêu mến, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Buổi học cuối cùng Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

- Tác giả: An-phông-xơ Đô- đê, nhà văn chuyên viết truyện ngắn của nước Pháp thế kỉ XIX (1840 -1897).

- Tác phẩm: Truyện ngắn viết sau chiến tranh Pháp- Phổ (1870). Pháp thua trận phải cắt vùng An-dát và Lo-ren cho Phổ (Đức).

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Quang cảnh chung

- Hoàn cảnh cụ thể của văn bản được mở đầu bằng một buổi sáng như mọi ngày khác. Sáng nay, Phrăng định trốn học phần vì đã trễ giờ, phần vì sợ thầy hỏi bài phân từ mà chú chưa thuộc chữ nào. Nhưng chú đã nghĩ lại và vội vã chạy đến trường.

- Trên đường đến trường nhân vật Phrăng bỗng nhìn thấy có nhiều người đứng lố nhố trước bảng dán cáo thị của quân Phổ, chú băn khoăn nghĩ: Lại có chuyện gì nữa đây? Khi bác phó rèn Oát-stơ khuyên Phrăng chẳng cần vội vã đến trường làm gì thì chú bé lại tưởng là bác chế nhạo mình.

- Khi đến lớp Phrăng vô cùng ngạc nhiên vì lớp im lặng đến đáng sợ, bình thường lớp rất ồn ào. Mặc dù vào lớp muộn nhưng Phrăng không bị thầy Ha-men quở trách như mọi lần mà thầy dịu dàng nói: Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con. Tất cả những điều khác thường đó báo hiệu về một điều gì đó rất nghiêm trọng sắp xảy ra.

2.2. Nhân vật chú bé Phrăng

- Ban đầu Phrăng không có đam mê, không thích học tiếng Pháp, Phrăng đã nhiều lần định trốn học đi chơi, giận mình vì bỏ phí thời gian học tập. Từ "chán sách" đến thấy sách là bạn "cố tri". Thấy xấu hổ khi không thuộc bài "lòng rầu rĩ" không dám ngẩng đầu lên. Trong buổi học cuối cùng kinh ngạc khi thấy mình "hiểu đến thế...chưa bao giờ thấy mình chăm chú nghe đến thế".

- Thái độ của Phrăng đối với thầy Ha-men cũng đươc tác giả miêu tả rõ ràng, chi tiết. Đầu tiến là sợ hãi, lẻn vào chỗ ngồi, đỏ mặt tía tai khi nhìn cây thước sắt khủng khiếp của thầy Ha-men, đến thân thiện: quí trọng thầy, thấy thầy mặc đẹp, qua lời thầy nhận thấy quân Phổ là "Quân khốn nạn", nghĩ đến việc thầy sắp ra đi, thấy tội nghiêp thầy, chưa bao giờ thấy thầy lớn lao đến thế.

=> Qua những chi tiết trên cho thấy mặc dù Phrăng ham chơi, không thích học nhưng lại là một chú bé hồn nhiên, chân thật, biết lẽ phải. Tình yêu tiếng Pháp. quí trọng biết ơn người thầy. Qua nhân vật Phrăng vừa là nhân vật chính, vừa đóng vai người kể chuyện, qua sự biến đổi tâm trạng, tình cảm, thái độ... Tác giả thể hiện rất thành công lòng yêu nước thiết tha của nhân dân Pháp, từ trẻ đến già qua tình yêu tiếng Pháp - tiếng mẹ đẻ sắp bị quân thù cấm ngặt.

2.3. Nhân vật thầy giáo Ha-men

- Trang phục: Áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen, mũ bằng lụa đen thêu.

- Thái độ đối với học sinh: Không giận dữ, thật dịu dàng.

- Những lời nói về việc học tiếng Pháp: "Tai hoạ lớn nhất là bao giờ cũng hoãn lại việc học đến ngày mai...". "Tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới...phải giữ lấy nó và đừng bao giờ quên lãng nó... Khi một dân tộc... chốn lao tù".

- Hành động, cử chỉ: "Thầy quay về phía bảng, cầm một hòn phấn dằn mạnh hết sức, cố viết thật to: Nước pháp muôn năm". Lời nói của thầy đề cao tiếng nói dân tộc, khẳng định sức mạnh của tiếng nói dân tộc.

=> Ta có thể hình dung về thầy: yêu nghề dạy học, tin ở tiếng nói dân tộc Pháp, có lòng yêu nước sâu sắc. Điều quí báu nhất đối với ta là thầy đã truyền dạy cho em ý nghĩa sức mạnh của tiếng nói dân tộc. Cho ta hiểu thêm sự cần thiết phải học tập và giữ gìn tiếng nói dân tộc mình.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Qua câu chuyện về buổi học tiếng Pháp cuối cùng trong vùng An - Dát, truyện đề cao tình yêu tiếng mẹ đẻ, tiếng nói dân tộc. Một trong những biểu hiện của lòng yêu nước.

- Về nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật phù hợp với lứa tuổi qua ngoại hình nhân vật, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động nhân vật. đặc biệt tác dụng của nghệ thuật so sánh.

4. Luyện tập

Câu 1: Theo em, những lời bộc bạch của thầy Ha-men có ý nghĩa như thế nòa?

Gợi ý trả lời:

- Tác giả đã thể hiện những lời thoại của nhân vật thầy Hamen chạm tới trái tim mọi người, thể hiện thầy là một người rất yêu nghề, và có lòng yêu nước nồng nàn.

- Cả thầy và trò đều hối hận cho việc dạy và học của mình trong thời gian qua, những hành động lơ là ấy giờ đây đã phải trả giá. Để rồi trong buổi học cuối cùng ấy ai cũng chăm chú lắng nghe trong nghẹn ngào, khắc ghi vào lòng lời thầy căn dặn “tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới, nắm được chìa khóa chốn lao tù…”.

- Dòng chữ cuối cùng trên bảng “Nước Pháp muôn năm” đã kết thúc buổi học và là lời thúc giục hành động đấu tranh của mỗi người, hãy đứng lên đấu tranh để đem tiếng Pháp trở lại với đất nước này.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của bản thân về văn bản "Buổi học cuối cùng".

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Buổi học cuối cùng" đã thể hiện rất rõ tình yêu của người dân Pháp đối với tiếng mẹ đẻ, tiếng nói dân tộc của mình. "Buổi học cuối cùng" của tác giả An-phông-xơ Đô-đê như một tự truyện của chú bé Phrăng vùng An-dát. Những lời tâm sự, suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của chú bé từ lúc rời khỏi nhà để đi đến lớp học, và những gì diễn ra trong buổi học Pháp văn cuối cùng để lại dấu ấn, dư âm sâu đậm trong lòng người đọc. Bằng cách diễn đạt giản dị nhưng lôi cuốn, truyện Buổi học cuối cùng đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn đời đó chính là lòng yêu nước gắn liền với tình yêu tiếng mẹ đẻ. Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh chân lí: giáo dục lòng yêu nước từ những gì bình dị, nhỏ bé nhất. Tiếng mẹ đẻ gần gũi, dung dị, đó cũng chính là hồn cốt và tiếng nói của tinh thần dân tộc.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm vững cốt truyện, nhân vật và chủ đề tư tưởng của truyện.

- Rèn luyện kĩ năng quan sát, nhận xét văn bản, đọc và tóm tắt truyện.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM