Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được rằng trong một tập thể thì tinh thần đoàn kết là rất cần thiết, nếu như luôn tị nạnh nhau thì để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

- Tóm tắt truyện ngụ ngôn "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng": Chân, Tay, Tai, Mắt tị với lão Miệng là lão chẳng làm gì mà được ăn ngon. Cả bọn quyết định không chịu làm gì để cho lão Miệng không còn gì ăn. Qua đôi ba ngày, Chân, Tay, Tai, Mắt thấy mệt mỏi không buồn làm gì cả. Sau đó chúng mới vỡ lẽ ra là nếu Miệng không được ăn thì chúng không có sức. Thế rồi, chúng cho lão Miệng ăn và chúng lại có sức khoẻ, tất cả lại hoà thuận như xưa.

- Có thể chia bố cục của truyện thành ba đoạn như sau:

+ Đoạn 1: Từ đầu -> kéo nhau về: Nguyên nhân và tình huống truyện.

+ Đoạn 2: Tiếp -> họp nhau lại để bàn: Hành động và kết quả.

+ Đoạn 3: Còn lại: Bài học rút ra.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nguyên nhân và tình huống truyện

- Cô Mắt than thở: Bác Tai, hai anh và tôi làm việc quanh năm còn lão Miệng chẳng làm gì cả... Đừng làm gì... xem lão Miệng có sống được không.

-> Cô mắt khơi chuyện, tìm cách kích động cậu Chân, cậu Tay.

- Cậu Chân, Tay: phải đấy... qua nhà bác Tai.

- Bác Tai: Phải phải... bác sẽ đi với các cháu.

-> Đồng tình, nhất trí cao. Hợp lí vì mắt vốn chuyên để trông nhìn quan sát. Vì đó là sự thật hiển nhiên mà hàng ngày bận làm việc nên họ không nhận ra. Họ đều có lòng ghen ghét, đố kị.

- Hăm hở, nói thẳng: “chúng tôi... chúng tôi từ nay không làm để nuôi ông nữa... không phải bàn gì nữa” (tình huống truyện mở ra).

=> Biểu hiện thái độ hăng hái quyết làm cho bằng được việc, cho hả giận. Lão Miệng hoàn toàn bị bất ngờ, bị áp đặt nên ớ ra ngạc nhiên nhưng không được thanh minh, giãi bày đành cam chịu. Hả hê, hân hoan vì thắng lợi. Có vẻ như công lí đã được thi hành (tình huống truyện chùng xuống).

2.2. Hậu quả của quyết định không cùng chung sống

- Cuộc tẩy chay bắt đầu. Chỉ mấy ngày sau, cô Mắt thì lờ đờ, cậu Chân, cậu Tay thì không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy vui đùa như trước nữa. Bác Tai thì ù ù như xay lúa ở trong,... Tất cả đều lừ đừ mệt mỏi; đến ngày thứ bảy thì không thể chịu được nữa. Còn lão Miệng trong thời gian ấy cũng nhợt nhạt cả hai môi, hàm răng thì khô như rang, không buồn nhếch mép. Cái "sáng kiến" của cô Mắt thế là hoàn toàn thất bại, gây tác hại cho cả người lẫn mình!

=> Trong cuộc sống đừng a dua, đừng nghe người ta xui dại, làm bậy mà thiệt hại đến mình. Con người không thể sống riêng biệt một mình mà tồn tại, mà được hạnh phúc. Mỗi người, mỗi bộ phận, mọi tổ chức đều gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau như các bộ phận trong cơ thể. Cũng đừng cho mình là quan trọng nhất mà coi thường người khác, hoặc suy bì tị nạnh bon chen trong cuộc sống. Cùng sống, cùng hoà hợp và tồn tại để mưu cầu hạnh phúc là bài học sâu sắc nhất được rút ra từ truyện ngụ ngôn này.

2.3. Cách sửa chữa hậu quả

- Bác Tai: Chúng ta lầm... không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt.

- Họ đã nhận ra sai lầm của mình, săn sóc, chăm chút cho lão Miệng, ai làm việc ấy, không suy bì tị nạnh nữa.

=> Cá nhân không thể tách rời tập thể, từng cá nhân phải biết nương tựa, giúp nhau đoàn kết để cùng tồn tại.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Từ câu chuyện của "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" đã nêu ra bài học: Trong một tập thể, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa vào nhau, gắn bó với nhau để cùng tồn tại; do đó phải biết hợp tác với nhau, tôn trọng công sức của nhau.

- Về nghệ thuật:

+ Nghệ thuật ẩn dụ độc đáo.

+ Lối kể chuyện chân thực, sinh động.

+ Trí tưởng tượng phong phú, truyện kể hấp dẫn, biện pháp nhân hóa, tình huống bất ngờ.

4. Luyện tập

Câu 1: Từ câu chuyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” em rút ra được bài học gì cho bản thân mình.

Gợi ý trả lời:

Từ câu chuyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” em rút ra được bài học trong cuộc sống, đó chính là quan hệ nương tựa vào nhau, phụ thuộc lẫn nhau của những cá nhân trong một tổ chức, một cộng đồng mà truyện ngụ ngôn này đã thu nhỏ lại trong mấy cơ quan của thân thể con người một cách cụ thể, dễ hiểu nhưng cũng thật sâu sắc. Và bài học thấm thía đã được tác giả dân gian kết luận như là cách vận dụng tốt nhất mối quan hệ đó trong cuộc sống: "Từ đó lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại thân mật sống với nhau, mỗi người một việc không ai tị ai cả".

Câu 2: Nêu cảm nhận của em về truyện ngụ ngôn “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”.

Gợi ý trả lời:

Có thể khẳng định rằng trong kho tàng truyện ngụ ngôn nước ta, "Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" là một truyện độc đáo. Nhân vật không là loài vật, cũng không phải con người, mà là những bộ phận trên thân thể con người. Tác giả dân gian mượn một mẩu chuyện về mấy cơ quan của thân thể người để nói chuyện con người. Câu chuyện vui vui, hóm hỉnh, nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa triết lí sâu xa và một bài học thấm thía.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu nội dung, ý nghĩa của truyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”.

- Hiểu một số nét chính về nghệ thuật của truyện.

- Đọc - hiểu văn bản truyện ngụ ngôn.

- Liên hệ các sự việc trong truyện với những tình huống, hoàn cảnh thực tế.

- Kể lại được truyện.

- Tự xác định và có thái độ nghiêm túc, tích cực khi tìm hiểu nhân vật ngụ ngôn.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM