Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện kĩ năng luyện nói trước tập thể. Đồng thời, bài học này còn giúp các em hiểu hơn về các yếu tố quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả Ngữ văn 6

1. Luyện nói trong văn miêu tả

Khi luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả các em cần chú ý:

- Sử dụng đa dạng và hài hòa các yếu tố quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét.

- Khi so sánh cần lưu ý so sánh có chừng mực, không so sánh quá khập khiễng giữa những đối tượng miêu tả với nhau.

2. Luyện tập

Câu 1: Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một đêm trăng đẹp ở quê em.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về một đêm trăng đẹp.

b. Thân bài:

- Thiên nhiên, cảnh vật:

+ Không gian buổi đêm thật thanh bình và rộng lớn.

+ Cơn gió mùa hè dìu dịu thổi qua cây lá, mang theo chút thanh mát làm dịu đi cái oi ả của mùa hè.

+ Ánh trăng luôn mang đến cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng, ánh trăng thơ mộng và đẹp làm sao. Những ngôi sao lấp lánh không ngừng để tô điểm thêm cho bầu trời đêm, cùng nhau thi xem ai là người tỏa sáng nhất trong buổi đêm.

+ Ánh nắng vàng chói chang đã nhường chỗ cho những ánh sáng dịu nhẹ, bàng bạc của ánh trăng.

+ Quê em đã tỏa sáng hơn bởi ánh trăng đêm lung linh, huyền ảo. Ánh trăng tràn qua những con đường, qua mặt sông, trên những đồng lúa đang vào đòng, chiếu sáng những con ngõ nhỏ. Trăng in dấu trên mặt nước long lanh, lấp lánh phản chiếu qua kẽ lá như có đứa trẻ tinh nghịch nào làm đang chơi trò chiếu gương.

+ Đêm đến, cánh đồng là không gian hội họp của những loài vật. Tiếng ếch nhái, chẫu chuộc gọi bạn tình, gọi nhau kêu không ngớt. Tiếng sáo diều vi vu trên trời của đứa trẻ nào ham chơi buộc lại cánh đồng, gửi gió cất cao mơ ước.

+ Xa xa, thấp thoáng bóng những chú cò gầy guộc phải kiếm ăn vào ban đêm.

+ Cơn gió mơn man trên cánh đồng làm nên khúc giao hưởng rì rào, len lỏi qua kẽ lá, làm nên những giai điệu xôn xao.

- Con người:

+ Ban đêm ở quê em rất yên bình, mọi người đang nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc vất vả. Những ngôi nhà đều đã sáng ánh đèn. Những ánh đèn vàng cam, trắng hắt từ những ô cửa ra ngoài sân, hòa cùng với ánh sáng của vầng trăng. Con người sau một ngày làm việc vất vả, cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình. Tiếng cười nói của trẻ thơ, tiếng trò chuyện của người lớn rôm rả, rộn rã.

+ Trên các con đường làng, đám trẻ đã tụ tập đông đủ. Chúng chơi đủ các trò chơi: trốn tìm, ú òa, rồng rắn lên mây, kéo cưa lừa xẻ,… Những bước chân dập dìu, ngây thơ xem ông trăng có đi theo mình không.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ, tình cảm của bản thân.

- Trời càng về khuya, ánh đèn của các gia đình đã dần tắt. Chỉ có ông trăng kia vẫn ở đó, sáng soi và canh giữ, bảo vệ cho con người. Với tôi, những đêm như thế là những đêm bình yên nhất.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn luyện nói trước lớp với đề bài: Tả cây phượng trong sân trường em có sử dụng yếu tố quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét.

Gợi ý trả lời:

Trường em là ngôi trường vô cùng sạch đẹp, có rất nhiều cây xanh trong trường, nhưng em thích nhất chỉ mỗi cây phượng ở góc sân trường mà thôi. Cây phượng ấy có lẽ nó được những thế hệ thầy trò đầu tiên của ngôi trường mà em đang học trồng. Đến thế hệ của chúng em thì nó đã lớn và chiếm một khoảng khá rộng ở sân trường. Thân cây rất to chắc phải mấy đứa chúng em ôm mới xuể, phần rễ cây rất phát triển nhô cả lên mặt đất, vô tình như một cái ghế tạo thành chỗ ngồi cho học sinh ở trường. Cây phượng có rất nhiều cành, cành to, cành nhỏ thi nhau vươn cao, xa để đón lấy ánh nắng mặt trời. Lá phượng rất đặc biệt, mỗi cành có rất nhiều cành lá, trên mỗi cành lá lại có nhiều lá con. Vì lá phượng nhỏ như vậy nên cả một cây phượng không tạo thành một bóng mát, những tia nắng lọt qua kẽ lá chiếu xuống sân như những đốm sáng nhỏ trông rất đẹp. Mỗi khi hè đến, cả cây phượng chìm trong tiếng ve kêu, rất ồn ào nhưng lại vui tai, những chùm hoa phượng bắt đầu nở, rồi cả cây phượng nở hoa, che lấp những cành lá màu xanh, nhìn từ xa cây phượng đỏ rực cả một góc trời.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Thấy được vai trò của quan sát tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả.

- Hình thành các kĩ năng trên khi nhận diện các đoạn, bài văn miêu tả và khi viết kiểu bài này.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM