Bệnh đa xơ cứng tumefactive - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh đa xơ cứng tumefactive là một dạng hiếm của bệnh đa xơ cứng. Đa xơ cứng là bệnh gây tàn tật, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh lý này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh đa xơ cứng tumefactive - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh đa xơ cứng tumefactive là gì?

Bệnh đa xơ cứng tumefactive là một dạng hiếm của bệnh đa xơ cứng (MS). Đa xơ cứng là bệnh gây tàn tật và tiến triển, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương.

Đa xơ cứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công myelin, là chất béo bao phủ sợi thần kinh. Sự tấn công này gây ra các vết sẹo hoặc tổn thương hình thành trong não và tủy sống. Các sợi dây thần kinh bị hư hỏng ngăn cản việc truyền tín hiệu bình thường từ các dây thần kinh đến não. Điều này làm cơ thể mất chức năng.

Các tổn thương não rất nhỏ trong các loại đa xơ cứng khác. Với đa xơ cứng tumefactive, các tổn thương lớn hơn 2cm. Loại đa xơ cứng này cũng dữ dội hơn so với các loại đa xơ cứng khác.

Mức độ phổ biến của bệnh đa xơ cứng tumefactive

Bệnh đa xơ cứng tumefactive không phổ biến. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đa xơ cứng tumefactive là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh đa xơ cứng tumefactive là:

  • Mệt mỏi;
  • Tê hoặc ngứa ran;
  • Yếu cơ ;
  • Chóng mặt ;
  • Mất thăng bằng;
  • Các vấn đề về ruột và bàng quang;
  • Đau;
  • Đi bộ khó khăn;
  • Cơ bắp co cứng;
  • Các vấn đề về thị lực;
  • Các bất thường về nhận thức như gặp khó khăn trong học tập, ghi nhớ thông tin và sắp xếp;
  • Nhức đầu;
  • Co giật;
  • Các vấn đề về phát âm;
  • Mất cảm giác;
  • Tâm thần lẫn lộn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương  pháp thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bệnh đa xơ cứng tumefactive?

Nguyên nhân gây đa xơ cứng tumefactive không được biết đến. Bệnh thường phát triển thành dạng tái phát-thuyên giảm của đa xơ cứng. Trong các trường hợp khác, chỉ xảy ra một lần tình trạng này.

4. Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng tumefactive?

Mặc dù không rõ nguyên nhân của đa xơ cứng tumefactive, các nhà nghiên cứu tin rằng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh này và các hình thức khác của đa xơ cứng.

Bạn có nhiều khả năng phát triển tình trạng này nếu cha mẹ hoặc anh chị em ruột của bạn được chẩn đoán mắc bệnh này. Yếu tố môi trường cũng có thể đóng vai trò trong sự phát triển của bệnh.

Đa xơ cứng phổ biến hơn ở các khu vực xa đường xích đạo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có một mối liên hệ giữa bệnh và hàm lượng vitamin D thấp. Những người sống gần đường xích đạo nhận một lượng vitamin D tự nhiên cao hơn do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tiếp xúc này có thể tăng cường chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể chống lại căn bệnh này.

Hút thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ cho bệnh đa xơ cứng tumefactive.

Chưa có đủ bằng chứng chứng minh virus hay vi khuẩn gây ra đa xơ cứng. Tuy nhiên, đây là một giả thuyết bởi vì một số virus và vi khuẩn có thể gây ra viêm và thoái hóa myelin.

5. Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh đa xơ cứng tumefactive?

Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng tumefactive khá khó khăn vì các triệu chứng của bệnh tương tự như các tình trạng khác. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng và lịch sử y tế cá nhân và gia đình của bạn.

Một loạt các xét nghiệm có thể khẳng định bệnh đa xơ cứng tumefactive. Đầu tiên, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI. Xét nghiệm này sử dụng các xung động của sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của bộ não và tủy sống. Kiểm tra hình ảnh này giúp bác sĩ xác định sự hiện diện của tổn thương trên não hoặc tủy sống.

Các tổn thương nhỏ có thể gợi ý các loại khác của bệnh đa xơ cứng, trong khi tổn thương lớn hơn có thể gợi ý bệnh đa xơ cứng tumefactive. Tuy nhiên, việc phát hiện tổn thương không có nghĩa là bạn có bệnh đa xơ cứng tumefactive hay không. Bạn sẽ phải làm thêm nhiều xét nghiệm để xác định chẩn đoán.

Các kiểm tra y tế khác bao gồm kiểm tra chức năng thần kinh. Đây là cách đo lường tốc độ xung điện đi qua dây thần kinh. Bác sĩ cũng có thể thực hiện chọc dò tủy sống, còn gọi là chọc dịch não tủy. Một kim tiêm được đưa vào lưng dưới để lấy mẫu dịch não tủy. Chọc dịch não tủy có thể chẩn đoán một loạt các tình trạng y tế như:

  • Các nhiễm trùng nghiêm trọng;
  • Một số bệnh ung thư não hoặc tủy sống;
  • Các rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương;
  • Các tình trạng viêm ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh;

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh có triệu chứng tương tự như đa xơ cứng.

Bởi vì đa xơ cứng tumefactive có thể biểu hiện giống như một khối u não hoặc u lympho trung tâm hệ thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết. Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy mẫu từ một trong những tổn thương.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh đa xơ cứng tumefactive?

Không có cách chữa trị cho bệnh đa xơ cứng tumefactive, nhưng có nhiều cách để xử lý nó. Loại đa xơ cứng này đáp ứng tốt với liều cao corticosteroid. Những loại thuốc này giảm viêm và đau.

Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa kỳ cũng đã phê duyệt một số chất giúp thuyên giảm bệnh. Những loại thuốc này làm giảm hoạt động và làm chậm sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng tumefactive. Bạn có thể dùng thuốc để uống, tiêm hoặc tiêm tĩnh mạch dưới da hoặc tiêm trực tiếp vào cơ. Một số loại thuốc bao gồm:

  • Glatiramer (Copaxone);
  • Interferon beta-1a (Avonex);
  • Teriflunomide (Aubagio);
  • Dimethyl fumarate (Tecfidera).

Bệnh đa xơ cứng tumefactive có thể gây ra các triệu chứng khác như:

  • Trầm cảm;
  • Co thắt cơ bắp;
  • Đi tiểu thường xuyên.

Do vậy, bạn có thể sử dụng các thuốc khác để đối phó với các triệu chứng này.

6. Chế độ sinh hoạt hợp lý

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý bệnh đa xơ cứng tumefactive?

Tập thể dục vừa phải có thể cải thiện:

  • Mệt mỏi ;
  • Tâm trạng;
  • Chức năng bàng quang và ruột ;
  • Tăng cường cơ bắp.

Bạn nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày và ít nhất 3 lần trong tuần. Nói chuyện với bác sĩ trước khi bạn bắt đầu một chế độ tập luyện mới.

Bạn cũng có thể tập yoga và thiền định để quản lý căng thẳng. Căng thẳng về tinh thần và tình cảm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng. Châm cứu có thể có hiệu quả giúp giảm:

  • Đau;
  • Liệt cứng;
  • Tê;
  • Ngứa ran;
  • Trầm cảm.

Hãy hỏi bác sĩ về các trị liệu thể chất, phát âm và liệu pháp nghề nghiệp nếu bệnh làm hạn chế vận động hoặc ảnh hưởng đến chức năng cơ thể.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh đa xơ cứng tumefactive, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:15/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM