Bệnh thần kinh ngoại biên - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh thần kinh ngoại biên là bệnh lý gây ra do các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng. Hiện đã có hơn 100 loại bệnh thần kinh ngoại biên được xác định. Tất cả đều có đặc trưng về triệu chứng, mô hình phát triển và tiên lượng bệnh riêng. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh thần kinh ngoại biên - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Đây là bệnh lý gây ra do các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Dây thần kinh ngoại biên (Peripheral neuropathy) là các dây thần kinh giúp truyền tín hiệu từ não và tủy sống đến các cơ, cơ quan và mô cơ thể khác.

Hiện đã có hơn 100 loại bệnh thần kinh ngoại biên được xác định. Tất cả đều có đặc trưng về triệu chứng, mô hình phát triển và tiên lượng bệnh riêng.

2. Triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên phụ thuộc vào vị trí dây thần kinh và sợi thần kinh bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số triệu chứng bạn có thể gặp phải:

Đau và tê

Tình trạng ngứa ran hoặc rát ở cánh tay và chân có thể là một dấu hiệu sớm của tổn thương thần kinh. Những cảm xúc này thường bắt đầu ở ngón chân và bàn chân của bạn. Bạn có thể bị đau, thường xảy ra ở bàn chân và cẳng chân.

Bên cạnh đó, bạn có thể mất cảm giác ở chân và cánh tay của bạn khiến cho bạn không nhận thấy gì khi dẫm lên vật nhọn. Bạn cũng không thể cảm thấy gì khi chạm vào một cái gì đó quá nóng hoặc lạnh.

Tình trạng tê có thể làm cho bạn khó khăn hơn trong việc nhận biết chuyển động của chân mình, từ đó có thể bạn mất thăng bằng.

Các vấn đề về cơ bắp

Các tổn thương ở dây thần kinh có thể khiến cho việc điều khiển cơ bắp gặp khó khăn và gây ra yếu cơ. Bạn có thể cảm nhận được triệu chứng này khi cử động các bộ phận cơ thể. Những việc đơn giản như cài nút áo cũng trở nên khó khăn hơn. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng cơ bắp của bạn co giật hoặc co cứng. Cơ bắp của bạn còn có thể teo lại.

Các vấn đề về tiêu hóa và tim mạch

Vấn đề khi tiêu hóa thức ăn: Bạn có thể cảm thấy no và ợ nóng dù mới chỉ ăn một ít thức ăn. Đôi khi bạn có thể nôn ra thức ăn chưa được tiêu hóa. Vấn đề ở tim: Nếu các dây thần kinh ở tim bị tổn thương, bạn có thể cảm thấy choáng váng hoặc ngất xỉu khi đứng lên. Đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim và cơn đau tim. Tổn thương thần kinh ở tim có thể “ẩn” đi dấu hiệu cảnh báo này. Bạn nên tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo đau tim khác như mệt mỏi đột ngột, đổ mồ hôi, khó thở, buồn nôn và nôn.

Những triệu chứng khác

  • Vấn đề tình dục: Đàn ông có thể bị rối loạn cương dương còn phụ nữ có thể gặp rắc rối với chứng khô âm đạo hoặc khó đạt cực khoái.
  • Vấn đề bàng quang: Bạn có thể bị rò rỉ nước tiểu. Bạn có thể mất cảm giác mắc tiểu. Bạn có thể đổ mồ hôi quá ít hoặc quá nhiều. Điều này có thể gây rối loạn kiểm soát nhiệt độ cơ thể.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gọi bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng nặng hơn hoặc không khá lên sau điều trị hoặc nếu bạn có triệu chứng mới xuất hiện. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người, hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh ngoại biên, bao gồm:

Chấn thương trực tiếp và đè ép lên dây thần kinh;

Các nguyên nhân chuyển hóa bao gồm đái tháo đường, suy dinh dưỡng, bệnh porphyria và thiếu vitamin B;

Các nguyên nhân do viêm bao gồm lupus, hội chứng Sjogren, viêm đa động mạch nút, bệnh đa dây thần kinh mất myelin cấp và mãn tính, bệnh sarcoidose và bệnh đa xơ cứng;

Các nguyên nhân do nhiễm trùng bao gồm HIV/AIDS, virus herpes, virus thủy đậu (đau thần kinh hậu herpes), bệnh Lyme, bệnh phong và giang mai;

Bệnh ung thư dây thần kinh hiếm gặp cũng có thể gây bệnh thần kinh.

Những nguyên nhân khác của bệnh thần kinh là nghiện rượu, hóa trị, sử dụng isoniazid, metronidazole và kim loại nặng (thạch tín).

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh?

Có khoảng 1,6% đến 8,2% dân số chung từng mắc phải bệnh thần kinh ngoại biên và thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân tiểu đường. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bệnh thần kinh ngoại biên, bao gồm:

  • Đái tháo đường, đặc biệt nếu đường huyết được kiểm soát kém;
  • Lạm dụng rượu;
  • Thiếu vitamin, đặc biệt là các vitamin B;
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh Lyme, thủy đậu (varicella-zoster), nhiễm virus Epstein-Barr, viêm gan C và HIV;
  • Bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và lupus, trong đó hệ miễn dịch của bạn tự tấn công các mô cơ thể bạn;
  • Bệnh thận, gan hoặc tuyến giáp;
  • Tiếp xúc độc chất;
  • Các cử động lặp lại, chẳng hạn những người làm một số công việc nhất định;
  • Tiền sử gia đình bị bệnh thần kinh.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên?

Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán sơ bộ dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng. Ngoài ra, bạn có thể làm một xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân như:

  • Chụp MRI Chụp cộng hưởng từ (MRI) não và tủy sống;
  • Khảo sát dẫn truyền thần kinh;
  • Điện cơ ký (EMG);
  • Sinh thiết thần kinh;
  • Chọc dò tủy sống thắt lưng.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh thần kinh ngoại biên?

Các triệu chứng thường cải thiện theo thời gian, đặc biệt nếu có thể điều trị được nguyên nhân, ví dụ như:

Kiểm soát đường huyết tốt có thể làm giảm nguy cơ bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường. Nếu bạn đang uống rượu, hãy tập bỏ rượu ngay. Nếu bạn thiếu vitamin B12, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc hoặc tiêm bổ sung vitamin này.

Các thuốc điều trị đau do bệnh thần kinh gồm thuốc chống trầm cảm, chống động kinh và thuốc tê. Phương pháp tham vấn có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề tâm lý khiến bệnh nặng thêm. Vật lý trị liệu sẽ có ích đặc biệt cho bệnh nhân đau cổ và thắt lưng mãn tính. Bạn cũng có thể thử phương pháp châm cứu và phản hồi sinh học. Phẫu thuật và phong bế thần kinh là các lựa chọn chủ yếu cho người bị chấn thương tủy sống. Phẫu thuật thường được tiến hành khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bệnh thần kinh ngoại biên có thể được hạn chế nếu bạn:

Chăm sóc bàn chân của bạn, đặc biệt nếu bạn bị đái tháo đường;

Tập thể dục;

Ăn uống lành mạnh;

Ngừng hút thuốc;

Tránh uống rượu quá nhiều;

Kiểm soát nồng độ đường huyết.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Thần kinh ngoại biên, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM