Thuốc Actisoufre - Điều trị viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp

Thuốc Actisoufre thuộc nhóm thuốc tác động lên đường hô hấp, thường được dùng để điều trị viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp trên. Để biết thuốc có công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, cảnh báo, tương tác thuốc và đối tượng dùng như thế nào mời bạn đọc cùng tham khảo qua bài viết của eLib.VN nhé.

Thuốc Actisoufre - Điều trị viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp

Tên biệt dược: Actisoufre

Hoạt chất: Natri monosulfua, Saccharomyces cerevisiae (chiết xuất từ nấm men)

1. Tác dụng

Tác dụng của thuốc Actisoufre là gì?

Thuốc Actisoufre thường được dùng để điều trị viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp trên, chẳng hạn như viêm mũi, viêm mũi – hầu.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc Actisoufre cho người lớn như thế nào?

Đường uống: uống 2 ống/ ngày. Rửa mũi: thực hiện 2 lần/ ngày. Xịt mũi: xịt vào mỗi bên mũi 1 nhát/ lần, làm 3 lần/ ngày. Xịt họng: đưa đầu xịt dài vuông góc vào họng và ấn xịt 1 nhát/ lần, ngày xịt 3 lần, nuốt sau khi xịt thuốc

Liều dùng thuốc Actisoufre cho trẻ em như thế nào?

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi hay đang bú mẹ:

Đường uống: uống 1/2-1 ống/ ngày. Rửa mũi: thực hiện 2 lần/ ngày. Xịt mũi: xịt vào mỗi bên mũi 1 nhát/ lần, xịt 2 lần/ ngày. Xịt họng: xịt 1 nhát/ lần, ngày xịt 2 lần.

Đối với trẻ em trên 5 tuổi thì dùng liều tương tự như liều dùng của người lớn.

3. Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc Actisoufre như thế nào?

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về bất kì điều gì mình không rõ liên quan đến việc dùng thuốc.

Dùng đường uống: hãy lắc kỹ ống thuốc trước khi mở ra. Khi bẻ ống thuốc, bạn có thể ngửi thấy mùi lưu huỳnh lẫn với mùi hoa cam. Khi uống, pha thuốc với một ít nước, uống trong bữa ăn. Để rửa mũi: bạn tháo nút dụng cụ rửa mũi rồi đổ thuốc vào trong ống dụng cụ. Đứng trước bồn rửa mặt, ngửa đầu ra sau và nhỏ thuốc vào một bên mũi, thở bằng miệng và phát âm nhiều lần âm “kê”. Tiếp đến, bạn để thuốc tiếp xúc với dịch tiết trong mũi khoảng nửa phút, lặp lại thao tác trên cho đến khi hết thuốc trong dụng cụ, thao tác tương tự cho bên mũi còn lại. Cuối cùng, rửa sạch dụng cụ nhỏ mũi, sau đó lau khô. Khi xịt mũi: nghiêng đầu về một bên và đưa vòi xịt vào bên lỗ mũi nằm trên. Đối với trẻ nhỏ, bạn đặt trẻ nằm nghiêng hoặc ngồi (với trẻ biết ngồi, cần để đầu nghiêng một bên, để tránh co thắt thanh quản), đưa đầu xịt ngắn vào mũi và xịt một cách dứt khoát. Thực hiện lại các động tác trên cho mũi bên kia, đầu nghiêng về phía ngược lại. Khi xịt họng: đưa đầu xịt dài vuông góc vào họng và ấn xịt dứt khoát. Sau khi sử dụng, vệ sinh đầu xịt sạch sẽ.

Lưu ý, mỗi lần xịt phải để lọ thuốc thẳng đứng để tránh hao hụt khí dẫn tiến. Với trẻ còn bú, không xịt mũi với tư thế đầu ngửa ra phía sau để tránh chất lỏng chảy xuống họng. Trẻ dưới 3 tuổi thì có thể dùng đầu xịt mũi để xịt họng.

Bạn phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được dùng nhiều hơn hoặc ít hơn so với liều chỉ định, không được tự ý ngưng thuốc nếu không có sự cho phép của bác sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ

Bạn có thể gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Actisoufre?

Bạn có thể bị rối loạn tiêu hóa (đau vùng bụng) khi dùng thuốc này ở đường uống hay xịt họng.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc Actisoufre, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc Actisoufre, bạn nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

Dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc, dị ứng với lưu huỳnh Đang có một vấn đề sức khỏe khác Dị ứng với thức ăn, hóa chất, thuốc nhuộm hoặc thú nuôi Đang mang thai hoặc cho con bú

Những người đang kiêng muối (natri) cần phải thận trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc này.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc Actisoufre cho những trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Bạn chỉ nên dùng khi thực sự cần thiết hoặc khi lợi ích của việc dùng thuốc được xác định cao hơn nguy cơ.

6. Tương tác thuốc

Thuốc Actisoufre có thể tương tác với thuốc nào?

Thuốc này có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Thuốc Actisoufre có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá. Bạn không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc. Bạn cần thận trọng khi dùng thuốc này với các thực phẩm.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc Actisoufre?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

7. Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Actisoufre như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ không quá 30°C, độ ẩm không quá 75% (đối với dung dịch xịt mũi/ miệng).

Với lọ chứa thuốc, không để lọ thuốc ở nơi có nhiệt độ trên 50ºC. Không được đâm, khoan, đục lọ thuốc.

8. Dạng bào chế

Thuốc Actisoufre có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc này có một số dạng bào chế khác nhau, bao gồm dung dịch rửa mũi, dung dịch xịt mũi/ miệng hay hỗn dịch uống. Mỗi dạng có thể có hàm lượng hoạt chất khác nhau.

Ống thuốc Actisoufre dạng uống có chứa:

Natri monosulfua natri…………………………….4mg Nấm men Saccharomyces cerevisiae……..50mg (tương đương 12.5 x 10^8 tế bào)

Mỗi lọ thuốc dạng xịt mũi/ miệng chứa:

Natri monosulfua……………………………………………………..13mg Saccharomyces cerevisiae (chiết xuất từ nấm men)……..500mg

Trên đây là những thông tin cơ bản của thuốc Actisoufre. Mọi thông tin về cách sử dụng, liều dùng mọi người nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngày:10/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM