Thuốc Carbatrol® - Ngăn ngừa và kiểm soát co giật

Carbatrol (Carbamazepine) được sử dụng để ngăn ngừa và kiểm soát co giật. Thuốc carbatrol được gọi là thuốc chống co giật hoặc chống động kinh. Để biết thuốc có công dụng, liều dùng, tác dụng phụ, cảnh báo, tương tác thuốc và đối tượng dùng như thế nào mời bạn đọc cùng tham khảo qua bài viết của eLib.VN nhé.

Thuốc Carbatrol® - Ngăn ngừa và kiểm soát co giật

Tên gốc: carbamazepine

Phân nhóm: thuốc chống co giật

Tên biệt dược: Carbatrol®

1. Tác dụng

Tác dụng của thuốc Carbatrol® là gì?

Carbatrol (Carbamazepine) được sử dụng để ngăn ngừa và kiểm soát co giật. Thuốc Carbatrol được gọi là thuốc chống co giật hoặc động kinh. Carbatrol cũng được sử dụng để làm giảm một số loại đau thần kinh (như đau dây thần kinh sinh ba). Thuốc này hoạt động bằng cách giảm sự lây lan co giật trong não và khôi phục lại sự cân bằng bình thường của hoạt động thần kinh.

Một số dạng thuốc này cũng được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực. Carbamazepine có thể giúp giảm những thay đổi nghiêm trọng trong tâm trạng và giúp bạn cảm thấy bớt kích động.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng Carbatrol® cho người lớn như thế nào?

Liều thông thường cho người lớn bị bệnh động kinh

Liều ban đầu: 200mg uống 2 lần một ngày (dạng phóng thích lập tức và phóng thích kéo dài) hoặc 100mg uống 4 lần một ngày (dạng hỗn dịch).

Bạn tăng liều hàng tuần bằng cách tăng dần lên đến 200mg/ngày, 2 lần mỗi ngày (thuốc giải phóng kéo dài) hoặc 3-4 lần một ngày (các dạng khác).

Liều duy trì: 800-1.200mg/ngày.

Liều dùng thường không được vượt quá 1.200mg/ngày.

Tuy nhiên, liều lượng lên đến 1.600mg/ngày có thể được chỉ định trong những trường hợp nghiêm trọng.

Liều thông thường cho người lớn bị đau dây thần kinh sinh ba

Liều khởi đầu: 100mg uống 2 lần một ngày (dạng phóng thích lập tức và phóng thích kéo dài) hoặc 50mg uống 4 lần một ngày (dạng hỗn dịch).

Bạn có thể tăng liều lên đến 200mg mỗi ngày, sử dụng 100mg mỗi 12 giờ (dạng phóng thích lập tức và phóng thích kéo dài), hoặc 50mg 4 lần một ngày (hỗn dịch), chỉ khi cần thiết để đạt được tác dụng giảm đau. Liều dùng không vượt quá 1.200mg mỗi ngày.

Liều liều duy trì: 400-800mg mỗi ngày

Liều dùng Carbatrol® cho trẻ em như thế nào?

Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết.

3. Cách dùng

Bạn nên dùng Carbatrol® như thế nào?

Nếu bạn đang dùng viên nén phóng thích kéo dài, uống thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 2 lần mỗi ngày. Bạn không nghiền nát hoặc nhai viên nén phóng thích kéo dài, như vậy có thể giải phóng tất cả các loại thuốc cùng một lúc, làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ. Ngoài ra, không bẻ các viên thuốc trừ khi bác sĩ hoặc dược sĩ cho phép.

Nếu bạn đang dùng viên nang phóng thích kéo dài, uống thuốc này cùng hoặc không cùng thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 2 lần một ngày. Bạn nuốt toàn bộ viên nang, đừng nghiền nát hoặc nhai viên nang.

Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với điều trị của bạn. Để giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn bắt đầu dùng thuốc này ở liều thấp và tăng dần liều của bạn. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận.

Bạn dùng thuốc này thường xuyên để có được hiệu quả tốt nhất. Để giúp bạn nhớ, hãy uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Tiếp tục dùng thuốc này ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe.

Bạn đừng tự ý ngưng dùng thuốc này. Một số tình trạng (như co giật) có thể trở nên tồi tệ hơn khi ngừng thuốc này đột ngột. Liều thuốc của bạn có thể cần phải giảm dần.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng Carbatrol®?

Buồn nôn, nôn, chóng mặt, buồn ngủ, táo bón, khô miệng có thể xảy ra. Nếu bất kỳ tác dụng nào kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ ngay lập tức.

Vỏ viên thuốc có thể xuất hiện trong phân. Hiệu ứng này vô hại vì cơ thể bạn đã hấp thụ thuốc.

Hãy nhớ rằng bác sĩ kê đơn thuốc này vì họ đã đánh giá rằng lợi ích của thuốc cho bạn lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ. Nhiều người sử dụng thuốc này không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hãy báo bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm: nhức đầu nặng hoặc không khỏi, dấu hiệu của vấn đề về gan (chẳng hạn như buồn nôn/nôn không ngừng, chán ăn, đau bụng, vàng mắt/da, nước tiểu đậm), dấu hiệu của vấn đề về thận (như thay đổi lượng nước tiểu), lở loét miệng, ngất xỉu, nhịp tim nhanh/chậm/bất thường, chuyển động mắt bất thường, thay đổi thị lực (chẳng hạn như mờ thị lực), đau khớp, sưng mắt cá chân/bàn chân, đau/đỏ/sưng cánh tay hoặc chân, tê/ngứa ran bàn tay/bàn chân, dấu hiệu mức natri thấp trong máu (chẳng hạn như buồn ngủ nghiêm trọng, thay đổi tinh thần/tâm trạng bao gồm cả nhầm lẫn, co giật).

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng Carbatrol®, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

Bạn dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc; các loại thuốc chống động kinh khác (như phenobarbital, phenytoin) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng (như amitriptyline, desipramine) Bạn đã từng mắc các bệnh lý: giảm chức năng tủy xương (rối loạn tủy xương), rối loạn máu (như thiếu máu), tăng nhãn áp, bệnh tim (như bệnh động mạch vành, suy tim, nhịp tim không đều), bệnh thận, bệnh gan, rối loạn tâm thần / tâm trạng (như trầm cảm), mất cân bằng khoáng chất (chẳng hạn như lượng natri hoặc canxi thấp trong máu).

Thuốc này có thể làm cho bạn chóng mặt hoặc buồn ngủ. Rượu hoặc cần sa có thể khiến bạn chóng mặt hoặc buồn ngủ hơn. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo cho đến khi bạn có thể làm điều đó một cách an toàn. Tránh đồ uống có cồn. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng cần sa.

Thuốc này có thể khiến bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Bạn nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng và mặc quần chống nắng khi ở ngoài trời. Đi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn bị cháy nắng hoặc bị phồng rộp da / đỏ da.

Trước khi phẫu thuật, hãy nói cho bác sĩ hoặc nha sĩ biết về tất cả các sản phẩm bạn sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê toa và các sản phẩm thảo dược).

Người lớn tuổi có thể nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc này, đặc biệt là nhầm lẫn, nhịp tim không đều. Lẫn lộn và đứng không vững có thể làm họ dễ bị té. Người lớn tuổi cũng có nguy cơ cao bị mất cân bằng khoáng chất (mức natri thấp trong máu), đặc biệt nếu họ cũng đang dùng thuốc lợi tiểu.

Trong thời gian mang thai, thuốc này chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Carbatrol có thể gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, vì cơn động kinh hoặc rối loạn lưỡng cực là những tình trạng nghiêm trọng có thể gây hại cho cả mẹ bầu và thai nhi, không ngừng dùng thuốc này trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai hoặc nghĩ rằng bạn có thể có thai, thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của việc sử dụng thuốc này trong khi mang thai. Thuốc tránh thai, miếng dán, cấy ghép và tiêm có thể không hoạt động nếu được sử dụng thuốc này, bạn thảo luận về các biện pháp tránh thai đáng tin cậy với bác sĩ.

Thuốc này đi vào sữa mẹ. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Carbatrol® có thể tương tác với những thuốc nào?

Carbatrol® có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Những thuốc có thể tương tác với Carbatrol® bao gồm: một số thuốc kháng nấm azole (isavuconazonium, voriconazole), orlistat.

Dùng thuốc ức chế MAO với thuốc này có thể gây ra tương tác thuốc nghiêm trọng (có thể gây tử vong). Tránh dùng các thuốc ức chế MAO (isocarboxazid, linezolid, methylene blue, moclobemide, phenelzine, procarbazine, rasagiline, safinamide, selegiline, tranylcypromine) trong khi điều trị bằng thuốc này. Hầu hết các chất ức chế MAO cũng không nên được dùng trong hai tuần trước khi điều trị bằng thuốc này. Hãy hỏi bác sĩ khi bạn bắt đầu hoặc ngừng dùng thuốc này.

Các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến việc loại bỏ carbamazepine khỏi cơ thể, điều này có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của carbamazepine. Ví dụ như kháng sinh nhóm macrolid (như erythromycin), rifamycin (như rifabutin), wort St. John và những loại khác.

Carbamazepine có thể tăng tốc độ loại bỏ các loại thuốc khác khỏi cơ thể của bạn, điều này có thể ảnh hưởng đến cách chúng hoạt động. Ví dụ về các thuốc bị ảnh hưởng bao gồm artemether/lumefantrine, boceprevir, một số loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông (thuốc chống đông máu như apixaban, rivaroxaban), một số thuốc chẹn kênh canxi (như nifedipine, nimodipine), nefazodone, HIV NNRTI (như delavirdine, efavirenz, etravirine, rilpivirine), praziquantel, ranolazine và một số thuốc khác.

Thuốc này có thể làm giảm hiệu quả của một số biện pháp tránh thai như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng vì có thể gây có thai. Thảo luận với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết phương pháp ngừa thai dự phòng đáng tin cậy trong khi dùng thuốc này. Cũng nói với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ đốm mới hoặc chảy máu đột xuất, vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy biện pháp tránh thai không hoạt động tốt.

Cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn đang dùng các sản phẩm khác gây buồn ngủ bao gồm rượu, cần sa, thuốc kháng histamine (như cetirizine, diphenhydramine), thuốc ngủ hoặc lo âu (như alprazolam, diazepam, zolpidem), thuốc giãn cơ (chẳng hạn như carisoprodol, cyclobenzaprine) và thuốc giảm đau có chất gây mê (như codeine, hydrocodone).

Kiểm tra nhãn trên tất cả các loại thuốc của bạn (chẳng hạn như thuốc dị ứng hoặc các sản phẩm ho và cảm lạnh) vì chúng có thể chứa các thành phần gây buồn ngủ. Hãy hỏi dược sĩ về việc sử dụng những sản phẩm đó một cách an toàn.

Thuốc này có thể gây trở ngại cho một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (chẳng hạn như chức năng tuyến giáp, một số xét nghiệm thai kỳ), có thể gây ra kết quả sai. Hãy chắc chắn rằng nhân viên phòng thí nghiệm và tất cả các bác sĩ biết bạn sử dụng loại thuốc này.

Carbatrol® có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá. Tránh ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi trong khi dùng thuốc này trừ khi bác sĩ hoặc dược sĩ cho phép. Bưởi có thể làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ với thuốc này. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến Carbatrol®?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

7. Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản Carbatrol® như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

8. Dạng bào chế

Carbatrol® có những dạng và hàm lượng nào?

Carbatrol® được bào chế dạng viên nang uống.

Trên đây là những thông tin cơ bản của thuốc Carbatrol® mà eLib.VN đã tổng hơp được. Mọi thông tin về cách sử dụng, liều dùng mọi người nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Ngày:26/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM