Các phương châm hội thoại (tiếp theo) Ngữ văn 9

Nội dung bài học dưới đây sẽ giúp các em củng cố về các phương châm hội thoại các em đã được học trước đó. Từ đó, các em sẽ có thể vận dụng những phương châm hội thoại này trong giao tiếp. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Các phương châm hội thoại (tiếp theo) Ngữ văn 9

1. Củng cố lại kiến thức

- Phương châm hội thoại là các quy định, nguyên tắc bắt buộc mà người tham gia hội thoại cần làm theo và tuân thủ. Đáp ứng các yêu cầu này thì cuộc giao tiếp mới được xem là thành công.

- Phương châm về lượng: Trong quá trình giao tiếp, câu cần có nội dung. Trong đó, nội dung của câu nói phải đáp ứng các yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thừa cũng không thiếu.

- Phương châm về chất: Trong quá trình giao tiếp, những thông tin chưa xác thực, chưa xác định được độ chính xác thì không nên nói chắc chắn. 

2. Phương châm quan hệ

2.1. Tìm hiểu ví dụ

Câu hỏi: Trong tiếng Việt có thành ngữ ông nói gà, bà nói vịt. Thành ngữ này dùng để chỉ tình huống hội thoại như thế nào? Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện những tình huống hội thoại như vậy. Qua đó có thể rút ra bài học gì trong giao tiếp?

Gợi ý trả lời:

- Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

- Thành ngữ: Ông nói gà bà nói vịt chỉ tình huống hội thoại trong đó mỗi người nói một đằng, không khớp với nhau, không hiểu nhau, từ đó, không thể giao tiếp với nhau được. Như vậy, khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài, tránh nói lạc đề.

2.2. Rút ra khái niệm

- Phương châm quan hệ: khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

3. Phương châm cách thức

3.1. Tìm hiểu ví dụ

Câu 1: Trong tiếng Việt có những thành ngữ như: Dây cà ra dây muống, lúng búng như ngậm hột thị. Hai thành ngữ này dùng để chỉ những cách nói như thế nào? Những cách nói đó ảnh hưởng đến giao tiếp ra sao? Qua đó có thể rút ra bài học gì trong giao tiếp?

Gợi ý trả lời:

- Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

- Thành ngữ: dây cà ra dây muống chỉ cách nói dài dòng, rườm ra.

- Thành ngữ: Lúng búng như ngậm hột thị chỉ cách nói ấp úng, không thành lời, thiếu rành mạch.

=> Những thành ngữ trên chỉ những cách nói làm cho người nghe khó tiếp nhận hoặc tiếp nhận không đúng nội dung được truyền đạt. Như vậy, khi giao tiếp, cần nói ngắn gọn, rành mạch, tránh cách nói mơ hồ. 

Câu 2: Có thể hiểu câu sau đây theo mấy cách? (Chú ý: Cách hiểu tuỳ thuộc vào việc xác định tổ hợp từ của ông ấy bổ nghĩa cho từ ngữ nào)?

"Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy".

Yêu cầu: Để người nghe không hiểu lầm, phải nói như thế nào? Như vậy, trong giao tiếp cần phải tuân thủ điều gì ?

Gợi ý trả lời:

- Có hai cách hiểu:

+ Cách 1: Ông ấy là tác giả của truyện ngắn.

+ Cách 2: Ông ấy là người có những nhận định về truyện ngắn nào đó.

=> Để người nghe không hiểu lầm, phải xác định tên truyện ngắn và tên tác giả là ai. Như vậy trong giao tiếp cần tuân thủ phương châm cách thức cần nói ngắn gọn, rành mạch, tránh cách nói mơ hồ.

3.2. Rút ra khái niệm

- Phương cliâm cách thức: Khi giao tiếp, cần chú ý nói mạch lạc, ngắn gọn, tránh cách nói mơ hồ.

4. Phương châm lịch sự

4.1. Tìm hiểu ví dụ

Câu hỏi: Đọc truyện "Người ăn xin" và trả lời câu hỏi: Vì sao người ăn xin và cậu bé trong truyện đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một cái gì đó? Có thể rút ra bài học gì từ câu chuyện này.

Gợi ý trả lời:

- Ông lão ăn xin và cậu bé trong câu chuyện đều không có của cải, tiền bạc gì nhưng cả hai đều cảm nhận được tình cảm mà người kia dành cho mình. Cậu bé không hề tỏ ra khinh rẻ, xa lánh ông lão ăn xin, trái lại có thái độ và lời lẽ hết sức chân thành, thể hiện sự quan tâm và cảm thông đối với ông lão.

- Qua đó, bài học rút ra là: trong giao tiếp, dù địa vị xã hội và hoàn cảnh của người đối thoại có như thế nào, người nói cũng cần khiêm tốn, chú ý đến sự tế nhị và tôn trọng người khác. Đó là phương châm lịch sự trong hội thoại.

4.2. Rút ra khái niệm

- Phương châm lịch sự: khi giao tiếp cần tế nhị và thể hiện sự tôn trọng người khác.

5. Luyện tập

Câu 1: Phương châm hội thoại nào đã không được tuân thủ trong các trường hợp sau?

a. Việc này là tuyệt mật nhất đấy!

b. Hôm nay là ngày sinh nhật của mẹ tôi.

c. Cửa hàng này bán nhiều hải sản biển ngon lắm.

d. - Bạn là học sinh trường nào?

- Tớ là học sinh trường trung học cơ sở.

Gợi ý trả lời:

- Các trường hợp nêu trong đề bài đều vi phạm phương châm về lượng do sử dụng các từ ngữ trùng lặp, gây thừa thông tín (câu a, b, c) hoặc thiếu thông tin (câu d).

a. Thừa từ "nhất" vì từ "tuyệt mật" đã hàm chứa ý nhất, tuyệt đối.

b. Thừa từ "ngày" vì từ "sinh nhật" có nghĩa là ngày sinh.

c. Thừa từ "biển" vì từ "hải sản" có nghĩa là các sản vật lấy từ biển.

d. Câu trả lời thiếu thông tin: Tên một trường trung học cơ sở cụ thể.

Câu 2: Đọc truyện cười sau và trả lời các câu hỏi:

Ai tìm ra châu Mĩ?

Trong giờ học Địa lí, thầy giáo gọi Hà lên bảng chỉ bản đổ:

- Em hãy chỉ đâu là châu Mĩ.

- Thưa thầy đây ạ! - Hà chỉ trên bản đồ.

- Tốt lắm! Thê bây giờ trò Bi hãy nói cho thầy biết ai đã có công tìm ra châu Mĩ?

- Thưa thầy, bạn Hà ạ!

(Sưu tầm)

a. Trong truyện cười trên, phương châm hội thoại nào đã bị vi phạm?

b. Nếu tuân thủ phương châm hội thoại thì trò Bi phải trả lời thầy giáo như thế nào? Hãy viết lại câu trả lời đó.

c. Tìm một câu thành ngữ để nhận xét về trường hợp hội thoại trên.

Gợi ý trả lời:

a. Truyện cười "Ai tìm ra châu Mĩ?" đã vi phạm phương châm quan hệ trong hội thoại. Câu hỏi của thầy giáo đã được trò Bi hiểu theo một hướng hoàn toàn khác (thầy hỏi ai là người tìm ra châu Mĩ trong lịch sử địa lí thế giới; trò trả lời về người tìm và chỉ ra châu Mĩ trên bản đồ trong giờ học Địa lí).

b. Nếu tuân thủ phương châm hội thoại, trò Bi phải trả lời thầy giáo như sau:

"Thưa thầy, Cô-lôm-bô là người đã có công tìm ra châu Mĩ ạ".

c. Câu thành ngữ nói về trường hợp vi phạm phương châm quan hệ như trong truyện: Ông nói gà, bà nói vịt.

Câu 3: Tìm một số câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao có nội dung liên quan đến phương châm lịch sự trong giao tiếp.

Gợi ý trả lời:

"Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

(Ca dao)

"Lời chào cao hơn mâm cỗ".

(Tục ngữ)

6. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Để giao tiếp thành công, cần nắm vững các phương châm hội thoại. Tuy nhiên, căn cứ vào tình huống giao tiếp cụ thể, cần vận dụng phương châm hội thoại cho phù hợp và linh hoạt.

- Việc không tuân thủ các phương châm hội thoại có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau:

+ Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hoá giao tiếp.

+ Người nói phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại hoặc một yêu cầu khác quan trọng hơn.

+ Người nói muốn gây sự chú ý, để người nghe hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó.

Ngày:31/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM