Cách làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống Ngữ văn 9

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được cách làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống. Từ đó, các em có thể tiến hành viết bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hay và đặc sắc nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Cách làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống Ngữ văn 9

1. Đề bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống

- Đề tài nghị luận thường gần gũi với đời sống và sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh: tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, đại dịch AIDS, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình - trong học đường, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, những tấm gương người tốt việc tốt, hiện tượng lãng phí, lối sống thờ ơ  vô cảm, hiện tượng chạy theo thời thượng, thói dối trá…

- Nghị luận về một hiện tượng đời sống không chỉ có ý nghĩa xã hội, tác động đến đời sống xã hội mà còn có tác dụng giáo dục tư tưởng, đạo lí, cách sống đúng đắn, tích cực đối với học sinh, thanh niên.

2. Cách làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống

- Bước 1: Giải thích: Tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa mà đề bài đưa ra. Tuy nhiên không phải sự việc nào cũng cần giải thích vì có những khái niệm phổ biến mà ai cũng biết như tai nạn giao thông, nói tục chửi thề...

- Bước 2: Nêu hiện trạng: Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng ra sao...

- Bước 3: Lý giải nguyên nhân: Lập luận theo hai hướng nguyên nhân khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội...) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người...).

- Bước 4: Đánh giá hậu quả/ kết quả: Dù là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay hậu quả tương ứng. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần nhấn mạnh khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức của con người để giảm thiểu, loại bỏ hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội.

- Bước 5: Giải pháp: Dựa vào phần đánh giá hậu quả/ kết quả để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lập dàn ý cho đề bài sau: Nghị luận hiện tượng đời sống về thói ăn chơi đua đòi của giới trẻ hiện nay.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài:

- Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Thói ăn chơi đua đòi của giới trẻ hiện nay.

- Học sinh sinh viên là thời đẹp nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta. Thế nhưng hiện nay, sự trong sáng, tươi đẹp hồn nhiên của thế hệ học sinh không còn nữa, thay vào đó là những lời nói và hành động thô bạo, bậy bạ và những việc đua đòi thời trang hàng hiệu. học sinh đua đòi tất cả mọi thứ, chỉ cần một ai có là nhiều bạn sẽ có. Để biểu rõ về hiện tượng này chúng ta cùng đi tìm hiểu.

b. Thân bài:

- Giải thích thế nào là ăn chơi đua đòi.

+ Sống xa hoa và xài những thứ xa xỉ.

+ Mua sắm phung phí.

+ Chơi bời không lo học hành, bỏ học.

+ Xài những thứ không hợp với bản thân mình.

+ Thấy người khác có gì mình cũng có cho bằng được.

+ Luôn đua theo dù ba mẹ không có.

- Biểu hiện của thói ăn chơi đua đòi:

+ Học đòi người nổi tiếng ăn mặc sexy, hàng hiệu.

+ Tập tành ăn chơi đi bar, đi bia rượu.

+ Ăn mặc phong phanh ra đường.

+ Quần áo ngắn cũn cỡn.

+ Tập tành trang điểm, son phấn.

+ Học đòi hàng hiệu, xe xịn.

- Tác hại của thói ăn chơi đua đòi:

+ Không hợp với lứa tuổi, mọi người xa lánh cười chê.

+ Xã hội không ổn định.

+ Mất cân bằng xã hội.

+ Phí thời gian, tiền của.

+ Bị người khác coi là dị thường.

+ Ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống.

- Biện pháp phòng tránh thói ăn chơi đua đòi:

+ Bản thân có trách nhiệm hiểu những gì hợp với mình.

+ Gia đình và nhà trường quan tâm đến học sinh.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ của em về thói ăn chơi đua đòi.

- Đây là một thói xấu.

Câu 2: Em hãy sưu tầm hai bài văn thuộc văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.

Gợi ý trả lời:

a. Bài văn số 1:

Với mỗi người chúng ta điều gì là quan trọng nhất? Theo bạn là tiền bạc hay sự nghiệp thành danh? Câu trả lời đó chỉ là những điều bạn muốn. còn điều quan trọng nhất với bạn đó là sức khoẻ. Có sức khoẻ mọi điều bạn muốn đều có thể thành sự thực. Nhưng thực tế ngày nay có nhiều người lại tự huỷ hoại sức khoẻ của mình bằng điếu thuốc lá dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ.

Hút thuốc lá là một hành động hít một hơi sâu khói thuốc lá vào phổi mà thành phần của nó là các chất độc hại và nguy hiểm nhất đối với sức khỏe. Mặc dù thuốc lá khi hút rất có hại cho sức khoẻ nhưng theo thực tế ngày nay hình ảnh con người trên tay cầm điếu thuốc lại trở thành quen thuộc. Trên đường bắt gặp hình ảnh thanh niên cầm điếu thuốc phì phèo. Trên TV chiều những cảnh phim hay quay lại những hình ảnh trong các quán bar nhiều người ngồi hút thuốc. Những quan nước chè các ông các bác các chú vừa hút thuốc vừa nói chuyện. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Trong tổng số 15 triệu người hút thuốc có 12,8 triệu (39,4% nam và 1.2% nữ) hút thuốc lá điếu. Hiện có 4,1 triệu người lớn hút thuốc lào (GATS 2010) .

Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp các bạn trẻ ở lứa tuổi học sinh vẫn còn những non nớt trong tư duy và nhận thức của bản thân đã cầm điếu thuốc hút phì phèo. Họ đang bị lầm tưởng hay ngộ nhận việc hút thuốc lá là biểu hiện của sự trưởng thành, chính chắn. Hay nói đúng hơn, các bạn đang có tâm lý muốn học làm người lớn, muốn thể hiện cái tôi cá nhân của mình cho mọi người thấy. Họ muốn thể hiện “bản lĩnh người lớn”, muốn ra oai với các bạn đồng trang lứa. Hay đó cũng có thể là các bạn trẻ gặp quá nhiều những áp lực từ nhiều phía, bị bế tắc nên tìm phương thức giải tỏa bằng cách hút thuốc lá… Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ cũng bị những chi phối bởi những tác động khách quan bên ngoài. Ví dụ như các bạn bị những nhóm bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo tập hút thuốc cho đúng là “đàn anh, đàn chị”. Hay ngay trong cuộc sống, trong gia đình có những người nghiện thuốc lá, làm cho các bạn trẻ học theo những tấm gương đó. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới chính là sự thiếu quan tâm, sự giáo dục còn lỏng lẻo của gia đình và nhà trường.

Như vậy, không quá khó khăn để chúng ta có thể bắt gặp những bạn trẻ phì phèo điếu thuốc lá ở vỉa hè, các quán game hay thậm chí là những góc khuất của các trường học. Có những bạn còn rất trẻ, chỉ khoảng học sinh cấp 2, cấp 3 cũng đã tập tành hút thuốc. Thậm chí, có những bạn chỉ mới là học sinh cấp 3 thôi cũng đã trở thành con nghiện thuốc lá, đi đâu cũng có sẵn bao thuốc ở trong cặp. Có những bạn vì sợ sệt nên hút len lút, vụng trộm. Nhưng cũng có những bạn thì nghênh ngang cầm điếu thuốc đi khắc nơi. Thực trạng hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh đang thực sự ở con số đáng báo động.

Lợi ích của thuốc lá không thấy có nhưng tác hại xấu đến sức khoẻ lại rất nhiều. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều loại ung thư như: Ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư miệng, ung thư thận và bàng quang, ung thư hậu môn trực tràng, ung thư bộ phận sinh dục… 90% số trường hợp ung thư phổi trên thế giới là người hút thuốc trực tiếp và 5% số ca ung thư phổi là gián tiếp. Hút thuốc không gây cơn hen nhưng làm cho bệnh hen nặng lên, tỉ lệ tử vong ở người bị hen đang hoặc đã từng hút thuốc thì tăng gấp trên 2 lần so với những người không hút thuốc. Những người hút thuốc hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn những người không hút thuốc và thường bị nặng hơn. Đặc biệt với trẻ em hít phải khói thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm tai giữa, tăng nguy cơ lên cơn hen và mức độ nặng của bệnh hen. Ngoài ra khói thuốc lá làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Những tác hại tiêu cực mà thuốc lá gây ra đã đặt ra bài toán về vấn đề phòng và chống lại khói thuốc. Để làm được điều này, trước hết, chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa về ảnh hưởng của thuốc để nâng cao ý thức của con người. Đồng thời giảm tỉ lệ người hút thuốc bằng việc áp dụng và đẩy mạnh các phương pháp hỗ trợ cai thuốc, từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá,...

Qua những gì đã phân tích, ta có thể thấy được những hiểm họa khôn lường mà khói thuốc gây ra. Là học sinh, chúng ta cần góp sức vào cuộc chiến chống lại khói thuốc bằng việc không sử dụng thuốc lá và nhắc nhở những người xung quanh về tác hại do thuốc lá gây ra.

(Sưu tầm)

b. Bài văn số 2:

Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.

Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản rằng “Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.

Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, người được kỳ vọng rất nhiều trong công tác chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đã nhận xét rằng không chỉ “các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao" mà "hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích".

Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Bệnh thành tích sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.

Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyển thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.

Chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.

Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.

(Sưu tầm)

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Giúp học sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống, các bước làm bài văn nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống.

- Rèn kỹ năng viết văn bản nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống.

- Có ý thức học tập nghêm túc. Có ý thức học hỏi cách làm bài văn nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM