Con cò Ngữ văn 9

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được hình ảnh con cò mang những ý nghĩa về tình mẫu tử thiêng liêng. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Con cò Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Chế Lan Viên (1920 - 1989).

- Tên khai sinh: Phan Ngọc Hoan.

- Quê: Quảng Trị, nhưng lớn lên ở Bình Định.

- Ông nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, là nhà thơ có tên tuổi hàng đầu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam ở thế kỉ XX.

- Thơ ông đầy chất suy tưởng, triết lí, đậm chất trí tuệ và tính hiện đại.

- Năm 1996 ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

1.2. Tác phẩm

- Sáng tác năm 1962, in trong tập “Hoa ngày thường, Chim báo bão”.

- Bố cục bài thơ có thể chia thành ba phần:

+ Đoạn 1: Hình ảnh con cò qua những lời hát ru.

+ Đoạn 2: Hình ảnh con cò quen thuộc với con người.

+ Đoạn 3: Suy ngẫm về ý nghĩa lời ru của mẹ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hình ảnh con cò qua những lời hát ru

- Chế Lan Viên thật tài tình khi chỉ sử dụng vài chữ trong những bài ca dao quen thuộc nhưng lại tái hiện thành công cả câu thơ. Thể hiện sự phong phú trong ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò ở ca dao. Gợi vẻ thong thả, nhịp nhàng, bình yên của cuộc sống ít biến động thời xưa.

- Qua lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đi vào tiềm thức tuổi thơ một cách vô thức. Đây là sự khởi đầu đi vào thế giới tâm hồn con người.

- Đứa con thơ bé bỏng chẳng phải lo lắng nghĩ suy bởi vì đã có vòng tay mẹ bảo bọc, nâng đỡ. Tình mẹ lớn lao vô cùng, mẹ hy sinh những giấc ngủ êm ái để hát ru cho con ngủ ngon, ngồi quanh nôi ngắm nhìn khuôn mặt đứa con say giấc lòng mẹ hạnh phúc biết bao. Cánh tay vỗ về của mẹ, câu hát dịu êm của mẹ, dòng sữa ngọt ngào của mẹ, tất cả đều thể hiện tình mẫu tử bao la của người mẹ hiền.

- Những câu kết đoạn: Ngủ yên! ngủ yên!… con ngủ chẳng phân vân.

=> Có thể ở lứa tuổi tuổi thơ, khi được nghe những lời ru da diết của mẹ thì đứa trẻ thật sự chưa thể hiểu nội dung của những lời ru này, chúng chỉ cần được vỗ về trong những lời ru âu yếm, ngọt ngào được cảm nhận bằng trực giác sự che chở của người mẹ dành cho bé.

2.2. Hình ảnh con cò quen thuộc với con người

- Hình ảnh cánh cò từ trong lời ru đã đi vào tâm thức tuổi thơ, tiếp tục sống trong tâm thức con người và nâng đỡ con người trên mỗi chặng đường đời.

- Hình ảnh cánh cò được xây dựng bằng các liên tưởng, tưởng tượng của tác giả -> gợi ý nghĩa biểu tượng về ḷòng mẹ, về sự d́ìu dắt, nâng đỡ dịu dàng và bền bỉ của người mẹ.

=> Hình ảnh con cò rất quen thuộc trong ca dao, trong văn học hình ảnh con cò cũng được rất nhiều nhà văn, nhà thơ sử dụng, nó được xem là biểu tượng cho những người nông dân, những người phụ nữ vất vả sớm hôm, nhọc nhằn kiếm sống nhưng rất giàu tình thương, đức hy sinh cao cả.

2.3. Suy ngẫm về ý nghĩa lời ru của mẹ

- Chế Lan Viên đã xây dựng thành công hình ảnh con cò để trở thành biểu tượng đặc sắc cho những người mẹ vất vả, cực khổ, lam lũ nhưng chẳng bao giờ mẹ thôi nghĩ về đứa con mình. Dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, cách trở, phải “lên rừng xuống bể” thì mẹ vẫn luôn yêu thương, bảo vệ cho con.

- Tác giả đã sử dụng thành công đa dạng và kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật, đặc biệt chính là nghệ thuật điệp cấu trúc kết hợp với nghệ thuật đối lập “gần - xa”, “lên - xuống” làm cho ý thơ thêm phần sâu lắng, khắc sâu vào tâm trí người đọc những cảm xúc dạt dào, tha thiết.

- Dường như khi nhắc đến hình ảnh con cò thì người ta sẽ gợi nhớ đến nỗi cô đơn, bởi lẽ cò luôn cô đơn trong bóng đêm kiếm ăn vất vả, những con cò trong ca dao xưa gợi cho người mẹ bao suy nghĩ trăn trở. Mẹ nghĩ về cuộc đời đứa con sau này, trên đường đời khi không có mẹ ở bên con sẽ một mình đối mặt bao khó khăn thử thách, những gian nan vấp ngã liệu con có vững tin để bước tiếp?

-> Mẹ cũng nghĩ về cả những cánh cò nhỏ bé, chúng thật đáng thương và đáng trân trọng.

=> Lời thơ thấm đẫm chất triết lí ,trí tuệ Người mẹ nghĩ về thân phận những con cò nhỏ bé, đáng thương trong cuộc đời. Đoạn thơ đúc kết ý nghĩa phong phú của hình tượng con cò trong những lời ru.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Hình tượng con cò trong những lời hát ru, bài thơ ngợi ca tình mẫu tử và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống mỗi con người.

- Về nghệ thuật:

+ Thể thơ tự do, bài thơ gợi âm hưởng lời hát ru, giọng thơ gợi sự suy ngẫm, triết lí.

+ Vận dụng sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên.

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Con cò" của Chế Lan Viên mang nhiều ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó còn là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của những con người có thân phận thấp bé trong xã hội. Đọc “Con cò” của Chế Lan Viên ta vừa như được sống lại trong không gian ca dao dân ca quen thuộc, vừa như được thấy lại tuổi thơ và đặc biệt là có thể cảm nhận được từng cử chỉ yêu thương của mẹ hiện lên trong từng câu, từng chữ. "Con cò" của Chế Lan Viên là bài thơ rất thành công trong việc vận dụng sáng tạo hình tượng con cò, đúc kết những suy tư sâu sắc, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao cả và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc đời mỗi con người. Nhà thơ muốn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết yêu thương, quý trọng những tình cảm gia đình đừng vì những nông nổi của tuổi trẻ mà đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Câu 2: Em hãy sưu tầm thêm những bài thơ khác có sử dụng hình ảnh con cò.

Gợi ý trả lời:

(1) Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tối có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!

 

(2) Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

 

(3) Con cò lặn lội bờ sông

Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha.

 

(4) Cái cò chết tối hôm qua

Có hai hạt gạo với ba đồng tiền

Một đồng mua trống mua kèn

Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong

Một đồng mua mớ rau răm

Đem về thái nhỏ thờ vong con cò.

 

(5) Cái cò mày mổ cái tôm

Cái tôm quắp lại, lại ôm cái cò

Cái cò mày mổ cái trai

Cái trai quắp lại, lại nhai cái cò.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được vẻ đẹp và ý nghĩa của hình tượng con c̣ò trong lời ru của người mẹ.

- Thấy được sự vận dụng sáng tạo ca dao của tác giả và các đặc điểm về hình ảnh, thể thơ, giọng điệu của bài thơ.

- Rèn luyện kĩ năng cảm thụ và phân tích thơ.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM