Lặng lẽ Sa Pa Ngữ văn 9

Bài học Lặng lẽ Sa Pa Ngữ văn 9 tập 1 giúp các em nắm được vẻ đẹp bình dị của các nhân vật trong truyện ngắn. Từ đó thấu hiểu tư tưởng của tác phẩm: công việc đem lại ý nghĩa trong cuộc sống và niềm vui cho  con người, dù trong hoàn cảnh đơn độc. eLib đã biên soạn bài học một cách đầy đủ và chi tiết nhất, mời các em tham khảo. Chúc các em học tốt!

Lặng lẽ Sa Pa Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) Quê Duy Xuyên,Tỉnh Quảng Nam.

- Là nhà văn thời kháng chiến chống Pháp, là cây bút chuyên viết truỵện ngắn và ký hướng vào cuộc sống.

- Phong cách sáng tác: Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long nhẹ nhàng, tình cảm, thường pha chút chất kí, ngôn ngữ trong sáng, giàu chất thơ, và luôn xây dựng những nhân vật mang tính hình tượng.

1.2. Tác phẩm

- Tác phẩm: “Lặng lẽ Sa Pa” viết năm 1970 trong chuyến đi Lào Cai của tác giả, được in trong tập “Giữa trong xanh” (1972).

- Thể loại: truyện ngắn

- Phương thức biểu đạt: Tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm và lập luận.

- Bố cục: 3 phần

+ Đoạn 1: Từ đầu đến "Kìa anh ta kìa": Bác lái xe giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô kỹ sư 1 người cô độc nhất thế gian.

+ Đoạn 2: Tiếp theo đến “như thế”: Cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa anh thanh niên với ông hoạ sỹ, cô kỹ sư.

+ Đoạn 3: Còn lại: Họ chia tay, ông hoạ sỹ và cô kỹ sư trẻ xuống đồi cứ vấn vương vì sao anh thanh niên không tiễn ra tận xe.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tình huống truyện, hệ thống nhân vật và chủ đề của truyện

a. Tình huống truyện:

- Cốt truyện đơn giản tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ của mấy người khách ( ông hoạ sĩ, cô kĩ sư) với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn- Sa Pa.

- Hệ thống nhân vật:

+ Bác lái xe, ông hoạ sỹ, cô kỹ sư, anh thanh niên, ông kỹ sư ở vườn rau, anh kỹ sư khí tượng lập bản đồ sét …

+ Nhân vật chính: anh thanh niên.

+ Nhân vật có vị trí quan trọng trong truyện: ông hoạ sĩ, vì truyện mặc dù không kể theo ngôi thứ nhất nhưng đã được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông hoạ sỹ.

+ Nhân vật phụ: ông hoạ sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe -> nhìn về nhân vật chính -> tạo sự phong phú, đầy đủ, rõ nét về nhân vật chính.

b. Chủ đề của truyện

- Ca ngợi những con người lao động mới đang ngày đêm lặng lẽ âm thầm làm việc cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

2.2. Nhân vật anh thanh niên

- Không xuất hiện từ đầu truyện.

- Hiện ra trong cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật khác với anh khi xe của họ dừng để nghỉ.

- Hiện ra trong chốc lát, đủ đế các nhân vật khác ghi nhận một ấn tượng, một “ký hoạ chân dung” về anh rồi dường như lại khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi cao Sa Pa ⇒ Cách miêu tả của tác giả anh thanh niên được hiện lên qua sự nhìn nhận, suy nghĩ, đánh giá của các nhân vật khác.

- Hoàn cảnh sống và làm việc:

+ Một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây mù lạnh lẽo.

+ Công việc khí tượng kiêm vật lí địa cầu: “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu” -> đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác, có tinh thần trách nhiệm cao.

+ Cái gian khổ nhất là phải vượt qua được sự cô đơn vắng vẻ 1 mình trên đỉnh núi cao không 1 bóng người =>Hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt thèm người quá kiếm kế dừng xe lại, "dùng gỗ ngáng đường".

- Những suy nghĩ của nhân vật về công việc:

+ Anh ý thức được công việc của mình, anh có lòng yêu nghề, thấy được công việc thầm lặng ấy là rất có ích cho cuộc sống, cho mọi người.

+ Có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người “ khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được… cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

+ Còn có sách làm bạn để cuộc sống không cô đơn, buồn tẻ.

+ Tổ chức, sắp xếp cuộc sống khoa học ngăn nắp: căn nhà giản dị, đồ đạc sơ sài cuộc đời riêng của anh thu gọn lại 1 góc trái gian với 1 chiếc giường con, 1 chiếc bàn học, 1 giá sách”.

+ Anh có nhiều nét tính cách và phẩm chất đáng mến: cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ và trò chuyện với mọi người, khiêm tốn, thành thực.

⇒ Dù chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, tình tiết diễn biến cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm và cách sống, những suy nghĩ về cuộc sống về ý nghĩa công việc thật đúng đắn sâu sắc, cảm động.

2.3. Nhân vật ông hoạ sĩ và các nhân vật khác

a. Nhân vật ông hoạ sĩ

- Hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông hoạ sĩ để quan sát miêu tả cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của chuyện :anh thanh niên .

- Ngay từ phút đầu gặp anh thanh niên , bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng nghệ thuật , ông đã xúc động bối rối: “ Vì hoạ sĩ bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết , ôi , một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn , khơi gợi một ý sáng tác , một nét đủ là giá trị một chuyến đi dài .”

- Ông hoạ sĩ muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí hoạ , “người con trai ấy đáng yêu thật , nhưng làm cho ông nhọc quá . Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh.Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển , cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người .”

- Ông còn có những xúc cảm về anh thanh niên và những điều khác nữa được khơi gợi từ câu chuyện của anh thanh niên làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp.

b. Các nhân vật khác

- Nhân vật cô kĩ sư: cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên khiến cô thấy “bàng hoàng”, “ cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên ,về cái thế giới những con người như anh mà anh kể , và về con đường cô đang đi tới”.

Đó là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao , cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ toả ra từ cuộc sống, từ tâm hồn người khác.

- Nhân vật bác lái xe: Qua lời kể của nhân vật này, ông hoạ sĩ , cô gái , người đọc được kích thích sự chú ý, đón chờ sự xuất hiện của anh thanh niên , cũng qua đó ta còn biết được những nét sơ lược về nhân vật người thanh niên.

- Thông qua những cảm xúc, suy nghĩ cùng thái độ cảm mến của các nhân vật phụ, hình ảnh anh thanh niên hiện ra càng rõ nét và đẹp hơn .

- Ngoài ra trong tác phẩm còn có những nhân vật không xuất hiện trực tiếp mà chỉ được giới thiệu qua lời của nhân vật khác nhưng cũng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm (Ông kĩ sư ở vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu sét)

3. Tổng kết 

3.1. Nội dung

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa khắc họa thành công hình ảnh những người lao dộng bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

3.2. Nghệ thuật

- Câu chuyện đậm chất trữ tình

- Tình huống hợp lý

- Cách kể chuyện tự nhiên, kết hợp giữa tự sự ,trữ tình với bình luận .

- Nghệ thuật quy chiếu tầng bậc .

4. Luyện tập

Câu 1. Em hãy cho biết ý nghĩa nhan đề của Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long.

Gợi ý làm bài:

- Là một nhan đề giàu chất thơ, góp phần khắc họa chủ đề, tư tưởng của tác phẩm:

+ Lặng lẽ gợi đến một khung cảnh rất êm đềm, thanh tĩnh của Sa Pa.

+ Nhưng "Lặng lẽ" chỉ là cái không khí bên ngoài của cảnh vật. Đằng sau vẻ lặng lẽ ấy là sự miệt mài, nhiệt huyết, hăng say để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

⇒ Dưới vẻ lặng lẽ Sa Pa luôn có những con người thầm lặng làm việc, cống hiến ho sự đổi thay của đất nước. Họ chính là những dòng sông cuộn chảy mang phù sa bồi đắp cho đất nước thêm giàu đẹp.

Câu 2. Những đặc sắc nghệ thuật trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

Gơi ý làm bài:

- Xây dựng tình huống truyện hợp lí với cách trần thuật tự nhiên.

- Truyện có sự kết hợp giữa phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm và bình luận.

- Lời văn mượt mà, trau chuốt, giàu chất thơ và chất hội họa

5. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng con người thầm lặng cống hiến quên mình vì tổ quốc trong tác phẩm.

- Hiểu được nghệ thuật kể chuyện, miêu tả sinh động hấp dẫn trong truyện.

- Nắm bắt diễn biến và tóm tắt được truyện, phân tích được hình tượng nhân vật người thanh niên trong tác phẩm.

- Bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm với công việc yêu công việc.

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM