Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ Ngữ văn 9

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em bước đầu biết cách viết bài văn nghị luận về một đoạn thơ hoặc bài thơ. Hy vọng rằng bài học này sẽ hữu ích cho các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ Ngữ văn 9

1. Tìm hiểu bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

- Nghị luận về một bài thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu… bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng.

- Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá, cụ thể, xác đáng.

- Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng; có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết bài văn nghị luận về một đoạn thơ (3 câu thơ cuối) của bài "Đồng chí".

Gợi ý trả lời:

Chính Hữu là nhà thơ cả cuộc đời sáng tác gắn bó với đề tài ngươì lính. Ông sáng tác không nhiều nhưng ngưòi đọc biết đến những thi phẩm của ông với những bài thơ cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ với hình ảnh hàm súc. Bài thơ Đồng chí được sáng tác những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và được coi là một trong những bài thơ hay nhất về cuộc kháng chiến chống Pháp.

"Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo"

Bài thơ khép lại với hình ảnh những người lính đứng giữa rừng hoang sương muối. Câu thơ tự do dài đã mở ra một không gian núi rừng rộng lớn, hoang vu, vắng vẻ. Núi rừng Việt Bắc lạnh giá, sương dày đặc trắng xóa. Khí hậu núi rừng khắc nghiệt, cái lạnh thấu da thấu thịt khi các anh chỉ có quần vá, chân không giày, khó khăn, thiếu thốn, giá rét, thiếu quần áo, đói ăn... biết bao nhiêu thử thách. Nhưng chính những gian nan ấy càng khiến cho tình cảm của họ thêm gắn bó, khiến cho tình người, tình đồng đội của họ càng ấm áp hơn. Họ đứng bên nhau như truyền cho nhau hơi ấm của tình đồng đội. Tình cảm ấy như xua bớt cái lạnh lẽo của sương muối

"Đứng cạnh bên nhau chơ giặc tới"

Giờ phút trước trận chiến đấu, rất căng thẳng, họ sắp bước vào cuộc chiến đấu, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Những giây phút ấy có đồng đội ở bên cạnh quả thật là sự động viên, một nguồn tiếp sức, giúp họ vững tâm và bình thản hơn.

Người lính đứng gác nòng súng hướng lên trời cao, nhìn lên như trăng treo đầu súng. Môjt hình ảnh khôg thực trong đời sống nhưng rất thực trong cảm giác của con người. Ánh trăng như soi sáng cả khi rừng, đầu súng trăng treo. Người lính trong những phút giây thanh thản hiếm hoi, họ bình thản ngắm vầng trăng cao. Chính sức mạnh của tình đồng đội đã đem lại sự bình yên trong tâm hồn. Họ ngắm trăng, cảm nhận vẻ đẹp của trăng trog hoàn cảnh áo rách quần áo. Sự hòa quyện giữa chất chiến sĩ và nghệ sĩ. Súng là biểu tượng cho chiến tranh, trăng là biểu tượng hòa bình. Cây súng ấy bảo vệ cho vầng trăng hòa bình. Cuộc chiến đấu của ngày hôm nay là để cho ánh trăng hòa bình ngày mai mãi tỏa sáng trên quê hương của người lính. Súng còn là hiện thực, trăng là lãng mạn. Súng và trăng cũng là một cặp đồng chí. Cặp đồng chí này soi tỏ cho cặp đồng chí kia. Bài thơ khép lại trong hình ảnh giản dị mà vô cùng đẹp. Có lẽ bởi thế, câu thơ cuối cùng đã được chọn làm nhan đề cho cả tập thơ.

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Giữa rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo, đầy bất trắc rình rập, họ vững tin đứng cạnh nhau, khoát súng trên vai, đầu súng hướng lên trời, tư thế hiên ngang "chờ giặc tới”.Aùnh trăng đêm, có lẽ là trăng cuối tháng, cứ chếch dần, chếch dần, cho tới khi chạm tới đầu mũi súng, đầu súng như vươn tận lên trời cao. Tác giả đã rất sáng tạo mới viết nên được hình ảnh vừa rất thực, vừa rất lãng mạn, gợi cảm này. Mặt trăng như được cụ thể hoá, trở thành một vật treo trên đầu súng. Biện pháp tương phản càng làm hình ảnh thơ thêm giàu ý nghĩa, Trăng trên trời cao, lơ lửng giữa màn đêm, súng ở dưới đất, đặt trên vai người chiến sĩ, vậy mà ở một góc nhìn đặc biệt, Chính Hữu đã "bắt” được hình ảnh vô cùng độc đáo ấy. Trăng từ muôn đời nay tượng trưng cho cái yên tĩnh, tĩnh lặng, cái thi vị, lãng mạn, còn súng là thứ vũ khí lạnh lùng, nguy hiểm, biểu tượng của chiến tranh,sự tàn phá dữ dội. Thế nhưng khi có bàn tay của Chính Hữu đặt hai hình ảnh ấy lại gần nhau thì chúng lại bổ sung cho nhau, tạo nên một ý nghĩa mới : Súng trong tay kẻ thù mới là vũ khí nguy hiểm, còn súng trong tay hai người đồng đội, người chiến sĩ kia, thì súng là vũ khí để họ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên, bảo vệ ánh trăng thanh bình. Trăng trên trời cao soi sáng đôi bạn, như muốm làm bạn với hai người chiến sĩ, muốn ngợi ca, soi rõ tình đồng đội thiêng liêng, cao đẹp của hai người. Hình ảnh mặt trăng treo trên đầu mũi súng còn cho ta thấy được đời người lính chiến không phải lúc nào cũng chỉ là nguy hiểm, là đối mặt với đạn bom, là sự hy sinh, mà cuộc đời của họ còn bắt gặp được những hình ảnh vô cùng lãng mạn, đẹp đẽ, thi vị, ngay trong không gian và thời gian của chiến tranh. Hình ảnh trăng và súng được Chính Hữu chọn để kết thúc bài thơ, như để xoa dịu đi những khó khăn vất vả của người lính chiến, xoá bớt những gian khó hi sinh của họ và để làm sáng lên tình đồng chí cao đẹp của hai người chiến sĩ giữa rừng khuya.

Vẻ đẹp người lính trong khổ thơ cuối bài "Đồng chí" là người lính thuộc trung đoàn thủ đô rồi trở thành nhà thơ quân đội, Chính Hữu chủ yếu viết về người lính và hai cuộc kháng chiến. Đồng chí được sáng tác năm 1948, là bài thơ thành công nhất của ông. Cả bài thơ thể hiện rõ tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn của những chiến sĩ quân đội nhân dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp. 

Bài thơ mở đầu bằng những câu thơ mộc mạc, giản dị, chân chất khi tác giả giới thiệu về quê hương của các anh bộ đội. Các anh mỗi người một quê - những vùng quê nghèo khó - song đã về đây để cùng tham gia kháng chiến, cùng chịu đựng gian khổ, chung lưng đấu cật bên nhau.

Cuộc sống người lính vất vả biết bao nhiêu. Nào : Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá... Lại nữa, những đêm trời rét chỉ có một mảnh chăn mỏng hay những cơn sốt rét rừng hành hạ... Vượt lên trên tất cả những khó khăn đó để "Thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Chính đôi tay nắm chặt ấy đã nói lên ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp của tình đồng đội, của ý chí quyết tâm đánh giặc. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đặc sắc.

Ba câu thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong bức tranh trên, nổi bật là ba hình ảnh gắn kết với nhau: Người lính, khẩu súng, vầng trăng giữa cảnh rừng hoang sương muối phục kích giặc. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ. Hình ảnh Đầu súng trăng treo là hình ảnh đẹp nhất vì nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh tượng trưng.

Tác giả Chính Hữu đã từng nói: "Đầu súng trăng treo, ngoài hình ảnh, bốn chữ này còn có nhịp điệu như lắc của một cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên một cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng như một người bạn" Đó là hình ảnh thực của cuộc kháng chiến, của những người lính khi chờ giặc tới.

Ngoài tả thực, hình ảnh "Đầu súng trăng treo" còn mang ý nghĩa tượng trưng. Đó là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, vừa thực, vừa mơ, vừa xa vừa gần, vừa mang tính chiến đấu, vừa mang tính trữ tình. Vừa chiến sĩ vừa thi sĩ. Đây là hình ảnh tượng trưng cho tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao, tỏa sáng từ cuộc đời chiến đấu. Hình ảnh thơ thật độc đáo, gây xúc động bất ngờ, thú vị cho người đọc. Nó nói lên đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của mục đích lí tưởng chiến đấu và tình nghĩa thiêng liêng của anh bộ đội Cụ Hồ.

Với nhịp chậm, giọng thơ hơi cao, ba câu thơ cuối của bài một lần nữa khắc họa chân thực mà sâu sắc về hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Tình cảm đồng chí, đồng đội là tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất của những người lính. Đó là sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả mọi khó khăn trở ngại, mọi thiếu thốn để chiến thắng kẻ thù. Bài thơ Đồng chí đặc biệt là ba câu kết như một lời nhắn nhủ với mọi người: Hãy biết nâng niu và gìn giữ những tình cảm đẹp trong cuộc sống, phải biết kính trọng những người lính.

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy viết bài văn nghị luận về bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.

Gợi ý trả lời:

Trước Cách mạng tháng Tám, Huy Cận được biết đến như là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Tiếng thơ “ảo não” mang nặng “nỗi sầu vạn cổ”, “nỗi buồn thiên thu” của ông đã nói lên được tâm trạng chung của tầng lớp tiểu tư sản đương thời. Nhưng tựu chung lại, có thể thấy nổi bật lên trong thơ Huy Cận là khát vọng được hòa nhập giữa cá thể và vũ trụ, con người và thiên nhiên. Sau Cách mạng, cũng vẫn mang ước vọng lớn lao ấy, nhưng được ngọn gió cách mạng thổi vào những luồng sinh khí mới, thơ Huy Cận tràn ngập niềm hân hoan, hòa mình vào cuộc chiến đấu của đất nước, và sự hồi sinh từng ngày của quê hương. Chính điểu đó tạo nên màu sắc tươi sáng cho những trang thơ Huy Cận. Đoàn thuyền đánh cá là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét nhất sự thay đổi đó trong thơ ông.

Mở đầu tác phẩm, vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên đã được miêu tả qua buổi hoàng hôn khi đoàn thuyền đánh cá bắt đầu ra khơi:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa"

Trên bức phông nền của ánh hoàng hôn buổi chiều tà, mặt trời từ từ lặn xuống từ phía tây trong phép so sánh độc đáo "như hòn lửa". Hình ảnh quen thuộc miêu tả mặt trời chìm xuống lòng biển khơi với sắc đỏ rực, đồng thời gợi lên sự trôi chảy và bước đi của dòng thời gian trong sự biến động hết sức kì vĩ và tráng lệ. Vẻ đẹp của thiên nhiên còn được làm nổi bật thông qua biện pháp nhân hóa "Sóng đã cài then đêm sập cửa". Những con sóng ngày đêm vỗ vào bờ được hình dung như những chiếc then cài, khép lại màn đêm như đóng kín cánh cửa của biển khơi. Vũ trụ vốn bao la, rộng lớn đã được hình dung như một ngôi nhà lớn thân thương, gần gũi đối với con người.

Bức tranh thiên nhiên còn được miêu tả với vẻ đẹp giàu có, trù phú của mẹ biển cả bao la. Đó là những đoàn cá "cá bạc biển Đông lặng", "Cá thu biển Đông như đoàn thoi" hiện lên cùng âm hưởng ngợi ca, tự hào và biết ơn đối với những món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Và hành trình đoàn thuyền đánh cá trên biển luôn gắn bó chặt chẽ với sự phong phú, giàu có của tài nguyên thiên nhiên:

"Cá nhụ cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cá đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long"

Bức tranh thiên nhiên được phác họa bằng thủ pháp liệt kê, khiến những loài cá hiện lên sinh động, chân thực nhưng cũng vô cùng lộng lẫy và kì vĩ. Đó là "cá song lấp lánh đuốc đen hồng" miêu tả những chú cá song, thân dài và có chấm nhỏ màu đen hồng xuất hiện trên vảy, đồng thời gợi ra hình ảnh đoàn cá mang vẻ đẹp lấp lánh như những cây đuốc được thắp sáng giữa đêm trăng. Đó là những con cá "đuôi em" đang vui đùa cùng làn nước như "quẫy trăng vàng chóe", góp phần tô điểm cho một đêm trăng đẹp, lung linh ánh nước mờ ảo. Những con sóng cũng mang trong mình nhịp thở của biển, khiến cho bức tranh thiên nhiên hiện lên gần gũi, thân thuộc.

Và khi đoàn thuyền trở về trong khúc hát của lòng biết ơn thì thiên nhiên hiện lên với vẻ đẹp hết sức thơ mộng, trữ tình:

"Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi"

Vòng tuần hoàn của thời gian được gợi ra từ sự biến chuyển từ lúc hoàng hôn - đoàn thuyền đánh cá ra khơi đến khi mặt trời ló dạng - đoàn thuyền đánh cá trở về. Lúc này vẻ đẹp của thiên nhiên lại được miêu tả trong sự hồi sinh "Mặt trời đội biển nhô màu mới". Đồng thời, bức tranh muôn triệu mắt cá li ti trong ánh rạng đông không chỉ thể hiện sự giàu có của thiên nhiên mà còn ẩn chứa niềm vui và thành quả lao động của những người ngư dân.

Thiên nhiên đang chuyển dịch dần và một ngày lao động của con người cũng đã đến chặng cuối. Huy Cận như một bức tượng về người ngư dân trong tư thế của người làm chủ thiên nhiên, khoẻ mạnh, đẹp đẽ, sánh ngang cùng vũ trụ: “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”. Công việc lao động nặng của người đánh cá đã trở thành bài ca đầy niềm vui nhịp nhàng với thiên nhiên, thể hiên tinh thần lao động say mê, khẩn trương và đạt hiệu quả cao.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu rõ thế nào là nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

- Nắm vững các yêu cầu nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

- Rèn luyện kĩ năng nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ.

- Có ý thức rèn kĩ năng làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Ngày:27/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM