Tổng kết về từ vưng (Luyện tập tổng hợp) Ngữ văn 9

 Bài học Tổng kết về từ vựng (Luyện tập tổng hợp) Ngữ văn 9 tập 1 giúp các em biết vận dụng những kiến thức về từ vựng đã học để phân tích những hiện tượng ngôn ngữ trong thực tiễn giao tiếp, nhất là trong văn chương. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo, chúc các em học tốt!

Tổng kết về từ vưng (Luyện tập tổng hợp) Ngữ văn 9

1. Ôn tập lý thuyết

- Từ đơn: Là từ chỉ gồm một tiếng có nghĩa.

- Từ phức: Là từ gồm 2 hoặc nhiều tiếng trở lên. Chia 2 loại:

+ Từ ghép: Là từ đ­ợc tạo ra bằng cách ghép các tiếng có quan hệ về nghĩa.

+ Từ láy: Giữa các tiếng có quan hệ láy âm…

- Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị ý nghĩa hoàn chỉnh.

- Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, hoạt động, tính chất, quan hệ) mà từ biểu thị.

- Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa.

- Từ nhiều nghĩa là hiện tượng thêm nghĩa mới cho từ có sẵn mà không phải tạo thêm từ mới nhằm đáp ứng nhu cầu biểu thị khái niệm mới, gọi tên những sự vật mới mà con người nhận thức được bằng tiếng nói.

- Hiện tư­ợng thêm nghĩa mới, thay đổi nghĩa cho từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa là hiện tượng chuyển nghĩa của từ:

+ Nghĩa gốc: nghĩa xuất hiện từ đầu làm cơ sở hình thành nghĩa khác.

+ Nghĩa chuyển : nghĩa đ­ược hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.

- Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau.

- Từ đồng nghĩa là những từ giống nhau hoặc gần giống nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau.

- Từ trái nghĩa là những từ trái ngược nhau.

- Một từ trái nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau.

- Nghĩa của từ ngữ có thể rộng hơn (khái quát hơn) hoặc hẹp hơn (ít khái quát hơn) nghĩa của từ khác:

+ Một từ ngữ được coi là nghĩa rộng khi phạm vi ngữ nghĩa của từ ngữ đó bao hàm phạm vi ngữ nghĩa của một số từ ngữ khác.

+ Một từ ngữ được coi là có nghĩa hẹp khi phạm vi ngữ nghĩa của từ đó được bao hàm trong phạm vi nghĩa của một từ ngữ khác.

+ Một từ ngữ có nghĩa rộng đối với từ ngữ này, đồng thời có thể có nghĩa hẹp đối với một từ ngữ khác.

- Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.

- Phát triển nghĩa của từ.

- Phát triển số lượng từ. 

- Từ mượn là những từ vay mượn tiếng nước ngoài.

- Từ Hán Việt là từ mượn của tiếng Hán nhưng được phát âm và dùng theo cách dùng từ của tiếng Việt.

- Thuật ngữ từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ thường được dùng trong các văn bản khoa học công nghệ.

- Biệt ngữ xã hội : từ ngữ chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.

- Trau dồi vốn từ:

+ Rèn luyện để biết đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ là vô cùng quan trọng đối với vuệc trau dồi vốn từ của mỗi cá nhân.

+ Rèn luyện để biết thêm những từ mà mình chưa biết, làm tăng vốn từ về số lượng là việc thường xuyên phải làm để trau dồi vốn từ.

- Từ tượng thanh: từ mô phỏng âm thanh của sự vật.

- Một số phép tu từ từ vựng:

+ So sánh: Là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

+ Nhân hoá: là cách dùng những từ ngữ vốn dùng để miêu tả hành động của con người để miêu tả vật, dùng loại từ gọi người để gọi sự vật không phải là người làm cho sự vật, sự việc hiện lên sống động, gần gũi với con người.

- Ẩn dụ: Là cách dùng sự vật, hiện tượng này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét tương đồng (giống nhau) nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

- Hoán dụ: Là cách dùng sự vật này để gọi tên cho sự vật, hiện tượng khác dựa vào nét liên tưởng gần gũi nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

- Điệp ngữ: là từ ngữ (hoặc cả một câu) được lặp lại nhiều lần trong khi nói và viết nhằm nhấn mạnh, bộc lộ cảm xúc…

- Chơi chữ: là cách lợi dụng đặc sắc về âm, nghĩa nhằm tạo sắc thái dí dỏm hài hước.

- Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, qui mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

- Nói giảm, nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

2. Luyện tập

Câu 1. Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son"

(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)

a) "Thân em", "vừa trắng lại vừa tròn" được hiểu theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

b) Cách dùng "Bảy nổi ba chìm với nước non" thuộc về phép tu từ nào?

Gợi ý làm bài:

a) "Thân em" "vừa trắng lại vừa tròn", được dùng theo nghĩa bóng và nghĩa chuyển: Chỉ bánh trôi nước, và thân phận người phụ nữ.

b) Cách dùng "Bảy nổi ba chìm với nước non" ẩn dụ hình ảnh thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến lênh đênh, không có tiếng nói.

Câu 2.  Đọc câu thơ sau và cho biết:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"

(Viếng lăng Bác - Viễn Phương)

a) Từ "mặt trời" câu 1 và "mặt trời" câu 2 được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển ?

b)Từ "Mặt trời" (2) trong ví dụ trên đây là phương thức gì?

Gợi ý làm bài:

a) "Mặt trời" (1) được dùng với nghĩa gốc. "Mặt trời" (2) được dùng với nghĩa chuyển.

b) Phương thức ẩn dụ: chỉ Bác Hồ.

3. Kết luận

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Biết vận dụng những kiến thức về từ vựng đã học để phân tích những hiện tượng ngôn ngữ trong thực tiễn giao tiếp, nhất là trong văn chương.

- Hệ thống những kiến thức về nghĩa của từ, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, trường từ vựng, từ tượng thanh, từ tượng hình, các biện pháp tu từ từ vựng.

- Tác dụng của việc sử dụng các phép tu từ trong các văn bản nghệ thuật.

Ngày:05/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM