Tổng kết phần Tập làm văn Ngữ văn 9

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em nắm được khái niệm và đặc điểm của các kiểu văn bản đã học. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích được những kiểu văn bản đó. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tổng kết phần Tập làm văn Ngữ văn 9

1. Các kiểu văn bản đã học

- Văn bản tự sự: Văn bản tự sự được sử dụng trong mục đích trình bày, tái hiện sự việc và miêu tả nhân vật liên quan với nhau thành một hệ thống có mối quan hệ qua lại hoặc quan hệ nhân quả. Văn bản tự sự gửi gắm những tư tưởng tình cảm, thái độ, sự suy nghĩ, đánh giá của mình về cuộc đời hay quy luật trong đời sống và bày tỏ thái độ của mình.

- Văn bản miêu tả: được sử dụng trong mục đích tái hiện tính chất, thuộc tính của sự vật, hiện tượng nhằm giúp cho con người cảm nhận và hiểu được chúng.

- Văn bản biểu cảm: được sử dụng nhằm mục đích biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khơi gợi lòng đồng cảm nơi người đọc. Thường thì những văn bản biểu cảm tập trung biểu đạt một tình cảm là chủ yếu.

- Văn bản thuyết minh: được sử dụng nhằm mục đích trình bày những thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả, lợi ích hoặc tác hại,… Của sự vật, hiện tượng nhằm giúp người đọc có tri thức khách quan và có thái độ đúng với chúng.

- Văn bản nghị luận: được sử dụng nhằm mục đích thể hiện suy nghĩ, tư tưởng, quan điểm của người viết trước một sự việc hiện tượng hay một ý kiến về một vấn đề tư tưởng đạo lý… Bằng phương thức nêu luận điểm, vận dụng luận cứ và các phép lập luận.

- Văn bản hành chính: được sử dụng nhằm mục đích trình bày theo mẫu chung và chịu trách nhiệm về pháp lí như: Nêu các nguyện vọng của cá nhân, tập thể đối với cơ quan quản lí; Trình bày các quyết định của người có thẩm quyền đối với người có trách nhiệm thực thi công việc; Trình bày các thoả thuận về lợi ích và nghĩa vụ giữa công dân với nhau….

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy đọc văn bản dưới đây và cho biết nó thuộc kiểu văn bản nào? Vì sao em biết được?

Mỗi đất nước đều có trang phục truyền thống biểu trưng cho văn hóa của quốc gia mình. Nếu Nhật Bản nổi tiếng với Kimono, Hàn Quốc được biết đến với Hanbok thì Việt Nam lại tự hào với Áo dài. Áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam.

Ngược dòng thời gian để tìm về với nguồn cội, chiếc áo dài đầu tiên với hai tà áo thướt tha bay lượn đã xuất hiện từ trên ba ngàn năm trước. Đồng hành cùng bước đi của lịch sử, áo dài đã trải qua nhiều kiểu dáng khác nhau. Kiểu sơ khai là áo giao lành, được mặc phủ ngoài yếm đào, váy lụa đen, thắt lưng buông thả. Nhưng để tiện cho việc làm ăn, việc đồng áng, áo giao lành được thu gọn thành áo tứ thân. Rồi từ áo tứ thân lại chuyển thành áo dài cổ kính, ôm sát thân, hai vạt trước được tự do tung bay hài hòa giữa cũ và mới. Trải qua bao năm tháng, áo dài dần được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và cuộc sống năng động của người phụ nữ ngày nay.

Áo dài thường được mặc với quần thụng thay cho váy đen ngày xưa. Quần áo dài thường được may với vải mềm, rũ. Áo dài được may với nhiều chất liệu khác nhau như: nhung, voan, lụa, gấm... với nhiều màu sắc phong phú. Họa tiết trên áo có thể là hoa, con vật như chim phượng hoàng, bướm... và nhiều hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc. Với sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế, áo dài có thể mang nhiều hình dáng khác nhau.

Chất liệu làm ra một chiếc áo dài đòi hỏi người mặc cần biết cách bảo quản. Khi giặt áo, chỉ giặt bằng tay, giũ cho áo ráo nước và phơi ngoài nắng nhẹ, tránh nắng gắt vì áo dễ bạc màu. Dùng bàn ủi ủi với nhiệt độ thích hợp tránh quá nóng làm cháy áo. Mặc xong nên giặt áo ngay, treo lên bằng móc áo, nếu gấp phải gấp cẩn thận tránh làm gãy cổ áo.

Trong cuộc sống hiện đại, áo dài không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống, là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà còn trở thành trang phục công sở cho nhiều ngành nghề như tiếp viên hàng không, nữ giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng,… Áo dài trắng là biểu tượng tinh khôi của nữ sinh Việt Nam. Áo dài đỏ cung vui trong ngày lễ ăn hỏi, thành hôn của cặp trai tài gái sắc. Mỗi dịp xuân về, nhiều gia đình nô nức chuẩn bị áo dài cho tất cả các thành viên để cùng đón một cái Tết sum vầy, ý nghĩa. Không chỉ như vậy, ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước và quốc tế, các thí sinh đều tự chọn cho mình một chiếc áo dài để dự thi. Bạn bè thế giới biết đến vẻ đẹp Việt Nam gắn liền với chiếc áo dài thướt tha, thanh lịch.

Năm tháng qua đi, nhiều trang phục hiện đại dần phổ biến hơn. Nhưng áo dài vẫn lưu giữ trọn vẹn vẻ đẹp truyền thống dân tộc Việt Nam. Áo dài cùng nón lá chính là nét duyên dáng Việt. Nhìn thấy hình ảnh áo dài, bao trái tim xa quê hương vẫn thổn thức nghĩ về Việt Nam yêu thương xa nhớ.

(Sưu tầm)

Gợi ý trả lời:

- Văn bản trên thuộc kiểu văn bản thuyết minh. Cụ thể là thuyết minh về chiếc áo dài Việt Nam.

- Dấu hiệu nhận biết: Người viết đã trình bày được những thuộc tính, cấu tạo, ý nghĩa của chiếc áo dài Việt Nam nhằm giới thiệu đến bạn đọc đây là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Câu 2: Em hãy viết bài văn miêu tả về cây phượng trong sân trường.

Gợi ý trả lời:

Cây phượng là loại cây hay được trồng ở trường học. Xung quanh trường em là những cây phượng, với những chùm hoa đỏ rực một góc trời vào mùa hè, báo hiệu một mùa chia tay bạn bè, mái trường và thầy cô nữa lại đến.

Cây phượng ở trường em đã to, có lẽ nó được những thế hệ thầy trò đầu tiên của ngôi trường mà em đang học trồng. Đến thế hệ của chúng em thì nó đã lớn và chiếm một khoảng khá rộng ở sân trường. Thân cây rất to chắc phải mấy đứa chúng em ôm mới xuể, phần rễ cây rất phát triển nhô cả lên mặt đất, vô tình như một cái ghế tạo thành chỗ ngồi cho học sinh ở trường. Cây phượng có rất nhiều cành, cành to, cành nhỏ thi nhau vươn cao, xa để đón lấy ánh nắng mặt trời.

Đài hoa ôm lấy bông như một người mẹ che chở cho con thân yêu của mình. Bên trong lớp đài hoa là cánh, cánh hoa phượng đỏ, mỏng manh nhưng chính nó đã tạo nên vẻ đẹp tươi xinh cho mỗi bông hoa phượng. Trong lòng hoa là nhuỵ đỏ, chứa mật và phấn, mật hoa cho những chú ông bé nhỏ, chăm chỉ tới hút. Vào khoảng giữa tháng năm, tiếng ve sầu kêu râm ran, liên miên trên những tán lá phượng vĩ, báo hiệu mùa hè tới, thôi thúc học trò chúng tôi phải chuyên tâm học hành đạt được những kết quả cao trong học tập.

Nhìn từ xa, cây phượng như khoác lên mình một chiếc váy đỏ thật tráng lệ. Gốc phượng to sần sùi vì bao năm tháng qua mưa nắng. Rễ cây ngoằn ngoèo bò trên mặt đất như những con rắn đang vui đùa và cùng nhau mừng mùa hè đến. Hoa phượng đỏ bao nhiêu thì lá cây của nó có một màu xanh um bấy nhiêu . Cành cây đâm ra từ người mẹ của nó. Cuống hoa xanh mơn mởn khoảng tám phân, thon dài, nối liền giữa bông hoa và cành hoa. Nụ hoa thật đẹp, lúc thoáng nhìn cứ tưởng hạt ngọc bích. Hoa phượng nở từng chùm, một màu đỏ rực như muốn tô điểm lên vẻ đẹp lộng lẫy của ngày hè ở trường em. Hoa phượng đỏ rực thế mà sao hiền dịu quá.

Cây phượng như người bạn tri kỉ của tuổi học trò chúng em. Hoa phượng báo hiệu cho học trò đủ thứ chuyện. Nào là hè đã đến rồi, đã đến lúc nghỉ ngơi sau một học kì. Một năm học căng thẳng đã đến lúc vui chơi rồi. Nhưng điều quan trọng là hoa phượng báo hiệu đã đến lúc faj xa mái trường, thầy cô, bạn bè. Nhưng dù có xa cách mấy, nó luôn ở trong tim, trong tâm trí của mỗi người. ven công viên có biết bao là cây phượng nhưng em chỉ thấy cây phượng ở trường em là đẹp nhất thôi. Hoa phượng như đánh dấu bước ngoặt trưởng thành trên con đường học vấn nhưng nghĩ đến cảnh xa trường, xa thầy, xa bạn lại thấy nao nao. Các anh chị cuối cấp còn lo lắng hơn vì đó là lúc bước vào kì thi quan trọng.

Cây phượng trên sân trường là người bạn của em, em đã có rất nhiều kỉ niệm đối với loại cây này. Có lẽ sau này khi rời xa mái trường này, em vẫn sẽ luôn luôn nhớ đến cây phượng dưới cột cờ này.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được khái niệm và đặc điểm của các kiểu văn bản đã học.

- Trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân.

- Nhận diện và phân tích được những kiểu văn bản đã học.

- Có ý thức học tập bộ môn.

Ngày:18/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM