Các thành phần biệt lập (tiếp theo) Ngữ văn 9

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được thành phần gọi - đáp và phụ chú. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích các thành phần gọi - đáp và phụ chú trong một văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Các thành phần biệt lập (tiếp theo) Ngữ văn 9

1. Thành phần gọi - đáp

- Thành phần gọi - đáp cũng là thành phần biệt lập.

- Thành phần gọi - đáp dùng để tạo lập hoặc để duy trì quan hệ giao tiếp.

2. Thành phần phụ chú

- Thành phần phụ chú cũng là thành phần biệt lập.

- Thành phần phụ chú được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu. Thành phần phụ chú thường được đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, hai dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với dấu phẩy. Nhiều khi thành phần phụ chú còn được đặt sau dấu hai chấm.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy chỉ ra thành phần gọi - đáp trong những câu sau:

a. “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân pháp càng lấn tới…”

(Trích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Hồ Chí Minh)

b. Lan ơi, tớ trả quyển sách nhé!

c. Mẹ ơi, con muốn được đi chơi.

Gợi ý trả lời:

a. “Hỡi” là thành phần gọi - đáp, không tham gia vào việc diễn đạt ý nghĩa của câu nhưng có tác dụng tạo cảm xúc thân thương cho câu văn.

b. “Ơi” là thành phần biệt lập gọi - đáp.

c. "Ơi” là thành phần biệt lập gọi - đáp.

Câu 2: Em hãy chỉ ra thành phần phụ chú trong những câu sau:

a. Lan - lớp trưởng lớp 9B, vừa xinh đẹp lại rất học giỏi.

b. Những ai đã từng được đặt chân tới Nam Định đều không thể nào quên được hương vị của món Bún Bò (một đặc sản của vùng đất Nam Định).

c. Khí metan, công thức hóa học CH4, là một hydrocacbon nằm trong dãy đồng đẳng ankan.

d. Ankan là hydrocacbon no không tạo mạch vòng gồm một số khí: metan, etan, propan, butan, pentan…

Gợi ý trả lời:

a. “Lớp trưởng lớp 9B” đứng sau dấu gạch ngang và một dấu phẩy ( - ,) là thành phụ chú trong câu có tác dụng bổ sung thêm thông tin của câu về bạn “Lan” để mọi biết bạn là lớp trưởng 9B.

b. Thành phần phụ chú “Một đặc sản của vùng đất Nam Định” được đặt trong dấu ngoặc tròn có tác dụng bổ sung thông tin.

c. “Công thức hóa học CH4” là thành phần phụ chú đứng giữa hai dấu phẩy có tác dụng giải thích về khí metan có công thức hóa học là CH4.

d. Thành phần phụ chú đứng sau dấu hai chấm “Metan, etan, propan, pentan” có chức năng liệt kê các khí nằm trong dãy ankan.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nhận biết hai thành phần biệt lập: Gọi- đáp và phụ chú.

- Nắm được công dụng riêng của mỗi thành phần trong câu.

- Biết đặt câu có thành phần gọi - đáp, thành phần phụ chú.

- Tích hợp với văn, tập làm văn.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM