Bệnh máu và bạch huyết
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
1.1 Máu bao gồm những gì?
Các thành phần chính của máu gồm có huyết tương, bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu. Trong đó, bạch cầu giúp chống nhiễm trùng, hồng cầu vận chuyển oxy tới các mô trong cơ thể, tiểu cầu giúp cho quá trình đông máu, ngăn chặn tình trạng xuất huyết. Khi một trong những thành phần này bị rối loạn hoạt động, tình trạng mất cân bằng thể chất nghiêm trọng có thể xảy ra.
1.2 Hệ bạch huyết bao gồm những gì?
Huyết tương và một số loại bạch cầu thường xuyên di chuyển từ mao mạch vào khoảng kẽ. Hầu hết các loại dịch và các thành phần của chúng được kéo vào nội bào hoặc được tái hấp thu vào hệ mạch dưới sự cân bằng của áp lực thủy tĩnh và áp suất keo. Tuy nhiên, một số loại dịch, tế bào và mảnh vỡ tế bào (VD: các thành phần đáp ứng miễn dịch; các thành phần phản ứng viêm tại chỗ, ung thư) di chuyển vào hệ bạch huyết.
Giống hệ tĩnh mạch, hệ bạch huyết bao gồm vô số các mạch bạch huyết thành mỏng giúp vận chuyển dịch đi khắp cơ thể. Các mạch bạch huyết nhỏ đổ vào các mạch lớn hơn và cuối cùng đổ vào hệ tĩnh mạch trung tâm qua ống ngực hoặc ống bạch huyết phải. Hầu hết các mạch bạch huyết đều có van, tương tự như tĩnh mạch, các van này giữ cho bạch huyết chảy theo một hướng về phía tim. Trong hệ tĩnh mạch, máu di chuyển nhờ lực hút từ tim, còn trong hệ bạch huyết, dịch di chuyển nhờ áp lực tạo ra trong quá trình co cơ.
Trước khi vào hệ thống tĩnh mạch trung tâm, bạch huyết đi qua các hạch và loại bỏ các mảnh tế bào, bao gồm các tế bào ung thư và các thành phần dị nguyên. Các hạch bạch huyết cũng là thành phần cốt lõi tham gia vào hệ miễn dịch bởi vì chúng chứa các tế bào lympho, đại thực bào, và các tế bào đuôi gai có thể đáp ứng với bất kỳ kháng nguyên mô nào được đưa vào hệ bạch huyết.
Hạch bạch huyết được phân làm 2 loại nông hoặc sâu. Hạch nông nằm ngay dưới da; chúng có mặt khắp cơ thể, nhưng tập trung ở cổ, nách và bẹn. Hạch sâu là các hạch nằm trong khoang bụng hoặc ngực.
2. Một số triệu chứng thường gặp về máu và bạch huyết
Triệu chứng thiếu máu:
Thiếu máu xuất hiện liên quan đến việc giảm số lượng hồng cầu. Do chức năng của hồng cầu là vận chuyển oxy tới toàn bộ cơ thể nên mọi sự thiếu hụt hồng cầu đều gây ra hậu quả thiếu oxy ở các cơ quan đích trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như thở nhanh hoặc thở ngắn khi vận động, hoa mắt, mệt mỏi và/ hoặc nhợt nhạt.
Triệu chứng liên quan đến hiện tượng tăng sinh của tế bào ung thư máu
Phì đại cơ quan nội tạng và các cơ quan khác do xâm lấn tế bào ung thư vào các cơ quan như gan, lách, hạch. Trong một số trường hợp những tế bào này có thể xâm lấn hệ thần kinh trung ương có thể biểu hiện kích thích màng não gây nên triệu chứng đau đầu, nôn.
Triệu chứng về hạch
Tự sờ thấy hạch to, không đau thường gặp tại vùng cổ, nách, bẹn...
Triệu chứng nhiễm trùng
Là triệu chứng kết hợp với hiện tượng giảm số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi. Chức năng của bạch cầu là bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài ví dụ tác nhân vi khuẩn, vì vậy lượng bạch cầu bị giảm sút dẫn đến không đủ khả năng chống đỡ, hậu quả là dễ bị nhiễm khuẩn.
Triệu chứng chảy máu
Đây là triệu chứng liên quan đến tình trạng giảm số lượng tiểu cầu. Vì chức năng của tiểu cầu là cầm máu, nên mọi tình trạng thiếu hụt tiểu cầu đều làm tăng nguy cơ chảy máu ngay cả với chấn thương nhẹ, và kết quả xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ, mảng bầm dưới da, chảy máu từ lợi hoặc từ mũi. Chảy máu nội tạng có thể gặp trong một số trường hợp nặng.
Triệu chứng toàn thân do bệnh lý ác tính
Mệt mỏi, gầy sút, suy sụp nhanh, sốt kéo dài, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.
3. Các bệnh lý về máu và bạch huyết phổ biến
Thiếu máu
Đây là một trong những loại rối loạn máu phổ biến nhất có thể xảy ra khi tế bào hồng cầu bị ảnh hưởng. Thiếu máu có thể là nhẹ nhưng nếu bị nặng, bạn có thể bị đau người, khó thở, da xanh xao và mệt mỏi.
Bệnh bạch cầu
Đây là một dạng ung thư máu, xảy ra khi tế bào bạch cầu trở thành ác tính và sản sinh nhanh trong tủy xương. Bệnh bạch cầu cấp là tình trạng nghiêm trọng và diễn biến nhanh, trong khi bạch cầu mạn tiến triển chậm hơn. Hóa trị và ghép tế bào gốc là các phương pháp điều trị chính với bệnh này.
Nhiễm khuẩn huyết
Ngoài các rối loạn máu của tế bào máu và tiểu cầu, huyết tương cũng có thể bị ảnh hưởng. Nếu có nhiễm trùng của cơ thể xâm nhập vào máu và bạn có biểu hiện sốt, khó thở, tụt huyết áp và các rối loạn hô hấp, thì có thể là bạn bị nhiễm khuẩn huyết.
Rối loạn đông máu
Mọi rối loạn tiểu cầu đều có thể cản trở khả năng đông máu. Do vậy, bệnh nhân bị các rối loạn tiểu cầu có thể bị chảy máu quá nhiều hoặc đông máu quá mức. Nếu hình thành các cục máu động, cần sử dụng các thuốc chống đông máu.
Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Đây là một bệnh di truyền xảy ra do rối loạn của tế bào hồng cầu. Tình trạng này xảy ra nhiều hơn với các gia đình đến từ Nam và Trung Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Quần đảo Caribe, và Ả rập sau-đi. Do bệnh này, tế bào hồng cầu trở nên cứng và dầy và làm cản trở lưu thông máu.
Sưng hạch bạch huyết
Sưng hạch huyết là tình trạng các hạch bạch huyết trong cơ thể bị sưng. Các tuyến, còn được gọi là tuyến bạch huyết có trách nhiệm lọc các dịch bạch huyết lưu thông trong cơ thể thông qua các mạch bạch huyết. Vì vậy có thể nói tuyến bạch huyết hoạt động tương tự như dòng máu chảy qua mạch máu.
Viêm hạch bạch huyết
Viêm hạch bạch huyết xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào các mạch bạch huyết. Chúng có thể xâm nhập qua vết cắt hoặc vết thương trên da, hoặc phát triển từ nhiễm trùng hiện có.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm bạch huyết là nhiễm liên cầu khuẩn cấp tính. Tình trạng này cũng có thể do nhiễm trùng tụ cầu khuẩn.
Viêm bạch huyết có thể xảy ra nếu tình trạng nhiễm trùng da trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này nghĩa là vi khuẩn sẽ sớm xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng như nhiễm trùng huyết, một tình trạng viêm toàn thân đe dọa tính mạng.
4. Biện pháp phòng ngừa các bệnh lý về máu và bạch huyết
Cần khám sức khỏe định kỳ, với xét nghiệm máu cơ bản, có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe cũng như phát hiện sớm các bệnh lý về máu. Luôn nâng cao nhận thức về các triệu chứng bất thường xảy ra, để có thể được thăm khám sớm.
Nhiều bệnh lý về máu khác nhau khó thể phòng ngừa được, đặc biệt là những bệnh lý mang tính di truyền. Xét nghiệm tiền hôn nhân có thể dự phòng được những bệnh lý di truyền theo gen lặn. Tránh tiếp xúc những chất độc hại có thể dự phòng phần nào bệnh lý ung thư máu. Những bệnh lý ưa chảy máu, chủ yếu là tránh những nguy cơ gây chảy máu.
Nhiều loại bệnh thiếu máu không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, có thể giúp tránh được bệnh thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu vitamin bằng cách ăn uống lành mạnh và đa dạng, bao gồm:
- Sắt: các nguồn tốt nhất của sắt là thịt bò và các loại thịt khác. Các loại thực phẩm giàu sắt bao gồm các loại đậu, đậu lăng, ngũ cốc tăng cường chất sắt, rau xanh sẫm lá, trái cây sấy khô, bơ đậu phộng và hạt.
- Folate: chất dinh dưỡng này, và hình thức tổng hợp của nó, folic acid, có thể được tìm thấy trong các loại nước ép cam quýt và trái cây, chuối, rau xanh sẫm lá, rau đậu và bánh mì, ngũ cốc và mì ống.
- Vitamin B12: trong thịt và các sản phẩm sữa dồi dào vitamin.
- Vitamin C: thực phẩm có chứa vitamin C như: trái cây họ cam quýt, dưa hấu, giúp tăng hấp thu sắt.
Ăn nhiều các thực phẩm chứa sắt đặc biệt quan trọng cho những người có yêu cầu sắt cao như trẻ em, sắt là cần thiết trong quá trình tăng trưởng, có thai và phụ nữ có kinh nguyệt.
Trên đây là một số thông tin tổng quan về máu và bạch huyết, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu. Để có cái nhìn chi tiết và cụ thể hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị các bệnh lý về máu và bạch huyết thường gặp, các bạn có thể tham khảo mục Bệnh máu và bạch huyết mà eLib đã tổng hợp. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!
Tham khảo thêm
- doc
Agglutinins (yếu tố gây ngưng kết) nóng
- doc
Agglutinins lạnh
- doc
Babesia (nhiễm trùng do Babesia)
- doc
Bạch cầu
- doc
Bệnh giảm bạch cầu
- doc
Hodgkin
- doc
Máu khó đông
- doc
Tăng globulin đại phân tử Waldenstrom
- doc
Thiếu máu
- doc
Chảy máu dưới móng