Bệnh tăng bạch cầu ái toan - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tăng bạch cầu ái toan có thể là dấu hiệu cảnh báo về một số tình trạng sức khỏe như nhiễm ký sinh trùng, dị ứng hay thậm chí là ung thư. Để biết rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh tăng bạch cầu ái toan - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bạch cầu ái toan là một loại tế bào bạch cầu trong hệ miễn dịch, đóng vai trò đối phó với các loại ký sinh trùng và tham gia vào các phản ứng dị ứng của cơ thể.

Đôi khi số lượng bạch cầu ái toan có thể tăng lên bất thường. Dấu hiệu này gọi là tăng bạch cầu ái toan, thường cảnh báo về một số tình trạng sức khỏe như:

Nhiễm ký sinh trùng Dị ứng Ung thư

Triệu chứng sức khỏe này thường được chia thành ba mức độ gồm:

Nhẹ: 500 – 1500 bạch cầu ái toan/mcL Trung bình: 1.500 – 5.000 bạch cầu ái toan/mcL Nghiêm trọng: từ 5.000 bạch cầu ái toan/mcL trở lên

Trong đó, hầu hết trường hợp nhẹ không gây ra bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Ngược lại, khi số lượng bạch cầu vượt quá 1.500 trong 1mcL máu, một loạt bộ phận cũng như cơ quan nội tạng chịu thương tổn nặng nề, ví dụ như:

Tim Phổi Lá lách Da Hệ thần kinh

2. Triệu chứng

Thông thường tình trạng bạch cầu ái toan tích tụ nhiều có khả năng xảy ra cùng lúc với một số triệu chứng sau, bao gồm:

Phát ban Ngứa Tiêu chảy, chủ yếu xuất hiện trong trường hợp nhiễm ký sinh trùng Chảy nước mũi, thường phát sinh nếu nguyên nhân gây ra liên quan đến dị ứng

3. Nguyên nhân

Số lượng tế bào bạch cầu ái toan gia tăng đột ngột có thể phát sinh bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, những nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến như:

Ảnh hưởng từ thuốc

Một số loại thuốc có khả năng gây tích tụ bạch cầu ái toan với số lượng lớn và đôi khi không để lại bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Chúng có thể là:

Thuốc kháng sinh (penicillin, cephalosporin) Thuốc kháng viêm không chứa steroid (aspirin, ibuprofen) Ranitidine có tác dụng điều trị loét dạ dày và trào ngược dạ dày Phenytoin với công dụng chống co giật

Dị ứng

Những trường hợp số lượng bạch cầu ái toan tăng lên do dị ứng thường liên quan đến ba vấn đề gồm:

Hen suyễn Dị ứng theo mùa (viêm mũi dị ứng) Bệnh chàm

Dị ứng chủ yếu gây tăng lượng tế bào bạch cầu này ở mức nhẹ hoặc trung bình, đồng thời thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Trong vài trường hợp hy hữu, dị ứng thực phẩm cũng có nguy cơ khiến nhóm bạch cầu này tăng đột ngột.

Hội chứng Hypereosinophilic

HES hay hội chứng Hypereosinophilic đề cập đến hàng loạt rối loạn phát sinh do số lượng bạch cầu ái toan quá cao và gây thương tổn thương cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Các cơ quan dễ trở thành “mục tiêu tấn công” thường là da, phổi và đường tiêu hóa.

Hội chứng Hypereosinophilic có thể là nguyên phát, thứ phát hoặc vô căn.

Nhiễm ký sinh trùng

Theo nghiên cứu, sự hiện diện của ký sinh trùng trong cơ thể là nguyên nhân khiến bạch cầu ái toan hoạt hóa mạnh thường gặp nhất. Chúng thường bao gồm sán và các loại giun (giun tóc, giun đũa…).

Ung thư

Một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư máu, thường liên quan đến tình trạng bạch cầu ái toan hoạt hóa mạnh. Chúng có thể gồm:

Bạch cầu cấp dòng tủy (AML) Tăng sinh tủy ác tính Ung thư biểu mô tuyến ở đường tiêu hóa, phổi và cổ tử cung

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (EoE)

Đây là một dạng rối loạn diễn ra khi các tế bào bạch cầu ái toan di chuyển đến thực quản và tích tụ tại đây. Lúc này, thực quản có thể sưng lên và gặp không ít khó khăn khi đảm đương công việc thường ngày.

Theo thống kê, khoảng 50% người mắc bệnh EoE có dấu hiệu gia tăng số lượng tế bào bạch cầu ái toan trong máu.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tăng bạch cầu ái toan?

Bạch cầu ái toan có thể tích tụ ở mô hoặc trong máu. Do đó, bên cạnh kỹ thuật tổng phân tích tế bào máu (CBC), bác sĩ còn có thể kiểm tra số lượng tế bào của loại bạch cầu này bằng cách lấy mẫu mô sinh thiết và đem đi phân tích.

Những phương pháp điều trị tăng bạch cầu ái toan

Tùy vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe này mà bác sĩ sẽ đề ra hướng điều trị hiệu quả và phù hợp nhất, chẳng hạn như:

Theo dõi: nếu mức độ tăng bạch cầu ái toan nhẹ, bác sĩ có thể chỉ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh và tiến hành xét nghiệm đếm số lượng bạch cầu định kỳ. Ngưng hoặc đổi toa thuốc: nếu tác dụng phụ của thuốc là kích hoạt quá nhiều tế bào bạch cầu này, các chuyên gia sẽ đề nghị bạn ngưng sử dụng thuốc và thay thế bằng đơn thuốc khác phù hợp hơn. Sử dụng steroid (prednison): chủ yếu để điều trị hội chứng Hypereosinophilic. Uống thuốc kháng ký sinh trùng: dành cho trường hợp tăng lượng tế bào bạch cầu ái toan do ký sinh trùng xâm nhập cơ thể.

5. Phòng ngừa

Tình trạng bạch cầu ái toan hoạt hóa quá mạnh có nguy cơ gây tổn thương mô bằng cách giải phóng một lượng lớn enzyme, protein độc tế bào và cytokine. Do đó, phòng ngừa số lượng tế bào của loại bạch cầu này tăng lên đột ngột là điều cần thiết.

Thay đổi lối sinh hoạt theo hướng tích cực là biện pháp ngăn ngừa đơn giản nhất, ví dụ như:

Tập thói quen ăn chín uống sôi có thể giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm ký sinh trùng. Hiểu rõ thể trạng của bản thân sẽ giúp bạn chủ động tránh xa những vật thể gây dị ứng. Cẩn thận khi sử dụng thuốc. Hãy tuân theo đúng chỉ định từ bác sĩ, đồng thời đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể trong thời gian dùng thuốc.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Tăng bạch cầu ái toan, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM