Bệnh u lympho Hodgkin - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh u lympho Hodgkin, hay còn gọi là u bạch huyết Hodgkin, ung thư hạch Hodgkin. Đây là một loại bệnh ung thư của các hạch bạch huyết (các tuyến bạch huyết). Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Bệnh u lympho Hodgkin - triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh u lympho Hodgkin, hay còn gọi là u bạch huyết Hodgkin, ung thư hạch Hodgkin. Đây là một loại bệnh ung thư của các hạch bạch huyết (các tuyến bạch huyết). Các tuyến bạch huyết và mạch bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng và các bệnh khác trong cơ thể. Bệnh thường ảnh hưởng đến tuyến bạch huyết, các tế bào bạch cầu và lá lách. Bệnh có thể đi từ nhẹ đến nặng. Khoảng 80% bệnh nhân có thể được chữa khỏi, đặc biệt nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm.

2. Triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng phổ biến nhất là sưng, đau và sờ vào hạch bạch huyết thấy có tính đàn hồi, thường là ở nách, háng và cổ. Triệu chứng khác bao gồm chảy máu hoặc bầm tím, mệt mỏi, sốt, ngứa, đổ mồ hôi đêm, đau ở các hạch bạch huyết sau khi uống rượu, yếu trong người, và sụt cân. Và những triệu chứng khác tùy thuộc vào nơi bệnh lan tới.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn nên đi khám nếu bạn có các dấu hiệu hay triệu chứng như:

Đau, sốt, hoặc bị chảy nước từ các vết mổ sau khi phẫu thuật; Khó thở, đau ngực, ho kèm sốt cao sau khi xạ trị; Bị chảy máu, bầm tím, sốt, buồn nôn hoặc ói mửa sau khi hóa trị.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Ung thư hạch Hodgkin xảy ra khi một tế bào kháng nhiễm trùng được gọi là tế bào B phát triển đột biến trong ADN. Các đột biến này phân chia nhanh chóng và tiếp tục gây ra một số lượng lớn các tế bào B quá khổ, bất thường tích tụ trong hệ thống bạch huyết. Sau đó chúng lấn áp các tế bào khỏe mạnh và gây ra các triệu chứng của bệnh Hodgkin. Thông thường, các bác sĩ nhận thấy những người có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ mắc bệnh hơn.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải u lympho Hodgkin (u bạch huyết Hodgkin) ?

Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, những người từ 15- 30 tuổi và lớn hơn 50 tuổi thường mắc bệnh này hơn. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc u lympho Hodgkin (u bạch huyết Hodgkin) ?

Nhhững yếu tố làm tăng nguy cơ bị u bạch huyết Hodgkin bao gồm:

Độ tuổi: tuổi từ 15 đến 30 hoặc hơn 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn; Tiền sử bệnh gia đình: có người trong gia đình bị bệnh Hodgkin; Giới tính: nam giới thường sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới; Từng nhiễm virus Epstein-Barr; Suy giảm miễn dịch.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán u lympho Hodgkin (ung thư hạch Hodgkin)?

Bác sĩ sẽ thực hiện chẩn đoán từ bệnh án, kiểm tra thể trạng, xét nghiệm máu và hạch bạch huyết và sinh thiết tủy xương. Các xét nghiệm khác có thể sử dụng như mở bụng thám sát. Phương pháp mở bụng sẽ cho thấy bệnh đã lan rộng như thế nào. Chụp X-quang ngực, chụp cắt lớp (CT), và PET (một loại tia x) có thể cũng được thực hiện để chẩn đoán giai đoạn của bệnh.

Những phương pháp nào dùng để điều trị u lympho Hodgkin (ung thư hạch Hodgkin)?

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ lan rộng của bệnh. Hóa trị (sử dụng thuốc) và xạ trị liệu (sử dụng tia bức xạ) được sử dụng để diệt các tế bào ung thư. Hóa trị lần đầu tiên thường được đưa trực tiếp vào tĩnh mạch tại bệnh viện. Bác sĩ cũng sẽ cho bạn dùng  thuốc giảm đau. Nếu bệnh nặng hoặc tái phát, bạn có thể cần cấy ghép tủy xương. Một số phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Điều trị thường rất hiệu quả và thành công với tỉ lệ bốn trong số năm bệnh nhân.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn; Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn; Thường xuyên chăm sóc răng miệng do u lympho Hodgkin làm bạn dễ bị bệnh về nướu và răng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh U lympho Hodgkin (ung thư hạch Hodgkin), hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:09/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM