Hội chứng ung thư di căn - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Ung thư di căn diễn tả tình trạng khối u ác tính từ một vị trí ban đầu bắt đầu lan đến các bộ phận khác trong cơ thể như gan, phổi, não, ...  Với nhiều loại ung thư, tình trạng này còn được gọi là ung thư tiến triển hay ung thư giai đoạn 4. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Hội chứng ung thư di căn - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Ung thư di căn là gì?

Di căn là sự lây lan của các tế bào ung thư đến các khu vực mới của cơ thể, thường là theo hệ thống bạch huyết hay dòng máu. Ung thư di căn, hay khối u di căn, diễn tả tình trạng khối u từ một vị trí ban đầu bắt đầu lan đến các bộ phận khác trong cơ thể. Với nhiều loại ung thư, tình trạng này còn được gọi là ung thư tiến triển hay ung thư giai đoạn 4.

Di căn có thể xảy ra theo 3 cách:

  • Phát triển trực tiếp tại các mô xung quanh khối u;
  • Tế bào ung thư đi theo dòng máu đến các vị trí xa hơn;
  • Tế bào ung thư đi theo hệ thống bạch huyết đến các hạch bạch huyết ở gần hoặc xa.

Khi quan sát dưới kính hiển vi, tế bào ung thư di căn có đặc điểm giống với tế bào ung thư nguyên phát (ở vị trí xuất hiện ban đầu). Do đó, ung thư di căn vẫn có cùng tên gọi với ung thư nguyên phát. Ví dụ, ung thư vú di căn đến phổi được gọi là ung thư vú di căn, không phải là ung thư phổi. Bác sĩ cũng lựa chọn phương pháp điều trị cho ung thư vú giai đoạn 4 chứ không phải điều trị ung thư phổi.

Đôi khi, người bệnh có thể được chẩn đoán bị ung thư di căn nhưng bác sĩ vẫn chưa xác định được chúng bắt nguồn từ đâu. Loại ung thư này được gọi là ung thư chưa rõ nguyên phát (carcinoma of unknown primary).

Quá trình di căn diễn ra như thế nào?

Các tế bào ung thư có thể lan sang những bộ phận khác trong cơ thể theo nhiều bước, bao gồm:

  • Phát triển hoặc xâm lấn vào các mô bình thường ở xung quanh;
  • Di chuyển xuyên qua thành của các hạch bạch huyết gần bên hoặc qua thành mạch máu;
  • Thông qua hệ bạch huyết và theo dòng máu đến các bộ phận khác của cơ thể;
  • Ở lại các mạch máu nhỏ ở xa vị trí ban đầu, xuyên qua thành mạch và di chuyển vào trong các mô gần đó;
  • Phát triển tại các mô này cho đến khi hình thành một khối u nhỏ;
  • Hình thành và phát triển các mạch máu mới, tạo ra nguồn cung cấp máu cho các khối u phát triển.

Hầu hết trong quá trình di căn, tế bào ung thư sẽ chết tại một số thời điểm. Tuy nhiên, nếu điều kiện thuận lợi, tế bào ung thư có thể hình khối u mới ở một vị trí khác trong cơ thể.

Tế bào ung thư có thể di căn đến những bộ phận nào?

Ung thư có thể lan đến hầu hết mọi bộ phận trong cơ thể. Một số loại ung thư có xu hướng lan sang một vài bộ phận khác.

Hiếm gặp hơn, ung thư còn có thể di căn đến da, cơ hoặc các cơ quan khác trong cơ thể. Các tế bào ung thư cũng lan đến khoang màng phổi hay khoang phúc mạc. Khi các tế bào khối u ác tính này làm cho dịch bị tích tụ tại đó, tình trạng tràn dịch màng phổi ác tính hay cổ trướng ác tính sẽ xảy ra.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư di căn

Ung thư di căn không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng đáng chú ý. Bản chất và mức độ xuất hiện các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào kích thước cũng như vị trí mà khối u di căn đến.

Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khi ung thư di căn bao gồm:

  • Đau và gãy xương, khi tế bào ung thư di căn đến xương ;
  • Đau đầu, co giật hoặc chóng mặt, choáng váng, thường xuất hiện khi ung thư di căn lên não;
  • Khó thở, khi tế bào ung thư lan đến phổi ;
  • Vàng da hoặc sưng vùng bụng, xảy ra khi ung thư di căn đến gan.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân ung thư di căn là gì?

Tế bào bình thường sẽ không di chuyển ra ngoài vị trí của chúng. Ví dụ, các tế bào phổi sẽ không xuất hiện ở tim mặc dù chúng nằm gần nhau về mặt giải phẫu. Nguyên do giúp các tế bào ở đúng vị trí là các tế bào bình thường có các “chất bám dính” hoạt động như keo dính để giữ chúng trong một khu vực nhất định.

Vậy làm sao để tế bào ung thư có thể di chuyển đến một bộ phận khác trong cơ thể? Vấn đề này vẫn chưa có giải thích rõ ràng. Đôi khi, tế bào ung thư có thể khiến các “chất bám dính” không còn hoạt động. Sau đó, chúng tách ra khỏi các khối u ác tính và trở nên di động, tự do di chuyển qua các mạch bạch huyết hay mạch máu.

Về cơ bản, các tế bào bình thường có thể “giao tiếp” với nhau để tự nhắc nhở về ranh giới của chúng. Thế nhưng, một số tế bào ung thư đã có cách bỏ qua những tín hiệu liên lạc đó để có thể tự do di chuyển và xâm lấn các mô lân cận. Ngoài ra, có những đặc điểm khác biệt khác trong tế bào ung thư cho phép chúng đến và tăng trưởng ở một vị trí mới.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ung thư di căn?

Không có một xét nghiệm đơn lẻ nào giúp chẩn đoán tình trạng ung thư di căn. Các xét nghiệm khác nhau sẽ cho biết những thông tin khác nhau về tình trạng sức khỏe. Bác sĩ sẽ lựa chọn tiến hành các xét nghiệm giúp xác định được ung thư nguyên phát hoặc bất kỳ triệu chứng nào cần tìm nguyên do.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu thường quy có thể cho thấy những vấn đề liên quan đến ung thư di căn, như men gan tăng cao có thể do tế bào ung thư đã lan đến gan. Tuy nhiên, những xét nghiệm này thường cho kết quả bình thường ở cả những người bị ung thư tiến triển.

Chất chỉ dấu khối u (tumor marker)

Một số bệnh ung thư có những xét nghiệm tìm chất chỉ dấu sinh học (marker) cụ thể trong máu giúp ích trong việc theo dõi bệnh sau khi được chẩn đoán. Nếu nồng độ các chất này tăng lên, đó là dấu hiệu cho thấy bệnh đang hoạt động hoặc tiến triển, ví dụ:

  • Ung thư ruột già: CEA (kháng nguyên carcinoembryonic) ;
  • Ung thư buồng trứng: CA-125 ;
  • Ung thư tuyến tiền liệt: PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt);
  • Xét nghiệm ung thư AFP (alpha-feto-protein);
  • HCG (human chorionic gonadotropin).

Một số chất chỉ dấu khối u ít đặc hiệu hơn nên không được sử dụng như một xét nghiệm giúp chẩn đoán di căn.

Xét nghiệm hình ảnh

Rất nhiều xét nghiệm hình ảnh có thể thực hiện tại các bộ phận khác nhau của cơ thể. Bác sĩ sẽ lựa chọn xét nghiệm thích hợp dựa vào các triệu chứng hoặc loại ung thư của bạn.

  • Siêu âm: thường dùng để kiểm tra bụng nếu có nghi ngờ. Đây là một kỹ thuật tốt giúp xác định dịch bên trong bụng và phân biệt các nang gan chứa đầy dịch với các khối u rắn.
  • Chụp CT: có thể giúp chụp được hình ảnh của đầu, cổ, ngực, bụng và xương chậu. Phương pháp này đặc biệt giúp ích trong việc xác định các khối u có trong hạch bạch huyết, phổi, gan hoặc cấu trúc khác.
  • Xạ hình xương: thực hiện với một chất đánh dấu phóng xạ (radioactive tracer) sẽ gắn vào các xương bị tổn thương và hiển thị các “điểm sáng” trên hình ảnh kết quả. Đây là cách hữu ích giúp đánh giá toàn cơ thể và cho bằng chứng về tổn thương xương đáng ngờ do ung thư. Nếu nghi ngờ có xương bị gãy, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang để xác định mức độ thương tổn.
  • Chụp MRI: lựa chọn tốt nhất để xác định tổn thương có thể có ở tủy sống nếu ung thư di căn đến xương ở vị trí đốt sống lưng hay di căn đến não.
  • Chụp PET: giúp phát hiện các khu vực có hoạt động trao đổi quá mức, so với các bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên, không phải lúc nào tế bào ung thư cũng có biểu hiện tăng cường trao đổi chất và ngược lại, không phải các điểm cho thấy trao đổi chất mạnh đều có tế bào ung thư.

Kết quả xét nghiệm từ các xét nghiệm này có thể không cho thấy bằng chứng cụ thể. Các kiểm tra phải tương quan với nhau, kiểm tra sức khỏe, triệu chứng và sinh thiết (trong một số trường hợp) mới giúp đưa ra chẩn đoán di căn.

Những phương pháp điều trị ung thư di căn

Việc điều trị di căn chủ yếu dựa vào loại ung thư nguyên phát, tức là vị trí đầu tiên phát hiện có khối u ác tính. Ví dụ, một người bị ung thư vú di căn đến gan, thuốc điều trị được sử dụng vẫn là thuốc dành cho ung thư vú vì bản chất các tế bào ung thư này không thay đổi, chúng chỉ phát triển ở một vị trí mới.

Trong một số ca lâm sàng, di căn có thể được điều trị theo những phương pháp cụ thể.

Não bộ

Tùy vào số lượng khối u và mức độ ảnh hưởng của ung thư đến các phần còn lại trong cơ thể, các lựa chọn điều trị có thể gồm phẫu thuật (trong một vài trường hợp đặc biệt), xạ trị, phẫu thuật với dao gamma, hóa trị hoặc dùng steroid.

Xương

Nếu ung thư di căn đến xương nhưng không gây đau hoặc không có nguy cơ gãy xương, người bệnh sẽ được theo dõi và điều trị với thuốc. Ngược lại, khi tình trạng di căn đến xương gây đau và có nguy cơ làm gãy xương, xạ trị cần được thực hiện ở vị trí ảnh hưởng.

Phổi

Việc điều trị ung thư di căn phổi phụ thuộc vào mức độ di căn cũng như loại ung thư nguyên phát. Hầu hết trường hợp, tình trạng này được điều trị tương tự như với ung thư nguyên phát. Nếu quá trình di căn làm cho dịch hình thành xung quanh phổi, thủ thuật chọc dò ngực có thể được thực hiện để loại bỏ bớt dịch, giúp người bệnh hít thở dễ dàng hơn.

Gan

Có nhiều cách khác nhau để điều trị ung thư lan rộng đến gan, phụ thuộc vào mức độ của ung thư nguyên phát cũng như số lượng và kích thước của khối u di căn ở gan. Trong nhiều trường hợp, phương pháp điều trị cũng sẽ tương tự với điều trị ung thư nguyên phát.

Một số cách thức điều trị mới bao gồm cả phẫu thuật và đốt bằng sóng cao tần (RFA) có thể được thực hiện cho các trường hợp ung thư khu trú, cả nguyên phát và di căn. Lưu ý, ghép tạng không phải là một lựa chọn cho ung thư di căn.

Với một số thông tin trên đây về bệnh ung thư di căn, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm những hiểu biết cần thiết trong việc tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:04/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM