Chính tả Nghe - viết: Luật bảo vệ môi trường Tiếng Việt 5

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nâng cao kĩ năng nghe - viết của bản thân. Đồng thời, bài học này còn giúp các em hiểu thêm về từ láy. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Chính tả Nghe - viết: Luật bảo vệ môi trường Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Viết đúng chính tả văn bản "Luật bảo vệ môi trường".

- Tìm từ ngữ chứa các tiếng đã cho.

- Thi tìm nhanh các từ láy.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 103 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Nghe - viết "Luật bảo vệ môi trường":

Luật Bảo vệ môi trường

Điều 3, khoản 3

“Hoạt động bảo vệ môi trường” là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lí và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.

b. Hướng dẫn giải: Khi viết cần chú ý những yêu cầu sau:

- Viết đúng chính tả những từ khó như: phòng ngừa, suy thoái,...

- Xuống hàng đúng quy cách.

- Đặt dấu câu thích hợp.

2.2. Giải câu 2 trang 104 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi:

(1) Mỗi cột trong bảng dưới đây ghi một cặp tiếng chỉ khác nhau ở âm đầu l hay n. Hãy tìm những từ ngữ chứa các tiếng đó.

(2) Mỗi cột trong bảng dưới đây ghi một cặp tiếng chỉ khác nhau ở âm cuối n hay ng. Hãy tìm những từ ngữ chứa các tiếng đó.

b. Hướng dẫn giải:

(1) Tìm từ:

- lắm: đẹp lắm, lắm của, ngại lắm, lắm điều, lắm thầy thối ma…

- nắm: nắm tay, nắm đấm, nắm cơm, nắm chắc, nắm vững.

- lấm: lấm tấm, lấm láp, lấm la lấm lét, lấm chấm…

- nấm: cây nấm, nấm đất, nấm mồ, nấm rơm, nấm hương…

- lương: lương thực, lương y, lương bổng, lương giáo, lương tri, lương tâm, lương thiện…

- nương: nương rẫy, nương cậy, nương nhờ, nương náu, nương tử, nương tay…

- lửa: củi lửa, lửa lòng, khói lửa, lửa tình, lửa hận…

- nửa: nửa đêm, nửa đời, nửa chừng, nửa úp nửa mở, nửa vời, nửa nạc nửa mỡ…

(2) Tìm từ:

- trăn: con trăn, trăn gió, trăn đất, trăn trở…

- trăng: trăng gió, trăng hoa, trăng non, trăng treo, trăng trối…

- dân: dân biểu, dân ca, quốc dân, nhân dân, dân chủ, dân cày, dân chúng, dân công, dân quân, dân lập, dân dã…

- dâng: nước dâng, dâng biếu, dâng công…

- răn: răn bảo, khuyên răn…

- răng: hàm răng, răng rắc, răng cưa, răng sữa, sâu răng…

- lượn: bay lượn, lượn lờ…

- lượng: trọng lượng, lượng sức, lượng giác, lưu lượng, độ lượng…

2.3. Giải câu 3 trang 104 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Thi tìm nhanh:

(1) Các từ láy có âm đầu n.

(2) Các từ gợi tả âm thanh có âm cuối ng.

b. Hướng dẫn giải:

(1) Từ láy âm đầu n: na ná, nai nịt, nài nỉ, năn nỉ, nao nao, náo nức, nắc nẻ, năng nổ, nao núng, nỉ non, nằng nặc, nôn nao, nết na, nặng nề, nức nở, nấn ná, nõn nà, nâng niu, nơm nớp, nể nang.

(2) Từ gợi tả âm thanh có âm cuối là ng: loong coong, boong boong, loảng xoảng, leng keng, sang sảng, đùng đoàng, ăng ẳng.

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Rèn luyện kĩ năng nghe - viết.

- Hiểu thêm về những từ láy.

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM