Tập đọc: Trước cổng trời Tiếng Việt 5
eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được nội dung của bài tập đọc "Trước cổng trời". Đồng thời, bài học này còn giúp các em có kĩ năng tập đọc một văn bản. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Kiến thức cần nhớ
1.1. Văn bản "Trước cổng trời"
Trước cổng trời
(Trích)
Giữa hai bên vách đá
Mở ra một khoảng trời
Có gió thoảng, mây trôi
Cổng trời trên mặt đất?
Nhìn ra xa ngút ngát
Bao sắc màu cỏ hoa
Con thác réo ngân nga
Đàn dê soi đáy suối
Giữa ngút ngàn cây trái
Dọc vùng rừng nguyên sơ
Không biết thực hay mơ
Ráng chiều như hơi khói...
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
Và tiếng nhạc ngựa rung
Suốt triền rừng hoang dã
Người Tày đi khắp ngả
Đi gặt lúa, trồng rau
Những người Giáy, người Dao
Đi tìm măng, hái nấm
Vạt áo chàm thấp thoáng
Nhuộm xanh cả nắng chiều
Và gió thổi, suối reo
Ấm giữa rùng sương giá.
NGUYỄN ĐÌNH ẢNH
1.2. Nội dung chính của văn bản
Bài thơ "Trước cổng trời" đã mở ra một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, sinh động nhằm ca ngợi vẻ đẹp vùng núi cao Tây Bắc. Nơi đây rực rỡ sắc cỏ hoa, ruộng nương. Âm thanh vui tai của thác nước, nhạc ngựa. Những dân tộc anh em sống hòa thuận, lao động hăng say.
1.3. Giải thích các cụm từ khó
- Nguyên sơ: vẫn còn nguyên vẻ đẹp như lúc ban đầu.
- Vạt nương: mảnh đất trồng trọt trải dài trên đồi, núi.
- Triền miên: dải đất thoai thoải ở hai bên bờ sông hoặc hai bên sườn núi.
- Sương giá: sương lạnh buốt ( vào mùa đông).
2. Câu hỏi và hướng dẫn giải
2.1. Giải câu 1 trang 81 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Vì sao địa điểm tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời”?
b. Hướng dẫn giải: Bài thơ được tác giả chọn nên một địa điểm vô cùng đặc biệt và khác lạ, gây ấn tượng với người đọc với cái tên "cổng trời", gọi là "cổng trời" vì nơi đó là một đèo cao giữa hai vách đá, từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy cả một khoảng trời lộ ra, có mây bay, có gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời.
2.2. Giải câu 2 trang 81 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong bài thơ.
b. Hướng dẫn giải: Tác giả đã có sự quan sát vô cùng tinh tế, bao quát từ nhiều hướng, cụ thể chúng ta thấy tác giả nhìn từ cổng trời nhìn ra xa, qua làn sương khói mờ ảo ta thấy cả một không gian rực rỡ, con thác réo mãi không ngừng, như giọng kể, như khúc hát ngân nga của núi rừng. Nơi dòng suối đào lê soi bóng, lúc chín ngọt như mật. Trong buổi chiều yên ả, sương giá của màn đêm bắt đầu lấn xuống, rung trong không gian là tiếng nhạc ngựa, gió thổi đưa vào không trung bao la…
2.3. Giải câu 3 trang 81 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Trong những cảnh vật được miêu tả, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao?
b. Hướng dẫn giải: Trong bức tranh thiên nhiên được miêu tả, em thích nhất cảnh:
Những vạt nương màu mật
Lúa chín ngập lòng thung
- Bức tranh đó vừa gợi lên màu sắc, báo hiệu một mùa màng tốt tươi vừa gợi lên cuộc sống ấm no, thanh bình vùng núi cao.
2.4. Giải câu 4 trang 81 SGK Tiếng Việt lớp 5
a. Câu hỏi: Điều gì khiến cho cảnh rừng sương giá như ấm lên?
b. Hướng dẫn giải: Tác giả đã khắc họa cảnh thiên nhiên vô cùng đặc sắc và sinh động. Khung cảnh rừng cây hùng vĩ. Cảnh rừng sương giá như ấm lên bởi có hình ảnh con người. Ai nấy đều tất bật rộn ràng vì công việc, người Tày từ khắp các ngả đi gặt lúa, trồng rau, người Giáy, người Dao đi tìm măng hái nấm, tiếng xe ngựa vang lên suốt triền rừng hoang dã, những vạt áo chàm nhuộm xanh cả nắng chiều.
3. Tổng kết
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
- Nắm được nội dung và ý nghĩa của bài tập đọc "Trước cổng trời".
- Có kĩ năng tập đọc một văn bản cụ thể.
Tham khảo thêm
- doc Tập đọc: Kì diệu rừng xanh Tiếng Việt 5
- doc Chính tả Nghe - viết: Kì diệu rừng xanh Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Thiên nhiên Tiếng Việt 5
- doc Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc (tuần 8) Tiếng Việt 5
- doc Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (tuần 8) Tiếng Việt 5
- doc Luyện từ và câu: Luyện tập về từ nhiều nghĩa (tuần 8) Tiếng Việt 5
- doc Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh (Dựng đoạn mở bài, kết bài) Tiếng Việt 5