Luyện từ và câu: Luyện tập về từ đồng nghĩa (tuần 3) Tiếng Việt 5

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về từ đồng nghĩa. Từ đó, các em sẽ có kĩ năng nhận diện và vận dụng từ đồng nghĩa trong văn nói và văn viết. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện từ và câu: Luyện tập về từ đồng nghĩa (tuần 3) Tiếng Việt 5

1. Nội dung bài học

- Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa gần giống nhau.

- Có những từ đồng nghĩa hoàn toàn thay thế được cho nhau, trong lời nói.

- Có những từ đồng nghĩa không hoàn toàn. Khi dùng những từ này, ta phải cân nhắc để lựa chọn cho đúng.

2. Câu hỏi và hướng dẫn giải

2.1. Giải câu 1 trang 32 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Tìm những từ trong ngoặc đơn thích hợp với mỗi ô trống dưới đây:

Chúng tôi đang hành quân tới nơi cắm trại - một thắng cảnh của đất nước. Bạn Lệ ... trên vai ba lô con cóc, hai tay vung vẩy, vừa đi vừa hát véo von. Bạn Thư điệu đà ... túi đàn ghi ta. Bạn Tuấn “đô vật” vai ... một thùng giấy đựng nước uống và đồ ăn. Hai bạn Tân và Hưng to, khỏe cùng hăm hở ... thứ đồ lỉnh kỉnh nhất là lều trại. Bạn Phượng bé nhỏ nhất thì ... trong nách mấy tờ báo Nhi đồng cười, đến chỗ nghỉ là giở ra đọc ngay cho cả nhóm nghe.

(xách, đeo, khiêng, kẹp, vác)

b. Hướng dẫn giải: Có thể điền vào chỗ trống các từ ngữ sau:

Chúng tôi đang hành quân tới nơi cắm trại - một thắng cảnh của đất nước. Bạn Lệ đeo trên vai chiếc ba lô con cóc, hai tay vung vẩy, vừa đi vừa hát véo von. Bạn Thư điệu đà xách túi đàn ghi - ta. Bạn Tuấn "đô vật" vai vác một thùng giấy đựng nước uống và đồ ăn. Hai bạn Tân và Hưng to, khỏe cùng hăm hở khiêng thứ đồ lỉnh kỉnh nhất là lều trại. Bạn Phương bé nhỏ nhất thì kẹp trong nách mấy tờ báo Nhi đồng cười, đến chỗ nghỉ là giở ra đọc ngay cho cả nhóm cùng nghe.

2.2. Giải câu 2 trang 33 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Chọn ý thích hợp trong ngoặc đơn để giải thích ý nghĩa chung của các câu tục ngữ sau:

(1) Cáo chết ba năm quay đầu về núi.

(2) Lá rụng về cội.

(3) Trâu bảy năm còn nhớ chuồng.

(Làm người phải thủy chung; gắn bó với quê hương là tình cảm tự nhiên; loài vật thường nhớ nơi ở cũ).

b. Hướng dẫn giải: 

(1) Cáo chết ba năm quay đầu về núi: Làm người phải thủy chung.

(2) Lá rụng về cội: gắn bó với quê hương là tình cảm tự nhiên.

(3) Trâu bảy năm còn nhớ chuồng: loài vật thường nhớ nơi ở cũ.

2.3. Giải câu 3 trang 33 SGK Tiếng Việt lớp 5

a. Câu hỏi: Dựa theo ý một khổ thơ trong bài "Sắc màu em yêu" hãy viết một đoạn văn miêu tả màu sắc đẹp của những sự vật mà em yêu thích. Chú ý sử dụng những từ đồng nghĩa trong đoạn văn.

b. Hướng dẫn giải:

Quê hương em có đồng lúa một màu xanh rì, em rất thích được về quê là vậy. Khi đi ngang qua cánh đồng lúa quê hương em thường có một mùi hương thoang thoảng của lúa mạ non. Chính những hạt lúa này đã làm nên một nồi cơm có mùi thơm lan tỏa. Những trưa nắng hè oi bức, có ánh nắng rực rỡ chiếu xuống hàng lúa đang trổ bông đòng đòng. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầm ấm, có màu xanh của lúa mạ non, có màu vàng rực của ánh nắng.

3. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được khái niệm từ đồng nghĩa.

- Viết được bài văn, đoạn văn có sử dụng từ đồng nghĩa.

Ngày:06/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM