Toán 8 Chương 2 Bài 1: Đa giác - Đa giác đều

Với bài học này chúng ta sẽ cùng làm quen và tìm hiểu những tính chất của Đa giác - Đa giác đều, cùng với các ví dụ minh họa có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp các em dễ dàng làm chủ nội dung bài học.

Toán 8 Chương 2 Bài 1: Đa giác - Đa giác đều

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái niệm đa giác

Định nghĩa: Đa giác lồi là đa giác luôn nằm trong một nửa mặt phẳng mà bờ là đường thẳng chứa bất kì cạnh nào của đa giác đó.

1.2. Đa giác đều

Định nghĩa: Đa giác đều là đa giác có tất cả các cạnh bằng nhau và tất cả các góc bằng nhau.

- Tổng số đo các góc của đa giác n cạnh là \(\left( {n - 2} \right){.180^o}\)

- Số đo một góc của đa giác đều \(n\) cạnh là \(\dfrac{{\left( {n - 2} \right){{.180}^0}}}{n}\).

- Số đường chéo của đa giác n cạnh là \(\dfrac{{n\left( {n - 3} \right)}}{2}\).

2. Bài tập minh họa

2.1. Bài tập 1

Chứng minh số đo góc của hình n-giác đều là \(\dfrac{{(n - 2){{.180}^0}}}{n}.\)

Hướng dẫn giải

Vẽ một n – giác lồi, kẻ các đường chéo xuất phát từ một đỉnh của n – giác lồi thì chia đa giác đó thành \((n – 2 )\) tam giác

Tổng các góc của n – giác lồi bằng tổng các góc của \((n – 2)\) tam giác, tức là có số đo bằng \((n – 2 ).180^0\)

Hình n – giác đều có n góc bằng nhau nên số đo mỗi góc bằng \(\dfrac{{(n - 2){{.180}^0}}}{n}.\) 

2.2. Bài tập 2

Tính số đo của hình \(8\) cạnh đều, \(10\) cạnh đều, \(12\) cạnh đều.

Hướng dẫn giải

Áp dụng công thức tính số đo của hình n-giác đều là \(\dfrac{{(n - 2){{.180}^0}}}{n}\), ta có:

Số đo góc của hình 8 cạnh đều là: \(\dfrac{{(n - 2){{.180}^0}}}{n}\) \(=\dfrac{{(8 - 2){{.180}^0}}}{8}\) \(=135^0\)

Số đo góc của hình 10 cạnh đều là: \(\dfrac{{(n - 2){{.180}^0}}}{n}\) \(=\dfrac{{(10 - 2){{.180}^0}}}{10}\) \(=144^0\)

Số đo góc của hình 12 cạnh đều là: \(\dfrac{{(n - 2){{.180}^0}}}{n}\) \(=\dfrac{{(12 - 2){{.180}^0}}}{12}\) \(=150^0\)

2.3. Bài tập 3

Tìm số đường chéo của hình \(8\) cạnh, \(10\) cạnh, \(12\) cạnh.

Hướng dẫn giải

Áp dụng công thức tính số đường chéo của hình n-giác là \(\dfrac{{n.(n - 3)}}{2},\) ta có:

Số đường chéo của hình \(8\) cạnh là:

\(\dfrac{{n.(n - 3)}}{2}\) \(=\dfrac{{8.(8 - 3)}}{2}\) \(=20\) (đường chéo)

Số đường chéo của hình \(10\) cạnh là:

\(\dfrac{{n.(n - 3)}}{2}\) \(=\dfrac{{10.(10 - 3)}}{2}\) \(=35\) (đường chéo)

Số đường chéo của hình \(12\) cạnh là:

\(\dfrac{{n.(n - 3)}}{2}\) \(=\dfrac{{12.(12 - 3)}}{2}\) \(=54\) (đường chéo)

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: 

a) Vẽ hình và tính số đường chéo của ngũ giác, lục giác

b) Chứng minh rằng hình n – giác có tất cả \(\dfrac{{n.(n - 3)}}{2}\) đường chéo.

Câu 2: Chứng minh rằng tổng các góc ngoài của một đa giác (lồi ) có số đo là \(360°.\)

Câu 3: Đa giác nào có tổng số đo các góc (trong) bằng tổng số đo các góc ngoài?

Câu 4: Một đa giác (lồi) có nhiều nhất là bao nhiêu góc nhọn?

Câu 5: Một đa giác đều có tổng số đo tất cả các góc ngoài và một góc trong của đa giác bằng \(468°.\) Hỏi đa giác đều đó có mấy cạnh?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Mỗi góc trong của đa giác đều n cạnh là:

A. \({\left( {n - 1} \right){{.180}^0}}\)

B. \({\left( {n - 2} \right){{.180}^0}}\)

C. \(\frac{{\left( {n - 2} \right){{.180}^0}}}{2}\)

D. \(\frac{{\left( {n - 2} \right){{.180}^0}}}{n}\)

Câu 2: Tổng số đường chéo của ngũ giác lồi là:

A. 7

B. 8

C. 5

D. 10

Câu 3: Chọn câu đúng: Cho các hình: Hình chữ nhật, hình thoi, hình vuông, tam giác cân, tam giác đều.

Có bao nhiêu đa giác đều trong các hình kể trên 

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Câu 4: Một đa giác có số đường chéo là 54 thì số cạnh là

A. 9

B. 10

C. 5

D. 12

Câu 5: Cho đa giác 8 cạnh, số đường chéo của đa giác đó là 

A. 40

B. 28

C. 20

D. 16

4. Kết luận

Qua bài học này, các em nắm được một số nội dung chính như sau:

  • Nắm được khái niệm về đa giác, đa giác lồi, đa giác đều. Biết tính tổng số đo các góc của một đa giác.
  • Rèn luyện cho học sinh kỹ năng vẽ hình, đo đạc, tính toán. Đặc biệt là vẽ đa giác đều với các trục đối xứng của nó.
Ngày:13/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM