Tiếng Việt lớp 5 bài 11C: Môi trường quanh ta

Nội dung bài học dưới đây giúp các em phân biệt được quan hệ từ trong câu và biết cách viết một lá đơn đề nghị. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập thật tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 11C: Môi trường quanh ta

1. Hoạt động cơ bản

1.1 Câu hỏi và hướng dẫn giải:

Câu 1.

Cùng chơi: Điền từ thích hợp vào chỗ trống trong câu

Các nhóm thi chọn một quan hệ từ phù hợp với mỗi chỗ trống để hoàn thành hai câu sau:

a) ……..  rừng cây cứ bị chặt phá xơ xác ……. mặt đất sẽ ngày càng thưa vắng bóng chim.

b) Lúa gạo quý ….. chúng ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được.

Hướng dẫn giải:

a) Nếu rừng cây cứ bị chặt phá xơ xác thì mặt đất sẽ ngày càng thưa vắng bóng chim.

b) Lúa gạo quý vì chúng ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được.

Câu 2.

Tìm hiểu về quan hệ từ:

1) Đọc các câu sau:

a) Rừng say ngây và ấm nóng.

(Ma Văn Kháng)

b) Tiếng hót dìu dặt của Hoạ Mi giục các loài chim dạo lên những khúc nhạc tưng bừng, ca ngợi núi sông đang đổi mới.

(Võ Quảng)

c) Hoa mai trổ từng chùm thưa thớt, không đơm đặc như hoa đào. Nhưng cành mai uyển chuyển hơn cành đào.

(Theo Mùa xuân và phong tục)

2) Trong mỗi ví dụ trên, từ in đậm được dùng để làm gì? Chọn ý trả lời đúng:

a) Để nối các từ ngữ và biểu thị quan hệ giữa các từ ngữ được nối.

b) Để xưng hô và biểu thị quan hệ giữa người này với người khác.

c) Để thay thế và biểu thị mối quan hệ giữa các từ ngữ với nhau.

3) Chép lại câu dưới đây rồi gạch dưới cặp từ nối hai vế câu:

Tuy mảnh vườn ngoài ban công nhà Thu thật nhỏ bé nhưng bầy chim vẫn thường rủ nhau về tụ hội.

Hướng dẫn giải:

2) Trong mỗi ví dụ ở câu 1, từ in đậm được dùng để:

a) Để nối các từ ngữ và biểu thị quan hệ giữa các từ ngữ được nối.

chọn đáp án: a

3) Tuy mảnh vườn ngoài ban công nhà Thu thật nhỏ bé nhưng bầy chim vẫn thường rủ nhau về tụ hội.

1.2. Ghi nhớ

- Quan hệ từ là từ nối các từ ngữ hoặc các câu, nhằm thể hiện mối quan hệ giữa những từ ngữ hoặc những câu ấy với nhau: và, với, hay, hoặc, nhưng, mà, thì, của, ở, tại, bằng, như, để, về,…

- Nhiều khi, từ ngữ trong câu được nối với nhau bằng một cặp quan hệ từ. Các cặp quan hệ từ thường gặp là:

  • Vì…nên…; do….nên….; nhờ….mà…: Biểu thị quan hệ nguyên nhân – kết quả

  • Nếu…thì…; hễ…thì…: Biểu thị giả thiết – kết quả, điều kiện – kết quả

  • Tuy…nhưng…; mặc dù…nhưng…: Biểu thị quan hệ tương phản

  • Không những….mà…; không chỉ…mà….:; Biểu thị quan hệ tăng tiến

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Tìm quan hệ từ trong mỗi câu sau và nêu rõ mối quan hệ từ nối những từ ngữ nào với nhau.

a) Chim, Mây, Nước và Hoa đều cho rằng tiếng hót kì diệu của Hoạ Mi đã làm cho tất cả bừng tỉnh giấc.

(Võ Quảng)

b) Những hạt mưa to và nặng bắt đầu rơi xuống như ai ném đá, nghe rào rào.

(Nguyễn Thị Ngọc Tú)

c) Bé Thu rất khoái ra ban công ngồi với ông nội, nghe ông rủ rỉ giảng về từng loài cây.

(Theo Vân Long)

Hướng dẫn giải:

a) Các quan hệ từ trong câu a là:

- và: Có tác dụng nối Chim, Mây, Nước với Hoa

- rằng: Có tác dụng nối cho với bộ phận phía sau

- của: Có tác dụng nối tiếng hót kì diệu với Họa Mi

b) Các quan hệ từ trong câu b là:

- và: Có tác dụng nối to và nặng

- như: Có tác dụng nối rơi xuống với ai ném đá

c) Các quan hệ từ có trong câu c là:

- với: Có tác dụng nối ngồi với ông nội

- về: Có tác dụng nối giảng với từng loài cây

Câu 2.

Tìm cặp quan hệ từ trong mỗi câu sau và cho biết chúng biểu thị quan hệ giữa các bộ phận của câu.

a) Vì mọi người tích cực trồng cây nên quê hương em có nhiều cánh rừng xanh mát.

b) Tuy mưa nhiều nhưng rau vườn nhà em vẫn không bị dập nát.

Hướng dẫn giải:

a) Vì mọi người tích cực trồng cây nên quê hương em có nhiều cánh rừng xanh mát.

-> Cặp quan hệ từ vì … nên … biểu thị quan hệ nguyên nhân – kết quả.

b) Tuy mưa nhiều nhưng rau vườn nhà em vẫn không bị dập nát.

-> Cặp quan hệ từ tuy …. nhưng …. Biểu thị quan hệ tương phản.

Câu 3.

a) Đặt câu với mỗi quan hệ từ: và, nhưng, của.

b) Đổi bài viết với bạn để nhận xét.

Hướng dẫn giải:

- Em và Lan là đôi ban thân từ nhỏ.

- Nhà xa nhưng Lan chưa bao giờ đi học muộn.

- Cặp sách của em có màu xanh lam.

Câu 4.

Tìm ý để chuẩn bị viết đơn theo đề bài sau:

Phố em có một hàng cây to, nhiều cành vướng vào dây điện, một số cành sà xuống thấp, mùa mưa bão đến dễ gây nguy hiểm. Em hãy giúp bác tổ trưởng dân phố làm đơn gửi công ti cây xanh hoặc uỷ ban nhân dân địa phương (quận, huyện, thị xã, thị trấn, .) đề nghị cho tỉa cành để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Hướng dẫn giải:

- Người em viết đơn giúp chính là bác tổ trưởng dân phố

- Em sẽ viết đơn gửi công ty trách nhiệm cây xanh hoặc ủy ban nhân dân địa phương (quận, phường, thị xã, thị trấn,...)

- Vấn đề em trình bày: Phố em có một hàng cây to, nhiều cành vướng vào dây điện, một số cành sà xuống thấp, mùa mưa bão đến dễ gây nguy hiểm.

- Em sẽ đề nghị: Công ty cây xanh hoặc ủy ban nhân dân địa phương tỉa cành để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Câu 5.

Viết đơn theo nội dung em đã chuẩn bị:

Hướng dẫn giải:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                 Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 2019

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Kính gửi: Công ty cây xanh Hà Nội

Tôi tên là: Nguyễn Văn B

Sinh ngày: 19 tháng 01 năm 1970.

Chức vụ: Tổ trưởng tổ 5, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tôi làm đơn này xin trình bày với ban lãnh đạo công ti một việc như sau:

Mùa mưa đã gần kề, khu phố chúng tôi có một hàng cây to, cành nhánh loà xoà, nhiều nhánh vướng vào đường dây điện không được an toàn. Chúng tôi e rằng khi mùa mưa bão đến, nhiều khả năng gây ra những sự cố đáng tiếc. Các cành khô gãy rơi xuống gây nguy hiểm cho người đi đường, còn những cành nhánh vướng vào đường dây điện kia rất dễ gây ra sự cố chập điện, cháy nổ ảnh hưởng đến cả một khu vực.

Vì những lí do trên, chúng tôi, đại diện cho toàn thể người dân tổ 5, kiến nghị với Công ti Cây xanh cho tỉa cành, nhánh của hàng cây nói trên trong thời gian sớm nhất.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người làm đơn kí

Nguyễn Văn B

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1.

Tìm hiểu về việc bảo vệ môi trường ở địa phương em.

Hướng dẫn giải:

- Những việc mà người dân địa phương em đã làm để môi trường luôn sạch, đẹp đó là:

+ Thu gom rác đúng nơi quy định.

+ Thường  xuyên làm vệ sinh đường phố

+ Hăng hái hưởng ứng những hoạt động trồng cây xanh tại công viên, nhà văn hoá,…

- Rác thải ở địa phương em được xử lí như sau:

Các hộ gia đình thu gom rác trong nhà và đem bỏ vào thùng rác hoặc xe thu gom rác theo giờ. Sau đó công nhân của công ty vệ sinh môi trường sẽ tới thu gom rác đưa về bãi tập kết.

- Cây cối ở địa phương em được trồng, chăm sóc và bảo vệ bởi người dân trong địa phương. Mọi người hưởng ứng các hoạt động của lãnh đạo địa phương, khi có hoạt động thì sẽ cùng nhau trồng cây xanh tại công viên, nhà văn hoá,… Việc chăm sóc và bảo vệ được người dân thực hiện một cách tự giác hằng ngày.

Câu 2.

Giúp đỡ người thân quét dọn nơi gia đình em ở cho sạch và gọn gàng.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Phân biệt được quan hệ từ.

- Biết cách viết một lá đơn đề nghị.

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM