Tiếng Việt lớp 5 bài 12A: Hương sắc rừng xanh

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài Tập đọc "Mùa thảo quả, và phân biệt được từ phức. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 12A: Hương sắc rừng xanh

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 120 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Dựa vào tranh ảnh gợi ý bên dưới, điền chữ cái vào mỗi ô trống để tìm các từ ở hàng ngang và từ ô ở hàng dọc màu xanh:

Hướng dẫn giải:

Ô chữ hàng dọc là: MÔI TRƯỜNG

1.2. Văn bản "Mùa thảo quả"

Mùa thảo quả

Thảo quả trên rừng Đản Khao đã vào mùa.

Gió tây lướt thướt bay qua rừng, quyến hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chin San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áp, nếp khăn.

Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kì lạ đến như thế. Mới đầu xuân năm kia, những hạt thảo quả gieo trên đất rừng, qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.

Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Thảo quả chín dần. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.

Rừng say ngây và ấm nóng. Thảo quả như những đốm lửa hồng, ngày qua ngày lại tiếp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt.

Theo MA VĂN KHÁNG

Bài đọc giới thiệu về cây thảo quả ở Đản Khao. Khi vào mùa, thảo quả chín tỏa hương thơm khắp nơi. Sức sống của cây rất mạnh mẽ, cây sinh sôi nhanh chóng, phủ kín núi rừng, trông vui mắt.

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung chính của bài Tập đọc: "Mùa quả thảo" giới thiệu về cây thảo quả ở Đản Khao. Những lúc vào mùa, thảo quả chín tỏa hương thơm khắp nơi. Một sức sống của cây tràn trề sự tươi mới, cây sinh sôi nhanh chóng, phủ kín núi rừng, trông vui mắt.

1.4. Giải thích các cụm từ khó

- Thảo quả: Cây thân cỏ, quả hình bầu dục, lúc chín màu đỏ, tỏa mùi thơm ngào ngạt, dùng làm thuốc hoặc gia vị.

- Đản Khao, Chin San: Tên những vùng đất thuộc tỉnh Lào Cai.

- Sầm uất: Đông đúc, nhộn nhịp (ý trong bài là nhiều tới mức um tùm, rậm rạp).

- Tầng rừng thấp: Tầng rừng gồm các loại cây bụi và dây leo dưới đất (tầng rừng giữa gồm các loại cây có độ cao trung bình; tầng rừng cao gồm các loại cây to, thân cao vút, tán rộng).

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Những chi tiết nào cho thấy hương thảo quả toả lan rộng khắp?

Hướng dẫn giải:

Những chi tiết cho thấy hương thảo quả lan rộng khắp là: hương thảo quả theo gió tây lướt thướt bay qua rừng; rải theo triều núi; hương ngọt lựng, thơm nồng lan vào thôn xóm; khiến cả cây cỏ thơm, đất trời thơm; thơm cả từng nếp áo, nếp khăn của người đi từ rừng thảo quả về.

Câu 2. Những từ ngữ nào miêu tả hương thơm đặc biệt của thảo quả?

Hướng dẫn giải:

Những từ ngữ miêu tả hương thơm đặc biệt của thảo quả là: ngọt lựng, thơm lừng, ngây ngất kì lạ, rừng ngập hương thơm.

Câu 3. Những chi tiết nào cho thấy cây thảo quả phát triển rất nhanh?

Hướng dẫn giải:

Những chi tiết cho thấy cây thảo quả phát triển rất nhanh là:

Qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ đến vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng.

Câu 4. Hoa thảo quả nảy ra ở đâu?

Hướng dẫn giải:

Hoa thảo quả nảy dưới gốc cây

Câu 5. Khi thảo quả chín, rừng có những nét gì đẹp?

Hướng dẫn giải:

Những chi tiết miêu tả những nét đẹp của cánh rừng khi thảo quả chín:

- Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng.

- Rừng ngập hương thơm.

- Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.

- Rừng say ngây và ấm nóng.

- Thảo quả như những đốm lửa hồng, ngày  qua ngày lại thắp thêm nhiều ngọn mới, nhấp nháy vui mắt.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:

Thành phố môi trường là các yếu tố tạo thành môi trường: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và các hình thái vật chất khác.

a) Chọn từ ngữ trong ngoặc phù hợp với nội dung mỗi ảnh

(khu dân cư, danh lam thắng cảnh, khu sản xuất, di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên)

b. 

- Cột A:

a) Sinh vật

b) Sinh thái

c) Hình thái

- Cột B:

1) Quan hệ với sinh vật (kể cả người với môi trường xung quanh)

2) Tên gọi chung của các sự vật sống, bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật, có sinh ra lớn lến và chết.

3) Hình thức biểu hiện ra bên ngoài của sinh vật, có thể quan sát được.

Vi sinh vật: sinh vật rất nhỏ bé, thường phải dùng kính hiển vi mới nhìn thấy được.

Hướng dẫn giải:

Câu a.

Tranh 1 – khu bảo tồn thiên nhiên

Tranh 2 – khu dân cư

Tranh 3 – khu sản xuất

Tranh 4 – khu sản xuất

Tranh 5 – di tích lịch sử

Tranh 6 – danh lam thắng cảnh

Câu b. 

a - 2

b - 1

c - 3

Câu 2.

a) Ghép một tiếng trong ô màu xanh và trước hoặc sau tiếng bảo trong ô màu vàng để tạo thành từ phức. (bảo: giữ, chịu trách nhiệm)

b) Đặt câu với một từ vừa tìm được

Hướng dẫn giải:

a) Những tiếng có thể ghép được với tiếng Bảo để tạo thành từ phức đó là: Đảm bảo, bảo toàn, bảo hiểm, bảo tồn, bảo quản, bảo trợ, bảo tàng, bảo vệ, bảo đảm

b) Đặt câu:

- Hàng này có bảo đảm chất lượng rồi, đừng lo!

- Tôi đảm bảo với anh những điều tôi nói là đúng sự thật.

- Tuy chưa giành được chiến thắng nhưng trận chiến vừa rồi chúng ta đã bảo toàn được quân số.

- Mỗi học sinh đều được nhà trường mua bảo hiểm để bảo vệ chính mình.

- Rừng quốc gia là nơi bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm.

- Mặt hàng này cần được bảo quản ở nơi khô thoáng.

- Bác em được bầu làm chủ tịch quỹ bảo trợ trẻ em nghèo vượt khó.

- Nhà trường tổ chức cho chúng em tham quan viện bảo tàng.

- Bảo vệ toà nhà này làm việc rất chuyên nghiệp.

Câu 3.

Thay từ bảo vệ trong câu sau bằng một từ đồng nghĩa với nó, sao cho nội dung câu không thay đổi:

Chúng em bảo vệ môi trường sạch đẹp.

Hướng dẫn giải:

Chúng em giữ gìn môi trường sạch đẹp

Câu 4.

a) Nghe thầy cô đọc và viết vào vở: Mùa thảo quả (từ Sự sống đến hắt lên từ dưới đáy rừng)

Viết đúng: sự sống, nảy, lặng lẽ, mây rây bụi, đáy rừng, bỗng rực lên, lửa hắt lên,…

b) Đổi bài với bạn để giúp nhau sửa lỗi.

 Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Thảo quả chín dần. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.

Câu 5.

Làm bài tập sau

(Chọn a hoặc b theo hướng dẫn)

a) Đặt tên cho mỗi nhóm từ sau

- sóc, sói, sẻ, sáo, sít, sên, sam, sò, sứa, sán

- sả, si, sung, sen, sim, sâm, sắn, sấu, sậy, sồi

Nếu thay âm s của những tiếng trên bằng âm x thì sẽ tạo thành những tiếng nào có nghĩa?

b) Tìm các từ láy theo những cặp vần sau:

an – at / ang – ac, ôn – ôt / ông – ôc, un – ut / ung – uc

Hướng dẫn giải:

a)

- Đặt tên:

+ Tên các con vật: sóc, sói, sẻ, sáo, sít, sên, sam, sò, sứa, sán

+  Tên các loài cây: sả, si, sung, sen, sim, sâm, sắn, sấu, sậy, sồi

- Nếu thay âm s của những tiếng trên bằng âm x thì sẽ tạo hành những tiếng có nghĩa:

+ sóc -> xóc: đòn xóc, xóc đồng xu,…

+ sói -> xói: xói mòn, xói lở,…

+ sẻ -> xẻ: xẻ núi, xẻ gỗ,…

+ sáo -> xáo: xáo trộn,…

+ sít -> xít: ngồi xít vào nhau,…

+ sam -> xam: ăn xam,…

+ sán -> xán: xán lại gần,…

+ sả -> xả: xả thân,…

+ si -> xi: xi măng, xi đánh giầy,…

+ sen -> xen: xen kẽ, đan xen,…

+ sâm -> xâm: xâm chiếm, xâm nhập,…

+ sắn -> xắn: xắn tay,..

+ sấu -> xấu: xấu xí, xấu xa,…

b) Tìm các từ láy theo những cặp vần sau:

an-at: Man mát, ngan ngát, sàn sạt, chan chát

ôn-ôt: sồn sột, tôn tốt, mồn một

un-út: cun cút, vun vút, chun chút, ngùn ngụt

ang-ac: Khang khác, nhang nhác, bàng bạc

ông-ốc: xồng xộc, công cốc, cồng cộc

ung-uc: sùng sục, khùng khục, cung cúc, nhung nhúc, trùng trục

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1.

Cùng người thân tham quan khu dân cư mà gia đình em đang sinh sống.

Câu 2.

Trao đổi với người thân về những điểm tốt và chưa tốt của môi trường ở địa phương em.

Hướng dẫn giải:

- Điểm tốt: Mọi người đã có ý thức thu gom rác thải, để rác đúng nơi quy định. Biết hưởng ức các cuộc vận động trồng cây xanh đem lại không khí trong lành và mĩ cảnh cho thành phố.

- Điểm chưa tốt: Sau khi trồng cây xanh thì việc chăm sóc và bảo vệ cây xanh chưa được diễn ra thường xuyên và liên tục khiến các cây xanh nhiều khi bị héo úa hoặc cỏ mọc nhiều.

Đề xuất giải pháp: Thành lập một ban chăm sóc và bảo vệ cây xanh lấy các bạn trẻ làm lực lượng nòng cốt. Hoặc phân chia ngày chăm sóc cây xanh cho từng hộ dân.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung chính của bài Tập đọc "Mùa thảo quả"

- Phân biệt được từ phức.

- Vận dụng giải bài tập SGK một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Ngày:12/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM