Tiếng Việt lớp 5 bài 23A: Vì công lí

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Phân xử tài tình". Đồng thời, bài học này còn giúp các em biết cách viết hoa tên người, tên địa danh. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 23A: Vì công lí

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 51 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Kể tên những người có tài xử án mà em biết.

Hướng dẫn giải:

Một số người có tài xử án mà em biết đó là:

- Nguyễn Khoa Đăng.

- Phí Trực (Làm quan dưới thời nhà Trần, Hậu Lê).

- Nguyễn Mại (Làm quan dưới thời Hậu Lê).

- Trần Thì Kiến (Làm quan dưới thời nhà Trần).

1.2. Văn bản "Phân xử tài tình"

Phân xử tài tình

Xưa, có một vị quan án rất tài. Vụ án nào, ông cũng tìm ra manh mối và phân xử công bằng.

Một hôm, có hai người đàn bà đến công đường. Một người mếu máo:

- Bẩm quan, con mang vải đi chợ, bà này hỏi mua, rồi cướp tấm vải, bảo là của mình.

Người kia cũng rưng rưng nước mắt:

- Tấm vải là của con. Bà này lấy trộm.

Đòi người làm chứng nhưng không có, quan cho lính về nhà họ xem. Cả hai đều có khung cửi như nhau, cùng mang vải ra chợ bán hôm ấy. Ngẫm một lát, quan ôn tồn bảo:

- Hai người đều có lí nên ta xử thế này: tấm vải xé đôi, mỗi người một nửa.

Thừa lệnh, lính đo vải xé ngay. Một người đàn bà bật khóc. Lập tức, quan đưa cả tấm vải cho người này rồi thét trói người kia lại. Sau một hồi tra hỏi, kẻ kia phải cúi đầu nhận tội.

Lần khác, quan tới vãn cảnh một ngôi chùa. Sư cụ đón tiếp kính cẩn, rồi nhờ tìm hộ số tiền của nhà chùa bị mất.

Quan nói sư cụ biện lễ cúng Phật, rồi gọi hết sư vãi, kẻ ăn người ở trong chùa ra, giao cho mỗi người cầm một nắm thóc và bảo:

- Chùa ta mất tiền, chưa rõ thủ phạm. Mỗi người hãy cầm một nắm thóc đã ngâm nước rồi vừa chạy đàn, vừa niệm Phật. Đức Phật rất thiêng. Ai gian, Phật sẽ làm cho thóc trong tay kẻ đó nảy mầm. Như vậy, ngay gian sẽ rõ.

Mới vài vòng chạy, đã thấy một chú tiểu thỉnh thoảng hé bàn tay cầm thóc ra xem. Quan lập tức cho bắt chú tiểu vì chỉ kẻ có tật mới hay giật mình. Chú tiểu kia đành nhận tội.

Theo NGUYỄN ĐỔNG CHI

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Phân xử tài tình" mnag đến cho người đọc một câu chuyện vô cùng ý nghĩa, câu chuyện kể về một vị quan thông minh, xử án giỏi và rất công bằng. Ông tìm ra người phụ nữ định lừa đảo để lấy miếng vải, tìm ra chú tiểu ăn trộm tiền của chùa. Ông đã giữ gìn sự công bằng cho cuộc sống.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Quan án: Chức quan thời xưa chuyện lo việc điều tra và xét xử.

- Vãn cảnh: Đến ngắm cảnh đẹp.

- Biện lễ: Lo liệu, sắm sửa lễ vật.

- Sư sãi: Những người tu hành ở chùa nói chung.

- Đàn: Nền đất đắp cao hoặc đài dựng cao để tế lễ.

- Chạy đàn: Nghi lễ chạy quanh đàn cúng.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Trả lời câu hỏi:

a. Hai người đàn bà đến công đường nhờ quan phân xử việc gì?

b. Không tìm được chứng cứ phát hiện kẻ gian, quan án đã dùng cách gì đế tìm ra kẻ gian, nhanh chóng phá được vụ án?

c. Vì sao quan cho rằng người không khóc chính là người lấy cắp?

Hướng dẫn giải:

a. Văn bản mở đầu bằng việc hai người đàn bà đến công đường tố giác nhau với tấm vải. Cụ thể trong vụ án thứ nhất, hai người đàn bà tới công đường nhờ phân xử chuyện mất cắp tấm vải, hai người đàn bà tố cáo nhau ăn cắp tấm vải của mình, nhờ quan phân xử.

b. Những biện pháp mà quan đã dùng để tìm ra người lấy cắp tấm vải là:

- Cho đòi người làm chứng nhưng cả hai đều không tìm thấy người làm chứng.

- Cho lính về nhà hai người đàn bà xem xét cả hai đều có khung cửi và cùng đem ra chợ bán vào hôm ấy, khiến vụ án lại càng nan giải.

- Sai xé tấm vải làm đôi cho mỗi người một mảnh. Thấy một trong hai người bật khóc, quan sai lính trả tấm vải cho người này và thét trói người kia lại.

c. Cách quan xử kiện cho hai người đàn bà thật tài tình, vị quan đã sáng suốt khi cho rằng người không khóc khi tấm vải bị xé chính là người ăn cắp bởi vì chỉ có người thực sự bỏ công ra để dệt tấm vải, nhìn thấy thành quả của mình bị người ta xé làm đôi mới thấy đau xót mà bật khóc, còn những kẻ ăn cắp hưởng lợi từ người khác khi nhìn thấy vậy cũng chẳng có cảm giác gì.

Câu 2: Sắp xếp lại thứ tự các sự việc sau cho đúng với đoạn kể về cách quan án tìm kẻ lấy trộm tiền nhà chùa:

(1) “Đánh đòn” tâm lí: “Đức Phật rất thiêng. Ai gian, Phật sẽ làm cho thóc trong tay kẻ đó nảy mầm”.

(2) Cho gọi hết sư sãi, kê ăn người ơ trong chùa ra, giao cho mỗi người một nắm thóc đã ngâm nước, bảo họ cầm nắm thóc, vừa chạy đàn vừa niệm Phật.

(3) Quan sát những người chạy đàn, thấy một chú tiểu thỉnh thoáng hé bàn tay cầm thóc ra xem, lập tức cho bắt vị chỉ kẻ có tật mới hay giật mình.

(4) Nhờ sư cụ biện lễ cúng Phật.

Hướng dẫn giải:

- Thứ tự đúng với các sự việc trong đoạn kể về cách quan án tìm kẻ lấy trộm tiền của nhà chùa như sau: (4) -> (2) -> (1) -> (3).

Câu 3: Chọn ý đúng để trả lời:

(1) Vì sao để tìm ra kẻ lấy trộm tiền, quan lại cho người trong chùa cầm thóc chạy đàn?

a. Vì quan tin là thóc trong tay ke gian sẽ nảy mầm.

b. Vì quan biết kẻ gian thường lo lắng nên sẽ lộ mặt.

c. Vì quan cần có thời gian đế thu thập chứng cứ.

d. Vì quan tin là các chú tiểu thường tò mò.

(2) Quan án phá được các vụ án rất tài tình là nhờ những lí do nào?

a. Nhờ thông minh, có óc phán đoán.

b. Nhờ hiểu đặc điểm tâm lí của kẻ phạm tội.

c. Vì có người đã ngầm báo trước.

d. Vì yêu công lí, lẽ phải, thương dân.

Hướng dẫn giải:

a. Để tìm ra kẻ trộm tiền, quan cho người trong chùa cầm thóc chạy đàn là bởi vì quan biết kẻ gian thường hay lo lắng nên sẽ lộ mặt -> Chọn đáp án: b.

b. Quan án được các vụ án rất tài tình là nhờ:

- Nhờ thông minh, có óc phán đoán.

- Nhờ hiểu đặc điểm tâm lí của kẻ phạm tội.

- Vì yêu công lí, lẽ phải, thường dân.

-> Chọn đáp án: a, b, d.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Nhớ - viết: Cao Bằng (4 khổ thơ đầu):

Sau khi qua Đèo Gió

Ta lại vượt Đèo Giàng

Lại vượt đèo Cao Bắc

Thì ta tới Cao Bằng

 

Cao Bằng, rõ thật cao!

Rồi dần bằng bằng xuống

Đầu tiên là mận ngọt

Đón môi ta dịu dàng

 

Rồi đến chị rất thương

Rồi đến em rất thảo

Ông lành như hạt gạo

Bà hiền như suối trong.

 

Còn núi non Cao Bằng

Đo làm sao cho hết

Như lòng yêu đất nước

Sâu sắc người Cao Bằng

Hướng dẫn giải:

Khi viết các em cần chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Viết hoa tên riêng.

- Đặt dấu câu thích hợp.

Câu 2: Tìm tên riêng thích hợp với mỗi chỗ trống, biết rằng những tên riêng đó là:

- Điện Biên Phủ, Công Lý, Côn Đảo, Sài Gòn.

- Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Bế Văn Đàn.

a. Người nữ anh hùng trẻ tuổi hi sinh ở nhà tù ... là chị ...

b. Trong chiến dịch ... anh ... đã lấy thân mình làm giá súng.

c. Anh ... là người chiến sĩ biệt động ... đã đặt mìn trên cầu ... mưu sát Mắc Na-ma-ra. 

Hướng dẫn giải:

a. Người nữ anh hùng trẻ tuổi hi sinh ở nhà tù Côn Đảo là chị Võ Thị Sáu.

b. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh Bế Văn Đàn đã lấy thân mình làm giá súng.

c. Anh Nguyễn Văn Trỗi là người chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã đặt mìn trên cầu Công Lý mưu sát Mắc Na-ma-ra. 

Câu 3: Tìm tên riêng bị viết sai trong đoạn thơ và viết lại vào vở cho đúng:

         Cửa gió Tùng Chinh

Đường tuần tra lên chóp Hai ngàn

Gió vù vù quất ngang cành bứa

Trông xa xa nhập nhòe ánh lửa

Vật vờ đầu núi sương sa.

 

Cửa gió này người xưa gọi

Ngã ba Cắt con suối hai chiều dâng lũ

Nơi gió Tùng Chinh, Pù mo, Pù xai hội tụ

Chắn lối mòn lên đỉnh Tùng Chinh.

Theo Đào Nguyên Bảo

Hướng dẫn giải:

Tên riêng viết sai và viết lại cho đúng bao gồm:

- Hai ngàn -> Hai Ngàn.

- Ngã ba -> Ngã Ba.

- Pù mo -> Pù Mo.

- pù xai -> Pù Xai.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Cùng người thân tìm một câu chuyện nói về những người đã góp sức mình bảo vệ trật tự, an ninh hoặc một câu chuyện kể về việc em đã làm gì để góp phần giữ gìn trật tự, an ninh.

Hướng dẫn giải:

- Câu chuyện tham khảo số 1:

Giữ gìn an ninh trật tự là nhiệm vụ của mỗi công dân để quê hương được thanh bình, mọi người được bình an và hạnh phúc. Qua câu chuyện về anh Lê Văn Lưu - Đội trưởng và anh Phan Thành Lực - Đội phó Đội xe thồ tự quản tỉnh Phú Yên, đã dũng cảm và mưu trí bắt cướp mà em được đọc qua báo Công an nhân dân, đã để lại trong em nhiều suy nghĩ.

Câu chuyện xảy ra vào một buổi sáng tháng 10 năm 2015. Như thường lệ, hai anh cùng đến nơi làm sớm để chuẩn bị cho công việc của ngày mới. Vừa lúc đó, có 5 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, ngồi trên hai chiếc xe máy lao tới. Hai chiếc xe này đều không có chìa khóa xe, ổ khóa bị hỏng. Dáng điệu của các đối tượng này khiến hai anh thấy rất khả nghi. Các đối tượng nói với anh Lưu và anh Lực muốn bán hai chiếc xe máy này để lấy tiền gấp. Nếu hai anh giúp chúng bán được xe, sẽ thưởng cho các anh 1 triệu đồng.

Nghi vấn đây là hai chiếc xe trộm cắp nên anh Lưu liền bí mật ra hiệu cho anh Lực giữ chân bọn chúng, còn anh tìm cách nhanh chóng gọi điện báo cho các chiến sĩ công an phường gần đó. Trong lúc anh Lực đang nói chuyện tìm cách giữ chân bọn chúng thì chúng nghi ngờ bị phát hiện, nên đã nhanh chóng chia thành hai nhóm chạy trên hai chiếc xe về các hướng khác nhau. Vừa lúc đó, các chiến sĩ công an phường kịp thời có mặt và truy đuổi theo các đối tượng.. Anh Lưu cùng một cán bộ Công an thị trấn đuổi theo một đối tượng, ép hắn vào lề đường và bắt giữ được đối tượng cùng tang vật. Anh Lực và các chiến sĩ còn lại đuổi theo nhóm trộm cướp thứ hai. Qua đoạn đường đèo khó đi, cuối cùng hai đối tượng còn lại cũng đã bị bắt gọn.

Tại cơ quan công an, chúng đã khai nhận, do có hộ gia đình, sơ suất quên khóa cổng nên chúng đã lẻn vào lấy cắp hai chiếc xe máy. Sau đó, các chiến sĩ công an liên lạc với gia đình bị mất đến nhận lại tài sản.

Chiến công của hai anh đã được bà con nhân dân khen ngợi. Hành động mưu trí và dũng cảm của hai anh đã giúp triệt phá được nhóm cướp, ổn định tình hình trật tự tại địa phương. Tấm gương của hai anh thật đáng khen ngợi. Điều đó khiến em thêm cảm phục và sẽ cố gắng làm nhiều việc tốt, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn và bảo vệ an ninh trật tự phố phường.

Sưu tầm

- Câu chuyện tham khảo số 2:

Cách đây 5 năm, anh Lý con bác Thuận, học lớp 8 Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng bị đuổi học về tội chui vào kho của trạm Nông nghiệp ăn trộm một bao phân đạm. Sự vụ đó ầm lên xóm trong, thôn ngoài. Anh Lý vác bao đạm về giấu trong buồng; mẹ anh biết đã bắt anh phải đem trả lại Trạm Nông nghiệp. Nhưng thầy Hiệu trưởng vẫn đuổi học. Thầy nói "Học sinh phải thật thà. Trộm cắp là một thói xấu. Phải đuổi học để làm gương". Bố mẹ anh Lý đến xin mãi, nhưng vẫn không được.

Dạo ấy, bác Hùng, sĩ quan Quân đội mới về hưu. Bác đã đứng ra thu xếp việc học cho anh Lý. Anh Lý phải làm bản kiểm điểm trước Ban giám hiệu nhà trường. Bố mẹ anh Lý đưa anh Lý đi làm việc đó. Bác Hùng đã đề nghị thầy Quang, Hiệu trưởng, cho anh Lý được chuyển trường sang học trường Đồng Minh của xã bạn. Một buổi sáng trời mưa to, bác Hùng đã dẫn anh Lý đi học trường mới. Chuyện anh Lý đã được bác Hùng báo cáo đầy đủ với thầy Hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm trường Đồng Minh. Nhưng bác xin các thầy cô giáo "giữ kín cho cháu, để cháu có điều kiện tu dưỡng".

Anh Lý mang tiền đi nộp tiền học, không may bị mất. Số tiền là 80.000 đồng. Anh sợ bố đánh nên đã xảy ra chuyện tai tiếng đó. Bác Hùng đã phân tích, đã chỉ cho anh Lý thấy rõ khuyết điểm của mình, thường xuyên an ủi, động viên anh Lý tu dưỡng đạo đức và chăm chỉ học tập. Năm lớp 8, anh Lý được xếp đạo đức khá, đạt học sinh Tiên tiến. Từ năm lớp 9 đến lớp 12, anh Lý đều đạt học sinh có học lực Khá, xếp loại Tốt đạo đức. Kì thi đại học năm 2004 –2005, anh Lý trúng tuyển vào trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Trước khi ra Hà Nội học, anh Lý đến chào bác Hùng, bác đã cho anh 100.000 đồng để mua sách. Vỗ vai anh, bác bảo: "Cháu cố học giỏi. Quê mình còn cần nhiều kĩ sư nông nghiệp nữa đó...". Xã em có chợ Bào, những hôm chợ phiên, bọn cờ bạc tụ tập, nhiều lần đã xảy ra xô xát, đánh nhau, làm cho cảnh chợ búa ồn ào, lộn xộn. Bác Hùng đã giúp ủy ban xã tổ chức và quản lý lại chợ Bào ngày một khang trang, văn minh, không còn các tệ nạn như trước nữa. Gặp ai, bác Hùng cũng vui vẻ. Cả xã em, ai cũng kính nể Bác. Khi có việc gì khó khăn, cán bộ xã lại đến hỏi ý kiến bác.

Sưu tầm

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Phân xử tài tình".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Biết cách kể lại một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.

Ngày:24/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM