Tiếng Việt lớp 5 bài 19A: Người công dân số một

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Người công dân số một". Đồng thời, bài học này còn giúp các em hiểu hơn về câu ghép. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 19A: Người công dân số một

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 3 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát bức tranh minh hoạ chủ điểm Người công dân và trả lời:

a. Các bạn thiếu nhi đang làm gì để thực hiện quyền của người đội viên?

b. Em nghĩ gì về trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân tương lai?

Hướng dẫn giải:

a. Các bạn thiếu nhi đang thực hiện quyền của người đội viên đó là bầu cử (bỏ phiếu tín nhiệm, lựa chọn những người thực sự đủ khả năng và xứng đáng vào Ban chỉ huy Đội, Liên đội).

b. Em nghĩ người công dân tương lai có trách nhiệm phải học tập, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội, góp phần phát triển đất nước giàu đẹp. Đồng thời mỗi công dân cũng cần phải yêu thương, đùm bọc, đoàn kết lẫn nhau thì đất nước mới trở thành một khối đoàn kết thống nhất được.

1.2. Văn bản "Người công dân số một"

Người công dân số Một

(Trích)

Nhân vật: Anh Thành

Anh Lê

Anh Mai

Cảnh trí: Một ngôi nhà ở Xóm Chiếu, Sài Gòn. Dưới ngọn đèn dầu lù mù, anh Thành đang ngồi ghi chép. Anh Lê vào.

Lê: - Anh Thành! Mọi thứ tôi thu xếp xong rồi. Sáng mai anh có thể đến nhận việc đấy.

Thành: - Có lẽ thôi, anh ạ.

Lê: - Sao lại thôi? Anh chỉ cần cơm nuôi và mỗi tháng một đồng. Tôi đã đòi cho anh thêm mỗi năm hai bộ quần áo và mỗi tháng thêm năm hào… (Nói nhỏ) Vì tôi nói với họ: anh biết chữ Tàu, lại có thể viết phắc-tuya bằng tiếng Tây.

Thành: - Nếu chỉ cần miếng cơm manh áo thì tôi đã ở Phan Thiết cũng đủ sống…

Lê: - Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?

Thành: - Anh Lê này! Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba… thì… ờ anh là người nước nào?

Lê: - Anh hỏi lạ thật. Anh người nước nào thì tôi là người nước ấy.

Thành: - Đúng! Chúng ta là đồng bào. Cùng máu đỏ da vàng với nhau. Nhưng… anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?

Lê: - Sao lại không? Hôm qua ông đốc học nhắc lại nghị định của giám đốc Phú Lãng Sa tháng 5 năm 1881 về việc người bản xứ muốn vào làng Tây…

Thành: - À… Vào làng Tây để có tên Tây, đi lại, ăn ở, làm việc, lương bổng như Tây… Anh đã làm đơn chưa?

Lê: - Không bao giờ! Không bao giờ tôi quên dòng máu chảy trong cánh tay này là của họ Lê, anh hiểu không? Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi  ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn này nữa.

Thành: - Anh Lê ạ, vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn hoa kì. Đèn hoa kì lại không sáng bằng đèn toạ đăng. Hôm qua, tôi đi xem chớp bóng lại thấy ngọn đèn điện mới thật là sáng nhất. Sáng như ban ngày mà không có mùi, không có khói.

Lê: - Anh kể chuyện đó làm gì?

Thành: - Vì anh với tôi... Chúng ta là công dân của nước Việt…

(còn nữa)

Theo HÀ VĂN CẦU - VŨ ĐÌNH PHÒNG

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Người công dân số một" mang đến cho người đọc một câu chuyện vô cùng ý nghĩa nói về lòng yêu nước của nhân vật Thành - một người công dân số một. Văn bản cho chúng ta thấy trong đó có nhân vật Thành và Lê trò chuyện cùng nhau. Nội dung cuộc trò chuyện lủng củng, không được ăn nhập với nhau, vì anh Thành luôn lo nghĩ việc cứu nước, không nghĩ đến kiếm việc làm nữa, và chia sẻ với anh Lê vì họ cùng là công dân nước Việt Nam.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Anh Thành: (Nguyễn Tất Thành): tên Bác Hồ thời trẻ.

- Phắc - tuya: Hóa đơn.

- Trường Sa-xơ-lu Lô-ba: Một trường học ở Sài Gòn hồi đầu thế kỉ XX dành cho con cái người Pháp và những gia đình Việt Nam khá giả.

- Đốc học: Người phụ trách giáo dục ở một tỉnh, thành phố thời trước.

- Nghị định: Văn bản của cơ quan hành chính cấp cao quy định những điều cần thực hiện trong một lĩnh vực cụ thể.

- Giám quốc: Người đứng đầu nước Pháp lúc đó.

- Phú Lãng Sa: Nước Pháp.

- Vào làng Tây: Nhập quốc tịch Pháp (trở thành công dân Pháp).

- Đèn hoa kì: Đèn dầu hỏa nhỏ, có bấc tròn.

- Đèn tọa đăng: Đèn để bàn loại to, thắp bằng dầu hỏa.

- Chớp bóng: Chiếu phim.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Anh Lê giúp anh Thành việc gì?

Hướng dẫn giải:

Anh Lê đã giúp anh Thành xin một công việc ổn định. Anh lại đòi cho anh Thành thêm tiền công (thêm năm hào một tháng), thêm quần áo mặc (hai bộ một năm). Anh giải thích vì anh Thành biết chữ Tàu và tiếng Tây.

Câu 2: Những câu nói nào của anh Thành cho thấy anh luôn luôn nghĩ tới dân, tới nước?

Hướng dẫn giải:

Anh Thành luôn hỏi anh Lê "Anh là người nước nào?", "Anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?" Điều đó chứng tỏ anh luôn nghĩ đến dân, đến nước.

Câu 3: Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau. Hãy tìm những chi tiết thể hiện điều đó và giải thích vì sao như vậy.

Hướng dẫn giải:

Những lời thoại trong đoạn trích của hai nhân vật anh Thành và anh Lê không ăn nhập với nhau là: "Anh Lê hỏi anh Thành vì sao không xin việc làm ở Sài Gòn nữa?", "Anh Thành lại nói về sự khác nhau giữa đèn dầu, đèn kì, đèn điện. Anh Lê hỏi anh Thành kể các chuyện đó làm gì?", "Anh Thành lại nói vì hai người là công dân nước Việt". Nguyên nhân của sự không ăn khớp này là vì anh Thành luôn nghĩ đến việc cứu dân, cứu nước, không chú ý câu hỏi của anh Lê.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

(1) Biển luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. (2) Trời xanh thẳm, biển cũng thẳm xanh, như dâng cao lên, chắc nịch. (3) Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. (4) Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. (5) Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu, giận dữ,… (6) Biển nhiều khi rất đẹp, ai cũng thấy như thế.

a. Tìm câu ghép trong đoạn văn trên và viết vào bảng nhóm theo mẫu:

b. Có thể tách mỗi vế trong câu ghép vừa tìm được thành một câu đơn không? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

a. Tìm câu ghép:

b. Không thể tách mỗi vế câu ghép nói trên thành một câu đơn vì mỗi vế câu thể hiện một ý có quan hệ rất chặt chẽ với ý của vế câu khác.

Câu 2: Thêm một vế câu vào chỗ trống để tạo thành câu ghép rồi viết vào vở:

a. Mùa xuân đã về,...

b. Mặt trời mọc,...

c. Trong truyện cố tích Cây khế, người em chăm chỉ, hiền lành, còn,...

d. Vì trời mưa to nên,...

Hướng dẫn giải:

a. Mùa xuân đã về, cây cối đâm trồi nảy lộc.

b. Mặt trời mọc, sương tan dần.

c. Trong truyện cố tích Cây khế, người em chăm chỉ, hiền lành, còn người anh thì lười biếng, tham lam.

d. Vì trời mưa to nên buổi biểu diễn bị huỷ.

Câu 3: Nghe thầy cô đọc và viết vào vở:

Nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực (1838-1868)

Nguyễn Trung Trực sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ. Năm 23 tuổi, ông lãnh đạo cuộc nổi dậy ở phủ Tây An, nay thuộc tỉnh  Long An. Đội quân khởi nghĩa do ông chỉ huy đã lập nên nhiều chiến công vang dội khắp vùng Tây Nam Bộ. Bị giặc bắt và đưa ra hành hình, ông khảng khái trả lời viên thống đốc Nam Kì: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Hướng dẫn giải:

Khi viết cần chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Đặt dấu câu thích hợp.

- Viết hoa tên riêng, tên người.

Câu 4: Chọn chữ thích hợp đế điền vào chỗ trống trong phiêu học tập, biết rằng:

(1) Chữ r, d hoặc gi.

(2) Chữ o hoặc ô (thêm dấu thanh thích hợp).

Tháng giêng của bé

Đồng làng vương chút heo may

Mầm cây tỉnh (1) ...ấc, vườn đầy tiếng chim

Hạt mưa mải miết (2) tr...n tìm

Cây đào trước cửa lim (1)....im mắt cười

Quất (2) g....m từng hạt nắng (1)....ơi

Làm thành quả - những mặt trời vàng mơ

Tháng (1)...êng đến tự bao giờ?

Đất trời viết tiếp bài thơ (2) ng...t ngào.

Theo ĐỖ QUANG HUỲNH

Hướng dẫn giải:

Tháng giêng của bé

Đồng làng vương chút heo may

Mầm cây tỉnh giấc, vườn đầy tiếng chim

Hạt mưa mải miết trốn tìm

Cây đào trước cửa lim dim mắt cười

Quất gom từng hạt nắng rơi

Làm thành quả - những mặt trời vàng mơ

Tháng giêng đến tự bao giờ?

Đất trời viết tiếp bài thơ ngọt ngào.

Theo ĐỖ QUANG HUỲNH

Câu 5:

a. Tìm tiếng bắt đầu bằng r, d hay gi thích hợp với mỗi chỗ trống. Viết lại các từ có tiếng tìm được vào vở.

Làm việc cho cả ba thời

Có một con ve thấy bác nông dân nọ làm việc miệt mài, từ sáng đến tối chẳng lúc nào ngơi, liền tò mò hỏi:

- Bác làm việc quần quật như thế để làm gì?

Bác nông dân đáp:

- Tôi làm cho cả ba thời nên không thể ngừng tay.

Ve nghĩ mãi không ... lại hỏi:

- Thế nào là làm việc cho cả ba thời?

Bác nông dân ôn tồn giảng ...

- Trước hết, tôi phải làm việc để nuôi thân. Đó là làm việc cho hiện tại. Nhà tôi còn bố mẹ ... Làm việc để phụng dưỡng bố mẹ là làm vì quá khứ. Còn làm để nuôi con là ... dụm cho tương lai. Sau này tôi già, các con tôi lại nuôi tôi như bây giờ tôi đang phụng dưỡng cha mẹ.

TRUYỆN VUI DÂN GIAN THẾ GIỚI

b. Tìm vần chứa o hay ô thích hợp với mỗi ô trống. Giải câu đố:

- Hoa gì đơm lửa rực h...

Lớn lên hạt ng... đầy tr... bị vàng?

(Là hoa gì?)

- Hoa nở trên mặt nước

Lại mang hạt tr.... mình

Hương bay qua hồ r....

Lá đội đầu mướt xanh.

(Là cây gì?)

Hướng dẫn giải:

a. Điền vào chỗ trống:

Làm việc cho cả ba thời

Có một con ve thấy bác nông dân nọ làm việc miệt mài, từ sáng đến tối chẳng lúc nào ngơi, liền tò mò hỏi:

- Bác làm việc quần quật như thế để làm gì?

Bác nông dân đáp:

- Tôi làm cho cả ba thời nên không thể ngừng tay.

Ve nghĩ mãi không ra, lại hỏi:

- Thế nào là làm việc cho cả ba thời?

Bác nông dân ôn tồn giảng giải:

- Trước hết, tôi phải làm việc để nuôi thân. Đó là làm việc cho hiện tại. Nhà tôi còn bố mẹ già. Làm việc để phụng dưỡng bố mẹ là làm vì quá khứ. Còn làm để nuôi con là dành dụm cho tương lai. Sau này tôi già, các con tôi lại nuôi tôi như bây giờ tôi đang phụng dưỡng cha mẹ.

TRUYỆN VUI DÂN GIAN THẾ GIỚI

b. Điền vào chỗ trống:

- Hoa gì đơm lửa rực hồng

Lớn lên hạt ngọc đầy trong bị vàng?

-> Đáp án là hoa lựu.

- Hoa nở trên mặt nước

Lại mang hạt trong mình

Hương bay qua hồ rộng

Lá đội đầu mướt xanh.

-> Đáp án là cây sen.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Cùng người thân tìm thêm một mẩu chuyện về Bác Hồ.

Hướng dẫn giải:

- Mẩu chuyện tham khảo số 1:

Giữ lời hứa - Bài học về chữ tín

Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa:

- Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé! 

Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:

- Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu. 

Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:

- Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.

- Mẩu chuyện tham khảo số 2:

Thời gian quý báu lắm

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được.

Bác bảo: 

- Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp.

Bác hỏi:

- Chú đến muộn mấy phút?

- Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng bác không đồng ý:

- Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!.

Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Người công dân số một".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Nắm được đặc điểm của câu ghép.

- Rèn luyện kĩ năng Nghe - viết một văn bản cụ thể.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM