Tiếng VIệt lớp 5 bài 6A: Tự do và công lí

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài tập đọc: "Sự sụp đổ của chế độ a - pác - thai" và hiểu được một số nghĩa của từ mới. eLib đã biên soạn bài học này một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo, chúc các em học tốt.

Tiếng VIệt lớp 5 bài 6A: Tự do và công lí

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 58 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Những bức ảnh dưới đây muốn nói điều gì?

Hướng dẫn giải:

Những người trong bức tranh thuộc những màu da khác nhau, có thể là da trắng, da đen hoặc da vàng. Họ cũng thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính khác nhau. Cùng với đó là những hành động khoác vai, đan kết tay, bắt tay, ôm nhau biểu thị tình yêu thương và sự đoàn kết, đồng tâm, nhất trí.

Từ đó ta hiểu được thông điệp mà những bức ảnh này muốn đem đến đó là không phân biệt màu da, tôn giáo, sắc tộc; không phân biệt già, trẻ, lớn, bé; không phân biệt nam nữ, chúng ta cần phải sống đoàn kết với nhau, yêu thương lẫn nhau, trân trọng hơn nữa trẻ em – những mầm non tươi sáng của tương lai ngày mai.

1.2. Văn bản "Sự sụp đổ của chế độ a - pác - thai"

Sự sụp đổ của chế độ a-pác-thai

Nam Phi là một nước nổi tiếng nhiều vàng, kim cương, nhưng cũng nổi tiếng về nạn phân biệt chủng tộc. Chế độ phân biệt chủng tộc ở đây được toàn thế giới biết đến với tên gọi a-pác-thai.

Ở nước này, người da trắng chỉ chiếm 1/5 dân số nhưng lại nắm gần 9/10 đất trồng trọt, 3/4 tổng thu nhập và toàn bộ hầm mỏ, xí nghiệp, ngân hàng,... Ngược lại, người da đen phải làm những công việc nặng nhọc, bẩn thỉu, lương chỉ bằng 1/7 hay 1/10 lương của công nhân da trắng. Họ phải sống, chữa bệnh, đi học ở những khu riêng và không được hưởng một chút quyền tự do, dân chủ nào.

Bất bình với chế độ a-pác-thai, người da đen đã đứng lên đòi bình đẳng. Cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của họ được sự ủng hộ của những người yêu chuộng tự do và công lí trên toàn thế giới, cuối cùng đã giành được thắng lợi. Ngày 17-6-1991, chính quyền Nam Phi buộc phải hủy bỏ sắc lệnh phân biệt chủng tộc. Ngày 27-4-1994, cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc đầu tiên được tổ chức. Luật sư da đen Nen-xơn Man-đê-la, người từng bị giam cầm suốt 27 năm vì đấu tranh chống chế độ a-pác-thai, được bầu làm tổng thống. Chế độ phân biệt chủng tộc xấu xa nhất hành tinh đã chấm dứt trước khi nhân loại bước vào thế kỉ XXI.

(Theo NHỮNG MẨU CHUYỆN LỊCH SỬ THẾ GIỚI)

1.3. Nội dung chính của văn bản

Câu chuyện nói về sự đối xử bất công giữa những người da trắng với người da đen, đó chính là chế độ phân biệt chủng tộc với tên gọi a-pác-thai. Người dân Nam Phi đã dũng cảm và bền bỉ đấu tranh, phản đối chế độ phân biệt chủng tộc. Qua câu chuyện, cũng nhằm ca ngợi cuộc đấu tranh của người da đen là chính nghĩa, nhằm giành lấy quyền tự do, dân chủ và đối xử bình đẳng giữa các chủng tộc.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Chế độ phân biệt chủng tộc: chế độ đối xử bất công đối với những người da đen nói riêng và da màu nói chung.

- Công lí: lẽ phải, phù hợp với đạo lí và lợi ích chung của xã hội.

- Sắc lệnh: văn bản do người đứng đầu nhà nước ban hành, có giá trị như luật.

- Tổng tuyển cử: cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc để bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất của một nước.

- Đa sắc tộc: nhiều chủng tộc.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Chọn lời giải nghĩa ở cột B phù hợp với từ ngữ ở cột A

- Cột A:

a. Chế độ phân biệt chủng tộc

b. Công lí

c. Sắc lệnh

d. Tổng tuyển cử

e. Đa sắc dân tộc

- Cột B:

1. Chế độ đối xử bất công với người da đen nói riêng và da màu nói chung

2. Văn bản do người đứng đầu nhà nước banh hành có giá trị như luật

3. Nhiều chủng tộc

4. Lẽ phải phù hợp với đạo lí và lợi ích chung của xã hội

5. Cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc để bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất của một nước

Hướng dẫn giải:

a - 1

b - 4

c - 2

d - 5

e - 4

Câu 2.

a) Ở Nam Phi, dưới chế độ a-pác-thai, người da trắng chiếm bao nhiêu phần trăm dân số?

b) Người da trắng đã chiếm giữ những quyền lợi gì ở đất nước này? Vì sao nói sự chiếm giữ đó là phi lí?

Hướng dẫn giải:

a) Ở Nam Phi, dưới chế độ a-pác-thai, người da trắng chiếm 1/5 dân số.

b)

- Những quyền lợi mà người da trắng đã chiếm giữ trên đất nước này đó là:

+ Nắm gần 9/10 đất trồng trọt.

+ Giữ 3/4 tổng số thu nhập

+ Chiếm toàn bộ hầm mỏ, xí nghiệp, ngân hàng,…

- Sự chiếm giữ đó là phi lí bởi vì người da trắng chỉ chiếm 1/5 dân số, số người da trắng ít như vậy lại có quyền nắm giữ toàn bộ các cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, đến cả thu nhập cũng nhiều hơn người da đen rất nhiều.

Câu 3.

Những dòng nào dưới đây nói về việc người da đen bị đối xử bất công dưới chế độ A - pác - thai?

a. Không có đất trồng trọt.

b. Phải làm những công việc nặng nhọc, bẩn thỉu.

c. Con em họ không được đến trường học.

d. Lương chỉ bằng 1/7 hay 1/10 lương của công nhân da trắng.

e. Phải sống, chữa bệnh, đi học ở những khu riêng.

g. Không được nhận làm việc ở xí nghiệp hay ngân hàng.

h. Không được hưởng một chút tự do, dân chủ nào.

Hướng dẫn giải:

Những dòng nói về việc người da đen bị đối xử bất công dưới chế độ a-pác-thai là:

b. Phải làm những công việc nặng nhọc, bẩn thỉu.

d. Lương chỉ bằng 1/7 hay 1/10 lương của công nhân da trắng.

e. Phải sống, chữa bệnh, đi học ở những khu riêng.

h. Không được hưởng một chút tự do, dân chủ nào.

Câu 4. 

Thảo luận và trả lời câu hỏi

Bài văn cho em biết những gì về vị Tổng thống đầu tiên của nước Nam Phi mới?

Hướng dẫn giải:

Những điều em biết về vị Tổng thống đầu tiên của nước Nam Phi mới đó là:

- Ông được nhận giải Nô-ben vì hòa bình năm 1993.

- Nen-xơn Man-đê-la là vị Tổng thống đầu tiên của nước Nam Phi mới.

- Ông là người da đen.

- Ông làm nghề luật sư.

- Tên của ông là Nen-xơn Man-đê-la.

- Nhờ tổng tuyển cử đa sắc tộc đầu tiên mà ông được bầu làm tổng thống.

- Ông từng bị giam cầm suốt 27 năm vì đấu tranh chống chế độ a-pác-thai.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Nhớ - viết đoạn thơ trong bài Ê-mi-li, con… (từ Ê-mi-li con ôi! Đến hết)

Hướng dẫn giải:

Ê-mi-li con tôi!

Trời sắp tối rồi…

Cha không bế con về được nữa!

Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa

Đêm nay mẹ đến tìm con

Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn

Cho cha nhé

Và con sẽ nói giùm với mẹ:

Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn!

 

Oa-sinh tơn

Buổi hoàng hôn

Ôi những linh hồn

Còn, mất?

Đã đến phút lòng ta sáng nhất!

Ta đốt thân ta

Cho ngọn lửa sáng lòa

Sự thật.

Câu 2.

a) Viết vào vở những tiếng có chứa ưa hoặc ươ trong hai khổ thơ dưới đây:

Hướng dẫn giải:

Thuyền đậu, thuyền đi hạ kín mui

Lưa thưa mưa biển ấm chân trời

Chiếc tàu chở cá về bến cảng

Khói lẫn màu mây tưởng đảo khơi.

 

Em bé thuyền ai ra giỡn nước

Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm

Biển bằng không có dòng xuôi ngược

Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm.

                                              (Huy Cận)

b) Nêu nhận xét về cách ghi dấu thanh ở các tiếng có ưa và ươ

Hướng dẫn giải:

a) – Những tiếng có chứa ưa: lưa, thưa, mưa, mưa, giữa, mưa

- Những tiếng có chứa ươ: tưởng, tươi, ngược

b) Nhận xét cách ghi dấu thanh ở các tiếng có chứa ưa và ươ:

- Trong tiếng có chứa ưa (không có âm cuối): Đặt dấu thanh ở chữ cái đầu của âm chính ưa – chữ ư

- Trong tiếng có chứa ươ (có âm cuối): Đặt dấu thanh ở chữ cái thứ hai của âm ươ – chữ ơ

Câu 3.

Tìm tiếng có chứa ưa hoặc ươ thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây:

a) Cầu được ……. thấy

b) Năm nắng, …….. mưa

c) …….. chảy đá mòn

d) ……… thử vàng, gian nan thử sức

e) Lựa lời mà nói cho …….. lòng nhau

g) Nắng tốt dưa, ……. tốt lúa

Hướng dẫn giải:

a) Cầu được …ước…. thấy

b) Năm nắng, …Mười….. mưa

c) …Nước….. chảy đá mòn

d) ……Lửa… thử vàng, gian nan thử sức

e) Lựa lời mà nói cho …vừa….. lòng nhau

g) Nắng tốt dưa, …mưa…. tốt lúa

Câu 4.

Thi xếp các thẻ từ vào nhóm thích hợp trong bảng:

- Xếp những từ có chứa tiếng hữu ở các thẻ từ vào bảng phân loại, nhóm nào xếp đúng và nhanh sẽ thắng cuộc.

- Viết vào vở kết quả phân loại đúng.

Hữu có nghĩa là bạn bè       Hữu có nghĩa là có

M. hữu nghị                          M. hữu ích

Hướng dẫn giải:

- Hữu có nghĩa là bạn bè: Hữu nghị, chiến hữu, thân hữu, hữu hảo, bằng hữu, thân hữu, bạn hữu.

- Hữu nghĩa là có: Hữu hiệu, hữu tình, hữu ích, hữu dụng.

Câu 5.

Đặt hai câu với từ có tiếng hữu mang nghĩa khác nhau

Hướng dẫn giải:

- Tôi và anh ấy là những chiến hữu cùng nhau vào sinh ra tử.

- Anh ấy cho tôi những bài học đường đời thật sự rất hữu ích.

Câu 6.

Làm bài tập trong phiếu học tập

a) Nối các từ có tiếng hợp với nhóm A hoặc B

Hướng dẫn giải:

b. Đặt một câu với một từ chứa tiếng hợp

Hướng dẫn giải:

- Bố tôi và cậu tôi cùng nhau hợp tác kinh doanh.

- Tôi nghĩ rằng cô ấy phù hợp ngồi vào vị trí đấy.

3. Hoạt động ứng dụng

Đề bài

Hỏi người thân để biết mỗi thành ngữ dưới đây muốn nói điều gì:

a) Bốn biển một nhà

b) Kề vai sát cánh

c) Chung lưng đấu cật

Hướng dẫn giải:

a) Bốn biển một nhà: người ở khắp nơi đoàn kết như người trong một gia đình; thống nhất về một mối.

b) Kề vai sát cánh: sự đồng tâm hợp lực, cùng chia sẻ gian nan giữa những người cùng chung sức gánh vác một công việc quan trọng.

c) Chung lưng đấu sức: tương tự kề vai sát cánh.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung cơ bản bài tập đọc: "Sự sụp đổ của chế độ a - pác - thai".

- Hiểu nghĩa của một số từ mới.

Ngày:10/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM