Tiếng Việt lớp 5 bài 8B: Ấm áp rừng chiều

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài Tập đọc: "Trước cổng trời", lập dàn ý và viết một đoạn văn tả cảnh. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 8B: Ấm áp rừng chiều

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Câu 1 trang 84 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Quan sát cổng trời

1.2. Văn bản "Trước cổng trời"

Trước cổng trời

(Trích)

Giữa hai bên vách đá

Mở ra một khoảng trời

Có gió thoảng, mây trôi

Cổng trời trên mặt đất?

 

Nhìn ra xa ngút ngát 

Bao sắc màu cỏ hoa

Con thác réo ngân nga

Đàn dê soi đáy suối

Giữa ngút ngàn cây trái

Dọc vùng rừng nguyên sơ

Không biết thực hay mơ

Ráng chiều như hơi khói...

Những vạt nương màu mật

Lúa chín ngập lòng thung

Và tiếng nhạc ngựa rung

Suốt triền rừng hoang dã

Người Tày đi khắp ngả

Đi gặt lúa, trồng rau

Những người Giáy, người Dao

Đi tìm măng, hái nấm

Vạt áo chàm thấp thoáng

Nhuộm xanh cả nắng chiều

Và gió thổi, suối reo

Ấm giữa rùng sương giá.

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài thơ "Trước cổng trời" đã mở ra một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, sinh động nhằm ca ngợi vẻ đẹp vùng núi cao Tây Bắc. Nơi đây rực rỡ sắc cỏ hoa, ruộng nương. Âm thanh vui tai của thác nước, nhạc ngựa. Những dân tộc anh em sống hòa thuận, lao động hăng say.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Nguyên sơ: vẫn còn nguyên vẻ đẹp như lúc ban đầu.

- Vạt nương: mảnh đất trồng trọt trải dài trên đồi, núi.

- Triền miên: dải đất thoai thoải ở hai bên bờ sông hoặc hai bên sườn núi.

- Sương giá: sương lạnh buốt ( vào mùa đông).

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Vì sao địa điểm tả trong bài thơ được gọi là “cổng trời”?

Hướng dẫn giải:

Gọi nơi đây là cổng trời vì đó là một đèo cao giữa hai vách đá; từ đỉnh đèo có thể nhìn thấy cả một khoảng trời lộ ra, có mây bay, có gió thoảng, tạo cảm giác như đó là cổng để đi lên trời.

Câu 2. Hình ảnh cổng trời được miêu tả trong khổ đầu đẹp như thế nào?

Hướng dẫn giải:

Hình ảnh cổng trời được miêu tả trong khổ thơ thứ nhất tựa như là khung cảnh ở trong cõi tiên. Giữa hai bên vách đá lại lộ ra một khoảng không chơi vơi ở giữa. Có gió thoảng mây trôi bao quanh bồng bềnh huyền ảo. Cổng trời như ở trong cõi mơ mà hoá ra lại là thực tại trên mặt đất.

Câu 3. Em hãy tả lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong khổ thơ 2, 3 và 4

Hướng dẫn giải:

Từ cổng trời nhìn ra, qua màn sương khó huyền ảo có thể nhìn thấy cả một không gian mênh mông, bất tận, những cánh rừng ngút ngàn cây trái và muôn vàn sắc màu cỏ hoa, những vạt nương, những lòng thung lúa đã chín vàng màu mật đọng, khoảng trời bồng bềnh mây trôi, gió thoảng. Xa xa kia là thác nước trắng xóa đổ xuống từ triền núi cao, vang vọng, ngân nga như khúc nhạc của đất trời. Bên dòng suối mát trong uốn lượn dưới chân núi, đàn dê thong dong soi bóng mình xuống đáy nước. Không gian nơi đây gợi vẻ nguyên sơ, bình yên như thể hàng ngàn năm nay vẫn như vậy, khiến ta có cảm giác như bước vào cõi mơ.

Câu 4. Điều gì đã khiến cho cánh rừng sương giá như ấm lên?

Hướng dẫn giải:

Cánh rừng sương giá như ấm lên vì có hình ảnh con người, những người Tày, người Giáy, người Dao đang tất bật với công việc (Người Tày từ khắp các ngả đi gặt lúa, trồng rau; người Giáy, người dao đi tìm măng, hái nấm;…)

Câu 5. Trong những cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em thích nhất cảnh vật nào? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Em thích nhất là cảnh đứng trước cổng trời vì có cảm giác như đang được tới một chốn bồng lai tiên cảnh, có gió thoảng mây trôi, tâm hồn sẽ thật sự thư thái khi được cảm nhận không gian ở nơi đó.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một cảnh đẹp ở địa phương em

Hướng dẫn giải:

Mở bài: Giới thiệu chung về Hồ Gươm.

Thân bài:

1. Vị trí địa lí và diện tích

a. Vị trí địa lí

Nằm giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm

Hồ Gươm có vị trí giữa các khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can… và các khi phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỉ

b. Diện tích

Diện tích của hồ là hơn 12ha và dài 700m

2. Tên gọi

LỤC THỦY: hồ được gọi với tên này vì nước hồ xanh quanh năm và là nơi sinh sống của nhiều loại tảo

THỦY QUÂN: hồ dược gọi với tên này là vì do nhà Trần sử dụng hồ làm chỗ luyện tập thủy quân.

HỒ HOÀN KIẾM: tên gọi này bắt đầu từ thế kỷ 15, khi có truyền thuyết “Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần”, ghi lại dấu ấn thắng lợi trong cuộc chiến chống quân Minh (1417-1427).

TẢ VỌNG – HỮU VỌNG: đây là cái tên có từ Thời nhà Mạc, vua cho xây đập, ngăn hồ thành hai nửa để tìm rùa thần. Sau đó, cái đập được giữ lại. Nửa hồ phía Bắc là Tả Vọng, nửa hồ phíaNamlà Hữu Vọng.

3. Lịch sử

Đầu thế kỉ 15 gắn với truyền thuyết “ Trả gươm” của vua Lê lợi

4. Vẻ đẹp thiên nhiên của Hồ

Từ xa nhìn lại hồ như một chiếc gương khổng lồ.

+ Mặt hồ lăn tăn gợn sóng.

+ Nước hồ trong vắt, nhìn rõ đàn cá bơi lội, hay những chú rùa con đang tập bơi.

+ Tháp Rùa cổ kính in bóng xuống đáy hồ.

+ Hai bên hồ, những cây cổ thụ toả bóng mát.

+ Hàng liễu thướt tha rủ bóng xuống mặt hồ.

+ Những bồn hoa đủ loại, đủ màu sắc đua nhau mời gọi lũ ong bướm.

+ Xa một chút là cầu Thê Húc màu son, dẫn vào đền Ngọc Sơn.

+ Mái đền cong cong, cổ kính rêu phong, ẩn mình dưới tán đa già.

+ Tháp Bút đứng hiên ngang sừng sững như khí phách của dân tộc ta.

5. Các công trình gắn liền với hồ: tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Hòa Phong, Tượng đài Lý Thái Tổ

6. Vai trò của hồ

  • Hồ có chức năng điều hòa khí hậu.

  • Là nơi sinh hoạt văn hóa và các lễ hội đặc sắc của Hà Nội.

  • Là nơi yên tĩnh luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí (phố đi bộ)….

  • Nguồn cảm hứng thơ ca và âm nhạc

Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về hồ Gươm: Hồ Gươm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hào hùng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Hồ Gươm là cảnh đẹp nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Mỗi chúng ta đều tự hào về cảnh đẹp nơi đây.

Câu 2.

Dựa theo dàn ý đã lập, viết một đoạn văn miêu tả cảnh đẹp ở địa phương em.

Hướng dẫn giải:

Hà Nội có rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử đẹp nhưng phong cảnh để lại cho em nhiều tình cảm nhất là Hồ Gươm. Hồ Gươm nằm giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm giữa các khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can… và các khi phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỉ. Diện tích của hồ là hơn 12ha và dài 700m. Hồ có rất nhiều tên gọi. Ban đồ hồ có tên là Lục Thủy vì nước hồ xanh quanh năm và là nơi sinh sống của nhiều loại tảo. Tiếp đến hồ có tên là Thủy Quân vì thời nhà Trần, vua sử dụng hồ làm chỗ luyện tập thủy quân. Từ thế kỷ 15 gắn liền với truyền thuyết “Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần”, ghi lại dấu ấn thắng lợi trong cuộc chiến chống quân Minh (1417-1427) hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm. Vào mùa thu Hồ như một bức tranh quyến rũ khiến bao người phải mê hoặc. Xung quanh hồ là rặng liễu ngả bóng soi mình xuống mặt hồ và những cây cổ thụ toả bóng mát. Những bồn hoa đủ loại, đủ màu sắc đua nhau mời gọi lũ ong bướm càng làm cho hồ giống như một lẵng hoa rực rỡ. Bao trùm cả hồ là một sắc xanh biếc khiến hồ giống như một hòn đảo nhỏ giữa lòng thành phố. Từ xa nhìn lại hồ như một chiếc gương khổng lồ. Mỗi buổi sớm mai, mặt hồ lăn tăn gợn sóng đón những tia nắng bình minh. Nước hồ trong vắt khiến du khách nhìn rõ đàn cá bơi lội, hay những chú rùa con đang tập bơi. Xa một chút là cầu Thê Húc màu đỏ son cong cong dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền cổ kính rêu phong, ẩn mình dưới tán đa già. Đằng trước Đền là Tháp Bút đứng hiên ngang sừng sững như khí phách của dân tộc ta. Hồ Gươm là cảnh đẹp nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Em rất tự hào về cảnh đẹp nơi đây.

Câu 3.

Chuẩn bị kể một mẩu chuyện (đoạn chuyện) đã nghe (đã đọc) về quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Hướng dẫn giải:

Những ngày thơ bé, em thường thích nằm vào lòng bà, bên chiếc chõng tre để nghe bà những câu chuyện cổ tích ngày xưa. Và trong đêm nay trăng sáng, bà đã kể về sự tích chú Cuội cung trăng. Câu chuyện khiến em vô cùng thích thú và chú ý lắng nghe từng lời của bà.

Truyện kể rằng, ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao.

Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về.

Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:

– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó, con hãy nhớ nhé!

Nói xong rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở phía đông góc vườn nhà mình, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn nên ngày nào chú Cuội cũng tưới cây bằng nước giếng trong.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.

Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn. Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.

Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm, Nhưng có một hôm, vợ chàng bị ngã vỡ đầu, chàng phải lấy đất sét làm một bộ óc giả thay vào đầu cho vợ rồi dùng lá thuốc quý chạy chữa. Thế mà vợ chàng vẫn tỉnh lại nhưng mắc chứng hay quên.

Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Dù đã dặ vợ không được tưới nước giải vào cây quý nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay.

Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, do quên lời chồng dặn, vợ Cuội đã tưới nước giải vào gốc cây thuốc quý làm nó từ từ rời khỏi mặt đất bay lên cao. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.

Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa….

Nhìn lên vầng trăng sáng trên bầu trời, em như thấy hình ảnh chú Cuội ngồi đó bên cạnh gốc cây quý. Câu chuyện cổ tích không chỉ ca ngợi tấm lòng nhân hậu của chú Cuội, đã dùng cây thuốc quý để cứu người khi bị bệnh mà còn thể hiện ước mơ của loài người được bay lên không trung, vào vũ trụ rộng lớn bao la. Câu chuyện cũng nhắc nhở chúng ta khi làm việc gì cần thận trọng trong mọi công việc, tránh để xảy ra những việc đáng tiếc như gia đình nhà Cuội.

Câu 4. Kể chuyện trong nhóm

1) Mỗi em kể câu chuyện mình đã chọn và chuẩn bị. Nêu điều em cảm thấy thú vị trong câu chuyện.

2) Nhận xét bạn kể (về nội dung câu chuyện và cách kể chuyện.

Câu 5. Kể chuyện trước lớp

Đại diện một, hai nhóm kể chuyện trước lớp.

Câu 6.

Thảo luận: Con người cần làm gì để thiên nhiên mãi tươi đẹp?

Hướng dẫn giải:

Bởi vì thiên nhiên và con người có mối quan hệ mật thiết với nhau nên để thiên nhiên mãi tươi đẹp con người cần phải bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên. Điều đó được thể hiện ra rất nhiều việc mà ta có thể làm xung quanh mình:

- Không xả rác, vứt rác bừa bãi, biết phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định.

- Không phá rừng làm nương rẫy

- Không săn bắn động vật trái phép

- Trồng nhiều cây xanh, thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường quanh mình.

- Yêu thương, chăm sóc và bảo vệ động vật quanh mình

- Tuyên truyền để những người xung quanh hiểu được tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người và phải làm gì để bảo vệ thiên nhiên

3. Hoạt động ứng dụng

Kể cho người thân nghe một câu chuyện nói về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên mà em cho là có ý nghĩa nhất.

Bài tham khảo:

Thiên nhiên tươi đẹp, kì thú, hoà hợp tương hỗ lẫn nhau. Mọi vật xung quanh ta đều tồn tại trên cơ sở đó. Nhưng con người, vì những nhu cầu cá nhân hoặc tính tham lam đã làm tổn hại những yếu tố tự nhiên theo một cách thiếu suy nghĩ. Câu chuyện “Người đi săn và con vượn” em đã học lúc lớp Ba đáng để loài người suy ngẫm.

Có một người thợ săn lành nghề, bắn rất giỏi, bách phát bách trúng, chưa hề bắn trượt một con thú nào. Con thú nào gặp người thợ săn đó là cầm chắc cái chết.

Một hôm, ông xách nỏ vào rừng săn bắn. Ông thấy một con vượn mẹ ngồi ôm con trên tảng đá, ông nhẹ nhàng giương nỏ bắn một mũi tên trúng tim nó. Vượn mẹ giật mình, nó hết nhìn mũi tên lại nhìn người thợ săn một cách căm giận. Tay vượn mẹ vẫn không rời vượn con. Máu ở vết thương của nó rỉ ra, ướt hết cả ngực. Bỗng vượn mẹ đặt con xuống, vơ nắm bùi nhùi gối đầu cho con. Đoạn nó hái cái lá to, vắt sữa vào và đặt lên miệng vượn con. Vượn mẹ chăm chú nhìn vượn con, nét mắt của nó vô cùng đau khổ. Sau đó, vượn mẹ nghiến răng, giật phắt mũi tiên ra, hét lên thật to rồi ngã xuống.

Chứng kiến cái chết của vượn mẹ, người thợ săn đứng lặng, nước mắt chảy ròng. Người đi săn vô cùng hối hận. Lúc ấy, một câu hỏi vang lên trong đầu ông: “Vượn mẹ chết, rồi đây vượn con sẽ sống ra sao?”. Càng nghĩ càng thấy đau lòng, người đi săn bẻ gãy chiếc nỏ và lẳng lặng quay gót ra về. Từ đấy, người thợ săn bỏ nghề săn thú.

Tình yêu con của vượn mẹ đã đánh thức tâm trí của người thợ săn, để đọng lại trong tim ông nỗi niềm ân hận day dứt. Ông bỏ nghề thợ săn là quyết định đúng. Chuyện kể cũng là lời cảnh báo cho toàn thể loài người, khơi dậy trong tâm hồn con người lòng từ ái đối với vạn vật, hoa lá, chim muông. Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ chính mình. Cái chết của vượn mẹ, cái lá đựng sữa của vượn mẹ đặt gần con là thông điệp tốcáo sự tàn nhẫn của con người, rất may mắn là bác thợ săn đã nhận thức đúng lúc: bác bỏ nghề để không còn bắn giết thú rừng nữa.

4. Tổng kết 

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung chính của bài Tập đọc: "Trước cổng trời"

- Vận dụng giải bài tập SGK một cách nhanh chóng và chính xác.

- Lập dàn ý và viết một đoạn văn tả cảnh.

Ngày:11/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM